Pics

Pics

2021/09/24

Từ Kabung-Kruec cho đến Dung Quốc

 Từ Kabung-Kruec cho đến Dung Quốc

Cửa Sa Cần là cửa biển nằm phía bắc cửa ngõ của tỉnh Quảng Ngãi, nơi con sông Trà Bồng đổ ra vụng Quít (Vụng Quất). Từ Cửa Sa Kỳ (Sa kỳ môn) ra khỏi mũi Batangan (Ba-tâ-gân/Ba làng an) đến mũi Nam Trâm (Lâm Trâm) là tìm được lối vào cửa Sa cần này.
Trong sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” triều Nguyễn thì chép: “Tấn Thái Cần ở cách huyện Bình Sơn 10 dặm về Đông-Bắc, cửa biển rộng 45 trượng, thuỷ triều lên sâu 1 trượng, thuỷ triều xuống sâu 8 thước. Có 2 ghềnh đá, một là ghềnh Ông, một là ghềnh Thạch Bàn, cửa lạch rộng, nước sâu, tàu thuyền có thể đi lại; về phía nam ghềnh, cửa lạch hẹp, nước cạn, tàu thuyền không thể qua lại. Phía nam có vịnh gọi là Vụng Quýt". Tấn Thái Cần này chính là Tấn Sa Cần.
Trong “Bài vè về thủy trình" từ Huế vào Sài Gòn có đoạn chép về khu vực này như sau:
Ngó về Cửa Đợi thương ôi!
Hòn Nồm nằm dưới mồ côi một mình.
Tam Ấp, Hà Bứa có rạn trời sinh,
Bàng Than, Cửa Lở luôn kinh An Hòa
Châu Lai, Châu Ổ bao xa,
Trước mũi Vũng Quýt, thiệt là Thống Binh.
Liên quan đến nguồn gốc tên gọi cửa Sa Cần là do có truyền thuyết dân gian kể về sự kiện, vào năm Tân Mão (1471) khi đại quân Lê Thánh Tông trên đường đi đánh Champa (Vijaya) đã ghé nơi đây, quân sĩ thấy có nhiều rau Thái Cần nên đã hái làm lương thực dự trữ nên có tên như vậy. Thái Cần này được người dân gọi thành Rau-Cau. Cũng trọng trận này, vua Lê Thánh Tông chiếm toàn bộ khu vực Vụng Quít.
Về Vũng Quít (Dung Quất ngày nay), trong các ghi chép sử và bản đồ xưa vốn có tên xưa là Vũng Quít, nơi lí tưởng để neo đậu tàu thuyền an toàn vì biển lặng do được che khuất gió bởi dãy núi Batangan.
Trong ghi chép bản đồ “Partie de la Conchinchine” trước tk19, chú “Pt Quiqick” để chỉ cho cửa Vũng Quít 淎橘 (Dung Quất).
Theo các ghi chép, thì tại khu vực Vũng Quít (Dung Quất) khi xưa vốn là khu rừng Quít gai ven biển. Cái tên Vũng Quít được đặt là do sự đặc thù trên của vũng này. Không những thế loài Quít gai này cũng trở thành một đặc điểm để gọi tên thôn [Cây Quít thôn].
Các bản đồ Châu Âu của người nước ngoài, khi chú về vũng Quít với các tên phiên âm như: QuiQuite Harb. (Bản đồ nước Đại Nam dưới thời vua Minh Mạng,1828); Vung Kuit (Die indonesischen Reiche Birma, Siam, Kambodja und Annam- 1867) và một số tấm bản đồ khác.
Đặc biệt, trong tấm bản đồ của Gustave Dumoutier (Từ Thăng Long đến Champa, 1896) vào thế kỷ XV, ông có chú tại khu vực này như sau: Tụng Đàn môn 誦𡊨門 (Cửa Tụng Đàn) chính là cửa Vũng Quít hay Tấn Thái Cần (cửa Thái Cần/Sa Cần) được chép trong ĐNNTC. Và, Vũng Trai Phường 淎齋坊 (淎斎坊) là một thôn phường có tên Vũng Trai tại vị trí/khu vực vũng Quít này.
Trong tiếng Cham, có hai từ để chỉ tên Quít rừng (Quít gai) này:
Danrah /d̪a-nrah/ đọc như; có âm đọc như Đàn trong Tụng Đàn môn.
Kruec [glai] /krʊoɪʔ/ với [glai] có nghĩa là rừng; Kruec có âm đọc như Quất/Quít trong Vũng Quít.
Và Kabung Danrah hay Kabung Kruec là từ để chỉ cho Vụng Quít, với Kabung có âm đọc như Bùng trong tiếng Việt như 淎 (Bọng/Vụng/Vũng).
Cả hai từ này đều có mối liên hệ đến âm ghi chú trong bản đồ thế kỷ XV, của Gustave Dumoutier.
Về mặt địa danh trong tiếng Cham, ta còn tìm thấy sự liên hệ trong cách đặt tên sông Kraong Kruec (tức Sông Quao), là một phụ lưu của Sông Dinh (Kraong Ding) ở Ninh Thuận.
Như vậy, có thể thấy rằng, từ một đặc điểm của vùng đất có khu rừng cây Quít gai 𣘃橘 (KeKuat) đã trở thành tên địa danh cho Vụng Quít淎橘. Và cũng có khả năng địa danh được đặt dựa trên phương ngữ Champa có sẵn trước đó khi mà Danrah hay Kruec [glai] (Quít rừng) trong tiếng Cham đều có khả năng liên hệ với cái tên Tụng Đàn và Vũng Quít.
Trên đây là những gợi ý tham khảo góc nhìn văn hoá Champa về một tên gọi địa danh Vũng Quít, mà cũng có thể có mối tương quan nào đó trong lịch sử vùng đất.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét