Pics

Pics

2020/01/31

BAGANRAC Cham (P1)

Banganrac
BAGANRAC Chăm - Jaya Thiên
Baganrac là một vật dụng hết sức quan trọng của chức sắc Balamon Chăm Ahier, hệ thống chức sắc Paseh Chăm Balamon chia ra thành 5 cấp theo thứ tự từ thấp đến cao như sau: Paseh Ndung Akaok (nhập môn) - Paseh Liah (giai đoạn học kinh kệ, nghi thức,…) - Pasah Pahuah (thày cho ăn ) - Paseh Tapah (Po Bac hay Phó Cả sư) - Po Adhia (Cả sư). Trong đó cấp Po Bac và cấp Po Adhia mới được quyền nhận và gìn giữ Baganrac.
Baganrac là vật quan trọng và có ý nghĩa không chỉ dành riêng cho chức sắc Paseh Chăm Balamon mà cũng là vật trân quý của cộng đồng người Chăm, nhưng việc hiểu về nó còn gặp phải nhiều hạn chế gây nhiều cách hiểu khác và cũng có nhiều cuộc tranh luận xoay quanh nó. Tuy là vật quan trọng, nhưng vẫn còn số ít người biết đến, và có biết cũng chỉ hiểu được ý nghĩa xoay quanh chức năng bên ngoài chứ chưa đi sâu vào ý nghĩa thật sự mà nó hàm chứa.
Cụ thể có hai khái niệm sau được đông đảo mọi người biết đến:
- Baganrac là bàn tổ hành nghề dành cho chức sắc cấp cao Balamon (Po Bac, Po Adhia)
- Baganrac là vật dụng chứa đồ hành nghề của Cả sư Balamon.
Nhân đây, mình xin giải thích cụ thể hơn đi sâu vào ý nghĩa thật sự của nó để mọi người cùng “Rõ” hơn.
Trước khi đi vào cụ thể về Baganrac thì mình lướt qua vài dòng về…Tín ngưỡng Phồn thực và các giai đoạn chuyển tiếp của nó trong cộng đồng Chăm hôm nay.
Tín ngưỡng Phồn thực (thờ sinh thực khí) là một tín ngưỡng nguyên thuỷ của loài người đã có mặt trước CN hang chục thế kỷ. Dần dần tín ngưỡng nguyên thuỷ này đã phát triển thành hệ thống Tôn Giáo. Với Chăm, thuở ban đầu với tín ngưỡng Phồn thực nguyên thuỷ thờ Mẫu với hình tượng Tô tem Đá mà ngày nay chúng ta luôn thấy trong hệ thống các Kut với những khối Đá thô, không đẽo gọt cầu kỳ. Tục thờ âm vật, âm lực, thần mẹ, tiến tới tâm thức về nguồn gốc của mọi sự sáng tạo là cặp đôi dương vật và âm vật, thể hiện ở biểu tượng Linga và Yoni. Dần dần, khi tiếp xúc với hệ tư tưởng Ấn Độ thì tín ngưỡng này đã hoá thân vào vị thần vĩ đại nhất là Shiva trong hệ thống Trimuti (hiva – Brahma – Vishnu ) để biến thành Cột đá Linga đại diện cho khuôn mặt của Shiva (Shiva xuất hiện lầu đầu tiên là một cột lửa mang hình Linga) mà chúng ta thấy hầu hết hệ thống các đền tháp Champa đều theo giáo phái Shaiva tức chọn thần Shiva là đấng tối cao. Yoni xuất hiện như một hiện thân khác của Shiva (Shiva luôn mang hai khuôn mặt, lưỡng tính/lưỡng phân) và được ví như người vợ của Shiva tức Pravati. Ngoài ra, Champa còn tiếp nhận them nhiều hệ tư tưởng lớn khác như Phật Giáo, Hồi Giáo,…Nhưng cho đến nay, cặp đôi Linga-Yoni luôn được người dân tôn thờ, mà trong đó đã hoà trộn nhiều hệ tư tưởng lớn ở trên, và cũng hợp với tín ngưỡng Phồn Thực nguyên thuỷ mang ý nghĩa cho tính Sáng Tạo, sinh sôi nảy nở mà ta biết hiện nay.
Các hệ thống đền Tháp được dựng lên để thể hiện tính triết lý, tín ngưỡng mà Champa đã và đang vận vào mình. Các đền Tháp khi xưa được dựng lên và chỉ phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng, triết lý của hệ thống cung đình vua chúa Champa đến thờ phụng cúng tế vào các dịp định kỳ, thực hiện các nghi lễ cầu mong phát đi nguồn sinh lực ban cho muôn dân đủ đầy sung túc, người dân mỗi dịp chỉ được đến chiêm bái thưởng lãm hạn chế. Hệ thống đền tháp này được “ giao cho “ các chức sắc tín ngưỡng Balamon Champa cai quản, duy trì sinh hoạt, là nơi để các chức sắc nhập thiền, hành lễ,…và phát triển trí huệ của mình.
Quay trở lại với Baganrac, cấu trúc của Baganrac có hình dạng là một cái Bào Thai (cái bào của sự Sinh tạo ban đầu). Và như ta thấy, cái Tháp chính mang cấu trúc của một Cột Shiva thì bao hàm bên trong đó (lòng tháp) chính là một cái bào Thai của một người Mẹ sinh tạo với cửa tháp chính là cái cửa Yoni để bước vào bào mẹ (lòng tháp). Trong cái bào Mẹ này, Po Adhia tịnh tâm, nhập thiền (Po Adhia cũng là một thiền sư vĩ đại ) để được thu nhận cái năng lượng mà bào Mẹ ban cho, nơi đây ông đi tìm kiếm và hoà nhập Atman (tiểu ngã) vào Brahman để đến với hiểu biết. Cũng như thế, Baganrac chính là cái Bào Mẹ nhưng được để tại nhà nơi ông sinh sống. Ngày ngày ông được Baganrac bao bọc, bảo vệ, ban cho nguồn năng lượng để cùng ông tìm học đến với hiểu biết cuối cùng. Trong Baganrac này chứa đầy đủ các dụng cụ hành lễ, những dụng cụ này chính là hình ảnh đại diện của những triết lý Sáng Tạo ra vũ trụ thuở khai sinh như hình ảnh của bầu trời, của mặt đất, hình ảnh của những bộ phận con người, hình ảnh của thuộc tính đực – cái (con gười biết sinh sản), của nước, của lương thực,…Đó chính là hình ảnh cơ bản nhất của một cấu trúc (truyền thuyết) về Sự sống. Baganrac sẽ theo ông Po Adhia tham gia vào các cuộc lễ do ông trụ trì dẫn dắt trong cộng đồng Chăm, Baganrac này sẽ theo ông đến cuối đời, và ông phải có trách nhiệm gìn giữ, dùng nó vào các buổi hành lễ mang tính Sáng tạo, ban phát nguồn dinh dưỡng sinh sôi cho muôn người.
Baganrac chính là cái Bào (thai, nôi) của sự Sinh tạo. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự mà nó hàm chứa mà nay đa phần chúng ta chỉ hiểu về nó qua lớp chức năng bên ngoài, vô tình đánh mất cái nguồn Sinh Tạo mà nó mang trong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét