Pics

Pics

2020/07/02

Từ [Mbaok “chuai” Anaih] cho đến [Mũi Né]

Từ [Mbaok “chuai” Anaih] cho đến [Mũi Né]
***


Liên quan đến địa danh [Mũi Né] thuộc thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), đã có nhiều bài viết giải thích tên gọi địa danh này, tuy nhiên các giải thích vẫn chưa thoả, các ý xoay quanh nội dung mà trang Wikipedia có trích dẫn như sau:

      • Tên gọi Mũi Né xuất phát từ việc ngư dân đánh cá, mỗi khi đi biển gặp bão, thường đến đây nương náu. "Mũi" là cái mũi đất đưa ra biển lớn; "Né" có nghĩa là để né tránh, trốn thoát giông bão. Nơi đây có sự hài hòa giữa màu vàng của cát mịn, màu óng của nắng và màu xanh thẳm của biển cả đã tạo cảm giác ấm áp và trong lành, tuyệt vời thu hút hàng trăn ngàn du khách trong nước và quốc tế.
     • Tên gọi xuất phát từ công chúa Út của vua Chăm là công chúa Chuột - tương truyền vùng đất này của người Chăm, xưa kia lau sậy mọc "tùm lum". Công chúa Chăm năm 16 tuổi mắc bệnh nặng khó qua khỏi nên về sau xây dựng miếu Am để tu tại Hòn Rơm. Nàng lấy biệt danh là bà Nà Né - lâu dần người dân đọc lệch chữ Nà Né thành Mũi Né. Né là tên của công chúa Út ấy - Mũi là mũi đất đưa ra biển.


*** Trong bài viết này, người viết muốn đưa ra thêm các dữ kiện nhằm góp phần tìm hiểu về địa danh [Mũi Né] này.

[Mũi Né] trong thư tịch cổ:
Trong quyển 12 tỉnh Bình Thuận, tập 3, sách Đại Nam nhất thống chí có chép như sau: “núi Vị Nê ở phía Tây Nam huyện, giữa một dải động cát dăng ngang ở bãi biển nổi lên một núi, có ghềnh đá gọi là mũi (Mũi Né), phía Nam mũi có vũng biển, thuyền gặp gió có thể vào đậu. Phía đông có hòn đảo ở trong biển, tục gọi hòn Lao. Trên vũng có điếm canh. Gần đấy có núi Mụ Đặng, núi Tà Bông, núi Lô Tô, núi Giám Trạng, núi La Thô, núi Cà Tung, núi Thạch Khê, núi Tà Cú, núi Tiên Tỉnh, núi Đài Sơn”

Trong các văn bản Hán nôm, địa danh liên quan đến [Mũi Né] đa phần được ghi lại 渭 泥 泳 港 (VỊ NÊ VỊNH CẢNG) tức vịnh-cảng Vị-Nê. Nhiều tác giả dịch ra là vịnh-cảng Sông Bùn (Vị Nê), thiết nghĩ lối dịch nghĩa địa danh này không hợp lí, và nếu ta bám sát nghĩa của từ để truy nguyên tên gọi địa danh sẽ chóng đi vào ngõ cụt, vì thế theo người viết ta nên hiểu từ渭 泥 (VỊ NÊ) theo lối kí âm từ-tiếng địa phương theo lối viết Hán-nôm.
Cũng liên quan đến tên gọi địa danh này, trong các tập sách khảo cứu liên quan đến địa phân Bình Thuận, hay trong các tập bản đồ xưa có liên quan thì [Mũi Né] được người Pháp chú lại bằng cái tên Cap de Vine/Mũi Vinê (trong tập An Nam Đại Quốc hoạ đồ, năm 1838), hay Pt ViNay (trong bản đồ nước Đại Nam dưới thời Minh Mạng , năm 1828), và nhiều tập bản đồ khác. Vậy ta thấy Vinay/Vine/Vinê đều là các cách chú theo phiên âm của từ [Vị Nê] hay cho địa danh [Mũi Né] nay.
Ta cũng biết đất Bình Thuận xưa vốn thuộc vương quốc Champa, nơi đây có nhiều cộng đồng Champa sinh sống trong đó đông nhất là người Cham, vì vậy việc truy nguồn tên gốc địa danh cũng cần chú trọng yếu tố bắt nguồn từ tên gọi theo tiếng Cham (Champa) nơi vốn thuộc đất xưa của họ.
Liên quan đến địa danh [Mũi Né] chúng ta cần chú ý cấu trúc địa danh có liên quan, mà ở đây từ [Né] cần được chú ý hơn cả.
Theo kí ức của người Cham, vùng biển tại khu vực [Mũi Né] này được họ gọi là [Tasik Anaih].

Tại khu vực Mũi né này còn có một di tích quần thể đến tháp mang tên Bimong Po Sah Anaih mà chúng ta cần khảo xét kĩ hơn nhằm làm rõ cấu trúc địa danh liên quan. Quần thể đền tháp toạ trên đồi Bà Nài mà người Cham gọi là Mbuen “Nai” Anaih tức đồi Bà Anaih, quần thể đền tháp được xây dựng vào khoảng cuối tk VIII-đầu tk IX, theo ghi chép khảo tả của A.Cabaton về quần thể đền tháp tại Phú Hài (Pajai) này vào năm 1902 trong cuốn “ Nouvelles recherches sur les Chams” tại trang 17-18, ông có chép lại theo lời của cư dân Cham tại đây rằng, quần thể đền tháp trên đồi Bà Nài này là quần thể tháp Po Bia Tikuh (công chúa Chuột, một vị thần nông nghiệp, con gái của Po Ina Nagar). Trong quần thể đền tháp này có một Kalan/tháp chính , bên trong có bộ ngẫu tượng Linga-yoni mà người Cham gọi là Kalan Po Sah Anaih.
Năm 1909, trong cuốn “Khảo tả về đền tháp Champa” (Monuments chams de l’Annam), tại tome I, trang 36 H.Parmentier cũng xác nhận lại một lần nữa về Kalan Po Sah Anaih, trong quần thể đền tháp mà người Cham gọi là Bimong Po Bia Tikuh là con của Po Ina Nagar, như A.Cabaton đã dẫn trước đó.
Như vậy, tại khu vực này, cấu trúc địa danh của nó đều chứa từ [Anaih]. Vậy [Anaih] này có phải là cơ sở để hình thành [Nê]/[Né] trong lối kí âm Hán –Việt từ 泥 không?
Trong tiếng Cham [Anaih] /a-nɛɦ/ đọc như A-Né, có nghĩa là nhỏ, bé nhỏ. Trong văn nói từ [Anaih] bị nuốt phụ âm đầu nên ta chỉ còn nghe [Naih] nghe như Né, là cơ sở hình thành nên cách kí âm Nê/Né qua lối Hán-Việt.

Vậy từ đâu có cái tên Vị Nê (trong Vị Nê vịnh cảng)! , Po Sah Anaih, là một cô công chúa bé nhỏ của bà chúa xứ xở Po Ina Nagar, vì thế Po Sah Anaih còn được gọi là Bia Anaih, hay Nai Anaih. Chính từ [Bia Anaih] /bia: a-nɛɦ/ đã biến thành Vị-Nê, với [Bia] có nghĩa là nữ vương, và cũng là cơ sở để thình thành tên gọi Vinay/Vine trong lối kí âm của người Pháp.
Hay [Nai Anaih] /nai a- nɛɦ/ mà trong văn nói chỉ nghe Nai-Naih, đây là cơ sở hình thành nên tục danh Nà Né mà chúng ta có nghe nhắc đến. Ngọn đồi, nơi toạ lạc quần thể đền tháp Po Sah Anaih có tên theo tục danh tiếng Cham là “Mbuen [Nai] Anaih”, sau người Việt vào sinh sống tại khu vực Phố Hài (Pajai) đọc lại thành đồi Bà Nài tức Bà “Nai Anaih” này mà thành.
Tính đồng dạng trong lối đặt địa danh có từ [Anaih] này chúng ta còn tìm thấy tên địa danh trên địa bàn tỉnh Ninh thuận là [Tasik Anaih] tức vùng biển nhỏ, thuộc Bal Sri Binây (một thủ đô cũ của Champa) nay thuộc Vũng Nại làng Tri Thuỷ, Ninh Hải.


*** Như vậy, từ những cơ sở được chỉ dẫn ở trên chúng ta cũng xác định được nguồn gốc tên gọi Né/Nê có gốc từ-tiếng Cham là [Anaih] /a-nɛɦ/ có nghĩa là Nhỏ bé, Nhỏ. Là sơ sở hình thành cấu trúc tên gọi địa danh cho Mũi Né [Mbaok “chuai” Anaih]; đồi Bà Nài [Mbuen “Nai” Anaih]; biển Mũi Né [tasik Anaih].