Pics

Pics

2020/04/03

Từ [Bharuv] cho đến [Bà Râu]

Từ [Bharuv] cho đến [Bà Râu]

***


[Bà Râu] là một địa danh thuộc xã Lợi Hải. huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, nơi có đông người Raglai sinh sống. Hiện nay có hai thôn Bà Râu 1 và Bà Râu 2, trước người Raglai B’rav ngụ sâu trong vùng núi Bà Râu [cek Bharuv], hiện nơi đây còn di tích Danaok Po Ina Nagar Bharav (miếu thờ Po Ina Nagar Bharav).
Liên quan đến địa danh này ta còn có địa danh Tháp Chiên Đàn (làng Chiên Đàn, xã Tam An, tp Tam Kỳ, Quảng Nam), xưa tháp này vốn được người dân địa phương gọi theo tục danh là Tháp Bà Rầu, tháp được xây dựng cuối tk10 đầu tk11, giai đoạn Champa chuyển dời kinh đô từ Amaravati xuống Vijaya (Yang Po ku Vijaya).

Đây là tên địa danh gốc Champa ở hai cố đô Vijaya (Bình định) và Panduranga (Phan rang), mà sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ngữ nguyên gốc Champa mà nó chứa đựng.
Về địa danh [Bà Râu]/[Bharuv] ở Panduranga chúng ta may mắn tìm được nó trong bản văn khắc kí hiệu C.216A được tìm thấy trong khuôn viên Tháp Hoà Lai (Bimong Yang Pakran), bia đá được khắc bằng chữ Cham cổ, nội dung tấm bia ghi chép về công việc hiến dâng của cải cho/để phục vụ vị thần chủ của vương quốc Panduranga là Śiva Śrī Vr̥ddheśvara người bảo hộ vương quốc. Trong các của cải hiếng dân bao gồm các của cải quí, nô lệ (người phục vụ, chăm nom đền đài) và các cánh đồng trù phú, và tại dòng 19 mặt A (ảnh đính kèm) của tấm bia có liệt kê "cánh đồng “của” làng bharuv" [paliy•bharuv•kṣetraṁ] đã được dâng cho vị thần chủ của xứ Panduranga được thờ trong [Bimong Yang Pakran] Tháp Hoà Lai này.
Cũng liên quan đến [Bharuv] trong một bản văn khắc khác trên tấm bia được tìm thấy ở Mỹ Sơn mang kí số No.81 được M.Finot nghiên cứu và xuất bản trong (B.E.F.,vol IV, p.970, No. XXIV, B.,C). Nội dung tấm bia này nói đến tình hình Champa, và chỉ ra cái chết của Jaya Indravarman Ong Vatuv tại [Yan Bharuv Vijaya] dưới quân lực của Vidhyanandana-Suryavarmadeva.
“Trong khoảng 2 năm sau ngày chia đôi đất nước, dân tộc Champa ở miền bắc vùng dậy chống lại hoàng tử In, gốc nguời Campuchia nắm quyền điều hành ở thủ đô Vijaya, buộc ông ta tháo chạy về nước để tôn một vị hoàng tử gốc Champa tên là Rasupati lên ngôi vua ở miền bắc lấy danh hiệu là Jaya Indravarmadeva. Vì muốn tái lập quyền thống trị trên Champa, vua Campuchia là Jayavarman VII gởi một đoàn quân sang Vijaya cùng với Jaya Indravarman Ong Vatuv, tức là vị vua Champa đã bị bắt làm tù binh đưa về Campuchia. Với sự hợp tác của Vidhyanandana-Suryavarmadeva, tức là thủ lãnh của tiểu vương quốc Panduranga, Jaya Indravarman Ong Vatuv tiến quân đánh chiếm Vijaya và giết chết Rasupati. Lợi dụng cơ hội thắng trận này, Vidhyanandana-Suryavarmadeva lọai bỏ Jaya Indravarman Ong Vatuv ra khỏi bàn cờ chính trị và tự tôn mình là quốc vương Champa tại Vijaya, thống nhất lại hai miền nam bắc của vương quốc. Trước tình thế này, Jaya Indravarman Ong Vatuv tìm cách chạy sang tiểu vương quốc Amaravati tại Ông nổi dậy và gia tăng quân đội ở các quận khác nhau Ulik, Vvyar, Jriy và Traik tại Amaravati nhằm củng cố lực lượng để trở lại đánh chiếm Vijaya. Vidhyanandana-Suryavarmadeva xua quân phản chiến, đuổi giết chết Jaya Indravarman Ong Vatuv tại [Yan Bharuv Vijaya]. Ðể trả lời cho biến cố này, vua Campuchia gởi quân sang Champa vào năm 1193 và 1194 để chinh phạt hoàng tử Vidhyanandana-Suryavarmadeva, nhưng cả hai lần đều bị thất bại. Theo tài liệu Trung Hoa, Vidhyanandana-Suryavarmadeva xin Trung Hoa tấn phong vào năm 1198 và được triều đình của quốc gia này phong vương vào năm 1199. Năm 1203, ông ta bị truất phế bởi một vị thái tử (Yuvaraja) Champa khác tên là Ong Dhanapatigrama, cũng là một nhân vật đã từng sinh sống trong triều đình Angkor và rất trung thành với vua Campuchia. Kể từ đó, vương quốc Champa đặt duới quyền cai trị của hoàng tử Ong Dhanapatigrama và trở thành một tỉnh lỵ của Campuchia”.
Đoạn sử trên được Majumdar, R.c. nhắc lại trong cuốn “Ancient Indian Colonies In The Far East Vol.1 “ tại trang 202-205.
Như vậy với phần nghiên cứu của M.Finot về tấm bia No.81 tại Mỹ Sơn và với thông tin từ tấm bia C.216A chúng ta đã đọc được chữ [Bharuv] được nhắc đến trong từ [paliy•bharuv•kṣetraṁ] và [Yan Bharuv Vijaya].
[Bharuv] được viết bằng chữ Cham cổ có ngữ nguyên là [MỚI], trong tiếng Cham hiện đại Akhar Thrah chữ [Bharuv] đã cải biến thành [Baruw] /ba-rau/ cả hai chữ này đều đọc như Ba-Rau trong tiếng Việt và đều có nghĩa là “Mới”. Trong đó,
[paliy•bharuv•kṣetraṁ] Cánh đồng “của/thuộc làng” Mới [Bharuv]; Cánh đồng làng Mới
[Yan Bharuv Vijaya] “Kinh đô của vị thần” Chiến thắng [Vijaya] Mới [Bharuv] ; Kinh đô chiến thắng “mới”.

Và đây, [Bharuv] chính là nguồn gốc tên địa danh/tục danh Tháp Bà Rầu của Tháp Chiên Đàn và địa danh làng Bà Râu hay núi Bà Râu [cek Bharuv] nơi hiện còn di tích Danaok Po Ina Nagar Bharav (miếu Bà xứ sở Bharav).