Pics

Pics

2022/01/22

Từ [Chandan] cho đến Đền-Tháp Chiên-Đàn, hay làng Chiên-Đàn.

 Từ [Chandan] cho đến Đền-Tháp Chiên-Đàn, hay làng Chiên-Đàn.

Địa danh Chiên-Đàn được dùng để gọi tên cho một nhóm gồm 3 kalan chính, nhóm tháp thuộc phong cách thờ 3 vị thần tối cao (Brahma-Vishnu-Shiva) riêng biệt tương ứng với 3 kalan khác nhau, được bố trí theo trục bắc-nam. Nhóm Tháp Chiên-Đàn ở làng Chiên Đàn, được cho xây dựng từ khoảng cuối tkX đến tkXI.
Người Việt khi đến xứ này, gọi với tên Nôm 旜𡊨 (Chiên/Chan-Đàn) vừa để đặt tên cho làng Chiên-Đàn và Đền-Tháp cùng tên. Đền-tháp toạ lạc nơi trung tâm đồng bằng Tam-kỳ (Chiên-Đàn), ăn theo con nước sông Tam Kỳ từ nguồn Chiên-Đàn ở dãy núi phía tây, cửa ngõ lối vào từ hướng đông từ biển ở hai cửa mà, trong tập bản đồ của Dumoutier (Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV) với cái tên Đại Chiêm Môn 大占門 ở phía bắc và Hoà Hợp Môn 和合門, Tụng Đàn môn 誦𡊨門 ở phía nam, mặc dù nhóm đền-tháp Chiên-Đàn chia hai cửa ngõ từ biển vào gần như bằng nhau, nhưng, dựa vào thế địa hình không gian, thì cửa ngõ phía Nam (Hoà Hợp Môn 和合門) có vẻ là lối vào chủ đạo cho không gian đồng bằng với nhóm đền tháp Chiên-Đàn này.
Nguồn gốc tên gọi này xuất phát từ gốc tiếng Cham, để chỉ cho một loại cây Thần, được gọi là Chandan/Chandral, tiếng Việt gọi là Cây Đàn Hương. Đây là cây gỗ quý cho hương thơm, mọc nhiều và nổi tiếng ở cánh rừng ven biển Chiên-Đàn này, được người Champa xưa dùng làm tinh dầu đàn hương và ưa chuộng dùng tạc các bức tượng thờ thần, đồng thời cũng là nguồn hàng xuất khẩu được các nước ưa chuộng thời bấy giờ.
Cây [Chandan] thể hiện thuộc tính của Thần Vishnu, hay có thể nói rằng xứ sở này được xem là xứ sở của thần Vishnu, mà hoá thân thứ 7 của thần chính là thần khỉ Rama, liên hệ trực tiếp đến cánh rừng (Đàn Hương) đầy hương thơm trong gió biển, tô điểm cho vẻ đẹp của ngọn tháp Chandan hay ngọn núi Prasravana án ngữ mặt tây xứ sở. Các điêu khắc hiện diện ở chân tháp Chiên-Đàn này cũng mô tả những thuộc tính của Vishnu với những hình ảnh được mô phỏng trong điển tích Ramayana.
Chandan/Chandral có gốc tên tiếng Phạn là Chandana, ngày nay được biết với cái tên thông dụng là Sandalwood.
[Chandan] được phiên âm thành 旜𡊨 (Chiên/Chan-Đàn) và cũng là nguồn gốc tên gọi để chỉ cho nhóm đền-tháp Chiên-Đàn và ngôi làng cổ xưa Chiên-Đàn.
P/s: Hiện nay, có một số bài viết được phổ biến để nói về nguồn gốc tên gọi đền tháp Chiên-Đàn này có gốc từ tiếng Cham (có gốc từ tiếng Phạn) là Chandan để chỉ cho cây Lô-Hội? Có vẻ cây Lô-Hội hay còn gọi là Cây Nha-Đam? Hay cái tên Lô-Hội này còn tên gọi khác để chỉ cho cây Đàn-Hương trong tiếng Việt?





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét