Pics

Pics

2020/01/31

BAGANRAC Cham (P2)

BAGANRAC Chăm - Cấu Tạo và Câu chuyện Sinh tạo - Jaya Thiên
1. Cấu tạo của Baganrac: Baganrac được làm bằng sợi lát, có dạng khối chữ nhật kích thước 0.5m x 0.3m x 0.3m. Nguyên Baganrac tượng trưng cho cái Bào (thai) sinh tạo, phần mái dạng bầu tròn tượng trưng cho vòm Trời, đáy hình chữ nhật tượng trưng cho Đất (mặt đất, đại dương). Hai phần được gắn kết chặt chẽ bởi 32 chân chống tạo thành một khối chặt chẽ với nhau, 32 phần chân này được làm bằng cây Mây đây chính là 32 vị thần linh trên cõi trời (Thần lửa, gió, sấm sét, tài lộc, phương hướng,…) nhờ 32 vị thần này mà đảm bảo sự trật tự ổn định vũ trụ, tượng trưng cho tính ổn định vũ trụ.
Vậy cấu tạo Baganrac có ba phần: Vòm dạng bầu tượng trưng cho Vòm Trời (cõi trời), đáy hình chữ nhật bằng phẳng tượng trưng cho Đất (cõi đất), phần thân (cõi không) tượng trưng cho 32 vị thần đảm bảo tính ổn định vũ trụ.
Baganrac là vật tối quan trọng của chức sắc Paséh cấp cao Balamon (Po Bac, Po Adhia) và được treo vị trí trang trọng trong phòng riêng của Po Bac, Po Adhia. Giống như Ciet (dụng cụ được đan bằng sợi lát hay mây hình hộp vuông hay chữ nhật dùng đựng các bản sách hay các vật dụng quý) khi cần dùng Baganrac trong các cuộc lễ thì cần phải làm một lễ xin hạ Baganrac xuống.
2. Baganrac và câu chuyện Sinh tạo:
Baganrac được các chức sắc Paséh Balamon cao cấp dùng trong các nghi lễ quan trọng như Balih Sang (tẩy uế Nhà), tamâ Kut (nhập Kut), palao Sah (cầu mưa), balih palei (tẩy uế làng), balih bimong (tẩy uế tháp),...tất cả đều là những nghi lễ mang tính Sinh tạo. Các nghi lễ người Chăm Balamon hiện nay là sự pha trộn nhiều tầng lớp văn hoá bên trong, và với những nghi lễ có liên quan đến Baganrac và các vật dụng (dụng cụ) chứa trong Baganrac mà Cả Sư (Po Adhia) lưu giữ và sử dụng thì ta đọc được câu chuyện về sự Sinh tạo thông qua ý nghĩa, chức năng, hình tượng,…mà Baganrac chứa đựng.
Hình tượng quen thuộc ở đây ta thường thấy là Po Ina Nagar (Mẹ Xứ Sở), và hệ thuống Trimuti (Shiva – Vishnu – Brahma). Mà Po Ina Nagar cũng là Trimuti và ngược lại. Tuy một mà ba, tuy ba mà một.
Để thực hiện các nghi lễ có sử dụng Baganrac thì Cả sư và phó Cả sư phải đội lên đầu mình một chiếc Giruam (Mão / miện, hình 1), Giruam này đại diện cho quyền lực tối cao ( của Po Ina Nagar và chính là Mão đội đầu của Vishnu), trợ giúp nguồn lực tối cao cho Cả Sư thực hiện trong suốt nghi thức của mình. Buổi ban đầu Brahma tự tách mình ra khỏi quả trứng ra làm hai phần để tạo thành Trời - Đất, bằng năng lực thiền quán của mình ngài tạo ra các vị thần (Brahma sinh ra các vị thần linh) trong đó có 32 vị thần chính ở cõi Trung không kết nối hai cõi Trời - Đất với nhau, và 32 vị thần linh này chịu trách nhiệm duy trì sự cân bằng vũ trụ (đó chính là cấu tạo của Baganrac như đã nhắc phần trên), trong giai đoạn này Vishnu cũng dùng năng lực của mình để thổi Ốc tù (Asăng, hình 2) để tạo ra Tứ Đại ban đầu. Trong giai đoạn kế tiếp Brahma tự tách/sinh ra giống người đầu tiên, ngài dùng bột gạo (hình 3) để nặn ra các hình nhân, các giống loài ( trong một số nghi lễ thì bột gạo này sẽ được nặn làm hình nhân thế mạng), ngài dùng năng lực từ sự thiền quán của mình mà thổi vào giống người ( bằng bột) ấy 32 vật chất để làm nên một thân xác (phần vật chất) hoàn chỉnh, 32 chất ấy chính là 32 chất cấu tạo nên cơ thể người (ông, móng, răng, gân, xương,…), 32 chất này chính là 32 hạt tạo thành chuỗi Tràng hạt (hình 4) mà Brahma dùng quán tưởng trong lúc thiền định để tạo ra 32 chất trong thân thể người, 32 chất ấy lại thuộc Tứ đại được chứa trong Ốc tù Asăng. Đó là phần thân xác (thuộc vật chất) nhưng vẫn thiếu phần Hồn (thuộc tinh thần), phần hồn này sẽ được Shiva ban cho bằng quyền năng của mình, ngài buộc phần linh hồn ấy vào thể xác bằng sợi dây thòng lọng (hình 5), nhưng ngài cũng có khả năng huỷ diệt (huỷ để sinh) bằng năng lực của cây quyền Trượng (hình 5) mà ngài mang trên tay. Dấu hiệu của một sinh linh mới sau khi sinh ra thuộc chủng tộc Chăm hay không được phân biệt khi sinh ra trên ngón tay có đeo nhẫn Mâta (dấu hiệu này được kể lại qua sự tích chàng Sọ Dừa, hình 5). Tuy giống người sinh ra đã có đủ phần Thân xác và Linh hồn nhưng vẫn chưa xác định giới tính, lúc này Brahma (một giai đoạn khác của Brahma) mới ban cho vào giống người ấy giới tính Đực – Cái qua động tác nghi thức mà Ông Cả Sư thực hiện lên trên Bva (Cái) – Kan (Đực) (hình 6). Đến giai đoạn này thì giống người ấy đã phân chia giới, có khả năng duy trì sự Sinh (Sinh tạo, sinh nở,…), nhưng quá trình biểu thị cho sự Sinh ấy vẫn chưa có dấu hiệu, hay chưa có mầm Sinh khi mà ông Cả Sư chưa thực hiện nghi thức linga-pūjā, để thực hiện nghi thức này ông Cả Sư sử dụng Kalet (Bình đựng nước thiêng, hình 7) có nắp đậy bằng cây Bông Tiên (hình 7), bên trong đựng nước (nước thiêng) ông làm nghi thức rưới/tắm thứ nước thiêng ấy lên Bva và chạm vào Kan, nghi thức ấy biểu tượng cho hạt mầm Sinh đã được gieo hay đã có phôi mầm Sinh được tạo ra ( nghi thức linga-pūjā này được khắc trên đài thờ Mỹ Sơn E1 và nghi thức linga-pūjā trong đền Tháp ngày nay ta thường thấy ). Đến đây thì một qúa trình Sinh Tạo đã hoàn thành, và chu kỳ này luôn được tái lập theo mỗi chu kỳ (Đản Sanh Brahma) sau khi Shiva sử dụng quyền năng của mình để huỷ diệt một chu kỳ cũ…
Vì có sự chồng lớp văn hoá nên trong Bagarac còn chứa các dụng cụ để chức sắc Paséh Balamon cao cấp dùng tuỳ vào các nghi lễ như: Túi đựng đồ nghề hành lễ và các loại cây thuốc nam (hình 8); dụng cụ mài thuốc (hình 9); Chieu Koh (chiếu cổ dùng trong nghi lễ Balih sang, hình 10); khay đựng gạo nổ kamang (hình 11).
Baganrac chứa đựng trong đó câu chuyện Sinh tạo, các vật dụng hay công cụ hỗ trợ hành lễ biểu thị một quá trình của một quá trình Huỷ/ Sinh, tất cả các nghi thức được một vị Cả sư (Po Adhia) thực hiện, ông đại diện cho đấng toàn năng thực hiện và đảm nhiệm vai trò để hoàn thiện một quá trình Sinh tạo ấy. Ta thấy ở đó hình tượng của Po Ina Nagar hay hệ thống Trimuti bao hàm và lồng ghép với nhau. Và, tuỳ vào mục đích của nghi lễ mà vị Cả sư sẽ có những nghi thức tương ứng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét