THÀNH VIRAPURA (PANDURANGA) – Jaya Thiên
***
Trong bài này một lần nữa đi xác định cụ thể trung tâm Thành Virapura thuộc Panduranga (Champa).
Bài viết tham khảo qua các cuốn : Việt Nam Sử Lược, Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, Việt Sử Tân Biên, Đại Việt Địa Dư, Lịch sử Champa, Biên niên sử Panduranga,…
Các giai đoạn chính có nhắc đến Thành Virapura:
- Năm 757, một tiểu vương phía nam (Panduranga) là Prithi Indravarman nổi lên hạ bệ Bhadravarman II lập nên một triều đại mới được các triều thần đồng loạt công nhận là “ người thống lãnh toàn cõi như Indra, là vua của các vị vua, thần của các vị thần”. Prithi Indravarman dời đô từ Shinhapura (Thành phố Sư Tử) về quê cũ Virapura (Thành phố Hùng Tráng).
- Năm 774, quân Nam Đảo từ ngoài khơi đổ bộ vào Kauthara và Panduranga, chiếm Virapura. Vua Prithi Indravarman đã chống trả lại mãnh liệt nhưng bị chết trong đám loạn quân (sau này được dân chúng tôn thờ dưới pháp danh Rudraloka). Một người cháu gọi ông bằng cậu tên Satyavarman được hoàng tộc tôn lên thay thế. Nhưng vừa lên ngôi,
Satyavarman đã cùng hoàng tộc chạy lên miền Bắc (Đồ Bàn) lánh nạn. Tại đây, nhà vua được cộng đồng người Chăm và người Thượng địa phương (Bahnar, Hré) giúp thành lập một đạo quân hùng mạnh tiến xuống Kauthara đánh đuổi quân Nam Đảo ra khỏi đất nước,sau đó Satyavarman dẫn hoàng gia về lại Virapura. Tại đây, nhà vua xây thêm một cung điện mới trong thành Krong Laa.
- Năm 1148, vua Khmer (Jaya Indravarman III) cử tể tướng Sankara cùng tướng Sipakhya tấn công Panduranga, nhưng bị quân Chăm đánh bại tại đồng bằng Kayaw, tỉnh Virapura (tiếng Khmer là Rajapura, Phan Rang). Thừa thắng xông lên, năm 1149, Jaya Harivarman I dẫn đầu đoàn quân Chăm, Thượng chiếm thành Vijaya, giết Hariveda trên sông Yami (sông Hà Giao, Bình Định), thống nhất lại đất nước. Kinh đô đặt tại Vijaya.
- Năm 1472, Bố Trì Tri (cháu của Trà Toàn ) chạy về Panduranga (Giao Nam) xưng vương, hiệu Thái Da (Jayavarman Mafoungnan), kinh đô đặt tại Virapura.
- Po Rame (1627 – 1651), ông là vị vua tài giỏi, để lại nhiều thành quả trong mọi lĩnh vực còn tồn tại đến ngày nay. Khi lên ngôi, ông chọn Krong Laa đặt làm thủ đô tại palei Caung (làng Chung Mỹ cũ, nay là khu vực chợ Phú Quý, Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận), cạnh dòng Krong Biuh (Sông Viêu / Sông Biêu / Sông Lu). Nơi này trước kia là kinh đô cũ (Virapura) của vua Satyavarman, được trồng nhiều cây Kraik tượng trưng cho uy quyền của vua.
*** Ngoài ra trong tập Biên niên sử Panduranga còn ghi chép khá kĩ về khu vực Biuh Bal Pangdurang và sau này là Bal Pangdurang (Thành Pangdurang). Khu vực phồn thịnh dưới triều đại Hoàn Vương (Panduranga), mang tính ổn định, phát triển lâu dài nhất khu vực Nam Champa.
- Thành Biuh Bal Batsinâng và Bal Pangdurang: được hình thành dựa trên hai dòng sông Krong Laa (Sông Lu) và Krong Ding (Sông Dinh) tạo thành một vùng đồng bằng rộng lớn nhất Panduranga, gọi là đồng bằng Pandurang (Phan Rang). Là vùng đồng bằng rộng lớn có ý nghĩa to lớn trong việc sản xuất nền kinh tế nông nghiệp, lẫn mang tính chiến lược quân sự khi phía Tây có núi che lưng, hai con sông tạo lợi thế chiến lược che chắn tiếp cận vào trong trung tâm Virapura.
- Thành Biuh Bal Batsinâng tiếp cận bên ngoài thông qua Lamngư Panduranga (Cửa/cảng Phan Rang ) và tiếp cận miền trung/cao nguyên phía tây với các tộc anh em trong khu Panduranga bằng đường sông Krong Ding và Krong Laa…
- Là địa bàn tập trung các làng Chăm cổ vây quanh xung quanh trên gò đất cao hơn ở khu vực Phước Dân – Ninh Phước ngày nay.
- Đi kèm với Thủ đô (Nội Thành) thì cần có các ngành nghề đáp ứng, phục vụ nhu cầu cần thiết cho Thủ Đô (Nội Thành Virapura). Tại đây, ta thấy với Biuh Bal Batsinâng hay Bal Pangdurang hiện nay chỉ còn hai làng nghề truyền thống với làng nghề dệt cổ truyền Chăm Mỹ Nghiệp và làng gốm Bàu Trúc ngày nay (Phan Rang).
- Dọc trên dòng Krong Laa (Sông Lu) khi xưa lũ trẻ con còn thu nhặt nhiều mẫu gạch, gốm Chăm. Hay ngay tại dòng Sông Quao (Ninh Phước) là nhánh trên dòng Krong Ding (Sông Dinh) còn dấu tích của một khu vực sản xuất gốm Hamu Craok (làng Bàu Trúc cũ cạnh dòng sông Quao, cũng là khu vực cung cấp đất sét sản xuất gốm).
- Vua Po Rame còn cho xây đập Ma Rên trên dòng chảy của krong Laa, chặn nước phục vụ tưới tiêu cho khu vực đồng Hamu Linâng ( cánh đồng khu vực làng Phú Nhuận – La Chữ - Hậu Sanh ), đập nằm trong khu vực Biuh Bal Batsinâng. Nơi này còn hiện diện một ngôi đền (cũ) thờ Po Ina Nagar, sau này khi người Việt (Kinh) tiến vào sinh sống thì làng Chăm cũ đã di chuyển đi nơi khác, và đền thờ cũng được chuyển đi đến địa điểm lập làng mới là làng Hamu Taran (Hữu Đức ngày nay).
*** Qua trên ta thấy vị trí các thành trì, cửa cảng của Panduranga xưa tại vùng Panrang mang tính chiến lược cao trong cả yếu tố quân sự, phát triển kinh tế Nông –Ngư nghiệp lẫn du nhập và xuất khẩu kinh tế, kết nối cả 4 chiều Đông tây – Nam bắc một cách chặt chẽ nhờ đường sông đông tây, biển bắc nam vươn ra bên ngoài, kết nối chặt chẽ với các cộng đồng đồng tộc khác thuộc cư dân Panduranga xưa. Và các dữ kiện cũng cho chúng ta biết khu vực trung tâm của đồng bằng Prang Darang chính là khu vực Phước Dân – Ninh Phước hiện nay. Ta thấy xuất hiện hai thủ đô của Virapura (đồng bằng PrangDarang) là Biuh Bal Batsinâng (Làng Phú Nhuận - Phước Dân) và Bal Craung (làng Chung Mỹ cũ, vị trí chợ Phú Quý - Phước Dân ngày nay).
Từ đây chúng ta có thể yên tâm khẳng định rằng Thành Virapura được hình thành dựa trên đồng bằng PrangDarang (đồng bằng Phan Rang), có trung tâm nằm trong bán kính của hai thủ đô Biuh Bal Batsinâng (Làng Phú Nhuận - Phước Dân) và Bal Craung (làng Chung Mỹ cũ, vị trí chợ Phú Quý - Phước Dân ngày nay).
Đồng bằng Phan Rang bên cạnh dòng Sông Dinh. |
Trung tâm Virapura bên cạnh dòng Sông Lu ( Krong Laa ) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét