Pics

Pics

2020/08/03

KHẢO LƯỢC VŨ TRỤ QUAN ĐỀN THÁP CHAMPA

KHẢO LƯỢC VŨ TRỤ QUAN ĐỀN THÁP CHAMPA – Jaya Thiên

I. Tổng quan:
Champa là một quốc gia hiện hữu kể từ 192 DL ( Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho đến thời điểm bây giờ ) đến cuối năm 1832 DL. Phần đất được xác định trải dài khu vực miền Trung hiện nay. Chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ. Là một quốc gia được xác lập khá sớm, tồn tại và tiếp nhận cùng nền văn minh từ Ấn Độ ấy còn có các quốc gia khác như: Java, Chân Lạp, Phù Nam ,…
Champa chịu ảnh hưởng văn hoá Ấn Giáo, qua bao quá trình chồng lấp cả về văn hoá lẫn tư tưởng, đồng thời đã cải tiến để hình thành cho mình một biểu hình tư tưởng riêng. Trong đó, biểu tượng hình núi Meru được xem như một đại diện chính thể, là trục vũ trụ, tại đó Thiên thế - Trung Thế - Hạ Thế được nối kết với nhau qua trục Meru này.
II. Kiến trúc Tháp Champa:
Trong một vương quốc Champa thống nhất bao gồm các tiểu quốc được tổ chức như một Mandala gọi là Mandala tiểu quốc. Trong mỗi Mandala tiểu quốc ấy tự xây dựng và phát triển cấu trúc xã hội – kinh tế - tôn giáo – chính trị riêng cho tiểu quốc và kết nối với những Mandala tiểu quốc khác tạo thành một thể thống nhất với nhau. Và đại diện hình ảnh cho những Mandala cho mỗi tiểu quốc chính là những quần thể Tháp (Bimong-kalan), đó chính là một Mandala thu nhỏ, là hạt nhân của một Mandala tiểu quốc. Mandala tháp ấy chính là một vũ trụ thu nhỏ như chính tên gọi Mandala vốn đã chứa sẵn hàm ý ấy.
Champa ảnh hưởng văn minh Ấn chọn Balamon giáo làm quốc giáo, Balamon giáo Champa đã được biến cải cho phù hợp với bản địa, chọn thần Shiva làm khuôn mặt đại diện chính cho tôn giáo thờ, gọi là Shiva giáo. Tháp Champa là những kiến trúc tế lễ thờ phượng, nơi tụ tập xã hội, chính trị, lễ hội đình đám, tang ma hiếu hỉ, giải trí,…
Bởi chịu ảnh hưởng lớn văn hoá Ấn Độ nên Triết lý Vũ trụ của Balamon giáo cũng từ đấy được hấp thu qua thời gian du nhập vào mảnh đất Champa. Thuyết Vũ Trụ tạo sinh (Vòng tròn tạo sinh / Mandala) được biểu hiện qua nhiều dạng thức qua từng giai đoạn trong xã hội Champa bấy giờ, trong đó quần thể Bimong-Kalan Champa (Đền-Tháp Champa) là một đại diện đặc trưng cho biểu hình tôn giáo. Các Tháp Champa ấy mang một cấu trúc dựa theo thuyết Vũ trụ tạo sinh. Vũ Trụ quan ấy được sinh ra từ sự thờ phượng bộ Sinh Thực khí, phồn thực. Đại diện cho Sinh Thực khí ấy là bộ Linga – Yoni. Qui luật “tanaow-binai / lakei-kamei” (đực cái / nam nữ) là khái niệm phát xuất từ qui luật Linga và Yoni nằm trong nền văn minh Ấn Giáo. Là một vũ trụ thu nhỏ.
Quần thể, thánh địa Tháp Champa nhìn chung theo phong cách Ấn giáo, tổng quát dựa trên thuyết Vũ trụ tạo sinh, chỉ khác nhau ở đường nét, biểu tính “tanaow-binai / lakei-kamei” (đực cái/nam nữ) theo từng giai đoạn mà vương quốc lựa chọn theo giáo phái chính mà thành.
Thông thường trong một quần thể kiến trúc đền tháp Champa bao gồm một ngôi đền chính thường lớn được gọi là kalan theo tiếng Chăm, và các ngôi đền phụ, các bờ tường thành bao quanh thể hiện một tổng thể ngọn núi Meru theo thuyết Vũ trụ tạo sinh của Ấn giáo. Trong đó kalan chính tượng trưng cho trục thế giới, trục vũ trụ, là trung tâm hoàn mỹ, các kalan phụ hay các bờ tường tượng trưng cho các thiên thể, đại dương hay dòng suối lớn. Và như vậy Kalan chính là công trình quan trọng, đại diện chính cho khuôn mặt thờ cho cả toàn thể kiến trúc đền tháp thờ này.
Trong một quần thể, thánh địa, tổng quát thường có đền thờ ba vị thần sáng thế Brahma, Vishnu và Shiva gọi là đền Trimurti. Ở mỗi nhóm của từng giáo phái, đền thờ vị thần tối thượng của phái đó có khuôn mặt chính còn hai vị thần còn lại là phụ. Điển hình các Tháp Champa chọn Shiva là khuôn mặt đại diện chính, được hoá thân vào biểu tượng thờ Linga-Yoni trong các ngôi tháp thờ chính. Và các đền thờ phụ xung quanh.
*Trong ba vị thần sáng thế trong Ấn Độ giáo [Shiva – Brahma – Vishnu] ta thấy Shiva mang tính “ tanaow đực “ có khuôn mặt đại diện chính là “ lakei nam “; Brahma lưỡng tính chứa cả “tanaow-binai / lakei-kamei” (đực cái / nam nữ); Vishnu mang tính “ binai cái “ có khuôn mặt đại diện “ lakei nam “.
