Pics

Pics

2021/09/05

Từ Vịnh cảng Kamraiṅ (Cam-Ranh) của Champa nhìn về Biển Đông.

 Từ Vịnh cảng Kamraiṅ (Cam-Ranh) của Champa nhìn về Biển Đông.

Đồng bằng [Cam Ranh], địa danh được phiên âm theo gốc từ tiếng Cham là [Kamraiṅ], tên địa danh này được mô tả trong bia kí số hiệu C.216A (bia Hoà Lai, Ninh Thuận) với cái tên [kamraiṅkoṣṭhāgāram] (đồng bằng kamraiṅ), trước thế kỷ VIII, đồng bằng này thuộc vương quốc Pangdurangga (Phan-Rang), nay thuộc tỉnh Khánh Hoà, nơi có Cảng Cam-Ranh nổi tiếng với địa hình lí tưởng để trở thành một vịnh cảng quan trọng của thế giới có nhiều ưu thế về chiến lược quân sự lẫn thương mại hàng hải quốc tế.
Chúng ta thử nhìn nhận vai trò Vịnh Cảng Cam-Ranh đối với vùng Biển Đông dưới góc độ Champa qua các ghi chép nhỏ dưới đây.
Địa danh Cam-Ranh được ghi chép nhiều trong các bộ chính sử Đại Việt, có thể kể vài ghi chép sau: Trong Toản tập "Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư", tập bản đồ đường xá Việt Nam do Đỗ Bá tự Công Đạo soạn vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII, đã chú tên "Cam Ranh môn" (cửa biển Cam Ranh). Trong một bản đồ khác cũng có niên đại cuối thế kỷ XVII mang tên "Giáp Ngọ niên bình Nam đồ" của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt cũng thấy chép địa danh "Cam Linh môn" (cửa biển Cam Linh) và còn ghi chú thêm: "Cam Linh môn thâm đại" (cửa biển Cam Linh nước sâu).
Như vậy vào TK17, địa danh Cam Ranh/Cam Linh đã được ghi chép rõ ràng và đều chỉ cho địa danh [Cam Ranh] nay thuộc tỉnh Khánh Hoà.
Cam-Ranh được chú trong các bản đồ hành trình của các hạm thuyền Bồ Đào Nha với cái tên Bay Comori hoặc Bay Comorim (tập hải đồ số 22, Advertencias para a navegacao da India-Roteiros). Từ phía biển, các nhà hàng hải xưa đã dựa vào các tiêu điểm tự nhiên, Mahaparvata (Núi Chúa) là ngọn núi lớn ấn tượng để xác định hướng định vị vào vịnh cảng Cam-Ranh này.
Dãy Núi Chúa nhô ra về phía biển được xác định bởi False Verella (Mũi đá vách/mũi đá dựng) như một tiêu điểm dẫn đường vào Cảng Cam-Ranh. Tiêu điểm nhận diện cho vịnh cảng Cam-Ranh (Kamraiṅ) với ngọn núi Mahaparvata (Núi Chúa) có mũi "Cap de False Verella" (mũi Đá Vách) cũng tương tự như phương pháp nhận diện tiêu điểm đối với vịnh cảng Đại Lãnh (Ran-ran) với dãy núi Linggaparvata (Đại Lãnh) với mũi "Cap de Verella" (mũi Đại Lãnh), và cũng vì tính đồng dạng về mặt hình dạng này mà cái tên False Verella (Khánh Hoà nay) được đặt để phân biệt với vị trí Verella ở Phú Yên.
Từ tiêu điểm mũi False Verella (mũi Đá Vách) này, men theo dãy núi đi thẳng về phía Tây là vào thẳng bến đỗ cảng Cam-Ranh. Ngoài tiêu điểm kể trên để tìm lối vào cảng, về phía Đông-Bắc của vịnh cảng còn có một nhóm cù lao đóng vai trò như một bức tường tiêu điểm nhận diện cho khu vực Kauthara (Nha-trang), có thể kể đến các cù lao thường được chọn lựa làm tiêu điểm nhận diện chính như: Pulo Thré (nhóm cù lao hòn Tre), Pulo Dune (hòn Dung/hòn Yến), Pulo Shala (hòn Chà là), nhóm cù lao này, lấy tiêu điểm đất liền tháp Po Ina Nagar (Tháp Bà Nha-Trang) ngự trên đồi Hara (đồi cây Sung) như một tiêu điểm nhân tạo để vào vịnh Nha-Trang. Cũng từ nhóm những cù lao này theo hướng Tây-Nam sẽ vào thẳng vịnh Cam-Ranh.
Vịnh cảng Cam-Ranh giai đoạn thế kỷ XV-XVI, được các nhà hằng hải Bồ Đào Nha đầu tiên đặt chân đến Champa mô tả kỹ lưỡng trong ghi chép về chuyến hành trình trên Biển Đông (biển Champa), nơi đây là một trạm dừng chân lí tưởng, là nơi trú ẩn an toàn và cung cấp dồi dào nước ngọt, đặc biệt trong tập bản đồ số 13 có niên đại khoảng năm 1596 (Advertencias para a navegacao da India-Roteiros, Mangui, Pierre Yves, 1972), mô tả thêm sự nhộn nhịp đông đúc nhiều tàu thuyền lui tới bến đậu để trao đổi buôn bán, trong đó tại đây, gỗ Mun là mặt hàng được ưa chuộng, và cả tàu chiến Champa. Rõ ràng, cảng Kamraiṅ (Cam-Ranh) dưới thời Champa có vai trò quan trọng trong nền kinh tế (mạng lưới thương mại quốc tế) và quân sự của vương quốc lẫn đóng góp ổn định trật tự vùng biển Champa (Biển Đông).




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét