Pics

Pics

2020/12/23

𝐁𝐀̀𝐈 𝟒: CHÚNG TA HIỂU GÌ TỪ CÁC THÔNG ĐIỆP?

 𝐁𝐀̀𝐈 𝟒: CHÚNG TA HIỂU GÌ TỪ CÁC THÔNG ĐIỆP?

Như ở các bài trước về “Khảo sát mối tương quan giữa cạnh Yoni với các thành phần kích thước của đền tháp Champa”, chúng tôi đã giới thiệu về phương pháp vẽ Mandala tháp Champa và mối tương quan của nó với hình học tỉ lệ vàng.
Như chúng tôi đã giới thiệu, kiến trúc đền-tháp Champa có cấu trúc mô phỏng cấu trúc vũ trụ thu nhỏ, biểu diễ sự hiểu biết này dưới dạng một Symbol từ 2D đến 3D, ở đó Atman kết nối với Bharman của chính mình bằng một sợi chỉ thông linh.

Ngoài những kĩ thuật xây dựng, công nghệ vật liệu,…mà đến nay chúng ta vẫn chưa lí giải được, hay chưa đi đến sự thống nhất thì chúng ta vẫn còn mù mờ trong lối tiếp cận thực sự từ bên trong. Hay chúng ta từ chối nó, một dạng phản xạ tự nhiên khi chúng ta chỉ ở bên ngoài nó?!. Các tiền nhân, những người nắm giữ kĩ thuật, bí mật của đền-tháp Champa đã không còn, chúng ta cũng không tìm thấy được các văn bản (vật thể) nào được tìm thấy về đồ án đền tháp này. Nhưng,...không vì thế mà nó bị thất truyền, hẳn các tiền nhân đã chiêm nghiệm và biết đâu là phương thức bảo lưu bền vững nhất cho dù các văn bản hành văn dẫu không còn. Đó là bằng cách lồng ghép các thông điệp của nó vào các câu chuyện sáng thế, các truyền thuyết dân gian gần gũi với đời sống xã hội, nghiêm ngặt bởi hệ thống các phương thức hành lễ tôn giáo mà không dễ bị xoá bỏ hay thay đổi được cái cốt lõi giá trị, các nguyên tắc trong việc tính kích thước xây dựng nhà cửa, đồ dùng, hay ngay cả dệt vải.... Các giá trị phi vật thể như các câu chuyện huyền thoại, truyền thuyết,…chúng biểu hiện bên ngoài là những câu chuyện hư ảo, không thực, đôi khi bất hợp lí,…bởi lồng ghép nhiều giá trị khác nhau, đồng thời cũng xuất hiện nhiều dị bản bởi do phương thức lưu truyền bằng miệng qua lối kể chuyện, nhưng bên trong nó đang ẩn tàng về bí mật, thông điệp đã được tiền nhân gửi gắm bên trong.

Trong bài này chúng tôi sẽ diễn giải, giới thiệu về giá trị thông điệp này thông qua câu chuyện sáng thế Po Ina Nagar (Mẹ Xứ sở)

Về truyền thuyết mang tính vũ trụ luận tôn giáo cho rằng:
“… Bà là vị thần từ cõi trời xuống trần gian, Bà có 97 người chồng, 36 người con tượng trưng cho 37 màu máu, 37 màu máu biến thành 37 giống cây trồng, vật nuôi và các tục lệ cúng thần khác. Thân thể bà đồng nhất và tượng trưng cho các phần khác nhau của vũ trụ: Thân của bà chính là bầu trời, đầu của bà chính là mũ đội của các vị vua, của các sư cả Balamôn, cánh tay của bà tượng trưng cho Sao Cày, đôi chân bà là sao Bắc Đẩu, răng của bà rìu đá của thần Sấm Sét, …”
Một dị bản khác thì cho rằng: “Nữ thần Po Ina Nagar với tên gọi đầy đủ là Po Yang Ina Nagara được sinh ra từ mây trời và từ bọt biển, nữ thần đã hiện thân dưới hình dáng một khúc gỗ kỳ nam nổi trên mặt biển. Bà có 97 người chồng, trong đó Po Yang Amô là người yêu có nhiều mãnh lực nhứt, và bà đã sinh 38 người con gái, đều cũng đã trở thành nữ thần như mẹ. Bà đã tạo sinh ra đất đai, cây kỳ nam và lúa gạo, không khí chung quanh bà đượm mùi thơm của lúa và chính bà đã đem sinh khí cho cây sung thần”

Mỗi bộ phận của cơ thể của Po Ina Nagar còn tượng trưng cho từng bộ phận của vũ trụ:
- Thân mình Po là phần trời (rup Po Ina Nagar sidah tok ka lingik).
- Ðầu Nữ thần là mão đội đầu của các vị cả sư (Cham Ahier) (akaok Po Ina Nagar sidah tok ginrang po adhia)
- Cánh tay Po, sao lưỡi cày (tangin Po Ina Nagar sidah tok ka batuk baoh lingal
- Ðôi chân Po, sao Bắc đẩu (takai Po Ina Nagar sidah tok ka batuk ahaok).
- Răng Po, lưỡi rìu đá thần sấm sét (takei Po sidah tok ka katal klak di kayau).
- Giọng nói của Po, tiếng sấm sét (sap po sidah tok ka gram manhi min)
- Hơi thở của Po, là gió, bão (jawa Po sidah tok ka angin, rabuk min)
- Võng nằm (kiệu khiêng) của Po là 4 hướng Ðông, tây, nam, bắc (ayun Po sitah tok kapun, pai, ut, dak, mraong ,barak).
- Po Ina Nagar có 8 cái bùa phép (dalapan takai sarak). Mỗi cái bùa Po Ina Nagar lập ra trời đất, mặt trời, mặt trăng (yang harey, yang bilan), thân thể con người; tạo thành Chăm Ahier, Chăm Awal. Po Nagar còn tạo ra lịch pháp, dạy người Chăm biết sử dụng ngày tháng năm.
- Tư liệu Chăm còn viết đến sự đấu tài giữa Nữ thần mẹ Po Ina Nagar và thần Cha (Po yang ama) trong việc tạo dựng vũ trụ. Po Ina Nagar thắng thế, vì vậy Po Ina Nagar lại sinh ra thần Cha (Po yang ama, thần Siva (on sibaiyon), và sinh ra 9 vị thần khác cùng các vị vua Chăm để cai quản đất nước (Po Ina Nagar trun salipan yang gréh padang nagar palei).
Qua câu chuyện sáng thế của Mẹ xứ sở Po Ina Nagar, ta thấy ở trong đó, hay chính Po là đại diện hình ảnh cấu trúc vũ trụ, mà trong đó ta đọc được các con số được liệt kê dưới đây:
- Po Ina Nagar là duy nhất, tạo ra tất cả (0) -> (1) -> (2) -> (3). (hư vô -> Trụ đá -> Linga-Yoni -> Brahma-Vishnu->Shiva).
- Với cơ số (4),(8) Po lập ra cặp nhị phân (2): Trời|Đất; Mặt Trời|Mặt Trăng; Đực|Cái; Ahier|Awal.
- Cái võng (hình thoi 4 cạnh) Po nằm tạo tạo thành (4) hướng, trục Đông-Tây, Nam-Bắc
- Po có 36 (4x8) người con đại diện cho (36+1) thiên cang, 36 tử huyệt chính của cơ thể.
Trong đó 36/3 =12 = (4+8); 36x3 = 108 = (36+72); hay 3+6 = 7+2 = 108/12 = 9. Với 12 cung, cũng là 12 kinh mạch chủ, hay 12 chòm sao chủ của bầu trời.
- Po có 97 người chồng (thần Cha) tức (96+1) = (4+8)x8 +1 = 32x3+1.
- Po tạo ra (9) vị thần, (9) vị vua để cai quản đất nước.
- Cánh tay Po là Chòm Sao Cày (Orion)
- Đôi Chân Po là chòm Sao Bắc Đẩu (Big Dipper)gồm 7 sao chính và 2 sao phụ.
- Răng Po, lưỡi rìu của thần Indra, chính là chòm sao Thập tự phương nam.
- Hơi thở Po là Gió, Bão, có ngôi sao đại diện là chòm sao Lạp Hộ (Betelgeuse)
- Giọng nói Po là tiếng sấm sét,…
Các con số xuất hiện cùng các hệ cơ số của nó, chúng có mặt trong các nghi thức hành lễ, trong sinh hoạt hằng ngày của người Cham hiện nay và đi kèm là các nguyên tắc.
Ngoài ra, người Cham quan niệm mỗi con người chúng ta cũng được ví như Bimong, tức như toà tháp, hay chính là sự tương đồng giữa con người với vũ trụ.
“Cham ngak Bimong di batuk ahaok” tạm dịch “Người Cham dựng đền ở/tại sao Thất tinh”. Hay chính cấu trúc (7)-(9) ngôi sao cấu thành chòm sao Thất tinh này chính là tâm điểm, là lỗ rốn, nơi mà các linh khí tụ lại, tại đây ta đặt nơi để dựng tháp, và chính ngọn tháp là sợi chỉ kết nối, truyền dẫn dưỡng chất để sinh tạo, như Brahma được sinh ra từ lỗ rốn của Vishnu, thông qua một sợi chỉ (dây rốn) thông linh. Như một đứa trẻ cần trải qua 9 tháng trong một cái bào của mẹ, mọi dưỡng chất, dưỡng khí để nuôi dưỡng đứa bé đều được truyền dẫn qua sự thông linh của dây rốn, như một biểu tượng tượng trưng cho một quá trình tái sinh trong một đám tang Cham, thi hài của người khuất được đặt trong một cái bào sợi dây thông linh kết nối từ lỗ rốn đến tấm Lâmlim (tượng trưng cho vũ trụ) được treo bên trên cái bào, trải qua 9 tháng nằm bào (tượng trưng) để được tái sinh thông qua nghi thức đám thiêu. Ắt hẳn Kalan chính của một quần thể đền tháp Champa phải là tâm điểm, là lỗ rốn, mà ở đó chính nó tự trở thành sợi chỉ thông linh kết nối với tâm điểm năng lượng vũ trụ tương ứng với chòm sao Batuk ahaok (Bắc Đẩu).
Trong các con số, chúng ta chú ý thêm về dãy số 36-72-108 (tương ứng với tỉ lệ 1:3:9) với 108 = (36+72). Trong đó 36 đại diện trời, 72 đại diện đất, tổng hoà kết nối ta có con số 108 là căn bản của vũ trụ, và bởi mỗi chúng ta là là một tiểu vũ trụ nên 108 cũng chính là cái toàn vẹn của con người, với 108 đại huyệt chính, 108 phân khúc, 108 này cũng chính là số hạt trong chuỗi tràng hạt mà Po Adhia (Cả sư) nắm giữ,…
Thử so sánh bằng một phép tính mà con số 108 này xuất hiện với 3 điểm mốc Mặt Trăng – Trái Đất –Mặt Trời, ở đây chúng tìm ra kết quả thú vị sau: Khoảng cách giữa trái đất và mặt trời gấp 108 đường kính mặt trời, khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng gấp 108 lần đường kính mặt trăng, đường kính của mặt trăng gấp 108 lần đường kính trái đất.
Vậy con số 108 này có ý nghĩa gì trong đền-tháp Champa? Trong bài viết tiếp theo chúng tôi sẽ trình bày mối tương quan hình học giữa các hành tinh với nhau qua phép vẽ hình học dây.








Bài 3: BIỂU DIỄN PHƯƠNG PHÁP VẼ HÌNH HỌC DÂY TRÊN CÔNG THỨC TỈ LỆ VÀNG TỪ TỔNG THỂ ĐẾN CHI TIẾT.

 Bài 3: BIỂU DIỄN PHƯƠNG PHÁP VẼ HÌNH HỌC DÂY TRÊN CÔNG THỨC TỈ LỆ VÀNG TỪ TỔNG THỂ ĐẾN CHI TIẾT.

Chọn điển hình đền tháp Po Klong Garai để biểu diễn.







Bài 2: Yoni Đơn vị - Mối tương quan kích thước và phương pháp vẽ Mandala đồng tâm.

Bài 2: Yoni Đơn vị - Mối tương quan kích thước và phương pháp vẽ Mandala đồng tâm.

(Jaya Thiên) 

Trong bài trước, chúng tôi đã giới thiệu về “Khảo sát Mối Tương Quan giữa cạnh Yoni với cạnh trong Tháp Champa”, bằng phương pháp hình học dây để xác định được các đường tròn đồng tâm và các hình vuông nội-ngoại tiếp nó như một cách thực hành vẽ một mandala biểu tượng. Xem Yoni là đơn vị hạt nhân, ta chọn kích thước cạnh Yoni như một đơn vị kích thước hạt nhân ban đầu thể thực hành phép tính này. Kết quả thu được theo tỉ lệ (Cạnh Yoni : Cạnh trong tháp) được biểu diễn như sau:
• Mỹ Sơn A1, Pode Nagar Nha Trang, MS C1, MS E4, MS F1, MS A, Phố Hài : Cạnh Yoni = Cạnh hình vuông nội tiếp thứ 4 = 1/√2 x1/√2x1/√2x1/√2 =1/4 Cạnh lớn trong.
• MS C3, MS E5 , MS G1, Yang Mum , MS B4 , MS A10: Cạnh Yoni = Cạnh hình vuông nội tiếp thứ 3 = 1/√2x1/√2x1/√2 =1/2x 1/√2 Cạnh lớn trong.
• MS E1, MS C7: Cạnh Yoni = Cạnh hình vuông nội tiếp thứ 5 = 1/√2x1/√2x1/√2x1/√2x1/√2 =1/4x1/√2 Cạnh lớn trong.
Trong bài này, chúng tôi chọn điển hình Kalan Chính của Đền-Tháp Po klong Garai (ứng với tỉ lệ Cạnh yoni = 1/4 cạnh trong tường tháp) để diễn giải phương pháp vẽ các Mandala đồng tâm và tỉ lệ hình học được áp dụng để tính toán. (Xem các hình tham khảo đính kèm)
Như đã xác nhận, Yoni chính là giá trị kích thước ban đầu là một đơn vị. Theo thứ tự lần lượt, chúng tôi dùng phương pháp tách lớp để cố gắng trình bày một cách dễ hiểu nhất và có thể tự thực hành.
• Bước 1: Chọn bệ Yoni có dạng hình vuông với cạnh AxA (Với A=2a), ta thu được được hình vuông cạnh (a x a) được phân chia bởi hai đường trục Đông-Tây, Nam-Bắc.
• Bước 2: Thực hiện phép vẽ hình chữ nhật tỉ lệ vàng từ hình vuông cơ sở có cạnh (a x a) thu được từ bước 1, với tâm điểm gốc O, thực hiện phép vẽ hình chữ nhật tỉ lệ vàng (tỉ lệ vàng trong toán học và nghệ thuật) với tỉ lệ đoạn thẳng: (O1)/(12)=(O2)/(O1) = 1.618 = Phi (φ), tương ứng với mỗi lớp đường tròn khai căn (√1, √2, √3,…) lần lượt ta thu được các hình chữ nhật tỉ lệ vàng tương ứng, đồng thời ta vẽ được các đường tròn Mandala đồng tâm với điểm gốc Tâm O như hình tương ứng. Kết quả thực hiện từ phép vẽ này đến hình chữ nhật √8, đồng thời ta thu được đường tròn Mandala lớp 8. Chính Mandala lớp 8 này là điểm giới hạn không gian trong lòng tháp (Cạnh tường trong Tháp). Cũng bằng phương pháp này ta tìm được Cạnh tường ngoài Tháp và Chân đế tường ngoài Tháp.
• Bước 3: Kết quả thu được tại bước 2 được biểu diễn như hình minh hoạ. Với hình vuông cơ sở ban đầu có cạnh (a x a) ta thu thêm được 3 hình vuông có cùng kích thước với hình vuông cạnh (a x a) ban đầu, và nó đúng bằng kích thước của một hình vuông Yoni có cạnh (A x A). Hay có thể nói, từ Yoni ban đầu ta tìm được điểm giới hạn không gian cạnh tường trong của Tháp với phép duỗi thẳng 4 ô vuông từ phép chia ở bước 1.
• Bước 4: Ta biểu diễn kết quả thu được ở bước 2 bằng hình vuông cân bậc hai tại lần thứ 8 (√8), Kết quả thu được ta tìm được: hình vuông (a) = 1/16 hình vuông (A). Mà hình vuông (A) chính là hình vuông ¼ yoni được chọn ở bước 1.
• Bước 5: Kết quả thu từ bước 4 ta đem vào đồ hình mặt bằng tháp, kết quả thu được lần lượt tương ứng với: 64 ô vuông (a) được tạo bởi hệ ô lưới (8x8) cho hình vuông Yoni; 1024 ô vuông (a) được tạo thành bởi hệ ô lưới (32x32) cho hình vuông cạnh trong Tháp; 4096 ô vuông (a) với hệ lưới (64x64) cho hình vuông cạnh ngoài Tháp; 5184 ô vuông (a) với hệ lưới (72x72) cho hình vuông cạnh chân tường ngoài Tháp.
Các kết quả thu được từ phép vẽ trên cho chúng ta thấy được mặt bằng đồ hình Mandala của Đền Tháp Champa được tạo nên bởi tỉ lệ hoàn hảo mà ngày nay chúng ta biết được với tên gọi Tỉ Lệ Vàng. Nó được biểu diễn như hình đính kèm dưới đây. Với hệ số tỉ lệ AC/CB = AB/AC = AB/BD = AD/AB = 1.618 = Phi (φ)











Bài 1 : 𝐊𝐇𝐀̉𝐎 𝐒𝐀́𝐓 𝐌𝐎̂́𝐈 𝐓𝐔̛𝐎̛𝐍𝐆 𝐐𝐔𝐀𝐍 𝐆𝐈𝐔̛̃𝐀 𝐂𝐀̣𝐍𝐇 𝐘𝐎𝐍𝐈 𝐕𝐎̛́𝐈 𝐂𝐀̣𝐍𝐇 𝐓𝐔̛𝐎̛̀𝐍𝐆 𝐓𝐑𝐎𝐍𝐆 𝐓𝐇𝐀́𝐏 𝐂𝐇𝐀𝐌𝐏𝐀

 Bài 1: 𝐊𝐇𝐀̉𝐎 𝐒𝐀́𝐓 𝐌𝐎̂́𝐈 𝐓𝐔̛𝐎̛𝐍𝐆 𝐐𝐔𝐀𝐍 𝐆𝐈𝐔̛̃𝐀 𝐂𝐀̣𝐍𝐇 𝐘𝐎𝐍𝐈 𝐕𝐎̛́𝐈 𝐂𝐀̣𝐍𝐇 𝐓𝐔̛𝐎̛̀𝐍𝐆 𝐓𝐑𝐎𝐍𝐆 𝐓𝐇𝐀́𝐏 𝐂𝐇𝐀𝐌𝐏𝐀

(Tác giả: Lê Trí Công – Jaya Thiên)
Trong các nghiên cứu về kiến trúc đền-tháp Champa, cho đến nay chúng ta chỉ biết đến các đề tài giới thiệu về phong cách kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc đền-tháp. Ngoài các bài viết mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu khái quát về mối tương quan giữa toán học và kiến trúc thông qua bài: “Vũ trụ quan đền tháp Champa; Tỉ lệ vàng và module cơ thể người trong kiến trúc Champa”. Thì, hiện nay chúng ta vẫn chưa biết đến, hay có một nghiên cứu/bài viết cụ thể nào đề cập đến mối tương quan giữa toán học và nghệ thuật kiến trúc Champa. Nay, chúng tôi với tham vọng và muốn dẫn dắt các bạn đến với một góc nhìn khác trong đề tài nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc Champa và cũng chỉ ra công thức hạt nhân trong đề tài nhỏ này.
Kiến trúc đền-tháp Champa được biết như một cách hiểu biết của người Champa về vũ trụ/biểu diễn sự hiểu biết về vũ trụ dưới dạng một đồ án kiến trúc, hay mối tương quan giữa con người Champa với vũ trụ đó, tương ứng giữa một Atman với Bharman, đó chính là biểu hiện của sự hiểu biết về một “Triết học Champa”.
Trước khi đi đến chi tiết của bài viết, chúng ta cùng điểm lại những tri thức dân gian đã và đang được áp dụng như một gợi mở về một ý niệm mà ở đó bí mật đang được cất giấu bên trong. Trong các văn bản được lưu truyền về câu chuyện sáng thế kỷ về người mẹ xứ sở Po Ina Nagar, trong đó các gợi ý về những con số, cấu trúc của các ngôi sao, hành tinh để tạo thành một Po Ina Nagar hay nói cách khác, chính Po Ina Nagar là biểu tượng đại diện cho vũ trụ này.
Hay như câu lưu truyền “Cham ngak Bimong di batuk ahaok” tạm dịch “Người Cham dựng đền ở/tại sao Thất tinh”. Và có lẽ sự thất truyền đã khiến chúng ta hiểu không đầy đủ trọn vẹn văn bản của nó để mà sự diễn giải của chúng ta chỉ trong phạm vi hạn hẹp về một ý niệm phương hướng lấy nhóm sao Thất tinh làm chủ để xác định hướng Bắc cùng với sự xuất hiện của Mặt trời để xác định được hai trục quan trọng để xác định rõ về phương hướng Bắc-Nam, Đông-Tây, hay cấu trúc gồm 7 ngôi sao chính và 2 ngôi sao phụ hợp thành một cấu trúc năng lượng chủ hay trung tâm năng lượng (chú ý con số 7-9). (Chúng tôi sẽ diễn giải nó ở một bài viết khác).
Người Cham quan niệm mỗi con người chúng ta tự là một toà tháp Kalan, nó tương ứng vớ sự hiểu biết của chúng ta về mối tương quan giữa con người và vũ trụ hay giữa một Atman với Brahman, thông qua “sợi chỉ thông thiêng”.
Những nguyên tắc bắt buộc về kích thước được quy định rõ ràng từ việc xây dựng nhà cửa, xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng như dựng Kut, dựng rạp, nhà lễ cho các đám của người Cham hay ngay cả trong những vật dụng sinh hoạt đều áp dụng tỉ lệ cơ thể người làm chuẩn.
Đó là cái căn bản để đi vào sự hiểu biết về kiến trúc đền tháp Champa. Mà ở đó, sự hiểu biết về con người, về cái bản thể mà tỉ lệ kích thước của nó được xem như một cấu trúc hoàn chỉnh để biểu diễn sự hiểu biết của chúng ta về cấu trúc vũ trụ thông qua một đồ hình tổng thể của kiến trúc đền tháp.
Kiến trúc đền-tháp Champa với đồ hình vuông hay chữ nhật đối xứng được phát triển từ một hình vuông cơ sở theo một tỉ lệ (công thức) nhất định khiến cho tổng thể hài hoà cân đối tương ứng với tỉ lệ con người, mà ở đó việc xác định được hạt nhân căn bản chính là điều quan trọng nhất. Hay có thể nói hệ đơn vị hạt nhân này được lựa chọn dựa trên kích thước của người được lựa chọn, hay theo kích thước của vị thần chủ mà dựa vào đó người chủ trì công viêc thiết kế sẽ tính toán để đưa ra một đồ hình tương ứng với vũ trụ quan.
Trong bài viết ngắn này chúng tôi cố ý muốn đưa ra mối tương quan tỉ lệ giữa đơn vị Yoni với cạnh trong của kalan chính. Dựa trên các bản vẽ của Henri Parmentier đã đo vẽ khảo tả thực địa ngay tại thời điểm của ông, chúng tôi đưa về tỉ lệ 1/100 và biểu diễn lại bằng phần mềm ACad.
Ở đây chúng tôi sử dụng phương pháp hình học dây để xác định được các đường tròn đồng tâm và các hình vuông nội-ngoại tiếp nó như một cách thực hành vẽ một mandala biểu tượng. Trong phương pháp này chúng tôi chọn cạnh của hình vuông Yoni như một đơn vị ban đầu, cũng như thể chính tâm của Yoni này là tâm điểm của đồ hình Mandala này vậy.
Theo phép vẽ này chúng ta có được cạnh hình vuông nội tiếp = 1/√2 kích thước cạnh hình vuông ngoại tiếp, bằng phép vẽ liên tục chúng ta tìm được cứ mỗi lớp đường tròn đồng tâm ta lại có mỗi lớp 1/√2 tương ứng. Hay có thể nói đây là tính bao hàm của triết lí, hệ số tỉ lệ toán học.
Kết quả chúng tôi thu được khi thực nghiệm bằng phép vẽ này đối với những ngôi tháp đã chọn cho ra kết quả được biểu diễn như sau:
• Mỹ Sơn A1, Pode Nagar Nha Trang, MS C1, MS E4, MS F1, MS A, Phố Hài : Cạnh Yoni = Cạnh hình vuông nội tiếp thứ 4 = 1/√2 x1/√2x1/√2x1/√2 =1/4 Cạnh lớn trong.
• MS C3, MS E5 , MS G1, Yang Mum , MS B4 , MS A10: Cạnh Yoni = Cạnh hình vuông nội tiếp thứ 3 = 1/√2x1/√2x1/√2 =1/2x 1/√2 Cạnh lớn trong.
• MS E1, MS C7: Cạnh Yoni = Cạnh hình vuông nội tiếp thứ 5 = 1/√2x1/√2x1/√2x1/√2x1/√2 =1/4x1/√2 Cạnh lớn trong.
Cũng với phương pháp này chúng tôi tìm ra tỉ lệ tương ứng để xác định được kích thước tường bao ngoài cùng của khuôn viên đền tháp. Ở đây chúng tôi thực nghiệm đối với đền tháp Po Klong Garai.
Hiện nay, tri thức về kĩ thuật xây dựng đền-tháp Champa đã thất truyền, tuy nhiên rải rác những mảnh ghép về sự hiểu biết tri thức này đang còn ẩn chứa qua những kinh kệ, nguyên tắc hành lễ đang được hậu duệ Champa duy trì và việc tuân thủ các nguyên tắc đó đảm bảo tính bảo tồn nguyên vẹn, đặc biệt việc tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc về đo lường đảm bảo cho đồ án kiến trúc-xây dựng đảm bảo tính hài hoà cân đối và nhờ đó nó được bảo tồn ổn định.
Việc biểu diễn biểu tượng triết học thông qua kiến trúc không khác hơn đó chính là sự hiểu biết tri thức tổng hợp trong đó nghệ thuật toán học được biểu diễn với một tỉ lệ hoàn hảo nhất. Việc biểu diễn biểu tượng triết học thông qua thực hành kiến trúc.











2020/11/06

PHONG CÁCH HY LẠP TRONG KIẾN TRÚC ĐỀN THÁP CHAMPA - Jaya Thiên

PHONG CÁCH HY LẠP TRONG KIẾN TRÚC ĐỀN THÁP CHAMPA - Jaya Thiên


Phong cách Hy Lạp, một phong cách nghệ thuật xuất hiện khá khiêm tốn trong nghệ thuật kiến trúc đền tháp Champa trong những giai đoạn đầu của nghệ thuật kiến trúc Champa từ khoảng thế kỉ VII-XIII. Sự ảnh hưởng phong cách Hy Lạp này lên Champa không dựa trên con đường trực tiếp từ Hy Lạp mà được tiếp nối thông qua Ấn Độ. Là kết quả của cuộc xâm chiếm của đế chế Ba Tư vào khoảng năm 520 TCN bởi triều đại Dairius Đại Đế và duy trì khoảng 2 thế kỷ sau đó trên phần Tây Bắc tiểu lục địa Ấn Độ lúc đó đã tác động lớn đến nền văn minh Ấn Độ. Và khu vực này trở thành nơi pha trộn giữa các nền văn hoá bao gồm Ấn Độ, Trung Á, Ba Tư, Hy Lạp, khởi đầu cho sự phát triển và giao thoa loại hình nghệ thuật kiến trúc Ấn - Hy Lạp tại đây, phát triển cực thịnh cho đến thế kỉ 5CN.

Sự ảnh hưởng này sau đó được du nhập vào Champa qua nhiều con đường mà trực tiếp từ Ấn Độ trong buổi đầu lập quốc Champa bởi các nhóm vương giả có lẽ từ khu vực Bắc Ấn với tích cách thích phiêu lưu và chinh phục, lớp vương giả này đã từng bước thiết lập nên nhà nước Lâm Ấp đầu tiên và phát triển lên vương quốc Champa trong các thế kỉ tiếp theo .
Phong cách nghệ thuật này được thể hiện chi tiết trên các Trụ Cột trong khu thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam). Cụ thể trong khu vực thánh địa Mỹ Sơn, trước nhóm tháp B1 ta thấy có 8 trụ cột lớn bằng đá (Sa thạch), Trụ cột này thuộc công trình tháp hành lang, là tiền sảnh nối giữa tháp chính B1 với tháp Cổng. Có thể khẳng định rằng Trụ cột này mang đậm phong cách Hy Lạp trong giai đoạn giao thoa với Ấn Độ tại vùng Tây Bắc Ấn.
Kiến Trúc Tháp B1 xây hoàn toàn bằng đá, là tháp duy nhất cho đến này được xây dựng bằng đá Sa thạch. Các Trụ cột thuộc tháp Hành lang nối tiền sảnh tháp B1 với tháp cổng thuộc nhóm B1.
Tháp B1 và các Trụ Cột



Chi tiết Trụ cột trong thánh địa Mỹ Sơn

*** Phong cách Hy Lạp (Thức cột cổ điển Hy Lạp) được thể hiện trong chi tiết Trụ cột:
  • Thức Cột cổ điển Hy Lạp: Có 3 dạng thức cột cơ bản trong kiến trúc Hy Lạp: Thức cột Doric, thức cột Ionic, thức cột Corinth. Là hệ thống tỉ lệ hoàn mỹ và mang hình thức trang trí ở các công trình đền đài hay công trình công cộng của Hy Lạp.
  • 3 Thức Cột cổ điển Hy Lạp


    • Trụ cột trong kiến trúc đền tháp Champa:
    + Từ hình ảnh và tỉ lệ chi tiết ta có thể biết được Trụ cột trong kiến trúc đền tháp Champa ( B1 ) thuộc/ kế thừa dạng thức cột Ionic, với dáng vẻ thon, mảnh hơn, mang dáng dấp nữ tính.
    + Trụ cột gồm 3 phần: Đế - Thân – Đầu cột.
    + Trụ cột trong nhóm B1 này có thân trụ lục giác không rãnh và trụ lục giác có rãnh. Thân thẳng đều. Nếu so với thức cột Ionic Hy Lạp với thân trụ hình tròn thì ta thấy thân trụ cột trong kiến trúc Champa có cạnh lục giác (một số khác có trụ bát giác, trụ vuông, trụ tròn), rõ ràng đó là sự chuyển tiếp sáng tạo cho phù hợp với triết lý của nước sở tại.
    + Phần Đế và Đầu cột có trang trí cách điệu đài sen nở, trên và dưới một đế vuông.
    Chi tiết cánh sen này cho ta biết đã có sự tiếp nhận có sáng tạo (giao thoa văn hoá) của người tiếp nhận.
    Vật liệu đá của trụ cột và với tháp B1 cũng cho thấy một phần đặc trưng kiến trúc Hy Lạp cổ.

    Chi tiết Chân đế Trụ cột trang trí cách điệu đài sen nở


    *** Phong cách giao thoa Hy Lạp này tạo nên một điểm riêng khác biệt hoàn toàn so với nghệ thuật kiến trúc đền đài các nước trong khu vực chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ. Cho đến nay chi tiết phong cách này ít được chú ý quan tâm đến.
    Nếu ta làm khảo sát nghệ thuật Phật giáo Đồng Dương ắt hẳn sẽ thấy nhiều chi tiết mang dang dấp, ảnh hưởng phong cách nghệ thuật Hy Lạp tại nơi đây. Mà sự giao thoa này diễn ra mạnh cho đến thế kỉ 5CN ở khu vực Bắc Ấn.

2020/08/21

Kết quả công tác trùng tu Đền-tháp Po Ina Nagar

 Kết quả công tác trùng tu Đền-tháp Po Ina Nagar

***

Quần thể đền-tháp Po Ina Nagar là một quần thể công trình kiến trúc tôn giáo của Champa, thờ các vị thần Champa, trong đó tên gọi cho quần thể này được đặt theo tên của thần Mẹ Xứ Sở Po Ina Nagar, quần thể đền-tháp được xây dựng trên một quả đồi cao khoảng 12m ngay bên cửa sông Cái (Pabah Praong).
Những bia ký còn sót lại cho chúng ta biết khu đền-tháp đã được xây dựng và tu bổ qua nhiều thời kỳ từ tkVII-XII, trải qua nhiều biến cố lịch sử khu đền tháp đã dần xuống cấp hư hại.
Trong những năm đầu tkXX, quần thể đền tháp đã được sự chú ý của các giới khoa học Pháp quan tâm, trong đó có H.Parmentier, trong cuốn “Monument Cams De L'Annam” được xuất bản năm 1909, H.P đã thực địa đo vẽ, ghi chép khảo tả hiện trạng quần thể đền tháp Po Ina Nagar này. Tại bản vẽ đính kèm ở trang 36, ông đã công bố bản vẽ tổng thể hiện trạng vị trí mặt bằng quần thể đền tháp (xem hình đính kèm), trong đó có những tháp đã hư hại nghiêm trọng chỉ còn ghi nhận được phần đế tháp. Các ghi chép của H.P vẫn luôn là nguồn tư liệu quan trọng để dùng làm đối sánh trong công tác tôn tạo, trùng tu di tích kiến trúc đền tháp này.
Là một công trình kiến trúc tôn giáo có giá trị đặc sắc, nên từ sớm, vào những năm 30 của tkXX quần thể đền tháp đã được người Pháp trùng tu lần đầu trong nỗ lực ngăn chặn sự đổ vỡ của các ngôi tháp, đến những năm 90 của tkXX đền tháp lại được trùng tu lần nữa, đợt trùng tu gần đây nhất vào năm 2010 trong nỗ lực trùng tu cho ngôi tháp Nam, cũng là đợt trùng tu có khối lượng lớn để tái định hình lại hình dáng kiến trúc đối với ngôi tháp nam này.
Vậy, qua những đợt trùng tu trên ta đã đạt được những kết quả nào?
(1) Về tổng thể mặt bằng, dựa trên bản vẽ của H.P ta thấy các tháp D, E, G đã mất vết, hay chỉ còn vết tích nhỏ về hệ thống nền móng bị thay thế, lấp dưới các công trình phụ, hay trở thành lối đi lại bên trên được lót gạch sân. Đáng lẽ thay vào đó chúng ta cần lập vành đai bảo vệ tính nguyên vẹn hiện trạng di tích, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tính nguyên vẹn hiện trạng ấy mà trong Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hoá đã được Bộ Văn hoá – Thông tin ban hành tại Quyết định 05/2003/QĐ-BVHTT.
(2) Hiện trạng các tấm bia đã chuyển dời khỏi vị trí cũ, đặc biệt có một tấm bia bằng chữ Cham cổ bị xếp vào góc khuất, nhường chỗ cho các tấm bia dựng lại bằng chữ Việt, Trung quốc để phục vụ du lịch.
(3) Dự án trùng tu ngôi tháp Nam (kí hiệu B, trong bản vẽ của H.P) là đáng chú ý hơn cả.
Dựa vào bản vẽ chi tiết của H.P trong sách đã dẫn và “Le sanctuaire de Po-Nagar à Nhatrang” cùng tác giả để so sánh đối chiếu với kết quả trùng tu đối với ngôi tháp này năm 2010:
- Kiến trúc của ngôi tháp Nam (B) này có hình dạng kiến trúc đặc biệt với hệ mái cong vòm bầu dần đều lên đến đỉnh mái, kết thúc tại cạnh góc là điểm viền cong vòm theo dạng mái này. Nhưng qua kết quả trùng tu chúng ta thấy rằng hệ mái cong vòm bầu đều này đã không được thực hiện điểm viền góc, nhìn bằng mắt thường ta thấy hệ mái bị gãy khúc khi gần đến ngọn.
-Phần chóp tháp qua kết quả trùng tu, bị biến thành hình bầu tròn như kiểu bầu hồ lô (trong phong cách chóp tháp Champa không có motif bầu tròn hồ lô nào để làm đối sánh tương tự) và khác xa với mô tả của H.P rằng phần chóp tháp này (phần đế chóp) có dạng hình cạnh múi, và tiếp giáp giữa chóp tháp và đỉnh mái tháp có motif điêu khắc tượng bò thần, nhưng kết quả trùng tu không thể hiện được đúng như nguyên bản.
(4) Loại vật liệu gạch dùng trong công tác trùng tu không phù hợp như trọng lượng gạch nặng lơn, đặc không có khả năng thấm hút và khô nhanh nên gây ra hiện tượng gạch bị ngậm nước lâu khô, chỉ qua hai ngày mưa thì xuất hiện hiện tượng gạch mới bị ngậm nước và thấm ngược dột nước vào bên trong (đối với tháp Nam) gây ra hiện tương ẩm mốc bám rêu trên lớp gạch mới.
*** Từ những điểm trên chúng ta có thể đặt ra câu hỏi chất vấn cho công tác trùng tu đối với đền tháp này về:
- Dựa vào motif kiến trúc nào mà các nhà trung tu dựa vào đấy để định hình và xét duyệt về hình dạng kiến trúc của tháp trong công tác trùng tu của mình (đặc biệt là hệ thống mái và chóp mái tháp Nam)?
- Tiêu chí nào để quyết định phê duyệt về việc thay thế kỹ thuật, chất liệu cũ bằng kỹ thuật chất liệu mới? và đã trải qua quá trình thí nghiệm vật liệu ấy có những kết quả mang tính khả thi khi áp dụng?

Bản vẽ mặt bằng hiện trạng đền tháp Po Ina Nagar đính kèm trong cuốn “Monument Cams De L'Annam” của H.P
Bản vẽ mặt bằng hiện trạng đền tháp Po Ina Nagar đính kèm trong cuốn “Monument Cams De L'Annam” của H.P