Pics

Pics

2020/01/31

ĐI TÌM BIỂU TƯỢNG CIIM HƠNG

ĐI TÌM BIỂU TƯỢNG CIIM HƠNG (Jaya Thiên)
***
Chủ đề về Champa nói chung và người Chăm (một trong những tộc người nằm trong vương quốc Champa) nói riêng không còn lạ nhưng vẫn luôn là mới, mới bởi nhiều ẩn ý chứa trong những tầng lớp văn hoá chưa được “Giải”.
Cũng như các cư dân khác ở Đông Nam Á, Chăm cũng có một nên văn hoá bản địa lâu đời. Với Chăm Balamon (Chăm Ahier) quan niệm về một chu kỳ- kiếp sinh linh của mình vào những quan điểm về vũ trụ quan – nhân sinh quan theo tư duy riêng phù hợp với văn hoá tín gưỡng riêng. Và, một chu kỳ đời ấy cũng phải trải qua những mốc tín ngưỡng nghi lễ tâm linh ứng theo mỗi giai đoạn đời. Trong đó, nghi lễ Đám Tang hết sức quan trọng, đánh dấu một mốc chuyển kiếp sang một chu kỳ mới. Ở đây sinh linh cũ (người chết) sẽ được nằm trong một Sang Swơr (Nhà Thiêng) cuối cùng do ông Hơng (Một nghệ nhân dân gian) chế tác để đi sang một chu kỳ mới (qua bên kia dòng sông thiêng) mà Ciim Hơng là linh vật dẫn lối sau những ngày ấp ủ bên trong cái bào mẹ (Cái bào mẹ trong đám tang).
*** Ciim Hơng xuất hiện vào giai đoạn sau cùng của đời người (đám tang), cũng là linh vật duy nhất sau cùng/chở Sinh linh (phần hồn) ấy qua bên kia dòng sông thiêng để Sinh ra vào một chu kỳ mới, tiếp tục cuộc hành trình Chăm.
Đám Tang của người Chăm Ahier hiện nay là nghi lễ tập hợp của sự chồng lớp văn hoá lên nhau, vừa mang yếu tố bản địa vừa có yếu tố tôn giáo Balamon (tiếp nhận văn hoá Ấn Độ), là sự phối hợp giữa các giáo sĩ thuộc hệ thống Balamon giáo và các nghệ nhân dân gian để làm nên một cuộc lễ hoà hợp trọn vẹn . Ông Hơng là một trong những nghệ nhân dân gian Chăm không nằm trong hệ thống giáo sĩ Balamon Chăm, là một người khéo tài, có đức tính tốt được cộng đồng tin tưởng giao cho trong trách quan trọng dựng căn nhà Thiêng (Sang Swơr) lộng lẫy cho giai đoạn cuối của một sinh linh Chăm này. Ông Hơng được bố trí một căn nhà lễ riêng (vị trí số 10 theo sơ đồ), tại đây ông dung đôi tay khéo léo của mình để cắt tỉa thành hình Ciim Hơng đầy cách điệu, và tại vị trí số 13 (theo sơ đồ) ông sẽ dựng Sang Swơr, Sang Swơr có dạng nhà sàn thấp 4 mái, trên mỗi cạnh diềm mái, chân Sang Swơr ông gắn những cặp (10 cặp) Ciim Hơng lên trên.
Vì không nằm trong hệ thống giáo sĩ Balamon giáo, nên những công việc, chức năng mà ông Hơng thực hiện sẽ mang yếu tố bản địa hơn. Vì thế Ciim Hơng này chính là yếu tố có chính chất bản địa của người Chăm. Và đúng như vậy, nếu như theo Balamon Ấn Độ thì bò thần Kapil là linh vật chở sinh linh đi qua dòng sông thiêng (Sông Hằng), thì với Chăm Ahier (Chăm Balamon) bò Kapil chỉ chở sinh linh đến bờ sông, nhiệm vụ cuối cùng chở sinh linh đi qua dòng sông thiêng thuộc về Ciim Hơng. Đó là sự kết hợp, phân chia nhiệm vụ khi văn hoá Bản địa kết hợp với yếu tố Balamon giáo Ấn Độ khi du nhập vào cộng đồng Chăm.
Tín ngưỡng Phồn thực Champa buổi sơ kì quan niệm vũ trụ như một cái Bào (Bào Mẹ/Bào Thai) lưỡng hợp, lưỡng tính chứa trong đó cả Đực – Cái được thờ tự dưới dạng Tô Tem Đá, từ cái bào này tách ra/phân cực thành hai tính riêng biệt Tanaow – Binai / Lakei-Kamei / Đực – Cái được thờ dưới dạng Tô Tem đá với hình dạng Linga – Yoni mà ta thấy còn hiện diện trong các Đền, Kut Chăm hiện nay. Đó là tín ngưỡng phồn thực nguyên thuỷ Chăm biểu thị cho ý niệm Sinh Tạo Chăm.
Vậy Ciim Hơng có hình ảnh liên hệ nào với tín ngưỡng mang tính bản địa này? Ta cùng xét.
*** Ciim Hơng có đầu Chim mình Rắn. Là loài lưỡng tính, lưỡng hợp giữa hai yếu tố Tanaow – Binai ( Đực – Cái).
- Đầu Chim (Chim có đầu to, mỏ cắt đó là giống Chim Cắt/Chim Hồng Hoàng) thuộc Trời mang tính Tanaow/likei/Đực/Dương, là chim biểu của Mặt Trời (Dương);
- Mình Rắn (Rắn, rồng đất, cá sấu) thuộc Đất (Đất, đại dương) mang tính Binai/Kamei/Cái/Âm, là Rắn biểu của Mặt đất, biển cả (Âm).
Trong ngôi nhà lễ (Kajang) chính, Ciim Hơng được treo lên Sợi Dây thiêng, sợi dây này được nối từ lỗ rốn trên Cái Bào ( bào thai ) lên tấm Timpan (Kimong) biểu tượng cho phần Trời, và như vậy Ciim Hơng cũng chính là cầu kết nối giữa Bào ra ngoài vũ trụ, thu hút nguồn năng lượng từ trời vào nuôi dưỡng cái Bào.
Hình tượng Chim Cắt ( Ciim ) này còn được nhắc đến trong dân gian Chăm qua câu “ Chim Cắt, chim Ve; ta chặt củi Me thiêu người Chăm chết” . Trong câu này có nhắc đến Chim Cắt, đó chính là loài Chim đầu to, mỏ cắt hay còn gọi là chim Hồng Hoàng, chim biểu của Mặt Trời (Trời/Dương).
Ngoài ra ta thử tìm sự liên hệ liên quan đến linh vật Ciim Hơng (Chim cắt + Rắn, rồng, cá sấu, rồng đất) trong các tộc người cùng chủng để xác minh độ tin cậy của nó.
Trong một bài viết: “ NGUYÊN LÝ ĐỰC - CÁI QUA BIỂU TƯỢNG ĐIÊU KHẮC CỦA NGƯỜI RAHDE “. Mình đã đi xác minh hình tượng Chim Mling – Mlang (Chim Rìu/ Chim Cắt / Chim Hồng Hoàng) thuộc Trời / Dương; Rùa, Cá Sấu thuộc Đất / Âm. Đó chính là vật tổ của của người Rahde được chạm khắc lên xà nhà, lên cầu thang, lên xà nóc.
Cặp đôi Chim Rìu - Rắn (rồng) này còn được tìm thấy nhiều trong văn hoá, điêu khắc của nhóm tộc người Tây Nguyên khác cùng chủng Nam Đảo với người Chăm như K’Tu, Ede,... Không những thế ta còn nhìn thấy hình tượng cặp đôi này có mặt trong văn hoá, điêu khắc, là vật tổ của tộc người Dayak thuộc bán đảo Broneo. Và thật kì lạ là giữa nhóm người K’Tu và Dayak xa xôi kia có những sự trùng hợp, giống nhau nhiều về mọi mặt như: Xem Chim Rìu và Rắn (Rồng) là linh vật tổ, có tục săn đầu người cổ xưa, có thuyền Chim Căt - Thuyền Rồng với quan niệm Đực - Cái tương ứng.



*** Qua những điểm, tính chất Đực – Cái nói trên ta thấy Ciim Hơng chính là vật linh (vật tổ ) của người Chăm, là loài lưỡng hợp, lưỡng tính (tanaow – binai / Đực – Cái) mang ý nghĩa của sự Sinh tạo phù hợp với quan điểm, tín ngưỡng phồn thực bản địa Chăm thuở sơ kì, tương ứng với Tô Tem đá.
Ciim Hơng là sự kết hợp giữa loài Chim Cắt, chim biểu của Mặt Trời (Thuộc Trời / Dương) và mình Rắn, rắn biểu của Đất (Thuộc Đất - Đại Dương / Âm). Ciim Hơng là loài Chim mình Rắn biết bay lại có thân mình mang sắc thái của Lửa dưới Trần gian, có đầu Chim là sắc thái của Lửa trên Trời. Hay nói cách khác Ciim Hơng chính là Lửa, lửa trời lửa trần gian, Lửa có mặt khắp 3 cõi, là cầu nối 3 cõi với nhau qua hình ảnh Sợi Dây linh thống được nối với Rốn Bào (thai) trong nhà lễ Đám Tang. Lửa thiêu đốt mọi tốt xấu, thánh tẩy mang một sinh linh sạch bước sang một chu kỳ Sinh khác để tiếp tục hành trình Chăm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét