Pics

Pics

2021/08/04

Từ [Vikran] cho đến Bimong Yang [Bakran] hay Đền-tháp Hoà Lai

 Từ [Vikran] cho đến Bimong Yang [Bakran] hay Đền-tháp Hoà Lai

Đền-tháp Hoà Lai được xây dựng trên mặt bằng đất gò sạn cửa bắc xứ Pāṇḍurāṅga (Ninh-Bình Thuận), tiếp giáp với xứ Kauthara (Khánh Hoà).
Nhóm đền-tháp Hoà Lai được dựng trên khuôn viên đất hình chữ nhật, gồm 3 kalan chính thờ 3 vị thần tối cao Brahma-Shiva-Vishnu và hệ thống các công trình phụ trợ khác, mặt trước có một hồ nước nhân tạo, kết nối với Craoh Yang (Suối Tiên) tự nhiên đổ về/liên thông đến Bal Sri-Banây (Đầm Nại), có nguồn từ đỉnh cek Bharav (Maruw/Bà-Râu).
Hệ thống đền-tháp Hoà Lai đã định hình nên một phong cách mà các nhà nghiên cứu đặt cùng tên là phong cách Hoà lai, ở phong cách này chúng ta thấy có những motif trang trí trên hệ tường tháp mang dáng dấp một số motif Khmer.
Hiện nay, nhóm tháp Hoà Lai hiện chỉ còn 2 tháp (tháp bắc, tháp nam), tháp giữa đã sụp đổ hoàn toàn chỉ còn lại nền móng.
Về tên gọi của nhóm đền-tháp, cho đến này người Cham tại Ninh Thuận vẫn còn gọi với cái tên “bimong” Yang Pakran (đền-tháp thần Pakran). Cái tên Yang Pakran còn được ghi chép trong tác phẩm văn chương Cham “Ariya Nai Mai Mang Makah” tại dòng (134)
tuei ribaong trun cek Huh,
khik glai cek Huh, rimaong Yang Pakran,,
Tạm dịch:
Xuôi dòng (mương) xuống núi Huh,
giữ rừng núi Huh, cọp "tại" Yang Pakran (tháp Hoà Lai),,
[Yang Pakran] với Yang có nghĩa là Thần, Pakran cho ta nguồn thông tin nào?
Nhìn lại cách đặt tên cho quần thể đền-tháp của người Cham, chúng ta thấy rằng, tên gọi của nhóm đền-tháp thường được dung để chỉ cho tên gọi chính cho vị thần, vua-thần thuộc triều đại cuối cùng của hệ thống đền-tháp đó được dựng lên để tôn thờ. Ví dụ, bimong Po Klong Garai (đền-tháp thờ vua-thần Po Klong Garai), bimong Po Rame (đèn-tháp thờ vua-thần Po Rame), bimong Po Nagar (đền – tháp thờ thần mẹ Xứ Sở Po Nagar),…Như vậy có thể thấy Bimong Yang Pakran là một hệ thống đền-tháp thờ thần/hay vua-thần Yang Pakran nào đó.
Trong bia ký Hoà Lai (C.216) có niên đại cuối TKVIII xác định rõ về việc xây dựng cụm đền-tháp này theo từng giai đoạn, vị vua Sri Satyavarman đã dâng cúng và lập những điện thờ mới trong khuôn viên, ông đã lập “kalan” Svayamutpannesvara để thờ thần Adidevesvara (kalan giữa) để thờ Shiva, bên cạnh đó ông cũng dâng cúng lễ vật một vỏ bọc linga (mukha linga/kosa) bằng bạc với khuôn mặt bằng vàng đặt trong “kalan” Sri Vr̥ddheśvara (tháp nam) có sẵn trước đó thờ thần chủ Vishnu.
Trong không gian xứ Pāṇḍurāṅga (xứ sở của thần Pāṇḍurāṅga) có kinh đô chính Vīrapura (kinh đô Hùng tráng) đều nằm trong hệ quy chiếu thần chủ Vishnu (thánh địa của thần Vishnu) nổi bật từ tk8-tk12, thần Vishnu thường xuất hiện với tên hiệu của thần Vitthala. Ta cũng thường thấy cách đặt tên hiệu của Vua Vikrantavarman xuất hiện ở trong các bia kí mà sự liên hệ này đến việc chọn vị thần chủ bảo hộ Vishnu theo đó là việc dựng đền-thờ vị thần chủ này, Vikrantavarman còn được viết bằng Prakasadharma. Như vậy, dựa trên thông tin bia ký Hoà Lai (C.216) được vua Sri Satyavarman lập nên, cho chúng ta biết, trước đó tại đây đa có sẵn hệ thống đền thờ thần Sri Vr̥ddheśvara (Vishnu).
Từ những mối liên hệ trên cho chúng ta thấy rằng, ở thánh địa Vishnu (xứ sở Pāṇḍurāṅga) sự xuất hiện hay việc chọn lựa vị thần chủ Vishnu làm chủ đạo cho vương quốc đã diễn ra mạnh mẽ trong khoảng trước tk8, đi theo đó là cách đặt tên hệ thống đền-tháp thờ cũng đã dựa trên vị thần chủ Vishnu với tên đại diện khuôn mặt của thần như Vikran/Prakan/Vr̥ddh/ Vitthala thể hiện thuộc tính của Vishnu.
Với đền-tháp Hoà Lai được người Cham gọi với cái tên Bimong Yang Pakran này nó thể hiện sự liên hệ chặt chẽ đến vị thần chủ Vishnu, với quy luật đặt tên từ Prakan đến Pakran hay từ Vikran đến Bikran/Bakran theo tiếng Cham hiện đại.
Sự chuyển tiếp từ không gian thờ Vishnu (trước cuối tk8) qua giai đoạn chuyển tiếp tk8-tk12 và sau tk12 với sự lựa chọn vị thần chủ Shiva ở xứ sở Pāṇḍurāṅga (hệ thống đền tháp Po Klong Garai) đã khiến cho việc sinh hoạt tôn giáo-tâm linh tại đền tháp Bimong Yang Pakran đã không còn được diễn ra như trước đó.
Qua đây, chúng ta có thể minh định/thay đổi cách gọi tên Tháp Hoà Lai/Ba Tháp như hiện nay mà thay vào đó là cách gọi tên Bimong Yang Pakran như cách người Cham vẫn đang gọi là hợp lẽ và chứa đựng giá trị đúng của hệ thống đền-tháp này.
Đồng thời, loại bỏ đi mớ giả thuyết mà các “nhà” nghiên cứu trước đó đã “mớm lời” cho cái truyền thuyết rằng “tháp được người Khmer dựng nên”.
Hay, lí do “tại sao đền-tháp Bimong Yang Pakran không còn được người Cham hiện nay thờ tự” là vì sự chuyển dịch không gian thờ tự từ tk12 về sau đã thay đổi. Chứ không vì lí do bị “mớm lời” cho cái truyền thuyết rằng “tháp được người Khmer dựng nên” mà thành ra người Cham ngày nay không thờ tự cho nó suôn ý.



Baoh Dalim/Quả lựu

 Baoh Dalim/Quả lựu

Baoh Dalim là tên tiếng Cham chỉ cho quả Lựu, đây là loài cây có nguồn gốc từ các nước Tây-Nam Á. Trong văn hoá Cham, cây lựu được ghi nhận trong Damnây Cei Dalim (truyện tích Cei Dalim), và đi theo đó là các nghi lễ liên quan đến nhân vật Cei Dalim này. Ngoài ra, hình ảnh hoa lựu (bingu dalim) còn được sử dụng vào trong đồ án điêu khắc trang trí, hình ảnh hạt quả lựu (baoh dalim) còn được sử dụng trong các dạng trang sức chuỗi hạt bằng đá quý, thuỷ tinh.
Cây có tên khoa học là Punica granatum L. Trong tiếng Sanskrit được biết với tên Dalima hoặc Dadima, có lẽ người Cham biết đến loài cây này từ văn hoá Ấn độ, và mượn luôn tên gọi này trong sanskrit mà đặt.
Lựu có nhiều ý nghĩa trong văn hoá Hồi giáo (Islam), trong kinh Qur’an có nhắc đến tầm quan trọng của cây Lựu “trong vườn địa đàng có quả lựu và thật may mắn khi chúng ta có thể trồng được một loại quả của vườn địa đàng”.
Cây cũng được xem là biểu tượng của sự trù phú, sinh sôi nảy nở.
Quả lựu được biết đến là loại cây ăn trái, quả có vỏ cứng chứa các hạt nhỏ bên trong có vị chua ngọt. Quả còn được dùng ép làm các loại thức uống giải khát và cocktail.
Chiết xuất dầu từ hạt được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da, xà phòng, dầu massage. Hợp chất Punicalagin có trong quả lựu chống oxy hoá (hơn cả trà xanh), tốt cho tim mạch, máu, giảm cholesterol, huyết áp và tăng tốc độ làm tan các khối tắc nghẽn ở tim (xơ vữa động mạch).



Từ [Lemmangâ] cho đến [Bàu Ngứ]

 Từ [Lemmangâ] cho đến [Bàu Ngứ]

Bàu Ngứ là địa danh hành chính của thôn Bàu Ngứ thuộc xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận ngày nay. Đây là địa phận thuộc vùng bán sa mạc phía nam của tỉnh, nơi đây hiện đang phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời/gió lớn nhất của tỉnh nhà.
Cư dân của thôn được hình thành tập trung xung quanh hai hệ thống Bàu chứa nước tự nhiên, nguồn nước ở bàu này đầy đủ quanh năm để phát triển nông nghiệp, hoa màu của thôn và khu vực, nguồn nước của bàu được hình thanh do sự thẩm thấu từ những đụn cát bán sa mạc và các con suối nhỏ từ các sườn núi xung quanh, cung cấp và trữ nguồn nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu quanh năm.
Cái tên Bàu Ngứ này có gốc tên từ tiếng Cham là [Lemmangâ] có nghĩa là cửa biển (cửa biển Sơn Hải ngày nay), từ cái tên này mà nó được phiên âm thành Lâm-Ngư rồi Lâm-Ngứ mà hình thành nên cái tên Ngứ trong Bàu Ngứ. Chứ nó không phải như bao “nhà” giải thích rằng tên địa danh này hình thành bởi Lâm (nghề rừng)-Ngư (nghề biển) mà thành.
Lemmangâ -> Lem-ngâ -> Lâm-Ngư -> Lâm-Ngứ -> Ngứ (Bàu-Ngứ).
Nhìn lại lịch sử xưa kia ta thấy, ý tưởng phát triển hệ thống dẫn thuỷ phục vụ đồng bằng phía nam này bởi các vị vua Cham, trong đó có Po Rome với hệ thống thuỷ lợi quan trọng với các hệ thống đập dọc Klaong Biuh/Klaong La-a để dẫn nước. Ở điểm hạ lưu hợp dòng của hai con suối lớn phát nguồn từ Craoh Biuh/Craoh La-a là đập Ma-ren (Ma-Rên) phân ra thành hai nhánh sông chảy về trung tâm Bal Virapura và một nhánh chảy về Bàu ngứ đổ ra cửa Lemmangâ (Lâm Ngứ Sơn Hải). Tuy nhiên, hệ thống nhánh chảy về cửa Sơn Hải đã tắc dòng bởi việc xây dựng đường quốc lộ chắn mạch, và gây ứ nước tại khu vực ga Hoà Trinh mỗi mùa mưa, lâu dần hệ thống mạch này bị lãng quên và không được khai thác triệt để để xây dựng hệ sinh thái về phía khu vực bán sa mạc phía nam này. Nếu việc khai thác hệ thống bàu/hồ chứa nước Bàu Ngứ này được phát triển, cùng với việc thông lại mạch xưa này đồng thời sẽ đủ khả năng phát triển hoa màu tại vùng đất bán sa mạc, đồng thời giảm tải ứ dồn nước gây lũ dưới hạ nguồn vào các làng như mỗi năm (do trữ - và xả nước hồ đầu nguồn,).






Baoh Lak-lai/Baoh Madar glai.

 Baoh Lak-lai/Baoh Madar glai.

Phun Lak-lai hay phun Madan glai là tên tiếng Cham để chỉ cho loại cây Táo rừng, táo chua. Đây là loại cây chịu hạn tốt, đặc biệt ở các xứ khô nóng như Ninh Thuận, chúng mọc hoang ở những bìa rẫy, rừng, vườn nhà. Cây có bộ rễ sâu, rụng lá theo mùa, quả khi chín có màu đen bóng bẩy, vỏ hay cành cây dùng để làm chất nhuộm màu cho vải.
Cây có tên khoa học là Ziziphus mauritiana Lam. Trong văn bản Veda được nhắc với tên Badari (Badara) và có lẽ cái tên Madar (tiếng Cham) mượn từ đây để chỉ cho những loại cây Táo.
Trong sử thi Ramyana có nhắc đến vì sự nỗ lực cố gắng cứu nàng Sita bằng cách giữ chặt quần áo của nàng, nhưng sự cố gắng đã khiến một phần của chiếc váy của Sita vướng lại trên cành, và cái cây đã chỉ hướng mà Ravana đã bắt cóc Sita cho Rama. Vì sự cố gắng ấy mà Rama đã ban phước cho cây Badari có một sức sống mãnh liệt ở những nơi khô cằn nhất, và có thể sống lại (đâm chồi) từ các bộ phận của cây, cành lá (giâm cành).
Hay, trong quá trình đi tìm Sita trong rừng của Rama, một phụ nữ nghèo có tên là Sabari đã dâng trái cây Badari cho Rama với một trái tim trong sáng, một tấm lòng lành và thuần khiết. Rama cảm mến tấm lòng thuần khiết và trong sáng đó nên đã ban phước cho Sabari.
Là loài cây cho quả chua ngọt nhiều vitamin, và có những đặc tính dược liệu hỗ trợ.
- Lá được đun sôi với sữa dùng để uống có tác dụng chữa lành vết thương độc hại trong niệu đạo (lợi tiểu).
- Lá đun sôi đắp lên rốn và vùng xương chậu để làm dịu chứng tiểu khó.
- Bột từ lá dùng đắp lên vùng mắt để giảm thâm quần mắt. Bột xay nhuyễn từ từ lá và cành non được dùng loại kem dưỡng, trị mụn, mụn nhọt.
- Vỏ cây có vị đắng, có tác dụng cầm máu. Đồng thời là một phương thuốc thông dụng cho bệnh tiêu chảy và kiết lỵ, vỏ đem ngâm với rượu để làm thuốc trị đau răng.
- Quả có tác dụng lọc máu và hỗ trợ cho tiêu hoá. Quả khô là một vị thuốc nhuận tràng nhẹ và long đờm. Nước ép từ quả kích thích thèm ăn và làm cho người ta cảm thấy sảng khoái (an thần), chứng mất ngủ,...
P/s: Trong phương thuốc trị đau răng của Bác mình luôn có vỏ từ cây Lak-lai này.
Phun lak-lai hiện vẫn còn nhiều ở các cành rừng khô hạn Ninh thuận, đến mùa trái là lũ trẻ dắt nhau đi hái khí thế.
Phun Madar glai (Táo rừng) thì đã hiếm dần.




Harek Karah/Cỏ chỉ

 Harek Karah/Cỏ chỉ

Harek Karah là tên tiếng Cham để chỉ cho loại Cỏ chỉ. Đây là dạng cỏ dại mọc hoang khắp Việt nam và các nước, loài này sinh trưởng nhanh, mọc lan bằng thân rễ có thể sống quanh năm hoặc phát triển lại khi mùa mưa tới, chống xói mòn đất tốt, nên các bờ mương hay con đê có cỏ này mọc ngăn ngừa tình trạng xói mòn bề mặt đất. Tuy nhiên đây là loài xâm lấn cạnh tranh với loài khác nếu mật độ quá dày. Hiện nay, các sân bóng hay chọn loại cỏ này trồng vì độ bền và tốc độ phát triển tốt của nó. Cỏ được dùng làm thức ăn cho gia súc (bò) và phủ bề mặt đất giữ ẩm, đồng thời được xem là một loại cây thuốc.
Cây có tên khoa học là Cynodon dactylon, hay Durva trong Sanskrit. Trong văn hoá Hindu giáo, cây được xem là tượng trưng cho trimurti. Cỏ chưa ra bông để dâng cúng cho thần Shiva, cỏ có bông để dâng cúng cho thần Vishnu. Trong kinh Veda khuyên rằng “hãy để cho cỏ mọc (hai bên) trên lối đi của chúng ta” ; hay “
‘Hãy để cỏ durva mọc lên ở lối đi. Ở đó, suối nước dâng lên ”.
[Karah] là tên tiếng Cham và có lẽ nó được đặt dựa trên đặc điểm và biểu hiện của thần Rahu biểu thị cho akarah (thế giới bên kia, cõi âm,…).
Cây được xem là dạng thảo dược và được ghi chép trong các văn bản xưa về dược tính, được ứng dụng rộng rãi.
- Nước sắc từ cây uống thay nước trà lợi tiểu, uống liên tục có tác dụng cân bằng đường huyết, tiểu đường, trĩ,…
- Nước ép tươi từ cây tốt cho người bị gút, phong thấp.
- Nghiền nát thân, lá có tác dụng cầm vết thương, máu cam.
- Cây có tính mát (vị ngọt – đắng ) lợi tiểu, thanh nhiệt.
P/s: Bạn nào thời còn cắt cỏ, chăn bò sẽ nhớ đến nó, mỗi khi cắt cỏ phải tay thường hay hái cỏ này nhai và đắp lên vết thương để cầm máu.







Baoh Caramai (chùm ruột)/baoh Amal (me rừng)

 Baoh Caramai (chùm ruột)/baoh Amal (me rừng)

Trong tiếng Cham, cây có tên Caramai, tiếng việt là cây Chùm ruột hay Tùm ruột tuỳ theo cách gọi mỗi địa phương. Amal (cây me rừng). Là loại cây thông dụng và có nhiều ở miền trung và nam Việt Nam, trái cung cấp nhiều vitamin C.
Amal (me rừng), cây có tên khoa học là Phyllanthus emblica Linn. Caramai (Chùm ruột) có tên khoa học là Phyllanthus acidus. Hai giống cây này cùng họ và có đặc tính giống nhau.
Trong Sanskrit cây có tên Āmalakī (आमलकी) me rừng, có lẽ tên Caramai/amal được vay mượn từ tên gốc tiếng Sanskrit này.
Trong văn hoá Ấn độ, Āmalakī được cho là loại cây linh thiêng, cây xuất hiện sớm trên trái đất này, từ những giọt nước mắt của Brahma rơi xuống đất trong quá trình đản sinh Vishnu, giọt nước mắt ấy rơi xuống đất và sinh ra loài cây này.
Āmalakī được xem là loài cây ưa thích của Vishnu và phối ngẫu của ngài là Lakshmi nữ thần thịnh vượng, nên cây được xem là đại diện cho mẹ đất, có lợi cho sức khoẻ của những người phụ nữ. Người ta cho rằng Lakshmi ngự trong trái của Āmalakī. Cây còn là tượng trưng cho Shiva và phối ngẫu của ngài Parvati.
Cấu tạo hình học của trái (trái có khía) được áp dụng để trở thành một phần cấu trúc hình học của phần chóp mái tháp có tên là Āmalakī/ Āmalaka, đối với các tháp thờ vị thần Vishnu, hình dạng này còn xuất hiện trong bộ mão đội của Vishnu tương ứng tượng trưng cho sự xuất hiện đồng thời của phối ngẫu của ngài.
Trong kiến trúc đền tháp Champa chúng ta ít thấy sự xuất hiện hình dạng này đối với tháp thờ Vishnu là vì đa phần Shiva luôn được ưu tiên trong hệ thống đền tháp Champa. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm thấy cấu trúc hình dạng của trái Āmalakī này trong hình dạng trang sức chuỗi hạt mã não.
Cây Caramai/Chùm ruột có nhiều công dụng dược tính:
- Trái chứa nhiều vitamin C.
Nước ép từ trái khi trộn với mật ong và uống hàng ngày, ngăn ngừa bệnh lao, hen suyễn, viêm phế quản, chảy máu nướu răng, khiếu nại về đường, nhiễm trùng máu, giảm căng thẳng và được cho là một loại nước uống hỗ trợ cho gan.
- Nước lên men từ trái dùng uống bổ trợ tiêu hoá, đường ruột.
- Vỏ của cây được bào chế thành bột dùng để chữa đau răng, viêm nướu, hay giã với hành tây để hút độc, lở loét ngoài da.
- Cây có lợi cho phụ nữ hiếm muộn nên được xem là đại diện cho nữ thần Lakshimi đầy thịnh vượng.
Với những đặc tính có lợi cho sức khoẻ và giàu vitamin C, nên mỗi nhà chỉ cần trồng một cây là đủ dùng/chế biến thành nhiều thức ăn hay nước uống giải nhiệt.
P/s: Khuyến cáo trường hợp lạm dụng khi sử dụng và sáng tạo chế biến.
Vì là trái cây tự nhiên, giàu vitamin C, nên việc sử dụng nó thường xuyên, hợp lí sẽ mang đến kết quả có lợi như bao trái cây có dược tính khác có trong tự nhiên. Cây không được xem là thuốc đặc trị mang đến kết quả ngay như các loại thuốc tây.Amal (me rừng)Amal (me rừng)









Cây Aik (É)

 Cây Aik (É)

Trong tiếng Cham gọi là [phun Aik], một số vùng Miền trung vẫn hay gọi là cây É, tức cây Quế hay cây Hương nhu tuỳ theo vùng miền. Là loài cây gia/hương vị được dùng trong ẩm thực miền trung, hay như một loại (trà) thức uống có lợi cho sức khoẻ.
Cham phân thành 3 loại: Aik Cam (é Cham), Aik Kathaih (cây é dại) và Aik loaw (é Tàu? hay loại é được du nhập từ ngoài vào, loại này thường được dùng nấu ăn như một dạng gia vị,..)
Cây Aik:
Có tên khoa học là Ocimum tenuiflorum L. Trong văn hoá Hindu giáo cổ xưa gọi là cây Basil hay Tulsi và cũng được phân thành 3 loài, được nhắc trong nhiều văn bản cổ xưa như một loài cây linh thiêng, hình ảnh đại diện cho các vị thần tối cao như Vishnu (krishna) cùng phối ngẫu của thần hay như năng lượng được sinh ra từ giọt mồ hôi của Shiva. Cùng với những thuật, nghi thức thực hành liên quan đến tín ngưỡng tâm linh và ứng dụng dược liệu mà nó mang đến.
Trong văn hoá Cham, cây Aik (É) ngoài được dùng chế biến trong ẩm thực, sử dụng như một dược liệu giúp cân bằng sinh lực quanh năm mà nó còn được dùng trong những nghi thức tâm linh, tín ngưỡng biểu thị năng lương sáng tạo, sự cân bằng của đất-trời, đực-cái/vợ-chồng,...mà những ai có sự quan sát sâu sắc sẽ nhìn thấy những tiểu nghi thức này trong các buổi thực hành nghi lễ. Đơn cử như trong buổi lễ tang ma (Dam) của người Cham Ahier (Cham Balamon), việc sử dụng cành é kết hợp với cành cà, trước khi kết thúc buổi lễ người thân và họ hàng với người khuất thực hành nghi thức rứt bỏ cành é, cà đã được thầy chủ lễ làm lễ trước đó như một nghi thức cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ giữa người sống với người khuất đó.
Cây có nhiều ứng dụng dược tính quan trọng, xin kể vài điểm mục thông dụng mà ai cũng có thể thực hành.
- Lá xay nhuyễn để uống có công dụng chữa sốt rét, kiết lỵ, chữa giun sán đường ruột, giảm tình trạng nôn ói, rối loạn đường ruột.
- Nước được sắt/chưng từ cây/lá (toàn cây đều dùng được) hoà với mật ong có công dụng trị ho, cảm lạnh, sát khuẩn miệng/vòm họng, trị viêm phế quản.
- Tinh dầu từ lá được xem là chất khử trùng.
- Bột từ rễ có tác dụng khử độc, nhiễm trùng do rắn hay bọ cạp cắn. (dùng bôi ngoài da).
- Các công dụng của cây và hương của nó giúp cân bằng cơ thể, giảm stress,...
Được xem là loài đại diện/sinh ra cho/từ Mẹ đất, kết tinh bằng nguồn năng lượng Cha/Mặt trời nên cây có khả năng cân bằng tốt cho cơ thể.
Cây Aik là loài có mặt sớm trên hành tinh này, với nhiều dược tính quý quan trọng trong đời sống, nên được xem là loài cây linh thiêng (thiêng hoá) và được lưu truyền/bảo lưu thông qua các thực hành nghi lễ liên quan.
Ngoài ra, cấu trúc phân tầng hình học từ hoa của nó được biểu tượng hoá để áp dụng vẽ nên dạng mặt bằng hình học (Tulsi vrindavan) đền-tháp thờ thần Vishnu.
P/s: Đây là loại cây dễ trồng và thông dụng, có nhiều công dụng có ích trong cuộc sống hằng ngày, nên việc trồng vài bụi cây Aik (É) trong nhà để dùng quanh năm là điều nên làm, hay có thể trồng như một dạng cây cảnh hương liệu đuổi côn trùng ở vị trí ban công đối với những căn nhà chung cư trong phố không có đất để trồng.
Với đặc tính kháng khuẩn, viêm liên quan đến hô hấp trong thời đại Covid đang hoành hành này thì việc dùng nó hằng ngày cũng sẽ mang đến những lợi ích cần thiết.
Khuyến cáo các trường hợp lạm dụng, "sáng tạo" chế biến nó dùng như thuốc trị liệu.



[pāṇḍurāṅga] vương quốc của thần/tính bản nguyên của năng lượng bảo tồn.

 [pāṇḍurāṅga] vương quốc của thần/tính bản nguyên của năng lượng bảo tồn.

Hay từ [pāṇḍurāṅga] đến [Phan-Rang]
[pāṇḍurāṅga] vốn là một tiểu vương quốc nằm ở phía nam trong liên bang Mandala Champa cổ (bao gồm hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay), được ghi chép trong nhiều văn bản lịch sử bang giao với các tên được phiên âm qua Hán-Việt: Tân Đồng Long, Bang Đồ Long, Bang Đô Lang, Phan Lang, Phan Lung, Man Lang, Man Lung,…
Trong tấm bia mang kí hiệu C.6, tên [pāṇḍurāṅga] được chép tại dòng đầu của đoạn văn bản với pāṇḍurāṅgeśvara = pāṇḍurāṅga-iśvara có nghĩa là vương triều pāṇḍurāṅga (賓童龍国Tân Đồng Long Quốc, được mô tả trong quyển thứ 32 “Tam tài đồ hội”); hay với từ [panrām̃] tức Panrāṅ được chép tại dòng thứ hai trong bia C.123 (tấm bia kanduk), ở đây ta thấy Panrāṅ chính là lối viết rút gọn của pāṇḍurāṅga.
[pāṇḍurāṅga] पाण्डुराग là tên từ gốc tiếng Sanskrit, có nghĩa đen là màu sắc xám-trắng. Hàm nghĩa chỉ cho năng lượng bảo tồn/tính bản nguyên đại diện hình ảnh vị thần Vishnu (Krishna), điều này được mô tả trong những bia kí từ tk8-12.
Từ tk12 về sau sự dịch chuyển ý nghĩa này đã bao gồm để dành cho vị thần chủ Shiva đại diện cho trimurti.
Ở đây chúng ta quan sát các biến thể lần lượt:
[pāṇ-ḍu-rāṅ-ga] –> Bang-đô-lang/Bang-đồ-long/Tân-Đồng-Long;
Pan-rāṅ -> Phan-Lan/Phan-Lung/Ma-Lang/Mang-lung
Và nó cũng chính là nguồn gốc cho địa danh mang tên Phan-Rang ngày nay, từng là trung tâm của vương quốc [pāṇḍurāṅga].

[𝙑𝙞̄𝙧𝙖𝙥𝙪𝙧𝙖] 𝙩𝙝𝙖̀𝙣𝙝 𝙥𝙝𝙤̂́ 𝙃𝙪̀𝙣𝙜 𝙩𝙧𝙖́𝙣𝙜

 [𝙑𝙞̄𝙧𝙖𝙥𝙪𝙧𝙖] 𝙩𝙝𝙖̀𝙣𝙝 𝙥𝙝𝙤̂́ 𝙃𝙪̀𝙣𝙜 𝙩𝙧𝙖́𝙣𝙜

[Vīrapura] là một thành phố thuộc xứ Panduranga (một liên bang mandala Champa). Cái tên [Virapura] được tìm thấy trong nhiều bia kí ở khu vực Panduranga. Như, trong tấm bia mang kí hiệu C.07 xuất hiện với tên Huma Śrī VīraCuk (Đồng bằng Śrī VīraCuk), hay với Vāripura (Thành phố Vāri) trong tấm bia mang kí hiệu C.26.

[Virapura] được ghi trong các bia kí có gốc từ Sanskrit, với [pura] có nghĩa là thành phố;
[Vīra]/[Vāri] có nghĩa là hùng tráng, uy dũng, của ánh sáng (năng lượng) được phát ra trong quá trình Shiva thực hiện điệu múa Nataraja kết thúc chu kì cũ để bước sang chu kì sáng tạo mới. [Vīra] là một trong những hình ảnh (năng lượng uy dũng) đại diện cho Shiva, hay như một phối ngẫu của vị thần Agni ngự trị phương Đông-Nam (Vīra Agni).
[Vīrapura] trở thành danh xưng cho thành phố/thủ đô của xứ Panduranga mang ý nghĩa [Thành phố hùng tráng] được thừa hưởng bởi nguồn năng lượng (Lửa) sáng tạo từ điệu múa Nataraja của Shiva (bức phù điêu Shiva múa trên tấm tympan) trong trung tâm đền tháp Po Klong Garai, đồng thời định vị khu vực ở phương Agni (đông-nam).
Nếu như [Kauṭhāra] (Nha Trang) được định vị ở phương Ishana (đông-bắc), [Panduranga] (hay [Vīrapura] định vị phương đông-nam thì dựa trên đồ hình ta xác định vị được trung tâm đô thị [Kamrain] (Cam Ranh) nằm ở phương Đông do thần Indra cai quản, các định vị này mở ra một cửa cảng kết nối với các tiểu mandala khác.
Trung tâm của đồ hình madala (hình đính kèm) là vùng núi thần (Cek Yang) nơi thần linh ngự trị.