Pics

Pics

2019/04/16

Panduranga – Vài dòng lạm bàn (P3)


Panduranga – Vài dòng lạm bàn (P3)
(Jaya Thiên )

P3: Địa Danh nổi bật của Panduranga
II: Khu vực Panrik, thủ đô cuối cùng phía nam Panduranga ( Phan Rí )
Khu vực Bình Thuận hiện nay có 3 địa danh có đông người Chăm sinh sống nhất là:
- Kraung: Chăm khu vực huyện Tuy Phong ngày nay.
- Parik: Chăm khu vực Phan Rí ngày nay.
- Pajai: Chăm khu vực Phan Thiết ngày nay.
Đây chính là 3 đồng bằng rộng lớn khu vực Bình Thuận cho đến hiện nay.
Bal Pangdurang là thành trì cuối cùng của Panduranga có thủ đô đặt ở Bal Canar làng Tịnh Mỹ - Phan Rí – Bình Thuận ngày nay.
Địa Danh:
- Kraung là khu vực đồng bằng ăn nước theo sông Lòng Sông – Tuy Phong.
- Parik là đồng bằng ăn nước theo sông Luỹ - Phan Rí.
- Pajai là đồng bằng ăn nước theo con sông Phú Hài.
- Hamu Lithit ( Ruộng Lithit ) là cánh đồng ruộng ăn nước của sông Phú Hài ở cuối dòng, bây giờ tạo thành một thành phố Man/Phan Thiết như hiện nay.
- Nugar Latik, phần mũi đất nhô ra biển nay là La Di(Gi) xã Bình Thạnh.
- La ngâ ( hạt mè ), khu vực sông La Ngà nay.
- Hamu Paauk là cánh đồng (cây) xoài.
- Chamaik (Vĩnh Hảo), thuộc huyện Tuy Phong, là danh lam thắng cảnh được ghi nhận vào sử sách Champa và Đại Việt, nơi tiên cảnh dưới trần gian. Chế Mân đã từng dẫn Huyền Trân đến viễn cảnh nơi đây.
- Hòn Bà, một hòn đảo nhỏ nhô ra giữa biển, cách bờ biển La Gi chừng 2 km về phía Đông, nơi đây có đền thờ Po Ina Nagar nay là đền thờ Thiên Y Ana.
- Đảo Phú Quý hay Cù Lao Thu, nơi có đền thờ công chúa Bàn Tranh ( có lẽ là Po Sah Ina), trước nay được người Chăm thờ cúng, sau này người Chăm không còn sống trên đảo, nay chỉ còn người Việt ( Kinh ) sinh sống và thờ cúng tại đền thờ công chúa Bàn Tranh.
- Lamngâ Parik ( cảng Phan Rí ) cửa Sông Luỹ đổ ra biển Đông ngày nay, cảng biển cổ của Champa xưa mang tính chất kết nối, giao thương kinh tế biển, hàng hải lớn nhất tại khu vực thành Bal Pangdurang.
- Lamngâ Pajai, cảng Phú Hài, cửa sông Phú Hài đổ ra biển Đông ngày nay, là cảng biển phụ trợ, phát triển kinh tế hàng hải, kết nối đồng thời với cảng Parik.
Các con Sông- Kênh - Đập chính, quyết định nền kinh tế nông nghiệp Panrik:
- Krong Biuh/krong Binh ( Sông Luỹ ), bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Đồng, một nhánh đổ về Panran (Krong Laa- Phan Rang ), một nhánh chạy về hướng Đông Tây đổ ra cửa Phan Rí hình thành con Sông Luỹ này.
- Krong La Ngâ, là con sông La Ngà ngày nay. Bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh chảy qua Bình Thuận và Đồng Nai ( Đồng Nai hạ ).
- Krong Pajai ( Sông Phú Hài ), bắt nguồn từ con sông Cái tẻ nhánh đổ về đồng bằng Mamu Lithit ( Phan Thiết ) nơi cửa biển Phú Hài.
- Krong Paauk ( Sông Mao ), sông nằm cạnh Ga Sông Mao ngày nay.
- Hồ Cà Dây, đập Cà Dây. Công trình do Hoàng tử Po Dam xây dựng, cung cấp nguồn nước cho đồng bằng Sông Luỹ. Ngoài ra ông còn cho làm nhiều đập chặn nước phục vụ tưới tiêu cho người Chăm trong khu vực như: La Bá, Para, cây Đa, Soi, Đồng Măng, Đá Hàn, Pani, Chà Vầu, Ma Tang, Đồng Mới, các đập đều có giá trị thuỷ lợi trọng điểm còn tồn tại đến ngày nay.
Ngoài ra còn nhiều địa danh như Tà Cú, Tà Zôn, Núi Bà, Hòn Rơm, Mũi Kê (Khê ) Gà, Đồng Nai thượng, Đồng Nai hạ, Vũng Tàu,...những địa danh có tên gọi mang tính bản địa, có nhiều giải thích nghĩa nhưng vẫn chưa có tính thống nhất nên tạm ẩn.
P/s: Các địa danh sẽ được cập nhật, bổ sung cho hoàn chỉnh trong các bài viết liên quan.

Panduranga – Vài dòng lạm bàn (P2)

Panduranga – Vài dòng lạm bàn .(P2) 
(Jaya Thiên )
P2: Địa Danh nổi bật của Panduranga
I: Khu vực Panran ( Phan Rang )
Trước tiên là 4 địa danh nổi bật hiện nay chỉ cho 4 khu vực đông người Chăm nhất.
- Paran : Chăm khu vực Phan Rang ngày nay.
- Kraung: Chăm khu vực huyện Tuy Phong ngày nay.
- Parik: Chăm khu vực Phan Rí ngày nay.
- Pajai: Chăm khu vực Phan Thiết ngày nay.
Hai ngọn núi ở hai đầu Ninh Thuận là:
- Cơk Kaduk : Núi Cà Đú thuộc xã Hộ Hải huyện Ninh Hải, toạ phía bắc Ninh Thuận
- Cơk Cabbang: Núi Cha Bang thuộc xã Phước Nam huyện Ninh Phước, toạ phía nam Ninh Thuận.
Các con Sông- Kênh - Đập chính, quyết định nền kinh tế nông nghiệp khu Panran:
- Krong Ding: Sông Dinh ( Sông Phan Rang ) là con sông lớn nhất ở khu vực cung cấp nước cho đồng bằng Panrang, bắt nguồn từ con sông Cái đổ ra biển Champa ( Biển Đông ).
- Krong Laa: Sông Lu/Sông Biêu/Sông Viêu. Bắt nguồn từ cao nguyên phía tây nam tỉnh thuộc huyện Bác Ái, cung cấp nước cho đồng bằng khu vực Pandarang ( đồng bằng Phước Dân - huyện Ninh Phước nay ) nhập dòng vào Krong Ding rồi đổ vào biển Champa.
- Krong Pha: Sông Pha, cung cấp nước cho đồng bằng Sông Pha, thuộc huyện Ninh Sơn.
- Krong Kacwa: Sông Cả, Sông Cái. Là con sông lớn nhất tỉnh, bắt nguồn từ cao nguyên phía tây bắc thuộc huyện Ninh Sơn, về đến khu vực đồng bằng Phan Rang thì gọi thành Krong Ding.
- Banưk Kacwa: Đập Lâm Cấm, thuộc khu vực Phan Rang ngày nay, công trình do vua Poklong Garai lập nên.
- Banưk Caklaing: Đập Nha Trinh, thuộc huyện Ninh Phước ngày nay, công trình do vua Poklong Garai lập nên.
- Banưk Cakhoh: Đập Nha Húi / Nha Hố thuộc huyện Ninh Sơn ngày nay, công trình do Poklong Garai lập nên.
- Ngoài ra còn có các đập khác do vua Po Rame lập nên dọc trên dòng chảy của krong Laa, phục vụ tưới tiêu cho khu vực đồng bằng phía nam thuộc huyện Ninh phước như: Đập Cà Tiêu, Chà Vin, Ma Rên, Cây Đa, Ma Giăng, Tà Nôn, Cà Tuôn. Trong đó đập Ma Rên nằm trong khu vực thành Biuh Bal Batsinâng.
- Ribaung Kamei – Ribaung Lakei: Mương Cái – Mương Đực. Đây là hai con mương được hình thành từ sự ngăn dòng trên Sông Dinh bởi đập Nha Trinh do vua Poklong Garai lập nên. Mương Cái chạy về mạn đồng bằng phía bắc, mương đực xuôi về mạn đồng bằng phía nam.
Địa Danh:
- Bal Huh: Thủ đô Huh thuộc thành Nại ( Bal Sri Banây) , nay là làng Cổ Hủ ( làng Mỹ Tường ) thuộc huyện Ninh Hải.
- Bal Ywa: Thủ đô Ywa hiện chưa xác thực được khu vực, có thể thuộc thành Bal Hanguw – Khu Sông Pha!
- Bal Lai: Thủ đô Lai, nay là khu vực tháp Hoà Lai – Ninh Thuận
- Bal Caung: Thủ đô Caung thuộc thành Bal Pangdurang (Phước Dân ngày nay).
- Bal Canar: Thủ đô Canar thuộc thành Bal Pangdurang, làng Tịnh Mỹ (Phan Rí ngày nay).
- Sri Banây –Thi Nại ( Đầm Nại ): Đầm Thi Nại hay Nại thuộc thành Bal Sri Banây , cửa biển thuộc huyện Ninh Hải ngày nay, là trung nơi đậu thuyền bè và là vựa sản xuất Muối lớn nhất của Panduranga xưa.
- Canah: Cà Ná, làng chài cổ của người Chăm Panduranga, nằm ở phía nam của Phan Rang thuộc huyện Thuận Nam.
- Lamngư Panduranga: Cửa/cảng Phan Rang ngày nay. Là cảng lớn nhất của Panduranga, nơi Krong Ding (sông Dinh) đổ về biển Đông (Champa). Cửa /cảng này quyết định nền kinh tế trọng yếu của khu vực Panran của Panduranga xưa.
- Lamngư Canah: Cảng Cà Ná ngày nay, là một trong những cảng phụ trợ góp phần phát triển nền kinh tế biển của Panduranga xưa.
Hiện tại ở khu vực Ninh Thuận gồm 22 làng Chăm (Palei Cham):
•1. Palei Bal Riya: làng Bình Nghĩa, thuộc xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc.
•2. Palei Pa-mblap Klak: thôn An Nhơn, thuộc xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải.
•3. Palei Pa-mblap Biraw: thôn Phước Nhơn, được tách ra từ palei Pamblap Klak, thuộc xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải.
•4. Palei Cang: thôn Lương Tri, thuộc xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn.
•5. Palei Tabeng: làng Thành Ý, thuộc xã Thành Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
•6. Palei Baoh Bini:làng Hoài Trung, thuộc xã Phước Thái, huyện Ninh Phước.
•7. Palei Dara: trước là làng Như Ngọc, nay là làng Như Bình, thuộc xã Phước Thái, huyện Ninh Phước.
•8. Palei Baoh Dana:làng Chất Thường, thuộc xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước.
•9. Palei Mblang Kacak:thôn Phước Đồng, thuộc xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước.
•10. Palei Cauk:làng Hiếu Lễ, thuộc xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước.
•11. Palei Baoh Deng:thôn Phú Nhuận, thuộc xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước.
•12. Palei Hamu Tanran:làng Hữu Đức, thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.
•13. Palei Thuer:làng Hậu Sanh, thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.
•14. Palei Hamu Craok:làng Vĩnh Thuận (Bầu Trúc), thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.
•15. Palei Caklaing:làngMỹ Nghiệp, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.
•16. Palei Bal Caong: làng Chung Mỹ, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.
•17. Palei Cuah Patih:làng Thành Tín, thuộc xã Phước Hải, huyện Ninh Phước.
•18. Palei Patuh:làng Tuấn Tú, thuộc xã An Hải, huyện Ninh Phước.
•19. Palei Ram:làng Văn Lâm, thuộc xã Phước Nam, huyện Thuận Nam.
•20. Palei Aia Li-u:thôn Phước Lập, thuộc xã Phước Nam, huyện Thuận Nam.
•21. Palei Palao: thôn Hiếu Thiện, thuộc xã Phước Nam, huyện Thuận Nam.
•22. Palei PaBha: làng Vụ Bổn, thuộc xã Phước Nam, huyện Thuận Nam.
Lời bàn:
Ta thấy các Thành trì, thủ đô luôn đặt tại những đồng bằng tương đối rộng, phù hợp canh tác nông nghiệp nơi có các con sông, kênh, đập phục vụ sản xuất phát triển kinh tế nông nghiệp, đồng thời tiếp cận nơi cửa biển để thuận tiện giao thương, phát triển kinh tế biển lẫn du nhập văn hoá.
- Thành Bal Sri Banây –Thi Nại ( Đầm Nại ): được bao bọc bới núi cao ở phía bắc và tây, tiếp cận biển qua cửa Thi Nại. Nhưng đây chỉ là Thành tạm thời khi Vijaya bị thất thủ.
- Thành Bal Hanguw – Khu Sông Pha: được hình thành dựa trên hai dòng chảy của con sông Cái và sông Dinh tạo thành một vùng đồng bằng phì nhiêu, có ba mặt được bao bọc bởi dãy núi, một mặt mở về hướng đông xuôi theo dòng Krong Ding ( Sông Cái - Sông Dinh ), tạo thành một luỹ thành mang tính chiến lược trong quân sự, và là thành được dời từ Bal Sri Banây khi bị quân Khmer chiếm đóng.
- Thành Biuh Bal Batsinâng Bal Pangdurang: được hình thành dựa trên hai dòng sông Krong Laa và Krong Ding tạo thành một vùng đồng bằng rộng lớn nhất Panduranga, và cũng là địa bàn tập trung các làng Chăm vây quanh xung quanh trên gò đất cao hơn ở khu vực Phước Dân ngày nay, và cũng là trung tâm thủ đô Bal Caung xưa. Đây là thành được hình thành sau khi đánh đuổi quân Khmer ra khỏi lãnh địa để tái thiết nền tự chủ, dãy núi cao bọc phía tây thành, ba mặt còn lại được bọc bởi hai con sông trên tạo nên chiến luỹ quân sự bằng sông. Là vùng đồng bằng rộng lớn có ý nghĩa to lớn trong việc sản xuất nền kinh tế nông nghiệp, đồng thời tiếp cận bên ngoài thông qua Lamngư Panduranga (Cửa/cảng Phan Rang ) và tiếp cận miền trung/cao nguyên phía tây với các tộc anh em trong khu Panduranga bằng đường sông Krong Ding và Krong Laa…

Qua trên ta thấy vị trí các thành trì, cửa cảng của Panduranga xưa tại vùng Panrang mang tính chiến lược cao trong cả yếu tố quân sự, phát triển kinh tế Nông –Ngư nghiệp lẫn du nhập và xuất khẩu kinh tế, kết nối cả 4 chiều Đông tây – Nam bắc một cách chặt chẽ nhờ đường sông đông tây, biển bắc nam vươn ra bên ngoài, kết nối chặt chẽ với các cộng đồng đồng tộc khác thuộc cư dân Panduranga xưa.
Những giá trị, tầm nhìn của cha ông để lại đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị như ban đầu.
Nếu có những cuộc khảo sát, khảo cổ tại những vị trí này ắt hẳn sẽ cho ta nhiều điều bất ngờ đang ẩn mình dưới lớp đất thời gian!
P/s: Khu vực Kraung - Parik - Pajai ( Bình Thuận ) sẽ nằm trong bài kế tiếp.

Panduranga – Vài dòng lạm bàn (P1)

Panduranga – Vài dòng lạm bàn (P1)
(Jaya Thiên )
***
Khi xem xét, đối chiếu qua các tài liệu sử có ghi chép về Champa nói chung và khu vực Panduranga nói riêng, đặc biệt trong tập Sakkaray Dak Rai Patao (Biên niên sử Panduranga) viết riêng cho Panduranga. Mình tổng hợp các Thủ đô và địa danh nổi bật tại khu vực này theo thống kê + Vài lời bàn dưới đây:
1. Po Uwaluah, thủ đô là Bal Sri Banây.
2. Po Binnasur, thủ đô là Bal Sri Banây.
3. Po Putik, thủ đô là Bal Sri Banây.
4. Po Sulika, thủ đô là Bal Sri Banây.
5. Po Klaong Garay. thủ đô ở Bal Sri Banây.
6. Po Sri Agarang Đóng đô ở Bal Hanguw.
7. Cei Anâk. Con của vua Po Sri Agarang, đóng đô ở Bal Hanguw , sau đó dời thủ đô về Bal Anguai.
8. Po Dobatasuar. Đóng đô ở Bal Anguai.
9. Po Patarsuar. Em của vua Po Dobatasuar, đóng đô ở Bal Anguai.
10. Po Binnasuar. Em của vua Po Patarsuar, đóng đô ở Bal Anguai.
11. Po Parican. Đóng đô ở Bal Anguai.
12. Po Kasit. Con của vua Parican, đóng đô ở Biuh Bal Batsinâng.
13. Po Kabrah. Con của vua Po Kasit, đóng đô ở Biuh Bal Batsinâng.
14. Po Kabih. Em của vua Po Kabrah, đóng đô ở Biuh Bal Batsinâng.
15. Po Karutdrak. Em của vua Po Kabih, đóng đô ở Biuh Bal Batsinâng.
16. Po Mahosarak. Đóng đô ở Biuh Bal Batsinâng.
17. Po Kunarai. Em của Po Mahosarak, đóng đô ở Biuh Bal Batsinâng.
18. Po At. Cháu của Po Kunarai, xây dinh riêng ở ngoài Biuh Bal Batsinâng.
19. Po Klaong Halau, đóng đô ở Bal Pangdurang (gần làng Chung Mỹ , Phanrang. Ðầu thế kỷ thứ 18, Bal Pangdurang dời về Phanri ở Bal Canar, làng Tịnh Mỹ).
20. Po Nit. Con của vua Po Klaong Halau, đóng đô ở Bal Pangdurang.
21. Po Jaiparan. Em của vua Po Nit. đóng đô ở Bal Pangdurang.
22. Po Aih Khang. Con của vua Po Jaiparan, đóng đô ở Bal Pangdurang.
23. Po Mâh Taha, đóng đô ở Bal Pangdurang.
24. Po Romé . Con rể của vua Po Mâh Taha, đóng đô ở Biuh Bal Pangdurang.
25. Po Nraop. Em của Po Romé, đóng đô ở Bal Pangdurang.
26. Po Saktiraydapaghoh. Con rể của Po Romé, đóng đô ở Bal Pangdurang.
27. Po Jatamah. Con rể của vua Po Saktiraydapaghoh, đóng đô ở Bal Pangdurang
28. Po Saot. Con của vua Po Saktiraydapaghoh, đóng đô ở Bal Pangdurang.
29. Po Saktiraydapatih. Em của vua Po Saot, đóng đô ở Bal Pangdurang.
30. Po Ganuhpatih. Cháu của vua Saktiraydapatih, đóng đô ở Bal Pangdurang.
31. Po Thuntiraidaputih. Con của vua Po Saot, đóng đô ở Bal Pangdurang.
32. Po Rattiraydaputao. Cháu của vua Po Saktiraydapatih, đóng đô ở Bal Pangdurang.
33. Po Tisundimahrai.
34. Po Tisuntiraydapaghoh. Con của Po Thuntiraidaputih, đóng đô ở Bal Pangdurang.
35. Po Tisuntiraydapuran.
36. Cei Brei. Con của vua Po Tisuntiraydapaghoh.
37. Po Ladhuanpaghuh.
38. Po Saong Nhung Ceng. đóng đô ở Bal Pangdurang.
39. Po Klan Thu. Là phó vương dưới thời Po Saong Nhung Ceng.
40. Po Phaok The. Là con của Po Saong Nhung Ceng, đóng đô ở Bal Pangdurang.
Năm 1832, vua Minh Mạng quyết định xóa bỏ vương quốc Champa trên bản đồ Đông Dương, bằng những chính sách trừng phạt, xoá sổ dân Champa trên VN.
Chú giải:
- Bal Sri Banây –Thi Nại (Đầm Nại) thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Là khu trú, bến đỗ thuyền bè Champa, khu vực có vựa Muối lớn lúc bấy giờ dung trao đổi qua các vùng, và cho các tộc ở cao Nguyên Di Linh, Langbiang. Kế bên là Cảng Panran. (Cảng Phan Rang), cửa ngõ thông thương với các vùng. Làng Chăm/Chăm lai/ Kinh cựu ở Phương Cựu là vết tích còn lại của cư dân thuộc Bal Sri Banây .
- Bal Hanguw – Khu Sông Pha , ranh giới Ninh Thuận – Đà Lạt ngày nay. Nơi đây có dòng Sông Pha, đập Nha Trinh. Vì thời gian này bị quân Khmer xâm chiếm nên thủ đô đã rút sâu vào rừng, cạnh các cộng đồng cùng tộc hỗ trợ để tái thiết cơ sở làm tiền đề chống lại quân Java. Chăm Krong Pha nay không còn dấu tích.
- Bal Anguai, thủ đô này hiện vẫn chưa rõ địa điểm.
- Biuh Bal Batsinâng, khu vực này thuộc làng Chăm Phú Nhuận (Mông Đức), thời thuộc Pháp làng vẫn còn đền thờ Po ina Nagar, sau thuộc pháp vì mô hình cộng cư của người Việt (Kinh) làm xáo trộn tập quán nên dân làng đã di chuyển qua khu vực Hamu Taran (làng Hữu Đức ngày nay ) và rước Po ina Nagar theo thờ cho đến bây giờ. Hiện tại khu vực Phú Nhuận (Mông Đức) này gọi là làng Kinh Cựu như khu vực Bal Sri Banây –Thi Nại (Đầm Nại)
- Bal Pangdurang, khu vực này nằm tại Palei Caung (làng Chung Mỹ), khu vực chợ Phú Quý ngày nay. Đầu Tk 18, Bal Pangdurang dời về Phanri ở Bal Canar, nay là làng Tịnh Mỹ - Phan Rí – Bình Thuận.
Vài lời bàn:
Như ta thấy theo dòng lịch sử Champa, các thủ đô bị chuyển dịch theo chiều tiến của công cuộc “ Nam Tiến “ với Bal Sri Banây –Thi Nại (Đầm Nại) vừa là thủ đô đầu tiên của Panduranga, đồng thời cũng là thủ đô sau khi Vijaya bị xoá bỏ, hay Bal Hanguw – Khu Sông Pha là thủ đô thứ hai, và đồng thời là khu thành trì được xây dựng khi cuộc giao tranh giữa Champa và Khmer xảy ra. Sau khi dẹp xong quân Khmer, thủ đô được chuyển dời về Biuh Bal Batsinâng, sau này chuyển về Bal Pangdurang thuộc Phan Rí. Ở đây ta thấy các thủ đô ( thành trì ) có các tên gọi dựa theo khu vực địa hình đặc trưng, và luôn chọn nơi cửa biển có điều kiện phù hợp thành lập cảng thị như Bal Sri Banây , hay nơi ven Sông, khu vực có địa hình phù hợp cho canh tác nông nghiệp, địa hình cao ráo nhất tại nơi này dùng lập thành trì, dinh thự để tập họp dân chúng như Biuh Bal Batsinâng hay Bal Pangdurang.
Đi theo các Thủ đô/thành trì (Bal) là tập họp các làng Chăm tụ cư cùng với các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, kim hoàn, may mặc, gốm,…đi kèm để phục vụ ngoài ra còn có các cảng thị dùng cho việc thông thương kinh tế-văn hoá.
Ta thấy với Biuh Bal Batsinâng hay Bal Pangdurang hiện nay chỉ còn hai làng nghề truyền thống đi kèm để phục vụ, cung ứng cho thủ đô (Nội thành) với làng nghề dệt cổ truyền Chăm Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc ngày nay (Phan Rang) phục vụ cho Biuh Bal Batsinâng và làng dệt Phan Hiệp, làng gốm Phan Hoà ngày nay (Phan Rí) phục vụ cho Bal Pangdurang. Làng nghề thuốc cổ truyền Phước Nhơn phục vụ cho Bal Sri Banây có lẽ!
Ở đây mình đặt câu hỏi cho riêng cư dân làng dệt Chăm Mỹ Nghiệp (Caklaing) khi có một vài dòng họ nơi đây được cho là di chuyển từ nơi khác đến ( đến từ rừng! ), để phát triển được ngành nghề này đòi hỏi khu vực sinh sống là nơi có nguồn đất phù hợp để trồng cây bông lấy sợi, và trồng cây dâu nuôi tằm dệt vải. Xét đến điều kiện đó, ta thấy khu vực Sông Pha - Nha Hố ngày nay là nơi có nguồn đất phù hợp nhất cho việc trồng cây bông, cây dâu nuôi tằm, vậy có khi nào cư dân (hay vài tộc họ) trong làng dệt Chăm Mỹ Nghiệp (Caklaing) di chuyển theo / từ thủ đô Bal Hanguw – Khu Sông Pha đến Biuh Bal Batsinâng để phục vụ cho cung đình Champa lúc bấy giờ!!!


Bal Sri Banây ( Đầm Nại ), hình chụp năm 1971-08. ( không quân Mĩ )