Pics

Pics

2017/12/23

THỬ ĐỌC/GIẢI MÃ TRUYỀN THUYẾT PO INA NAGAR (Mẹ Xứ Sở)

THỬ ĐỌC/GIẢI MÃ TRUYỀN THUYẾT PO INA NAGAR (Mẹ Xứ Sở)
(Jaya Thiên)
----
Việc đọc/giải mã Thông điệp quả là việc khó nhằn, và mang tính cảm quan/hiểu biết cá nhân của người đọc, nên mọi thông tin chỉ mang tính chất gợi mở, tham khảo, không mang tính chất khoa học. Nhưng một khía cạnh nào đó có thể cho người đọc vài ý tưởng gợi mở thú vị.
Các thần tích, chuyện dân gian Chăm lưu truyền hiện nay về Po Ina Nagar (Mẹ Xứ Sở) có khá nhiều và nhiều dị bản khác nhau, dưới đây xin liệt kê ba bản thông dụng nhất về Po Ina Nagar.
Về truyền thuyết mang tính vũ trụ luận tôn giáo thì cho rằng:
“… Bà là vị thần từ cõi trời xuống trần gian, Bà có 97 người chồng, 36 người con tượng trưng cho 37 màu máu, 37 màu máu biến thành 37 giống cây trồng, vật nuôi và các tục lệ cúng thần khác. Thân thể bà đồng nhất và tượng trưng cho các phần khác nhau của vũ trụ: Thân của bà chính là bầu trời, đầu của bà chính là mũ đội của các vị vua, của các sư cả Balamôn, cánh tay của bà tượng trưng cho Sao Cày, đôi chân bà là sao Bắc Đẩu, răng của bà rìu đá của thần Sấm Sét, …”
Một dị bản khác thì cho rằng: “Nữ thần Po Ina Nagar với tên gọi đầy đủ là Po Yang Ino Nagara được sinh ra từ mây trời và từ bọt biển, nữ thần đã hiện thân dưới hình dáng một khúc gỗ kỳ nam nổi trên mặt biển. Bà có 97 người chồng, trong đó Po Yang Amô là người yêu có nhiều mãnh lực nhứt, và bà đã sinh 38 người con gái, đều cũng đã trở thành nữ thần như mẹ. Bà đã tạo sinh ra đất đai, cây kỳ nam và lúa gạo, không khí chung quanh bà đượm mùi thơm của lúa và chính bà đã đem sinh khí cho cây sung thần”
Truyền thuyết khác mang tính dân gian:
"Ngày xưa có hai vợ chồng già lấy nhau lâu năm nhưng không có con. Hai người làm rẫy và cho trồng dưa hấu tại chân núi Lang Liri (núi Đại An). Khi đó, ông Trời đã phái một cô gái còn trẻ xuống rẫy hái trộm dưa. Hằng đêm cô đều xuống phá dưa làm cho hai ông bà rất tức giận; và do vậy, hai người đã lập mưu rình bắt người đã hái trộm dưa. Quả nhiên cô gái bị hai ông bà bắt được nhưng vì còn trẻ nên được hai ông bà nhận làm con nuôi. Ở chung được vài năm, trong một lần tắm sông, cô đã hóa thân vào khúc trầm hương và trôi ra biển lớn. Khúc gỗ trôi lên biển Bắc và rơi vào tay hoàng tử của Trung Hoa. Hoàng tử cho vớt khúc gỗ đem về cung. Sau đó ít lâu thì khúc gỗ hóa thân thành một cô gái xinh đẹp và hai người nên duyên vợ chồng. Chung sống với nhau và có được hai người con (đặt tên là Hai và Tray), về sau hai người xảy ra sự bất đồng kết hợp với việc nhớ cha mẹ già, cô đã nhập vào thân trầm để trở về quê hương. Sau khi nhận tin cha mẹ đã mất, cô đã ở lại để chỉ người dân kiến thiết đất nước, cho dạy chữ, hướng dẫn người dân cày cấy, trồng bông, dệt vải, xây tháp, … Sau khi mất thì cô hiển linh. Để ghi nhớ công lao của cô nên người dân đã suy tôn cô thành Mẹ Nữ thần Xứ sở – tức Yang Po Ina Nagar và cho xây dựng đền tháp để thờ phụng"
A. CÙNG GIẢI MÃ THỬ XEM:
Dựa vào thần tích, chuyện dân gian và cả trong các sinh hoạt tôn giáo - tín ngưỡng Chăm hiện nay ta có thể tạm chia hình thức biểu hiện của Po Ina Nagar thành sơ đồ sau:

*** Ta thấy ngoài yếu tố thần tích, truyền thuyết thì ở câu chuyện dân gian tuy không phải câu chuyện có thật,không có chứng cứ khoa học rõ ràng, nhưng cũng cho thấy có sự xuất hiện của dấu vết trình tự hình thành lịch sử dân tộc của Champa.
Ở đây mình cũng tạm lấy mốc từ trước CN đến năm 192 (tk2 SCN), có nghĩa là mốc có trước khi Lâm Ấp (Champa) được ghi nhận trong sử sách. Trước năm 192 SCN là quãng thời gian chuẩn bị, đấu tranh,...để định hình lên một thể chế rõ ràng là Champa sau này.
1: Po Ina Nagar đi Trung Hoa.
* Trong cổ sử Trung Hoa như Hậu Hán thư và Thủy Kinh chú,... có nói đến quá trình đấu tranh dành quyền tự chủ của Khu Liên có sự liên kết, hỗ trợ của nhóm người "man" ở phía nam huyện Tuợng Lâm giúp sức. Vậy có nghĩa là trong quá trình này Khu Liên đã kết hợp với /được các nhóm người cùng chủng tộc đi lên trợ giúp trong giai đoạn đấu tranh dành quyền tự chủ từ tay người Hán.
* Trong truyền thuyết dân gian về Po Inu Nagar có nhắc rằng Bà rời bỏ quê hương xuôi theo đường biển để đi lên phía bắc đến Trung Hoa.
* Thử liên hệ với Sự tích "Chăm Saai, Raglai adei" có nhắn rằng: vì đi tìm mẹ mà hai chị em thất lạc nhau. Người Mẹ này chính là Po Ina Nagar, vào một ngày Bà bỏ đi mất nên hai chị em Chăm, Raglai mới chia nhau đi tìm rồi từ đó lạc mất nhau.
* Theo truyền thuyết về sự hình thành Champa và cả trong tiến trình lịch sử ta thấy Champa được cai quản luân phiên bởi hai thị tộc lớn là tộc Cau (Pinang/patau Tathik/Kramuka Vams’a/Thần Mẹ) cai quản vùng đất phía nam Champa. Còn tộc Dừa (Li u/Patau Cơk/Narikela Vams’a/Thần Cha) cai quản vùng đất phía bắc Champa.
*** Vậy có thể nào, Po Ina Nagar (mẹ của Chăm, Raglai,...) đại diện cho quyền lực (vua, tướng, thần) phía Nam, đại diện cho chủng phía Nam Champa đã lên Nhật Nam (Trung Hoa) liên kết với đại diện cho chủng (vua, tướng, thần) phía bắc Champa (Khu Liên/Lâm Ấp) trong quá trình dành quyền tự chủ từ tay người Hán. Và có thể Bà đã đi lên phía bắc vào mùa gió Tây Nam khoảng tháng 5-10 trong năm, đây là thời điểm thuận lợi theo luồng gió để dong buồm đi ra phía bắc. Trong truyền thuyết, dân gian bảo Bà đến Trung Hoa, nhưng ta nên hiểu Trung Hoa ở đây chỉ là quận Nhật Nam (giai đoạn này Nhật Nam vẫn trong tầm kiểm soát của người Hán).
2: Po Ina Nagar bỏ về quê cũ (Núi Đại An - Khánh Hoà)
Trong truyền thuyết không nói rõ vì sao Bà quay lại quê cũ, chỉ nhắc đến chi tiết Bà vì thương nhớ quê nhà, cha mẹ nê mới xuôi theo đường biển mà về quê xưa.
Có lẽ, trong/sau khi liên kết và dành được sự tự chủ cho Lâm Ấp vì không thống nhất được quan điểm trong thể chế chính trị lẫn tín ngưỡng nên đã xảy ra bất đồng không cùng quan điểm, hoặc đã hoàn thành mục đích liên kết nên Bà mới trở về quê cũ để xây dựng nam Champa.
Chúng ta cũng nên nhớ rằng, giữa Nam - Bắc Champa luôn xảy ra bất đồng cả chính trị lẫn tôn giáo. Khi bắc Champa luôn xưng, lấy tên, thờ các vị Thần Cha (Shiva), ở nam Champa thì ngược lại, luôn xuất hiện bóng dáng của Thần Mẹ Xứ Sở (Po Ina Nagar), các danh xưng của Vua phía Nam luôn có chữ Po đứng đầu...
3: Po Ina Nagar dạy cho dân cáy cày, dệt vải, làm gốm,...
Trong truyền thuyết còn kể rằng Bà có 97 nguời chồng, 36 người con. Số lượng này chỉ mang tính tượng trưng cho huyền tích, nhưng cũng không phải là không có thực. Vậy khi Bà rời bỏ quê chồng (bắc Champa) để về quê cũ thì dĩ nhiên phải có một số con cái nào đó đi theo và có số nào đó ở lại để cùng Cha xây dựng cơ nghiệp. Điều này không khỏi khiến mình liên tưởng đến " bọc trăm trứng của Âu Cơ ".
Sau khi về quê cũ, Bà bắt đầu dạy dân chúng cáy cày, trồng bông dệt vải, làm gốm, xây tháp...Từ ý này ta có thể thấy được sự tiếp nhận kĩ thuật của người Ấn Độ trong thời gian Bà đang ở bắc Champa. Bà đã học được kĩ thuật xây tháp bằng Gạch, trồng bông để dệt vải, và có thể là kĩ thuật trồng lúa nước mới,...Bắc Champa là khu vực vương triều Champa theo Ấn Độ rõ nét hơn nam Champa còn đậm chất bản địa.
Những điều trên cũng làm rõ hơn lí do vì sao Bà rời quê chồng để về quê hương, và đã tiếp nhận được những kĩ thuật nổi bật nào .
Tuy truyền thuyết không chỉ cho ta biết thời điểm lúc Bà quay về, nhưng ta thử định thời gian rơi vào mùa gió Bắc, thời điểm phù hợp để đi thuyền xuôi theo luồng gió về phương nam.
4: Ngoài ra, trong các câu chuyện được lưu truyền thì ta biết, Po Ina Nagar xây dựng và trị vì vương quốc Nam Champa thịnh vượng trù phú khoảng 200 năm trước khi về trời.
Nếu ta lấy 100 năm là tuổi của một người sống thọ thì 200 năm ghép cho một Po Ina Nagar thực nào đó là không hợp lí.
Vì công trạng của mình nên Bà đã được dân chúng tôn lên làm Po/Yang (Vua, Ngài/Thần), là người bảo hộ cho chủng tộc phía nam Champa. Và, trong giai đoạn trước và 1-2 thế kỷ sau CN thì việc một nữ vương ( Po/ vua ) hay đại diện quyền lực của thị tộc là chuyện bình thường, ta có thê liên hệ đến Bà Trưng, Bà Triệu của người Mường chẳng hạn. Vậy trong khoảng 200 năm này đã có hơn một Po Ina Nagar cai trị nam Champa, và 200 năm đó chính là vương triều do Nữ vương đứng đầu (vua nữ), ta tạm gọi là vương triều Po Nagar.
Trong một câu chuyện sáng thế kỷ khác được nhắc trong tư liệu Chăm có đoạn như sau:
"NữThần Po Ina Nagar có 8 cái bùa phép (dalapan takaisarak). Mỗi cái bùa Po Ina Nagar lập ra trời đất, mặt trời, mặt trăng (yang harey, yang bilan), thân thể con người; tạo thành Chăm Ahier, Chăm Awal. Po Nagar còn tạo ra lịch pháp, dạy người Chăm biết sử dụng ngày tháng năm. Nữ thần Po Ina Nagar còn tạo ra xứ “Bal Huk” (Củ Hủ- Mỹ Tường - Ninh Thuận) cho thần Cha (Po yang ama) cai quản, xứ “BalLai” (Ba Tháp/Hoà Lai - Ninh Thuận) cho Po Debatathuer cai quản và xứ “Padarang” cho Po Aulaoh (thánh Alla) cai quản."
...
"Tư liệu còn cho biết về sự đấu tài giữa Nữ thần mẹ Po Ina Nagar và thần Cha (Po yang ama) trong việc tạo dựng vũ trụ. Po Ina Nagar thắng thế, vì vậy Po Ina Nagar lại sinh ra thần Cha (Po yang ama, thần Siva (on sibaiyon), và sinh ra 9 vị thần khác cùng các vị vua Chăm để cai quản đất nước (Po Ina Nagar trun salipan yang gréh padang nagar palei)."
* Bal Huk (Cổ Hủ) chính là thủ đô tạm thời được dựng nên sau khi Vijaya (bắc Champa) thất thủ vào khoảng năm 1000 SCN, chạy xuống phía nam và có sự tranh chấp với Panduranga do Po Nagar đang trị vì nên mới có câu chuyện về sự tranh tài trên và Po yang ama thua.
Có thể nào, vương triều mẹ Po Nagar trị vì đến giai đoạn này, nên mới cho phép vương triều cha ở phía bắc đến lánh nạn và đặt thủ đô tạm tại Bal Huk (Cổ Hủ) chăng. Đối chiếu thêm trong "Biên Niên Sử Chăm (Panduranga) " thì ta thấy giai đoạn vua đầu tiên được nhắc đến là Po Po Aulaoh cùng khoảng trước sau giai đoạn biến cố thành Vijaya ở tk-11 như trên, được Po Ina Nagar giao quyền cai trị vùng Pandarang (đồng bằng Phan Rang - Ninh Phước bây giờ).
Và liệu chúng ta có thể xem đó chính là giai đoạn chuyển giao từ Mẫu hệ - nữ quyền sang Mẫu hệ - nam quyền không!? (Lúc này các vị vua Panduranga là Nam giới, đều có danh xưng là Po đứng đầu).
Và cũng là kết thúc vương triều Po Nagar không!?
*Trong quá trình hình thành trải dài của Champa ta thấy hai đối trọng ngang hàng, đôi lúc còn xảy ra tranh chấp nhưng đó là hai phần, cực không thể thiếu nhau giữa Bắc và Nam Champa (hay Patao Likei-Patao Kamei) của một cá thể Champa.
Và trong quá trình di chuyển ra/vào giữa hai miền nam/bắc Champa, Po Ina Nagar cùng các con đã cư trú/tạm và có truyền dạy các kĩ thuật này cho các cư dân trong vùng, và đó là lí do vì sao ta thấy rải rác các đền thờ Po Ina Nagar với tên gọi Việt hoá ở các vùng bắc Champa, và cũng hợp với truyền thống, tục thờ Mẫu bản địa nên đã hoà vào nhau với 1 danh xưng là Po Ina Nagar. Ở Nam Champa thì đền thờ Po Ina Nagar nhiều vô kể bởi nơi đây vẫn còn giữ nét bản địa đậm hơn bắc Champa.
- Nếu ở bắc Champa có thánh địa Cha (Mỹ Sơn) thì nam Champa có thánh địa Mẹ (thánh địa Po Ina Nagar - Nha Trang).
- Nếu ở bắc Champa có thành Cha thì nam Champa thành Mẹ ở đâu!?
- Nếu ở bắc Champa có Lâm Ấp (Lin yi = Li U?!/tộc dừa /Patau Cơk) thì nam Champa có [...] (Panang/tộc Cau/Patau Tathik) phải không!?
- Nếu ở bắc Champa là Đực thì nam Champa hẳn là Cái rồi!?
- Và, Sakkarai Dak Rai Patao (Biên niên sử Champa Panduranga) Chỉ viết cho xứ Padarang chứ chưa hẳn cho cả hết vùng Panduranga (Vì vị vua khởi đầu của biên niên sử này là Po Awlauh, và thiếu hụt cả giai đoạn trước thời của Po Awlauh).!!!
B. Tạm kết:
Tuy rằng là những truyền thuyết mang tính thần kỳ hoang đường, nhưng ẩn chứa trong nó là những câu chuyện lịch sử được ẩn dụ bên trong để nhằm nhắc nhở cho chúng ta về một giai đoạn sơ khai của dân tộc. Và như ta thấy đã có một/những Po Ina Nagar thật sự đóng góp trong quá trình xây dựng Champa, đã cùng liên kết với bắc Champa dành quyền tự chủ, và đã có một vương triều "Po Nagar" tồn tại trong quá khứ, bổ khuyết vào phần sử giai đoạn đầu của Panduranga, và đã từng có giai đoạn Vua/Po là Nữ giới trước khi chuyển sang Nam giới cai trị (nhưng vẫn lệ thuộc, chỉ đại diện cho tộc Mẹ/Mẫu), đó là Patao Kamei mà nay ta còn nhắc trong các bài tụng ca.
Và Po Ina Nagar lịch sử này đã được hoà chung vào cùng với một Po Ina Nagar (Mẹ Xứ Sở) bản địa thuở sơ khai mà ngày nay chúng ta được nghe nhắc bởi những truyền thuyết, dân gian Chăm ngày nay. Và yếu tố này vẫn còn đậm chất đến ngày nay.
P/s: Tất nhiên bài viết này chỉ mang tính chất phỏng đoán dựa trên hiểu biết của người viết, nhưng cũng là tiền đề để xây dựng lên một phần lịch sử hình thành nên một Champa trong giai đoạn sơ khai định hình nên một đất nước Champa rõ ràng. Và cũng để gợi mở sự thích thú cho những ai thích đọc thông điệp.