Pics

Pics

2020/06/26

Từ [Craoh Khaiy] cho đến [Khê Gà]/[Kê Gà]

Từ [Craoh Khaiy] cho đến [Khê Gà]/[Kê Gà]
***




Liên quan đến địa danh [Khê Gà] hay còn gọi là [Kê Gà] thì cho đến bây giờ đã có nhiều giả thuyết đã được nêu ra để giải thích cho tên gọi địa danh này, tuy nhiên vẫn chưa có giả thuyết nào có đủ tính thuyết phục khi hầu hết các lối giải thích đều dựa vào các văn bản, bản đồ xưa chép lại với từ Hán-Việt có nhắc đến chữ [KÊ], [KHE] hoặc [KÊ-GÀ]. Các giả thuyết trên đều bỏ qua một nguyên tắc quan trọng trong nghiên cứu địa danh là hiểu biết về lịch sử của vùng đất nơi có địa danh cần xét đến, trong đó có những yếu tố mang tính kế thừa tên địa danh, hay lịch sử biến cố của vùng đất trước đó, cụ thể là các yếu tố lịch sử địa danh có gốc Champa, khi nơi đây vốn là đất xưa của Champa.
Trong bài này người viết muốn đưa ra một giả thuyết, hay bổ sung tư liệu còn thiếu để góp phần tìm hiểu về địa danh [Khê Gà] này.
Địa danh [Khe Gà] được chép lại trong nhiều văn bản hay bản đồ xưa, ta thử liệt kê vài tài liệu có dẫn như:
- Trong cuốn “Thông quốc diên cách hải chử” có mô tả về vùng đồi núi nhô ra sát biển là “Kê Úc Đại Sơn” (Núi lớn vũng gà); hay như trong “Đại Nam toàn đồ” có chú “Kê Chuỷ” tức Mũi Gà; trong truyện “Đông tây dương khảo” chép về Champa có chú một địa danh mang tên “Xích Khảm Sơn” tức (hòn) núi nhỏ như cái chén có thứ đất đỏ.
- Một đoạn trong cuốn Đại Nam thực lục (ĐNTL) của nhà Nguyễn đều có chép về địa danh Khe gà này : “Mùa đông tháng 10 năm 1794, " Lấy Phó Hậu chi dinh Trung thủy là Lưu Tiến Hòa quản đạo Ma Li, kiêm lĩnh ba thủ Kê Khê [Khe Gà], La Di, Phù Mĩ, Cai cơ chi Chấn Võ là Vũ Văn Lân quản đạo Phan Rang kiêm lĩnh hai thủ Ma Vằn, Du Lai. Sắc cho Lưu Tiến Hòa lập đội Tuyển phong, Vũ Văn Lân lập đội Chiến phong, mộ những dân lậu và quân tàn sung vào." (ĐNTL, tập 1)
- Mùa đông tháng 10 năm 1797, " Lấy khâm sai thuộc nội thống binh cai cơ quản đạo Ma Li là Võ Văn Lân quản đạo Phan Rang, kiêm hai thủ Ma Vằn và Du Lai. Khâm sai thống binh cai cơ cựu chánh Hậu chi Hữu quân là Nguyễn Văn Cẩm quản đạo Ma Li kiêm ba thủ Khe Gà, La Di và Phù Mi " (ĐNTL, tập 1)
- Mùa hạ tháng 4 năm 1854, " Giặc biển giết người, cướp bóc thuyền buôn ở cửa biển Long Hưng về Biên Hoà ; lại cướp thuyền đại dịch và thuyền buôn ở phận biển khe Kê Chuỷ về Bình Thuận " (ĐNTL, tập 7)
- Hay trong các bản đồ của Pháp có chú địa danh này với tên gọi Kéga, Kega ví dụ như trong tập bản đồ La Cochinchine française en 1878; Annam Dai Quoc Hoa Do, de Mgr Taberd, 1838.

Như vậy về địa danh này mà trong các dữ kiện nêu ra bên trên kia ta thấy [Khe Gà] hay [Kê Gà] ngày nay đều có chép từ cái tên liên quan là Kê/Kê gà/Kega hay Khe gà mà thành.
Xét về mặt nguôn ngữ thì chúng ta đều thấy nguồn gốc địa danh của từ [Kê gà]/[Khe Gà] đều xuất phất từ lối kí âm từ chữ KÊ hay KHE cho địa danh này mà ra. Nhưng nếu theo lối giải nghĩa Hán-Việt thì KÊ-GÀ rõ ràng phải là GÀ-GÀ, hoặc nó là từ đẳng lập sinh ra khi ta kí âm qua lối Hán-Việt này. Nhưng liệu ta dùng KÊ “kí âm” và kiêm luôn vai trò giải nghĩa thành “Gà” như là cách giải thích địa danh đã công bố trước đây cũng chưa có phần thoả mãn và khiến những lập luận của chúng ta bị đóng khung là phải đi tìm kiếm các sự vật hiện tượng (tưởng tượng) ví dụ như “hòn đảo có nhiều gà rừng, hay khe suối cạnh đó có gà rừng màu đỏ” để làm cho phù hợp với tên địa danh mà ta lỡ đóng khung chết khi biến KÊ kí âm thành kí nghĩa là GÀ? Chưa kể rằng, thuở trước ở ta vùng đất nào cũng đầy gà rừng sinh sống, và là động vật khá phổ biến ở ta.
Vậy nếu ta thử đặt một giả thuyết mở hơn khi xem KÊ/KHÊ là lối kí âm (không kí nghĩa) để đi tìm một hướng giải thích khác bổ sung được chăng!
Như trên liệt kê thì trong “Đông tây dương khảo” chép về Champa có chú một địa danh mang tên “Xích Khảm Sơn” tức (hòn) núi nhỏ như cái chén có thứ đất đỏ để chỉ cho địa danh thì rõ ràng từ Xích này cho chúng ta một manh mối xưa hơn về đặc tính của vùng đất này có thứ đất màu ĐỎ. Vả chăng, chữ KÊ KHÊ trong ĐNTL là một từ Hán-Việt với KHÊ để chỉ Khe Suối và KÊ là kí âm.
Ngoài ra về địa danh [Kê Gà] này ta còn là tên gọi địa danh có ở tỉnh Khánh Hoà và Phú Yên, vậy không lẽ sự trùng hợp này đều ám chỉ cách gọi tên KÊ = GÀ vì ở 3 địa điểm trên đều có Gà rừng mà ta nhìn thấy mà điểm chỉ đặt tên sao? Và đó chính là cái bất hợp lí, chưa đủ tính thuyết phục này khiến ta nghiêng về giả thuyết KÊ là lối kí âm theo Hán tự hơn là giải nghĩa.
Vậy [Kê] này là kí âm cho từ nào?
Xét lại lịch sử chứa địa danh này ta cần đi tìm cứ liệu từ phía Champa khi mà nơi đây vốn là mảnh đất cư trú lâu đời của người Cham (Champa). Tại đây ta biết có một dòng suối lớn đổ vào cửa Đại Khê gọi là suối Kê Khê (ĐNTL) hay còn gọi là suối Tre, suối Tiên, tên tiếng Cham gọi là [Craoh Khaiy] có nghĩa là suối Đỏ, bởi dòng suối có nước màu đỏ do chảy qua sa mạc cát đỏ nơi đây mà thành, dòng này đổ vào cửa Đại Khê nơi cửa biển, bãi biển ngay cạnh mũi Kê Gà này là một bãi cát màu đỏ và ngay cả Mũi Kê gà (Kê Chuỷ) là một mũi màu đỏ như ta thấy.

Một đặc điểm chúng ta cần xét đến là tính đồng dạng hay đặc điểm đồng dạng về địa danh tại 3 địa phương tại nơi có địa danh [Kê Gà] này đều cùng có chất đất/đá màu Đỏ. Hay ta còn tìm thấy một đồng dạng, hay lối đặt tên này từ một địa danh thuộc tỉnh Ninh Thuận là [Cek Khaiy] tức Núi Đỏ.
[Khaiy] /kʱɛ:/ với Khaiy đọc như Khe, có nghĩa là suối Đỏ hay là thứ nước âm thuỷ (chúng ta chú ý với tên gọi Suối Tiên, tức suối Kê Gà). Và được kí âm qua Hán tự với Kê/Khê.

Từ những dữ kiện được nêu ra , chúng ta có thể thấy rằng từ gốc tiếng Cham [Khaiy] này đã biến thành [Kê] hay [Khê] phù hợp với các nguyên tắc về lịch sử địa danh, ngôn ngữ, tính đồng dạng, và cũng phản bác được lí thuyết cho lối giải KÊ=GÀ khi mà lối giải này mang nhiều tính bất hợp lí, hay ta khẳng định được rằng [Khaiy] là phù hợp hơn cả cho việc tìm lại nguồn gốc địa danh Kê Gà và trở thành tên gọi cho các tên địa danh liên quan như Mũi Kê Gà, Suối Kê Gà, Bãi Kê Gà, Cửa Kê Gà,…







2020/06/23

Từ [Palei CaKlaing] cho đến Làng [Nha Trinh]/[Nha Tranh] hay Làng [Mỹ Nghiệp] nay

Từ [Palei CaKlaing] cho đến Làng [Nha Trinh]/[Nha Tranh] hay Làng [Mỹ Nghiệp] nay.
***



Làng [Mỹ Nghiệp] nay là địa danh hành chính (thôn/làng) thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Là một làng dệt cổ truyền có truyền thống lâu đời được các Bà các Mẹ truyền tay qua các con gái của mình mà bảo tồn cho đến bây giờ. Làng trú trên gò đất cao nơi cuối dòng Krong La-a tức Sông Lu ngay cạnh Bal Caong một thành phố cũ thuộc Biuh Bal Pangdurang (Panduranga).
Cái tên “làng” [Mỹ Nghiệp] là tên hành chính được đặt mới đây trong giai đoạn của vương quyền Bảo Đại, nằm bên cạnh dòng Sông “Đập Giữa” (Banek Krâh) tức Sông Lu đoạn có đập Giữa chắn dòng. Sau trận lụt lớn năm Thìn (1964) làng dịch chuyển vào gò đất cao hơn và trú đến ngày nay với cái tên [Mỹ Nghiệp].
[CaKlaing] là cái tên làng theo tục danh thông dụng mà người Cham bấy lâu nay vẫn hay sử dụng mặc dù làng nay đã đổi tên hành chính như nay ta đã biết.
[CaKlaing] /ca: klɛŋ/ đọc như Cha [Kl]ing hay Cha [Kl]eng mà dấu âm AI theo phương ngữ từng vùng mà nghe thành E – A hay I, và đây là nguyên do hình thành nên tên gọi [Nha Tranh] hay [Nha Trinh] có trước đó.
Theo câu chuyện của người xưa kể lại, rằng tên làng Palei [Caklaing] được đặt theo tên của Muk [Caklaing] (Ong PaCa-Muk Caklaing) là ông bà nuôi người mẹ thân sinh của vị vua tài ba là Po Klong Garai, tên làng đã được đặt theo tên của người Mẹ (tính mẫu, Mẫu hệ).
- Palei [CaKlaing] nổi tiếng với nghề dệt cổ truyền , mà nguyên liệu làm sợi chính là từ cây Bông (Phun Kapah), để có số nguyên liệu này thì hẳn nhiên một làng nghề dệt cổ truyền ắt cần đến một diện tích cách đồng lớn và có tính chất đất phù hợp để có thể trồng được giống cây Bông này dùng cho việc dệt vải của mình. Và hẳn nhiên, toàn bộ nhân lực của làng đều dồn vào ngành nghề này, hay liên quan đến các công đoạn cho ngành nghề dẫn đến quỹ đất và nhân lực dành cho ngành nông nghiệp (trồng lúa) giảm đi. Hiện nay trong tất cả các làng của người Cham tại xứ Phan Rang này thì làng Mỹ Nghiệp có quỹ đất nông nghiệp (trồng lúa) có thể là thấp nhất dù có lợi thế nằm cạnh dòng Krong La-a (Sông Lu) phù hợp khai thác dòng nước.
- Liên quan đến Palei [CaKlaing] còn có các địa danh cần xét đên/lưu tâm đó là [Banek Krâh] (Đập Giữa), [Danaw Aih] (Vũng Aih, đọc nhứ É), [Hamu Rok], [Hamu Baok],…
- Ta biết xứ Panduranga, giai đoạn Po Klong Garai lên làm vua, ông đóng đô tại Bal Sri Banây (Nại, khu vực làng Tri Thuỷ). Và khu vực sinh hoạt thuở niên thiếu cùng đám bạn ở khu vực [Bal Hanguw] (Xem thêm các bài cùng chủ đề bên dưới).
- Các thủ đô của xứ Panduranga cũng đã dịch chuyển dần vào nam theo dòng lịch sử của xứ sở, và không ngoài khả năng Palei Caklaing cũng thế đã dịch chuyển theo thời cuộc. Với đặc tính là một làng nghề thủ công, dệt truyền thống chắc chắn phải dịch chuyển theo cùng để có thể dệt ra các thứ vải hoa,…phục vụ cho Vương triều hay cho người dân trong xứ và theo một quy luật nó ắt phải là nơi nằm trong bán kính trung tâm thành phố xầm uất của vương triều. Tại Palei Caklaing hiện có một dòng họ, mà theo người xưa kể lại thì dòng họ vốn chuyển từ bên trong núi rừng đến làng mới hiện tại vào buổi đầu lập làng này, và có lẽ không nằm ngoài khả năng trước đó Họ, dân làng đã đi lánh nạn trên vùng Dran trước khi quay về nơi định cư mới tại Bal Biuh Pangdarang.
*** Địa danh có tính dịch chuyển, dịch chuyển theo dòng lịch sử đi theo lớp dân chốn cũ đến nơi cư trú mới như một thứ kỉ niệm khó quên, hay để thành một thông điệp lịch sử nhắc nhở con cháu mai sau theo mạch mà truy nguồn. Dựa vào những dữ kiện nêu trên, cùng với các địa danh xưa dọc theo dòng [Krong Praong] sông Cái có những sự trùng hợp về tên gọi địa danh cũng đã cho ta một gợi ý về địa điểm (nơi cư trú trước đó) vào giai đoạn của Po Klong Garai có bán kính tạm xác định xung quanh Banek Caklaing (đập Nha Trinh) và để có thể đi đến một kết quả chính xác hơn là việc chúng ta cần xác định được vị trí địa danh [Banek Krâh].
*** Vậy [Banek Krâh] nằm ở vị trí nào trên dòng [Krong Praong] Sông Cái này!


P/s: Xem thêm bài
- Từ [Banek PaCa] hay [Banek Caklaing] đến [Đập Nha Trinh]
- Từ [Krong Pha] cho đến [Sông Pha]
- Từ [krong La-a] hay [Cek La-a] đến [Sông Lu]

2020/06/18

Từ [Banek PaCa] hay [Banek Caklaing] cho đến [Đập Nha Trinh]



Từ [Banek PaCa] hay [Banek Caklaing] cho đến [Đập Nha  Trinh]

***

[Đập Nha Trinh] là một công trình thuỷ lợi lớn lâu đời tại đất Ninh Thuận mang lại nhiều nguồn lợi cho nền nông nghiệp trong vùng.

[Đập Nha Trinh] được xây dựng hoàn thiện bởi cộng đồng Champa dưới sự chỉ đạo của vua Po Klong Garai, Ông đã cho dùng đá, gỗ tốt và chà bổi để dựng đập chắn ngang dòng của con sông Cái tức Krong Praong để dẫn dòng vào khai thác các cánh đồng trong vùng. Và để ghi nhận công ơn người, làng nuôi nấng mình , Po Ong (JaTol) đã cho đặt tên con đập này là [Banâk Caklaing] hay còn gọi là [Banek PaCa].


Tên địa danh Đập [Nha Trinh] đã được người Việt kí âm lại từ tên gốc tiếng Cham là [Caklaing]  /ca: kl ɛŋ/ , đôi khi còn được người Việt kí âm thành Nha Tranh. Nha Trinh/ Nha Trinh cũng chính là tên làng Caklaing với tên hành chính ngày nay là Làng Mỹ Nghiệp.

[Đập Nha Trinh] là một công trinh thuỷ lợi chứng minh tài nghệ trị thuỷ của người xưa mà giá trị của nó vẫn còn đến mai sau, là chứng nhân lịch sử phát triển của xứ sở. Khoảng năm 1897, đập Nha Trinh đã được nâng cấp bằng vật liệu mới dưới sự chỉ huy của bá tước De Pérignon.

[Palei Caklaing] tức làng [Mỹ Nghiệp] nay vốn là làng mà vị vua Po Klong Garai sinh ra và lớn lên tại đây, khi xưa JaTol hay cùng chúng bạn đi chăn bò và kết thân với “Po Klong Chanh” cùng đi buôn trầu quanh khu vực [Bal Hanguw] đến [Krong Pha] Sông Pha, vậy liệu [Palei Caklaing] nổi tiếng với nghề dệt truyền thống xưa kia vốn nằm quanh khu vực này cạnh dòng Krong Praong, với đặc tính vùng đất nơi đây phù hợp với việc trồng cây bông dệt sợi và, Cây Bông Nha Hố đã một thời tạo nên tên tuổi của mình tại khu vực này! Và lẽ, đó là điều chúng ta cần đi ngược dòng để định hình lại thêm cho địa danh [Caklaing] (Nha Trinh/Nha Tranh)!


2020/06/17

Từ [Krong Pha] cho đến [Sông Pha]


Từ [Krong Pha] cho đến [Sông Pha]



[Sông Pha] là địa danh thuộc huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, là một phụ lưu của con Sông Cái nơi đầu nguồn. [Sông Pha] khởi nguồn bởi các suối phía Tây của núi Vàng gọi là [Cek Mâh] giáp ranh với huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng. Tập trung đông người Raglai sinh sống.

Địa danh này đặt theo tục danh địa phương  [Krong Pha]  /krɔ:ŋ fa:/.

[Sông Pha] còn có các tục danh khác như  [Sông Gòn], [Sông Ông]. Với,

[Sông Gòn] có nguồn gốc từ [Krong Agaol]  /krɔ:ŋ a-ɡ͡ɣɔ:l/, khi dòng sông này đi qua Làng Gòn tức [Palei Agaol] trong đó [Agaol] có nghĩa là “cây” bông gòn, làng nằm ngay chân đèo Sông Pha vốn nơi đây đầy cây bông gòn giờ đã thành cổ thụ to lớn.

Khi qua khỏi Làng Gòn, con sông này mang tên [Sông Ông], về nguồn gốc tên địa danh này nó liên quan đến vị vua Po Klong Garai, mà ta biết từ khu vực [Mbuen Hala] (Đồi Trầu) cho đến [Sông Pha] cửa ngõ để tiến lên [Dran] vốn thuộc [Bal Hanguw] phía bên hữu ngạn của [Krong praong] (Sông Cái) là khu vực tập trung đông đúc cộng đồng dân Champa sinh sống, trong đó có Palei Caklaing vốn là ngôi làng của vị vua Po Klong Garai sinh ra với cái tên [Po Ong] (JaTol) là tục danh của vị vua này. [Sông Ông] đã được đặt tên theo tên tục danh của vị vua Po klong Garai, là khu vực mà trước đây mà vị vua cùng bạn bè lui tới chăn bò hay đi buôn trầu.

[Sông Pha] nay đã trở thành tên địa danh hành chính có gốc từ [Krong Pha], đồng thời còn có các tục danh thường gọi của người dân nơi đây mà tên gọi của nó chứa đựng các câu chuyện lịch sử thú vị của vùng đất.


2020/06/16

Từ [Huma Ranây] cho đến [Ma-Nới]

Từ [Huma Ranây] cho đến [Ma-Nới]

***

[Ma-Nới] là địa danh một xã (Xã Ma Nới) thuộc huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận nay một xã thuộc vùng cao/xa của tỉnh, nơi đông người Raglai sinh sống gắn liền với phương thức sản xuất lúa rẫy bằng nước trời và giữ gìn nhiều tín ngưỡng bản địa, Ma-Nới cư trú trên địa hình bằng phẳng và nhỏ hẹp bao bọc xung quanh là núi tạo thành một thế lòng chảo, nơi có con sông Chá đi qua được người dân gọi là [Krong Atah] phát nguồn từ Suối Chá (Craoh Atah) trên dãy núi Chá tức [Cek Atah], một phụ lưu phía hữu ngạn Krong Praong (Sông Cái).

Tên địa danh [Ma-Nới] bắt nguồn từ tên địa danh chỉ cho cánh đồng (đồng bằng cư trú) mà người Raglai chọn làm nơi cư trú có tên là [Huma Ranây]

[Huma Ranây] /hu: ma ranøɪ˨˩/ . Ở đây [Huma] có nghĩa là cánh đồng, đồng ruộng; [Ranây] hay [Danây] có nghĩa là âm vang. Và địa danh này có nghĩa là cánh đồng âm vang “âm vang tiếng suối, tiếng núi rừng do địa hình bao bọc bởi núi tao ra thứ âm vang này”.

[Huma Ranây] đã bị nút âm trong văn nói rút gon lại thành [Ma-Nây] đọc như Ma-Nơi trong tiếng Việt.
Tên địa danh này đã được kí âm lại theo tiếng việt và ghi thành Ma-Noi/Ma Nôi trong bản đồ địa bạ triều Nguyễn khoảng năm 1924. Cũng trong tập bản đồ này [Craoh Atah] được phiên âm thành [Suối Trá!], hay như trong tập bản đồ Việt Nam (phần Phan Rang) được xuất bản năm 1965 có ghi phiên âm thành sông Chá.

Như vậy, ta thấy địa danh [Ma-Nới] đã được phiên âm từ tên một địa danh bản địa có tên [Huma Ranây] (hay Huma Danây) để chỉ cho đặc tính địa hình nơi cư trú mô tả đặc trưng âm vang của núi rừng nơi đây.



2020/06/15

Từ [Uk Dalam] hay [Hamu Dalam] cho đến [Ú Ma Lâm] hay [Tà Lâm]/[Ma Lâm]


Từ [Uk Dalam] hay [Hamu Dalam] cho đến [Ú Ma Lâm] hay [Tà Lâm]/[Ma Lâm]

***


[Ú Ma Lâm] là một địa danh thuộc huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận nay, là nơi có đông cộng đồng người Raglai sinh sống, người Raglai có mối quan hệ gần gũi với người Cham có cùng ngữ hệ với nhau.

[Ú Ma Lâm] có vị trí địa lí bao quanh là núi, làng cư trú trên đồng bằng [Hamu Dalam] bên cạnh sông Ma Lâm [Krong Dalam] nguồn từ [cek Marai] núi Marai, chảy theo hướng Bắc-Nam, là một một phụ lưu bên tả ngạn sông Cái Phan Rang [Krong Praong], và canh tác dựa vào nguồn nước mà sông Ma Lâm này cung cấp. Tên địa danh này được hình thành nên từ tục danh địa phương.
Trong tiếng Cham,

 [Hamu Dalam]  /ha-mu:  d̪a-lʌm/ có nghĩa là Ruộng Sâu/Trong “rừng” (cánh đồng nằm sâu trong rừng, núi ).
Như vậy chúng ta thấy từ [Dalam]  / d̪a-lʌm/  có nghĩa là Trong, đã biến thành Tà Lâm, hay [Hamu]  /ha-mu: / (Huma /hu:-ma/) có nghĩa là Cánh đồng/Ruộng đã biến thành Ma trong Ma Lâm (từ Hamu Dalam).

[Uk Dalam]  /u:ʔ  d̪a-lʌm/  trong đó Uk có nghĩa là cái Vò (Vò đựng nước mắm, có nơi gọi là cái Ú).
[Uk Dalam] cũng là tên gọi chỉ cho địa danh [Tà lâm]/[Ma lâm] nói lên vị trí cư trú của nó được hình thành nằm phía bên trong (vào sâu trong rừng) từ [Palei Aia Uk] tức làng Gia Bú. Với [Uk] đã biến thành Ú/Bú trong tiếng Việt.

Như vậy, từ [Uk Dalam] hay [Hamu Dalam] đã biến thành [Ú Ma Lâm] hay [Tà Lâm]/[Ma Lâm] là địa danh mang tính bản địa, đồng thời nó cũng trở thành tên địa danh cho con sông Ma Lâm [Krong Hamu Dalam] chảy qua cánh đồng Ma lâm [Hamu Dalam], nơi hiện nay còn đông người Raglai cư ngụ.


2020/06/04

Từ [krong La-a] hay [Cek La-a] đến [Sông Lu]


Từ [krong La-a] hay [Cek  La-a] đến [Sông Lu]



[Sông Lu], tên một con sông thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận nay.  Là phụ lưu lớn nhất của Sông Dinh (Krong Praong) dài khoảng 50km bắt nguồn từ vùng núi La-A (Là Hà), sông chảy theo hướng nam-bắc cung cấp lượng nước phục vụ canh tác nông nghiệp tại các cánh đồng mà nó đi qua.

[Sông Lu] được hợp  lưu  bởi hai dòng suối chính là [craoh Biuh] (Suối Biêu, vùng giáp ranh giữa Ninh-Bình Thuận) và hệ thống suối  [craoh La-a] (suối Là Hà, giáp ranh giữa NinhThuận – Lâm Đồng) mà thành, và có nhiều tên gọi theo từng vùng mà nó đi qua, đoạn hạ lưu của con sông chảy trên đất bằng tính từ [Banek Maren] (đập Ma-rên) con sông lần lượt đi qua các địa danh nổi tiếng như  [Bal Virapura] (thành phố Hùng tráng), danaw panrang (vũng phan rang, Bàu trúc nay), Bal Caong (Phú Quý nay),  hamu caklaing (cánh đồng Mỹ Nghiệp nay),…

[Sông Lu] vốn thuộc địa phận xứ Panduranga (Phan Rang) vùng đất lâu đời của Champa, chảy ôm trọn thành Virapura (Bal Virapura) nơi đất bằng ở phía hạ lưu và tạo thành một thế Luỹ tự nhiên bằng sông mà người Champa (Cham) gọi là Krong Biuh (Sông Luỹ, giống với sông Luỹ ở Bình thuận và cùng có chung phát nguồn từ [craoh Biuh] Suối Biêu nơi đầu nguồn)  tạo thành một thế luỹ thành bảo vệ Bal Virapura mà người Việt gọi tên phiên âm thành Sông Biêu/Sông Viêu/Sông Diệu/Sông Là Hà, trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép lại thành sông Ma-Bố.

Ngày nay chúng ta chỉ còn nghe đến tên [Sông Lu] để gọi tên chính thức cho con sông này, vốn phát nguồn từ [cek La-a] (núi Là Hà/Là a) và cũng là lối phiên âm từ đó mà ra.

Trong tiếng Cham, [La-a] /la-a:/ có nghĩa là cây Là A (thuộc họ tre), từ [La-a] này người Việt phiên âm thành Là-Hà/La/Lu.

Hệ thống [Sông Lu] này với nhiều tên gọi theo từng giai đoạn lịch sử và địa phận nó đi qua, song nó là nhân chứng lịch sử lâu đời, là nguồn mạch sống nuôi dưỡng đồng bằng virapura với đầy đủ hệ thống khai thác dòng nước  tài tình của các đời vua, lưu dấu ấn nhiều nhất với vị vua Po Rame, và cũng là luỹ thành (sông) bảo vệ cho thành phố với tên gọi [krong biuh] (Sông Biêu, sông Luỹ), mà ngày nay bên tả ngạn nơi cuối dòng của nó (Bình Quý nay) còn lưu lại dấu tích về luỹ thành bằng gạch xếp chồng.


Xem thêm bài “Từ [Hamu Bek] cho đến [Quý Chánh]