Từ đó ta có thể khẳng định được cấu các đền tháp Champa dựa trên ba loại phong cách kiến trúc chính:
+ Loại thứ nhất, các đền đài có cấu trúc “ tanaow đực “có khuôn mặt đại diện chính là “ lakei nam “ trội thường là những đền thờ Shiva của phái Shaivism.
+ Loại thứ hai, các đền đài có cấu trúc lưỡng tính “tanaow-binai / lakei-kamei” (đực cái / nam nữ) đề huề nhất thể thường dùng thờ phượng thần tạo hóa Brahma có khuôn mặt lưỡng tính, nhất thể.
+ Loại thứ ba, các đền đài có cấu trúc “ binai cái “ có khuôn mặt đại diện “ lakei nam “ trội thường thờ Vishnu của phái Vishnu (Vaihnava).
Ngoài ra còn có các Kalan thờ các nữ thần, kalan phụ.
Kalan mang tính “tanaow / đực”:
Như đã nói Champa chọn Shiva giáo là chính, nên đa phần các Kalan Champa đều mang tính “ tanaow đực“, có khuôn mặt đại diện chính là “lakei nam“, có đỉnh nhọn, đường nét vuông thẳng, thân tháp có đặc điểm vuông hay tròn, mang biểu tượng “tanaow đực” hơn như các quần thể tháp ở thánh địa Mỹ Sơn, Poklong Garai, Po Rome,…Ngoài ra, quần thể Kalan Champa còn mang tính “binai cái“ đại diện chính cho cả tổng thể Kalan Champa ấy theo Shiva giáo, tháp có đặc điểm tròn đầy, đường nét cong mềm mang tính chất “binai cái“ hơn, đại diện cho nhóm này có Tháp Po Inu Nagar (Nha Trang), Tháp Yang Mun (Gia Lai),…
Shiva thường mang hai khuôn mặt đại diện dưới hình tượng núi Meru và linh tượng Linga.
Shiva chọn ngọn Meru là nơi trú ngụ, được cho là núi Trục vũ trụ, trụ thế giới,…là một mandala theo quan điểm Vũ Trụ tạo sinh. Bởi vậy các hình tháp này có hình dáng như núi Meru có đỉnh nhọn. Các Tháp mang phong cách này thường chứa đầy đủ thuyết Vũ trụ tạo sinh. Mỗi tháp (kalan) này chính là một tiểu mandala, là trục vũ trụ,… Điển hình nhất là Tháp A1 ở Mỹ Sơn (Duy Xuyên - Quảng Nam ), hay Tháp Poklong Garai (ở Tp Phan Rang – Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận ),…
Shiva còn được biểu hiện qua hình tượng Linga. Linga cũng được xem như trụ chống trời, trục thế giới,…hình tượng ấy giống như “ tanaow / đực ‘’ ( hình dương vật ). Kalan Champa dưới dạng này thường đứng đơn lẻ mang tính biểu tượng cao, hay cũng diển tả đầy đủ thuyết Vũ trụ tạo sinh. Điển hình như Tháp Bằng An ( Điện Bàn-Quảng Nam ), Tháp Yang Prong ( Ea Sup – DakLak ),…
Kalan lưỡng tính “tanaow-binai / đực cái “:
Ta biết Brahma có khuôn mặt lưỡng tính đại diện, mang cả tính đực và cái trong cùng một khuôn mặt, mang tính sinh tạo lớn, diễn tả đầy đủ thuyết Vũ trụ tạo sinh. Có hình biểu lưỡng tính nhất thể. Đối với hình dạng kalan thờ Brahma thường thấy có tính “tanaow-binai / đực cái “ đề huề, vừa có nét thẳng vừa có nét cong tròn, hoặc hơi cong, đỉnh chóp tròn hoặc có hình dạng quả bầu,…(stupa). Trong hệ thống Kalan Champa chọn Shiva là khuôn mặt chính nên các tháp có tính “tanaow-binai / đực cái “ này được khoác lên mình một bộ mặt thuần “ tanaow đực “ hay “ tanaow đực “ mang tính trội hơn. Kalan thờ Brahma có thể có hình nhọn Núi Meru do tính chất quốc giáo Shiva trội hơn, nhưng ta có thể nhận diện được kalan này nhờ vào biểu tượng thờ, hay các hình tượng điêu khắc mà phân biệt tính chất của nó. Trong một quần thể Kalan có quy mô lớn như ở thánh địa Mỹ Sơn chắc chắn có đủ cả hệ thống Kalan thờ Brahma.
Bimong mang tính “ binai / cái “:
Dạng Kalan mang tính “ binai cái “ có khuôn mặt đại diện “ lakei nam “ trội thường thờ Vishnu của phái Vishnu (Vaihnava). Trên các kalan thờ Vishnu này có đặc điểm cong tròn, thon hoặc hơi cong, các hoa văn, biểu hình mang tính “ binai cái “, tính phồn thực sinh nở cao, ngược với kalan thờ Shiva kể trên. Kalan thờ Vishnu có hình dáng núi trụ Meru bởi tính trội quốc giáo là Shiva giáo.
Điển hình như Tháp thờ Cri Cambhu trong quần thể Tháp Po Inu Naga, Nha Trang, Khánh Hoà. Ta có thể thấy phần mái có dạng cong vòm và chóp tháp có hình trái bầu ( symbolic water pot ) tính sinh nở đề huề, bên trong tháp thờ thần Cri Cambhu / thần mắn đẻ. Từ những dẫn chứng ấy ta có thể khẳng định tháp Cri Cambhu là tháp mang tính “ binai cái “.
Tháp thờ Cri Cambhu









Bimong thờ các nữ thần:
Vì là tháp thờ nữ thần nên đặc tính tháp này mang tính “binai cái“. Bởi vậy hình dạng tổng thế chính cũng mang tính “binai cái“ tương ứng và ngược với hình dáng kalan mang tính “ tanaow đực “ có hình dáng hình trụ thẳng, hay mang biểu tượng hình linga.
Trong các quần thể tháp Champa ta đặc biệt chú ý đến chi tiết tháp có hình dạng cong mũi thuyền (mái hình yên ngựa), hay còn gọi là tháp Lửa. Tính chất mái cong hình thuyền ấy chính là biểu tượng cho tính “binai cái“ ở đây chính là hình âm vật, bởi cấu hình của âm vật có tính chất hình ống dài.
Tháp lửa là nơi thờ thần Lửa Angi, giữ ngọn lửa thiêng, cũng là nơi để các lễ vật, hay nấu nướng lễ tiệc cúng dâng lên cho các thần linh ở tháp chính Kalan. Có thể kể đến trong nhóm này có tháp lửa B5 Mỹ Sơn, Tháp Lửa nhóm tháp Poklong Garai, Tháp Lửa nhóm tháp Po Inu Naga,…
*** Từ đó ta có thể kết luận rằng Tháp Lửa (Tháp Hình Thuyền) này mang tính “binai cái“ thờ thần Angi, phá bỏ các lí thuyết mang tính quy chụp rằng tháp ảnh hưởng văn hoá biển (nên có mái hình Thuyền) mà các nhà nghiên cứu đã qui chụp gán lên mình nó một ý nghĩa có phần khập khiễng.

