Pics

Pics

2021/09/05

Linggaparvata – Đại Lĩnh sơn

Linggaparvata – Đại Lĩnh sơn

Đại Lĩnh sơn là dãy núi thuộc địa phận xã Hoà Xuân nam, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên, đỉnh cao nhất 706m, hai đỉnh nhận diện đáng chú ý là đỉnh chóp Chài và đỉnh Đá Bia (Thạch Bi, núi Ông).

Liên quan đến dãy Đại Lĩnh sơn hay Thạch Bi sơn này, chúng ta đều biết đến cuộc Nam tiến của vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành vào năm 1470, sử kiện này được ghi chép lại trong các bộ chính sử Đại Việt như, Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Sử quán triều Nguyễn), Đại Nam nhất thống chí, Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn),…

Xin dẫn lại một đoạn trích trong Đại Việt sử ký toàn thư về sử kiện này:

“Tháng 8 (Canh Dần 1470) quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà thân hành đem hơn 10 vạn quân thủy bộ cùng voi ngựa đánh úp Châu Hóa. Tướng trấn giữ biên thùy Châu Hóa là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dần vào thành rồi cho chạy thư báo cấp... Ngày Canh Thìn mồng 6 tháng này lệnh sai Chinh lỗ tướng quân Lâm quận công Đinh Liệt, phó tướng Kỳ quận công Lê Niệm đem 10 vạn thủy quân đi trước... Ngày mùng 6 (tháng 11) vua xuống chiếu thân hành đi đánh Chiêm Thành... Vua bèn gọi 26 vạn tinh binh, xuống chiếu thân chinh... Ngày 18 thủy quân vào đến đất Chiêm Thành... Ngày mồng 7 (tháng 2) vua tự mình dẫn hơn 1.000 chiếc thuyền, hơn 70 vạn tinh binh ra hai cửa biển Tân Áp và Cựu Tọa dựng cờ thiên tử, đánh trống hò reo mà tiến... Ngày 27, vua tự mình đem đại quân đánh phá thành Thi Nại, chém hơn 100 thủ cấp... Ngày 28, vua tiến vây đến sát thành Chà Bàn... Ngày mồng 1 tháng 3 hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về... Tháng 6, lấy đất Chiêm Thành đặt làm Thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa. Đặt chức án sát sứ ở 12 thừa tuyên và đặt 3 ty ở Quảng Nam (trích, Đại Việt sử ký toàn thư, 2005, tập II, tr.467-479).

Trong trận đánh này, vua Trà Toàn cùng gia quyến hoàng gia bị bắt sống tại thành Vijaya (Chà Bàn, Đồ Bàn), chấm dứt vương triều tại Vijaya này, cho lấy ranh tại đèo Cù Mông để phân ranh giới Đại Việt-Champa (1741). Trong Đại Việt sử ký toàn thư lại chép “sau khi chiếm được Vijaya, sau khi Trà Toàn bị bắt thì tướng Bố Trì Trì chạy đến Phiên Lung. Vua lại phong vương cho cả ba xứ Hoa Anh, Nam Bàn cho dễ ràng buộc”. Như vậy, tại thời điểm 1741 này, Champa hiện còn 3 xứ Phiên Lung (Panduranga); Nam Bàn, vùng đất phía nam của Chà Bàn (Vijaya), lấy đèo Cù Mông làm ranh; và xứ Hoa Anh.

Liên quan đến ngọn Thạch Bi sơn, mà tên địa danh này có lẽ xuất phát từ câu chuyện truyền thuyết dân gian liên quan đến sử kiện khi vua Lê Thánh Tông sau khi chiếm Vijaya đã cho quân đi thám thính đến Đèo Cả và cho người khắc bia đá trên đỉnh đèo Cả, nên ngọn núi mới có tên dân gian là Thạch Bi sơn. Tuy nhiên, qua nhiều nghiên cứu mới đây, các nhà nghiên cứu xác nhận sự kiện vua Lê cho khắc bia đá trên đỉnh đèo Cả để phân ranh giới Đại Việt-ChamPa chỉ là truyền thuyết dân gian, ranh giới giữa Đại Việt-Champa vào thế kỷ XV được xác định tại đèo Cù Mông và được ghi chép trong chính sử Đại Việt, phía Nam đèo Cù Mông (Phú Yên/Aia Ru) khi ấy vẫn thuộc phần đất của Champa.

Trong tác phẩm văn chương Ariya “Nai Mai Mang Makah”, ra đời khoảng đầu thế kỷ XVII ghi lại hành trình của công chúa đến từ Makah tại xứ Panduranga (Champa), ngay đoạn mở đầu của bản văn chương này đã xác định điểm đầu (bến đỗ) hành trình từ Makah đến Champa, công chúa Makah đã đậu thuyền vào Phú Yên.

              Nai mai mang Makah,

              blaoh takai nai deh, Harek Kah Harek Dhei,

              Nai nao tel Pajai,

              mang Lamngâ Pajai, nai jaoh akaok seng,

Tạm dịch:

Từ Makah,

nàng dừng chân ở Harek Kah Harek Dhei

Đi đến Pajai

nàng quay đầu trở lại,…

Harek Kah Harek Dhei”(1)  là thuật ngữ thông dụng trong ngôn ngữ Cham để chỉ cho nơi địa đầu vương quốc, chính là Phú Yên.

Dãy Đại Lãnh được xem là ngọn núi linh thiêng ở Phú Yên, được ghi chép nhiều trong các sử kiện liên quan đến vùng đất, nơi trước đây là xứ Aia Ru (Phú Yên). Người Champa luôn xem tự nhiên có tính thiêng nhất định, đặc biệt những ngọn núi cao, to lớn hay các ngọn núi chính đại diện cho một vùng đất, trong đó Núi Đại Lãnh cũng nằm trong quan niệm mang thần tính ấy. Có thể kể đến một vài ngọn núi mang tính thiêng này ở Miền Trung-Tây Nguyên như: Núi Chúa (Mahaparvata) Mỹ Sơn, Núi Chúa (Mahaparvata) Ninh Thuận, núi Đại Lãnh (Linggaparvata), núi Ngok Ling (Ngọc Linh) Kontum,…

Trong ghi chép của nhà hàng hải Trung Hoa đầu thế kỷ XV Trịnh Hoà, trên con đường biển từ Trung Hoa đến Malaca (Makah), khi đi qua xứ Champa ông mô tả về Champa và chú tên cho ngọn núi ấy là Ling Shan (Linh Chan) tức Linh Sơn. Cũng từ tập bản đồ này mà nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha, Francisco Rodrigues khi đó đã dựa vào tập bản đồ do Trịnh Hoà vẽ được lưu ở Malaca mà chú lại trong tấm bản đồ hướng dẫn con đường từ Malaca đến Trung Hoa (1511-1512) đã lấy mốc tiêu điểm từ Terra Vermelha dọc theo bờ biển cho mãi đến Pomta da Berela khoảng 14 jãos (2), và từ Berela đến pulo Catom có 12 jãos dọc theo con đường cũng tên như thế…” (Manguin,1972, tr. 58-59). Pomta da Berela chính là Ling Shan (Linh Sơn).

Cái tên Verella cũng xuất hiện sớm trong tập bản đồ của nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes (năm 1651 và năm 1653), các ghi chép của người châu Âu đến Champa đều dựa trên quan điểm về tính thiêng, một biểu tượng Lingga linh thiêng trong văn hoá Champa. Verella, có hàm nghĩa chỉ về một nơi thờ tự linh thiêng, là một dạng thần tượng linh thiêng, như cái Chùa, nơi thờ tự linh thiêng.

Mũi Đại Lãnh cũng được người dân địa phương ngày nay gọi là Mũi Chùa hay Mũi Nạy, tên gọi này cũng được J.Brien chép lại trong bản ghi chú trong chuyến hành trình khảo sát từ Qui Nhơn đến Bình Thuận được toàn quyền De Lanessan uỷ nhiệm có tên “De Qui Nhon en Cochinchine Exploratons dans le Binh Thuan (Sud-Annam), 1893” như sau “A ce cap Varella ou cap de la Pagode, le Mũi Nại des Annamites finit la cote de la province du Khánh Hòa qui”. (Từ mũi Varella hay mũi Chùa, mũi Nại này của người An-Nam là chấm dứt địa phân Khánh Hòa).

Tuy nhiên, qua khảo cứu thực tế chúng ta cần phân biệt rõ tên gọi giữa Mũi Đại Lãnh và Mũi Nại là hai mũi hoàn toàn khác nhau, với mũi Nại nằm về phía Bắc vịnh so với Mũi Đại Lãnh. Với Mũi Nại chính là điểm mốc định vị cho bến cảng bờ vịnh phía Bắc, nơi mà các nhà buôn Bồ Đào Nha mô tả có một làng (Palei) Cham, ở đó có bến đậu an toàn và cung cấp nước ngọt. Nại chính là phiên âm từ Banây trong tiếng Cham có nghĩa là bến cảng, và cũng đồng dạng cho các phiên âm địa danh Thi-Nại (Sri Banây) ở Qui Nhơn, hay đầm Nại ở Ninh Thuận.

Về sau, trong các bản đồ hàng hải của người Bồ Đào Nha luôn chú với cái tên  Verella để chỉ cho núi Đại Lãnh hay Mũi Đại Lãnh, các tập ghi chú đều xác nhận đó là ngọn núi mà trên đỉnh của nó nhô ra một tảng đá có hình thù linh thiêng, ngọn núi được xem như điểm định vị trên con đường biển để cập vào vịnh Ran Ran (Đà Rằng).

Linggaparvata là cách người Champa đã gọi cho ngọn núi Lingga linh thiêng của mình, trên đỉnh núi nhô ra tảng đá có hình thù như một Lingga tự nhiên.

Nó là Lăng già bát bạt đa của Champa. Ta cũng tìm thấy sự liên hệ này đối với ngọn Vat Phou/Wat Phu của Lào, ở vùng Champasak nơi cũng có một thánh địa đền tháp phong cách Ấn giáo ngay dưới chân núi Linggaparvata (Ling Shan, theo cách phiên âm theo Hán tự) mà cái tên Champasak cũng ít nhiều có liên quan đến Champa với điểm trung gian văn hoá Champa ở đất Tây Nguyên, đại diện ở đây có thể kể đến các nhóm tháp Champa như Yang Prong, Yang Mum, Drang Lai.

陵伽 (Lingga/Lanka/Lăng già) là phiên âm chữ Hán mà chúng ta thường thấy dùng để phiên âm cho chữ Lingga (Sinh thực khí nam). Việc đặt tên ngọn núi và quan điểm tính thiêng của nó ở Champa cho thấy sự liên hệ đồng dạng trong hầu hết các nước chịu ảnh hưởng Hindu giáo nơi có ngọn núi thiêng Lăng già.

Về sau cái tên Đại Lãnh/Đại Lĩnh cũng được đặt cho mũi Đại Lãnh (Cape de Verella), nơi đây hiện có ngọn hải đăng Đại Lãnh do Paul Doumer cho xây dựng từ 1897-1902.

(1)  Harek Kah Harek Dhei”, nơi lọn tóc chẻ đôi trên trán dùng để chỉ nơi địa đầu vương quốc, qua từng giai đoạn bị thu hẹp phần đất về phía nam của Champa mà vị trí địa danh Harek Kah Harek Dhei này cũng thay đổi.

(2)  jãos là đơn vị đo chiều dài của người Mã Lai, tương đương với đơn vị canh giờ canh của người Trung Hoa, 1 jãos = 1.852 mét.

Linga là biểu tượng sinh thực khí nam trong tín ngưỡng Champa ảnh hưởng Hindu giáo từ Ấn độ.

 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét