Pics

Pics

2017/05/01

Tìm Lại Dáng Nhà Xưa ( Tóm tắt ) - Jaya Thiên


***
***       Thử đi ngược lại về mặt không gian lẫn thời gian, dọc dài các Tỉnh Duyên hải Miền Trung, ta sẽ tìm, chắp vá lại được những đặc điểm, vết tích mà khi xưa con dân đất nước Champa xưa một thời hung thịnh rực rỡ đã để lại cho mai sau, với những quần thể kiến trúc Tháp, các giếng nước ngọt quanh năm không cạn nước, với các tục lệ thờ cá Ông, với những làng nghề thủ công đúc đồng, dệt vải, nặn gốm, kiến trúc nhà ở,…Qua bao cuộc biến chuyển lịch sử, Chăm di dời và co cụm, có thay đổi lai qua nhiều đời,…nay cộng đồng ấy tập trung nhiều nhất tại hai tỉnh Ninh – Bình Thuận. Trong những di sản mà người Chăm để lại phải kể đến quần thể kiến trúc nhà ở truyền thống. với bố cục khuôn viên 1-3-5-7 đơn vị nhà trong một quần thể khuôn viên ở. Để thích nghi cho đặc điểm khí hậu này mà người Chăm đã sáng tạo ra loại hình nhà tranh vách đất, hai lớp mái,…để phù hợp với điều kiện tự nhiên cho vùng khí hậu duyên hải này sao cho tốt nhất.

***       Qua thời gian, loại hình nhà truyền thống này có sự thay đổi nhiều, bởi do sự tiếp nhận của lớp người mới, với tập quán sinh hoạt mới và kể cả quan niệm, tư duy tâm linh, tôn giáo kèm theo. Tuy vậy chúng ta vẫn còn có thể nhận biết được chúng qua vài đặc điểm đặc trưng nhất. ( Sẽ được trình bày trong phần sau ).
Với sự thay đổi mới này đã mang cho nó một cái tên gọi mới tuỳ theo vùng miền như:
- Nhà Mái xông (Quảng Trị)
- Nhà Bỏ đất (hay Trần bích) (Quảng Nam)
- Đảo Lý Sơn gọi là nhà Đắp (Quảng Ngãi)
- Nhà Lá mái. (Bình Định, Phú Yên)
- Sang Lâm ( Ninh – Bình Thuận )
Trong các tỉnh thành trên duy chỉ có ở Ninh – Bình Thuận là có quy mô và đầy đủ nhất cả về mặt kiến trúc lẫn quan niệm Nhân sinh – Vũ trụ quan. Trong bố cục khuôn viên nhà truyền thống Chăm có thể phân loại như sau: Nhà hai lớp mái, nhà Chân cột chôn sâu dưới đất, nhà cột trên đá tảng, nhà có nền đắp đất và nền cách đất. Ở các tỉnh thành khác thì tên gọi khác đi và quy mô nhỏ hơn. Nguyên do vì sao lại có tên gọi khác là do bởi khi tiếp nhận và duy trì thì các đơn vị nhà được dựng riêng lẻ, không đủ các đơn vị như ban đầu, nên chức năng mục đích, tên gọi,…mà theo đó thay đổi theo. Tuy nhiên gom góp lại ta có thể nêu ra vài đặc điểm dưới đây theo từng địa phương rồi sẽ thấy những đặc điểm ấy đều nằm trong tổng thể Nhà truyền Thống Chăm hiện nay.
                                                           Nhà người Chăm Ninh Thuận
                                                               Nhà lá Mái ở Phú Yên

***       Các đặc điểm chung:
a.       Hệ thống khung nhà ( Kết cấu khung nhà ): Khung gỗ vì kèo, vì cột chịu lực. Gồm hệ vì 3 cột, vì kèo 3 cột ( trốn cột giữa ), vì kèo 4 cột ( trốn cột giữa ) và vì kèo 6 cột ( trốn cột giữa).
-          Hệ khung này được chôn sâu dưới đất hay đặt trên đá tảng tuỳ vào loại nhà.
-          Vách đắp đất sét trộn rơm rạ, vôi,…Lõi làm bằng các bổ cột và hệ khung lưới đan bằng tre đã qua xử lí ngâm nước, cột lại bằng dây mây tạo thành ô lưới khoảng 10cm x 10cm.
b.       Hệ sàn nhà: Ta có sàn đắp đất sét trộn rơm nện chặt và sàn gỗ cách đất.
c.       Phần Mái:  Hệ 4 mái. Tuỳ vào đơn vị nhà mà có hệ 1 lớp mái hay 2 lớp mái. Mái được lợp bằng cỏ tranh hay rơm rạ, bện chặt với nhau thành mảng rồi buộc vào hệ thống rui mè bằng dây mây, mái dày lên đến 50cm.
-          Với hệ 2 lớp mái, với phần mái dưới bằng đất sét được đắp và nện chặt vào hệ thống khung lưới mái làm bằng tre đã qua xử lí, đặt trên hệ đà gỗ đã qua xử lí để tránh mối mọt. Đất sét được nện chặt bằng chày cho đạt đến độ cứng ưng ý là có độ dày khoảng 10cm. Để làm mái trên người ta cho bổ các trụ chính đi xuyên qua lớp mái đất sét này với chiều cao đã được tính toán trước. Hệ mái trên được lợp bằng cỏ tranh hay rơm rạ.
-          Tuỳ vùng khí hậu mà khoảng cách giữa hai lớp mái có sự khác nhau như: Ở Quảng Trị thấp nhất, Quảng Nam trung bình, Bình Định cao nhất.
d.        Bố cục mặt bằng: Do sự tiếp nhận và biến đổi qua nhiều thế hệ nên bố cục khuôn viên nhà ở đây có quy mô và quan niệm khác nhau.
Nhà chính: thờ cúng và nơi nghỉ ngơi của đàn ông. 
Nhà cầu: nhà nối với nhà chính cũng là nơi nghỉ ngơi của phụ nữ. 
Nhà lẫm: kho chứa lúa. 
Nhà bếp (bao gồm sân phơi bên trong): nấu nướng và chế biến nông sản
. 

***       Kiểu kiến trúc này đã cho chúng ta thấy về sự thích nghi một cách có hiệu quả với thiên nhiên, đảm bảo cân bằng về mặt sinh thái tự nhiên, thân thiện với môi trường. Ngôi nhà được bao bọc bằng hệ vách đất trộn rơm, tăng khả năng chống cháy và điều hoà thân nhiệt cho ngôi nhà. Phần mái nhà dù bị cháy hay dột thì phần mái dưới có chức năng bảo vệ, chống cháy và dột.

***       Những đặc điểm trên được góp nhặt từ các ngôi nhà riêng lẻ ở các tỉnh thành, tất cả đều chứa đựng trong khuôn viên nhà truyền thống người Chăm. Hẳn cho chúng ta thấy ở đây có sự kế thừa, ảnh hưởng từ nền kiến trúc nhà ở của người Chăm. Và cần có đầu tư nghiên cứu chuyên sâu hơn để đi đến đáp án.