III. Vũ trụ tạo sinh trong quần thể Tháp Champa:
1. Thuyết chung về Núi Meru và bán lục địa Ấn Độ
Trong Brahman giáo, có chín dãy núi dài trên dãy Himalia, cao nhất là ngọn Meru làm trung tâm cho bảy dãy núi bọc quanh theo hình vuông (hoặc tròn) toả dần ra ngoài, một dãy núi thần thoại có nhiều đỉnh. Có ba mươi ba vị thần linh ngự trị trên ngọn Meru này. Mặt khác, theo người Ấn Độ cổ, ngọn núi vũ trụ này còn được đặt trên lưng một con rùa vũ trụ gọi là Kurma-avatara. Rùa Kurma là giá đỡ vững chắc của ngọn núi Meru khi thần Deva và Asura tiến hành đánh biển sữa để làm ra Amrita.
Từ xa xưa, bán lục địa Ấn độ hình tam giác đã bị tách từ châu Nam cực và di chuyển hết sức chậm chạp cho đến khi nó chạm vào bậc nền của Himalia trên lục địa châu Á. Sự va chạm đã tác động lên mép rìa châu Á tạo thành dãy Himalia. Có một thời gian, chỗ giữa hai châu lục đó để lại một khe hở nơi nước biển chảy qua. Trải hàng triệu năm, cát từ dãy Himalia đã lấp đầy khe này và làm nên một lớp cát dày ngót sáu ngàn mét sâu bên dưới thành phố Varanasi. Nước từ rặng núi chảy xuống tạo thành một con sông (xem hình). Dòng chảy phía cao hơn của con sông tạo thành sông Brahmaputra hiện nay, dòng chảy ở khoảng giữa là sông Hằng (ngược hướng với dòng chảy ngày nay), và dòng dưới thấp là sông Ấn. Đến một lúc nào đó, xảy ra sự sụt lún nghiêm trọng ở vùng Bengal. Từ đây con sông chảy ra biển bị chia làm hai nhánh là sông Brahmaputra và sông Hằng ngày nay, chúng đổi hướng và thâu gom lượng nước từ nhiều nguồn khác nhau. Kết quả là, sông Ấn đã trở thành một dòng sông riêng rẽ từ sự đổi hướng của sông Hằng.[2]




2. Núi Meru trong nghệ thuật kiến trúc:
Núi Meru được xem là trục thế giới, là trục của thế giới đa tầng Mandala. Bởi vậy trong các nước chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Ấn giáo có một biểu thức kiến trúc đền tháp thể hiện biểu tượng hình núi Meru. Kiểu kiến trúc này đã có những ảnh hưởng rõ rệt đến quần thể kiến trúc đền - tháp Champa.
3. Quần Thể Tháp Champa và Vũ Trụ tạo sinh:
Tiếp nhận triết lý Balamon giáo mà nơi phát xuất khởi điểm từ Balamon giáo của Ấn Độ, cộng với tín ngưỡng đa thần mang tính địa phương, qua thời gian đã tiếp nhận thêm vài nét giao thoa với Phật giáo, Khơme đã làm cho Champa mang trong mình một sắc thái riêng biệt và đa dạng. Nhưng cốt lõi của kiến trúc đền tháp ấy vẫn dựa trên nền triết lí Vũ trụ tạo sinh Brahman giáo Ấn Độ, và phản phất ở đó là những nét tương đồng với kiến trúc đền tháp của các nước chịu ảnh hưởng.
Và, dù cái biểu hình có sự khác biệt đi đôi chút bởi qua thời gian lẫn chủ ý của người tiếp nhận, nhưng cái biểu tính Triết lí vẫn vẹn nguyên cốt lõi. Cái triết lí đó được biểu hiện ra bởi một tổng thể đền tháp Champa, dựa trên nguyên lý mà Chăm gọi “tanaow-binai / lakei-kamei” (đực cái/nam nữ).
Và, Triết lý Vũ trụ tạo sinh ấy là vũ trụ quan bắt nguồn từ việc thờ bộ sinh thực khí, phồn thực, tính nòng nọc, âm dương rồi thành vũ trụ giáo. Việc thờ sinh thực khí, là một nghi thức cổ xưa nhất của loài người được phát hiện cho đến bây giờ.



















Nhìn chung, một quần thể đền-tháp Champa bao gồm những đơn vị sau:
- Ngôi đền chính kalan
- Tường bao (antarmandala)
- Tháp cổng (gopura)
- Tháp Nam/Tháp Lửa (kosagraha)
- Tiền đường (mandapa)
- Tháp bia
Thử quan sát trên một bình diện tổng thể một quần thể đền - tháp Champa. Trong bình diện tổng thể ấy ta quan sát được tính đối ngẫu giữa cặp “tanaow–đực/binai–cái“ xuyên suốt tổng thể trong một khu đền tháp Champa. Điển hình như khu tháp Poklong Garai có kalan chính thờ vị thần chủ thể Shiva, hình núi meru mang tính “tanaow đực“ đối ứng với Tháp Lửa thờ thần lửa mang tính “ binai cái“. Ta cũng gặp kiểu đối ngẫu này trong hầu hết các quần thể tháp Champa.
Tổng thể đền tháp là một tiểu vũ trụ, tương ứng với trung tâm vũ trụ nơi các thần linh Ấn Giáo chọn làm nơi trú ngụ trên đỉnh Himalia quanh năm phủ tuyết. Với đỉnh cao nhất chính là ngọn Meru là trục xoay của vũ trụ ứng với Kalan chính trong tổng thể tháp Champa.
Kalan chính được chia làm 3 phần/tầng, tương ứng với 3 tầng vũ trụ bao gồm: Phần đế tháp là Hạ thế, thân tháp là Trung thế, mái tháp là Thượng Thế.
[Khác với quan điểm của Trần kỳ Phương (Khảo Luận Về Kiến Trúc Đền-Tháp Champa Tại Miền Trung Việt Nam) [3].]
+ Hạ thế: Chân tháp biểu tượng cho cõi âm
+ Trung thế: Thân tháp biểu tượng cho cõi nhân sinh. Là trục vũ trụ, thông thương kết nối giữa ba cõi. Là nơi đặt linh vật thờ, đặt các lễ vật để thực hiện các nghi thức lễ kết nối với ba cõi qua trục Trung thế này.
+ Thượng thế: Mái tháp biểu tượng cho vũ trụ, cõi trời.
Biểu tượng tam thế này còn được diễn tả đầy đủ ý nghĩa qua biểu hình linh vật Jatalinga có ba tầng, hay kalan hình linga ( Tháp Dương Long ).

Phần mái ( thượng thế ) của một Kalan chính có 3 tầng. Mỗi tầng mang hình dáng của một ngôi đền nhỏ với đầy đủ những bộ phận chính như trụ áp tường, cửa giả, chân tháp, ... Trên các tầng tháp trang trí ngẫu tượng và vật cưởi của ba mươi ba vị thần trong Ấn Độ giáo như ngỗng thần Hamsa, chim thần Garuda, bò thần Nandin, voi, sư tử … Mỗi tầng gồm có 4 đền nhỏ được bố trí tại 4 góc bao quanh 1 ngôi đền trung tâm theo trục xiên chéo tại bốn góc, mô tả thuyết ngũ điểm của tôn giáo Brahman giáo. Motif này được lặp lại và thu nhỏ và phân tầng lên cao, tương ứng với từng dãy núi cao thấp theo tầng như có ở dãy Himalia. Mỗi góc đền chính là nơi trú ngụ của các vị thần linh tương ứng:
+ Thần Isvara/thần Shiva, thượng đế, đấng toàn năng, hộ trì phương đông bắc
+ Thần Agni/ thần lửa, hộ trì phương đông nam
+ Thần Nairrta/thần la sát hộ trì phương tây nam
+ Thần Vayu/thần gió, hộ trì phương tây bắc








Phần thân kalan ( trung thế ) có 4 mặt hướng ra bốn phía theo trục chữ thập trên bình diện vuông gồm 1 cửa chính mở về hướng Đông và 3 cửa giả. Mỗi hướng có các vị thần hộ trì tương ứng như:
+ Thần Indra/thần sấm sét, hộ trì hướng Đông
+ Thần Varuna/thần nước, hộ trì hướng Tây
+ Thần Yama/thần chết , hộ trì hướng Nam
+ Thần Kubera/thần tài lộc, sức khoẻ, hộ trì hướng Bắc
Phần đế tháp ( Hạ thế ) là phần đỡ cho thân và mái tháp, được dựng trên bình diện vuông hoặc gần vuông theo trục chữ thập, được chạm trỗ các hoa văn kĩ hà, các vật cưỡi, hay các thần linh đại diện cho cõi Hạ thế.
Bao quanh kalan chính là bức tường bao (antarmandala) bằng gạch / đá theo bình diện vuông nối liền nhau và kết thúc tại vị trí tháp cổng (gopura), các bức tường bao này tượng trưng cho các dãy núi thấp bao quanh đại dương / hồ xung quanh ngọn Meru cao nhất.
Tại nhóm tháp A ( ở Mỹ Sơn ), xung quanh kalan chính A1 còn có 6 đền phụ kết hợp với 2 cửa để thờ 8 vị thần phương hướng (astadikpàlakas) cùng với vật cưỡi tương ứng, hộ trì bát phương. Ngoài ra tại nhóm tháp B (tháp B7-B13), có bảy ngôi miếu thờ bảy vị thần tinh tú (saptagrahas) là Nhật, Nguyệt, Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ trấn ở các phương chung quanh ngôi đền chính B1. Và, một quần thể như vậy diễn tả đầy đủ hoàn chỉnh mối tương quan như tổng thể núi vũ trụ trên dãy Himalia, mà trung tâm là Kalan chính, tượng trưng cho ngọn Meru, trục vũ trụ.
Hầu hết các đền - tháp Champa được xây dựng tại những địa điểm có dòng sông thiêng, cạnh biển. Bởi theo thuyết của Ấn độ thì dưới chân dãy Himalia được đại dương bao quanh, qua tiến trình biến đổi tầng địa chất, đại dương ấy bị bồi đắp bởi đất cát theo dòng suối từ trên dãy Himalia đổ xuống để tạo thành những dòng sông lớn là sông Ấn đổ ra biển Ả rập và sông Hằng đổ ra vịnh Bengal ngày nay, được xem là dòng sông thiêng. Đó cũng có thể là một trong những lí do các đền – tháp Champa luôn được xây tại các địa điểm có dòng sông thiêng hay cạnh biển để mô tả địa thế giống như địa thế của dãy Himalia.
Quan sát kalan chính theo hình chiếu bằng ( nhìn vuông góc từ trên đỉnh kalan xuống mặt đất ) ta sẽ thấy một motif kiến trúc/điêu khắc được lặp lại nhiều lần trên bình diện vuông nội tiếp đường bao hình tròn. Các motif này được lặp lại nhiều lần và thu nhỏ lại khi lên tầng cao. Rõ ràng nhận thấy đó chính là một đồ hình mandala dưới dạng 3D mô tả/ẩn chứa tính triết học của vũ trụ.

III.





KẾT LUẬN:
Champa ảnh hưởng văn hoá Ấn độ. Vũ trụ tạo sinh đó được hình thành dựa trên nguyên lý đối ngẫu “âm-dương, nòng nọc,…” từ truyền thống thờ sinh thực khí, phồn thực, mà Champa gọi là “tanaow-binai / lakei-kamei”.
Do đó toàn thể đền tháp mang một ý nghĩa thể hiện toàn bộ dạng núi vũ trụ, có kalan chính tượng trưng cho núi trụ meru, bởi Champa chọn Shiva làm quốc giáo nên đa phần hình dạng tháp có hình nhọn hay tháp linga để tượng trưng cho núi trụ meru, nơi có ba mươi ba vị thần linh ngự trị.
Hình dạng tháp mang tính “ tanaow đực / binai cái “.
Với một quần thể đền tháp có quy mô lớn như Mỹ Sơn (Quảng Nam) thì, ngoài các ngôi tháp chính, còn có các đền phụ được xây dựng bổ sung theo thời gian để mô tả hầu hết ý nghĩa như khung cảnh xung quanh núi trụ trên dãy Himalia.
Toàn bộ chúng miêu tả tính vũ trụ quan đền tháp Champa, với nguyên lý “tanaow-binai/lakei-kamei” trong cái nhất thể hoàn mỹ không thể tách rời.

……………………………………
[3] Trần kỳ Phương (Khảo Luận Về Kiến Trúc Đền-Tháp Champa Tại Miền Trung Việt Nam).
“Theo quan niệm kiến trúc của Ấn Độ giáo, kalan có ba phần :
Đế-tháp tượng trưng cho thiên giới;
Thân-tháp tượng trưng cho thế giới tâm linh, nơi tín chủ tự thanh tịnh chính mình để có thể tiếp xúc với tổ tiên đã hòa nhập với thần linh hoặc để tâm thức được thăng hoa;
Mái-tháp tượng trưng cho thế giới thần linh, nơi chư thần quần tụ.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét