Pics

Pics

2021/09/05

Từ Kundar cho đến Sông Côn, cù lao Xanh.

 Từ Kundar cho đến Sông Côn, cù lao Xanh.

Sông Côn là con sông lớn nhất tỉnh Bình Định, kết nối trục văn hoá Đông-Tây, giữa miền đồng bằng miền biển và tây Nguyên. Sông Côn có nguồn phát từ núi Ngok Ro, hợp lưu bởi nhiều con suối đổ xuống đồng bằng Qui Nhơn, các phụ lưu đổ ra đầm Thị Nại.
Trong “Non nước Bình Định” của Quách Tấn, ông giải thích nguồn gốc địa danh Sông Côn: Chữ Côn mượn ở Nam Hoa Kinh của Trang Tử để nói lên hoài bão, là kỳ vọng “Uống nước nhớ nguồn”.
Nam Hoa Kinh chép rằng:
["Biển Bắc có loài cá tên là Côn. Bề lớn của Côn không biết mấy nghìn dặm. Côn hóa thành loài chim tên gọi là Bằng. Lưng của Bằng rộng không biết bao nhiêu dặm. Vùng vẫy bay, cánh như đám mây rũ ngang trời. Loài chim ấy khi biển động thì sắp dời sang biển Nam … Biển Nam là Ao Trời… Khi Bằng dời sang Biển Nam thì nước sóng sánh ba nghìn dặm. Liệng theo gió lốc mà lên chín vạn dặm. Đi cứ sáu tháng mới nghỉ…"]
[Mượn tên Côn mà đặt cho sông, cổ nhân dụng ý cầu mong cho con cháu sanh trưởng trên dãi đất đã sản sinh các vị hào kiệt Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Mai Xuân Thưởng v.v… mà dòng sông Côn nhuần thấm, có ngày trỗi dậy "quạt cánh bằng bay chín vạn tầng cao". Nếu không được như thế, ít ra cũng đừng làm những giống cá con con hễ thấy mồi ngon là đớp.”]
Nhưng, liệu nguồn gốc địa danh Sông Côn có thực sự là sự vay mượn chữ Côn trong Nam Hoa Kinh để nói lên hoài bão, kỳ vọng của người xưa về “Uống nước nhớ nguồn” để đặt tên cho dòng sông Côn này không? Chúng ta cùng thử tìm hiểu thêm về các góc nhìn khác trong không gian văn hoá gắn liền với dòng sông này thử xem.
Qui Nhơn, sau là tỉnh Bình Định trước đây vốn là xứ Vijaya (Chà Bàn, Đồ Bàn, Xà Bàn) của Champa xưa, năm 1471 sau khi vua Lê Thánh Tông chiếm lấy Thành Đồ Bàn, sáp nhập vùng đất Vijaya này vào Đại Việt (vào đạo Quảng Nam) lấy đèo Cù Mông mà chia ranh với Champa. Vua Lê mới cho lập phủ Hoài Nhơn (Hoài Nhân), chia phủ này thành ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn. Từ đây cái tên Tuy Viễn (綏遠) được chính thức sử dụng, và cũng là tên gọi cho con sông Tuy Viễn. Như vậy, nguồn gốc con Sông Côn mang tên Sông Tuy Viễn được chú trong tập “Hồng Đức Bản Đồ” có từ mốc năm 1471 được xem là chính thức. Về ý nghĩa thì tên sông Tuy Viễn (綏遠) có nghĩa là con sông tiếp nơi biên viễn.
Theo "Đại Nam Nhất Thống Chí" (năm 1882, Tự Đức), về phần Bình Định có nêu lí do, vì con sông chảy qua ba huyện: Tuy Viễn, Tuy Phước, Phù Cát nên mới có tên con sông Tam Huyện. Tuy nhiên, đến triều Khải Định (1910-1925), tên sông Tam Huyện lại đổi thành Côn Giang.
Trong bản đồ “Die indonesischen Reiche Birma, Siam, Kambodja und Annam” (1867,Dr. Adolf Bastian's Reise) chú “Sông Côn” với cái tên “Song Kan”.
Trong tập “An-nam Đại-quốc Họa-đồ” xuất bản năm 1838 do Giám-mục Jean-Baptiste Taberd vẽ, lại chú là Sông Cạn. Alexandre de Rhodes trong chuyến hành trình An Nam của mình, ông chú tên đảo “Cù lao Xanh” với cái tên Pulu Cambi (Le Royaume d'Annam du P. de Rhodes, 1651).
Sông Côn trong các ghi chép của người nước ngoài khi đến xứ An Nam cũng thường được chú với tên Sông Kon/Kone/Kan/Kun/Cạn/Côn.
Vậy các danh xưng này có mối liên hệ nào với nhau!
Về phía đầu nguồn sông Côn, các nhóm tộc người bản địa sống hai bên dòng sông này đều dùng Chữ Kon hoặc Dak để làm tiền tố ghép với một hậu tố dùng để mô tả đặc điểm cho cho một vùng đất/địa danh. Dak hay Kon đều mang nghĩa chỉ cho Nước, Kon chính là Krong (Kraung/sông), lúc này đóng vai trò định danh cho một xứ sở ví dụ như Kon-Tum, Dak-Rong,...Đây là lối đặt tên địa danh theo con Nước của nhóm tộc người bản địa, trong đó có người Cham (Champa).
Dưới hạ nguồn, như ta biết vùng đất mà sông Côn chảy qua vốn xưa kia thuộc về Champa, vậy con sông này trước khi mang tên sông Tuy Viễn, hay sông Côn thì liệu trong giai đoạn trước mốc thời gian 1471, thuộc xứ Vijaya (Champa) nó, dĩ nhiên đã mang một danh xưng nào đó gắn liền với xứ sở này!
Sông Côn có các phụ lưu đổ vào cảng Thị Nại, được phiên âm trong tiếng Cham (Sri Binây) có nghĩa là bến cảng. Cảng Thị Nại có tiêu điểm nhận diện là nhóm đảo Cù Lao Xanh (Thanh Châu), trấn sơn cho cảng Thị Nại. Nhóm đảo này được chú trong các bản đồ châu Âu là Pulo Cambi/Gambir (Đảo/Cù lao Cambir).
Tập hải đồ số 14, Advertencias para a navegacao da India-Roteiros) mô tả về cù lao Xanh như sau: “Cù lao Cambi thì thấp và dài, bên sườn ngoài khơi mang vệt đỏ. Cây cối bao phủ trên cù lao này cũng thấp. Về mỏm Bắc của cù lao có con sông nhỏ, đó chính là sông Pulo Cambi. Và để lấy được nước ngọt thì có thể lấy được ở sườn phía Tây của nó, nhưng nước ở đây không tốt lắm”.
Cambir/Cambi chính là Lambir/Lambri/Lammuri và các biến thể khác, tên gọi này mang tính đồng dạng trong ngôn ngữ ảnh hưởng Hindu của các nước Đông Nam Á-Nam Đảo, nó trở thành tên gọi địa danh được ghi chép trong các nguồn sử liệu Trung Hoa với cái tên Lanli (藍里) trong tập Lingwai Daida ,1178; Lanwuli (藍無里) trong Zhu Fan Zhi; hay Nanwuli (喃 巫哩) trong Daoyi Zhilüe. Còn nhà du hành Marco Polo chú lại với cái tên Lambri để chỉ cho tiểu vương quốc Lambri thuộc đế chế Sri-Vijaya.
Tên gọi “cù lao Xanh” chính là cù lao Thanh Châu (藍州)”, mà nguồn gốc của nó xuất phát từ chữ Lan/Lu/Lo/Loan (藍) có nghĩa là màu xanh (Thanh), dùng để phiên âm cho Cambir như trên. Cái tên Cambir này cũng được chú cho Cambir Bay (Vịnh Cambir) hay con sông Cambir.
Xét tên sông Côn (崑 江) về tính đồng dạng về tên địa danh ta có thể nêu vài ví dụ địa danh có chứa chữ Côn này: Sài Côn (Sài Gòn), sông Côn (Quảng Nam), sông Cun (Thái Bình),…
Nhà hàng hải nổi tiếng Trung Hoa là Trịnh Hoà, trong các chuyến du hành của mình cùng với hạm đội tàu xuất phát từ Trung Hoa qua biển Đông để đi các xứ Makah, Java, Campuchia, Siem, Lambri,…Ông có ghi chú rõ ràng cái tên K’un-lun-shan (崑崙山) tức Pulau Condore để chỉ nhóm đảo Côn Đảo (Côn sơn), mà này đã thuộc Vũng Tàu, Việt Nam. Cái tên Côn Lôn Sơn (K’un-lun-shan) cũng để chú cho dãy núi Côn Lôn dài nhất Châu Á. Pulau Condore là phiên âm cho Pulau Kundur (Cù lao Kundur). Kundur có nguồn gốc tiếng Phạn (कुन्दुर), để chỉ cho một loại cây cho chất nhựa thơm (nhũ thơm), và có nhiều giá trị về sức khoẻ. Trong văn hoá chịu ảnh hưởng Hindu, thì loài cây này còn được thần hoá thành vị thần Kundur.
Ở Champa và các bán đảo Mã Lai, nhựa cây Kundur là mặt hàng xuất khẩu quí giá, được các nước ưa chuộng cho các chuyến thương buôn, trong đó Champa là một trong những nguồn cung cấp nhựa Kundur cho Trung Hoa, được ghi chép nhiều trong tư liệu sử.
Cambir và Kundur là tên gọi cho một loại cây cho nhựa vàng thơm (cây Nhũ hương), chữ Cambir là biến thể của chữ Campi-rani (Campir) trong nhánh ngôn ngữ Tamil mà thành.
Như vậy, qua những mối tương quan về mặt ngôn ngữ, tính đồng dạng văn hoá, địa hình, đã có thể cho chúng ta một cái nhìn rõ ràng hơn về nguồn gốc tên địa danh Sông Côn và Cù lao Xanh có mối tương quan hệ mật thiết với nhau. Và, ít nhất từ trước 1471, khi vùng đất nơi đây vẫn thuộc về xứ Vijaya (Champa), sông Côn đã từng có tên Kraung Kundar/Kraung Kampir (Sông “thần” Kundar) bao bọc Bal-Vijaya (Thành Chà Bàn) đổ vào cảng Sri-Binây (Thị Nại).
Sau này, kể từ 1471 phần đất xứ Vijaya đã được sáp nhập vào Đại Việt thì liệu cái tên địa danh Kraung Kundar/Kraung Kampir trước đó có còn được bảo lưu, hay cái tên sông Côn là tên địa danh mới được vay mượn trong “Nam Hoa Kinh” để nói lên hoài bão, là kỳ vọng “Uống nước nhớ nguồn”.
Qua bài viết ngắn này, có thể cung cấp cho chúng ta thêm một góc nhìn mới hơn về nguồn gốc một địa danh Sông Côn mà có thể là một địa danh được cư dân mới bảo lưu/tiếp biến từ nhóm cư dân Champa trước đó.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét