Pics

Pics

2021/09/24

Từ Kabung-Kruec cho đến Dung Quốc

 Từ Kabung-Kruec cho đến Dung Quốc

Cửa Sa Cần là cửa biển nằm phía bắc cửa ngõ của tỉnh Quảng Ngãi, nơi con sông Trà Bồng đổ ra vụng Quít (Vụng Quất). Từ Cửa Sa Kỳ (Sa kỳ môn) ra khỏi mũi Batangan (Ba-tâ-gân/Ba làng an) đến mũi Nam Trâm (Lâm Trâm) là tìm được lối vào cửa Sa cần này.
Trong sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” triều Nguyễn thì chép: “Tấn Thái Cần ở cách huyện Bình Sơn 10 dặm về Đông-Bắc, cửa biển rộng 45 trượng, thuỷ triều lên sâu 1 trượng, thuỷ triều xuống sâu 8 thước. Có 2 ghềnh đá, một là ghềnh Ông, một là ghềnh Thạch Bàn, cửa lạch rộng, nước sâu, tàu thuyền có thể đi lại; về phía nam ghềnh, cửa lạch hẹp, nước cạn, tàu thuyền không thể qua lại. Phía nam có vịnh gọi là Vụng Quýt". Tấn Thái Cần này chính là Tấn Sa Cần.
Trong “Bài vè về thủy trình" từ Huế vào Sài Gòn có đoạn chép về khu vực này như sau:
Ngó về Cửa Đợi thương ôi!
Hòn Nồm nằm dưới mồ côi một mình.
Tam Ấp, Hà Bứa có rạn trời sinh,
Bàng Than, Cửa Lở luôn kinh An Hòa
Châu Lai, Châu Ổ bao xa,
Trước mũi Vũng Quýt, thiệt là Thống Binh.
Liên quan đến nguồn gốc tên gọi cửa Sa Cần là do có truyền thuyết dân gian kể về sự kiện, vào năm Tân Mão (1471) khi đại quân Lê Thánh Tông trên đường đi đánh Champa (Vijaya) đã ghé nơi đây, quân sĩ thấy có nhiều rau Thái Cần nên đã hái làm lương thực dự trữ nên có tên như vậy. Thái Cần này được người dân gọi thành Rau-Cau. Cũng trọng trận này, vua Lê Thánh Tông chiếm toàn bộ khu vực Vụng Quít.
Về Vũng Quít (Dung Quất ngày nay), trong các ghi chép sử và bản đồ xưa vốn có tên xưa là Vũng Quít, nơi lí tưởng để neo đậu tàu thuyền an toàn vì biển lặng do được che khuất gió bởi dãy núi Batangan.
Trong ghi chép bản đồ “Partie de la Conchinchine” trước tk19, chú “Pt Quiqick” để chỉ cho cửa Vũng Quít 淎橘 (Dung Quất).
Theo các ghi chép, thì tại khu vực Vũng Quít (Dung Quất) khi xưa vốn là khu rừng Quít gai ven biển. Cái tên Vũng Quít được đặt là do sự đặc thù trên của vũng này. Không những thế loài Quít gai này cũng trở thành một đặc điểm để gọi tên thôn [Cây Quít thôn].
Các bản đồ Châu Âu của người nước ngoài, khi chú về vũng Quít với các tên phiên âm như: QuiQuite Harb. (Bản đồ nước Đại Nam dưới thời vua Minh Mạng,1828); Vung Kuit (Die indonesischen Reiche Birma, Siam, Kambodja und Annam- 1867) và một số tấm bản đồ khác.
Đặc biệt, trong tấm bản đồ của Gustave Dumoutier (Từ Thăng Long đến Champa, 1896) vào thế kỷ XV, ông có chú tại khu vực này như sau: Tụng Đàn môn 誦𡊨門 (Cửa Tụng Đàn) chính là cửa Vũng Quít hay Tấn Thái Cần (cửa Thái Cần/Sa Cần) được chép trong ĐNNTC. Và, Vũng Trai Phường 淎齋坊 (淎斎坊) là một thôn phường có tên Vũng Trai tại vị trí/khu vực vũng Quít này.
Trong tiếng Cham, có hai từ để chỉ tên Quít rừng (Quít gai) này:
Danrah /d̪a-nrah/ đọc như; có âm đọc như Đàn trong Tụng Đàn môn.
Kruec [glai] /krʊoɪʔ/ với [glai] có nghĩa là rừng; Kruec có âm đọc như Quất/Quít trong Vũng Quít.
Và Kabung Danrah hay Kabung Kruec là từ để chỉ cho Vụng Quít, với Kabung có âm đọc như Bùng trong tiếng Việt như 淎 (Bọng/Vụng/Vũng).
Cả hai từ này đều có mối liên hệ đến âm ghi chú trong bản đồ thế kỷ XV, của Gustave Dumoutier.
Về mặt địa danh trong tiếng Cham, ta còn tìm thấy sự liên hệ trong cách đặt tên sông Kraong Kruec (tức Sông Quao), là một phụ lưu của Sông Dinh (Kraong Ding) ở Ninh Thuận.
Như vậy, có thể thấy rằng, từ một đặc điểm của vùng đất có khu rừng cây Quít gai 𣘃橘 (KeKuat) đã trở thành tên địa danh cho Vụng Quít淎橘. Và cũng có khả năng địa danh được đặt dựa trên phương ngữ Champa có sẵn trước đó khi mà Danrah hay Kruec [glai] (Quít rừng) trong tiếng Cham đều có khả năng liên hệ với cái tên Tụng Đàn và Vũng Quít.
Trên đây là những gợi ý tham khảo góc nhìn văn hoá Champa về một tên gọi địa danh Vũng Quít, mà cũng có thể có mối tương quan nào đó trong lịch sử vùng đất.








Từ BaTangan cho đến Ba Làng An

            Từ BaTangan cho đến Ba Làng An

Ba Làng An là mũi đất nay thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Vùng biển Bình Châu này nằm trên một địa hình nguyên là miệng núi lửa cổ xưa.
Vào thời Champa cổ, xứ Quảng Ngãi nằm trong nagara Amaravati, là địa phận vùng biên của Amaravati giáp với Vijaya. Mãi đến 1402, nhà Hồ, sau khi Jaya Shinhavarman V thua trận phải cắt phần đất Chiêm Động và Cổ Luỹ Động cho nhà Hồ, và giao cho Chế Ma Nô Đàn Na cai quản và chịu sự bảo hộ. Lúc này phần đất Indrapura và Amaravati đổi thành lộ Thăng-Hoa.
Ba Làng An, nằm lọt giữa của đồng bằng được tạo nên bởi hai con sông Trà Khúc và Trà Bồng.
Về tên gọi Ba làng An, đa phần đều nhận định tên gọi này xuất hiện là nguyên do: “Thời xưa, ở đây có ba làng cùng có tên là An: An Hải (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), An Vĩnh, An Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi), nên mới gọi là Ba Làng An.” Trong địa bạ triều Nguyễn (Đồng Khánh, 1885-1889), ba làng này thuộc hai tổng Bình Châu và Bình Điền.
Địa danh nơi đây được chú trong nhiều tập bản đồ, hay các tập ghi chép với nhiều phiên âm khác nhau. Có thể liệt kê các ghi chú trong một vài tập bản đồ sau:
* Trong bản đồ Việt nam thời Trịnh-Nguyễn thế kỷ 17, có chú cho mũi Batangan là C.Pangan và C.Batang (mũi Nam Châm/mũi Tụng Đần).
* Trong tập bản đồ “Carte de lindochine orientale,1881) chú với tên C. Cha-Ki (mũi Sa Kỳ) hoặc C. Batangan (mũi Batangan).
* Trong cuốn “Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV”, của nhà nghiên cứu khảo cổ Gustave Dumoutier viết từ năm 1895, tại tập bản đồ số XIX, ông chú 沙淇門 (Cửa Sa Kỳ), phía tả ngạn của Sông Trà Khúc, là dãy dãy núi được Dumoutier chú với hai tên gọi khác nhau giữa phần bản đồ 炉𨢇山! và phần chú giải 爐𨢇山, và đều đọc là Lò Rượu Sơn (Núi Lò Rượu). Cũng trong bản đồ này chúng ta chú ý luôn tên Tụng Đàn môn 誦𡊨門 (cửa Tụng Đàn), chính là cửa của con sông Trà Bồng đổ vào Vũng Quít (Dung Quất).
* Trong ghi chép chỉ dẫn hàng hải “Partie de la Conchinchine” mô tả, sau cửa Sa Kỳ là C.Batagan (Mũi Ba Làng An, Ba Tân Gâng), tiếp đến là C.Cantam (Mũi Nam Châm) và Pt.Quiquick (Vũng Quýt/Dung Quất) ở cuối bờ biển địa phận Quảng Ngãi. C.Cantam hợp với ngọn núi cùng tên là một hải tiêu quan trọng để vào vụng Quít, còn mũi Ba làng An để xác định điểm vào cửa Sa Kỳ..
Như vậy, ta thấy địa danh Ba làng An, trước thế kỷ 18 đều chú với tên C.Pangan hoặc C.Batangan, đôi khi được chú với tên C.Cha Ki gắn với cửa Sa Kỳ. Từ thế kỷ 18 (Đồng Khánh) mới phân chia tên ba thôn có chữ An đầu, nên giả thuyết tên làng Batangan (Ba làng An sau này) được lấy dựa trên tên ba làng có chữ An ở đây là không hợp lí, mà chỉ có thể tên Ba làng An (thuần Việt) này được lấy dựa trên tên ba làng An sau này. Còn mũi Batangan hay Pangan đã có trước đó thừ thế kỷ 15.
Hai mũi, Batangan và Batang nằm giữa thế địa hình được tạo bởi dãy Răng Cưa và sông Trà Khúc, hình thành nên đồng bằng/động Chiêm Luỹ. Cổ Luỹ động 古壘洞 mà chính xác là Chiêm Luỹ động 占壘洞. Nếu nagara Amaravati, với Quảng Nam-Đà Nẵng là trung tâm chính trị của nagara, thì chính Quảng Ngãi được xem như biên luỹ, được hình thành/xây dựng dựa trên thế luỹ tự nhiên với dãy núi Răng cưa và sông Trà Khúc chắn ngang, chia khúc đồng bằng với nagara Vijaya ở phía nam. Ở hai bên tả-hữu ngạn hạ lưu sông Trà Khúc này vốn có một đài canh/tiền đồn canh gác xưa của người Champa cũ, đồng thời cũng phát hiện nhiều di tích kiến trúc tâm linh, công cộng của người Champa, đây cũng là nơi tập trung người Cham sinh sống của Quảng Ngãi, nay là Cổ Luỹ Thôn.
Về phiên âm Batangan/Pangan (Ba làng An) và Batang (Nam Trân), cả hai đều cùng phiên âm cho một gốc từ với cấu trúc:
Ba-tangan --> Ba-tang (rút âm cuối)
Ba-tangan --> Pangan (rút âm giữa)
Tiền tố (tiền trọng âm) Pa/Ba thường được thêm vào để phái sinh một hàm nghĩa dựa trên từ gốc này.
Cả hai mũi này đều qui chiếu về thế núi Răng Cưa và Luỹ thành sông Trà Khúc để tạo thành một trường luỹ tự nhiên lẫn nhân tạo mà tên gọi của nó có gốc từ Balangal hay Batanang, trong đó:
Langal/Lingal là cái cày
Tanang/Canang là máng xối
Cả hai từ này đều mô tả chung một hình dạng “cái đòn” dài của cái cày hay máng xối. Và cũng dùng để đặt tên cho địa sanh “núi” có hình dạng dài như máng xối nước cho trường hợp địa danh núi Tà-Năng. Hay như trường hợp đặt tên cho sao Cày (Batuk Langal) thì cũng dựa trên hình dạng bởi sự thẳng hàng của 3-4 ngôi sao tạo thành “cánh đòn” cày, và các từ phái sinh khác.
So sánh địa danh có từ đồng dạng ở Philipine và Indonesia, chúng ta cũng thấy nghĩa gốc của nó để chỉ cho 1 trong 12 ngọn núi trong dãy núi Meru, và đồng thời để chỉ cho vị thần cùng tên, phái sinh nghĩa của nó để chỉ cho “hình dạng” cánh đòn, cánh xà,…Như vậy, về mặt tên gọi và hình dạng chúng ta thấy rõ hàm nghĩa địa danh của nó có sự qui chiếu về tên ngọn núi “Răng Cưa”, hay làm cho/thành một Luỹ thành bảo vệ.
Ngoài ra chúng ta còn tìm thấy sự tương đồng về vị thần chủ liên quan đến ngọn núi linh thiêng này với cái tên Batara guru (Batak/Batanga) của Java và tại Phú Hưng. Đây là một tên hoá thân của thần Shiva dưới nhân dạng của một tu sĩ.
Trong những thành luỹ Champa chúng ta còn tìm thấy tên Biuh Bal Batsinâng (Luỹ thành Batsinâng) có cách đọc gần giống, tuy nhiên cấu trúc của nó với “tsi” có vẻ có gốc từ “sri” mà thành nên cần thêm sự kiểm chứng.
Qua những phân tích trên chúng ta có thể thấy, địa danh mũi Batangan/Pangan được chú trong các bản đồ xưa không thể có gốc từ tên ba làng “An” như giả thuyết được nêu, mà địa danh này có khả năng được sinh ra từ qui chiếu tên ngọn núi Batangan (Dãy núi cày/núi sao cày hay núi máng xối), và cũng hình thành lên địa danh Chiêm Luỹ xưa (Cổ Luỹ). Và cửa Batang (cửa Nam Châm) đồng tên/dạng với mũi Batangan cùng qui chiếu về ngọn núi Batangan, phía bắc cửa Batang (Nam Châm) là mũi Bàn Than cũng không loại trừ có liên quan cần xét đến.






Từ [Bhumi] cho đến xứ Phù-Mi/Cù-Mi.

 Từ [Bhumi] cho đến xứ Phù-Mi/Cù-Mi.

Làng Phù-Mi (Cù Mi) là làng Cham xa xôi nhất ở phía cực nam của Champa (trấn Thuận Thành) giáp ranh với (Bà-Rịa) Gia Định. Nay thuộc xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, Bình Thuận.
Làng được lập từ xa xưa, đồng bằng hạ lưu Kraung Ding (Sông Dinh).
Trong tác phẩm “Nai mai mang Makah” (Công chúa đến từ xứ Mã Lai) có niên đại trong khoảng 1651-1771 nhắc đến tên ngôi làng này.

                    “ni bhummi drei taluic,
                    Tapeng agha tabuic, glai cek thu layau,…”

Tạm dịch:     Đây xứ Bhummi ta ở cuối
                    Gốc rễ tróc, rừng núi khô lá,..

Đây là đất vùng biên xa xôi và nằm tách khỏi trung tâm của các cộng đồng Champa khác, là nơi nương nhờ cho những tàn quân, hay cư dân của Cham đến trú xứ trong giai đoạn loạn lạc, nhất là vào đầu thế kỷ 18.
Bhumi trong tiếng Cham có nghĩa là Đất, trái đất, vùng đất. Trong tiếng Phạn, Bhumi cũng mang nghĩa tương tự.
Phù Mi/Phù Trì/Phò Trì/Cù Mi, là những tên gọi được phiên âm từ [Bhumi] trong tiếng Cham mà thành.



Về địa danh có tiền tố [Đà-] ở miền Trung

 Về địa danh có tiền tố [Đà-] ở miền Trung

Trong địa danh ở miền Trung Việt Nam hiện nay, chúng ta bắt gặp các tên địa danh có tiền tố [Đà-] để chỉ cho địa danh gốc Cham. Đơn cử có hai tên địa danh đáng chú ý: Đà-Nẵng, Đà-Rằng.
Về nguyên do xuất hiện tiền tố [Đà-] này là do cách phiên âm theo Hán-Việt của chữ [Daknan/Dram] trong tiếng Cham, từ nguyên chỉ Nước (nguồn Nước), tiền tố này thường được sử dụng để đặt tên sông, suối và cũng dùng để chỉ cho tên địa danh Nước/Xứ Sở. Trong tiếng Cham hiện đại ngày nay ít được sử dụng.
Đà thường được kí âm với chữ [沱/陀] (tou/tóu).
Tou-Rane/Ran = (Đà-Nẵng)
Ran-Ran/Dak-ran/Đà-Lãng = (Đà-Rằng) = Tou-Ran
Cả hai địa danh đều có nghĩa [Con sông rộng lớn]
[Daknan]/[Dram]/[Dak], là tử cổ gốc Austronesian, người Cham đã bảo lưu nguồn gốc này thông qua việc đặt tên địa danh của mình, mặc dù trong tiếng Cham hiện đại đã phái sinh ra nhiều từ có gốc [Nước].
Đồng thời, chúng ta cũng bắt gặp các tên địa danh ở vùng Tây Nguyên có tiền tố Dak/Đạ/Lak/Lạc và đều mang nghĩa chỉ/thuộc về [Nước], có thể liệt kê vài địa danh thông dụng như: Dak-lak, Dak-Nong, Đà-Lạt, Đạ-Đờn,...Đó chính là âm cổ chỉ [Nước] được bảo lưu có thể nhìn thấy qua cách đặt tên địa danh tên sông, suối, xứ sở.
[Dak] đã phái sinh ra Krong/Kron/Kon/Kraung/,...để chỉ [Sông] và cũng được sử dụng để chỉ tên địa danh cho một vùng đất, xứ sở. Ví dụ như: Kon-tum, Kon-klor,...



Về các địa danh có tiền tố Nha- ở miền Trung

 Về các địa danh có tiền tố Nha- ở miền Trung

Các địa danh ở miền Trung Việt nam hiện nay, có không ít các trường hợp chúng ta bắt gặp các tên địa danh có tiền tố [Nha-] được dùng để đặt tên địa danh. Đa phần những tên địa danh này đều có gốc địa danh trong tiếng Cham, hay các tên địa danh này được đặt theo tên địa danh có trước đó từ người Cham (Champa), khi mà vùng duyên hải miền Trung xưa kia từng tồn tại một vương quốc cổ Champa.
Có thể liệt kê một vài trường hợp tên địa danh phổ biến sau: Nha Trang, Nha Ru (Nha Phu,Nha Phú, Nha Tù), Nha Trinh (Nha Tranh), Nha Hố,…
Về nguyên do xuất hiện tiền tố [Nha-] này là bởi từ [Aia] có nghĩa là [Nước] trong tiếng Cham (và các nhóm ngôn ngữ cùng hệ). Trong cách đặt tên địa danh của người Cham, thường sử dụng từ [Aia] dung để chỉ tên sông, suối và mở rộng ra để chỉ cho tên gọi đồng bằng hay xứ sở có liên hệ đến gốc [Aia].
[Aia] còn được phiên âm như [ýa, ia, aia]…
Tiền tố [Aia] trong tên địa danh gốc này thường được phiên âm theo tên Hán-Nôm/Hán-Việt với chữ [芽] có âm đọc như (Nha, Ia, Nia, Ge,...) tuỳ theo phương ngữ. Và đó cũng chính là nguyên nhân xuất hiện tiền tố [Nha-] trong các địa danh tiếng Việt hiện nay ở miền Trung Việt Nam.




2021/09/05

Về địa danh Thị Nại, Nại hay Nạy.

Về địa danh Thị Nại, Nại hay Nạy.


Thi Nại là tên gọi khá thông dụng và xuất hiện nhiều ở khắp miền Trung, dùng để đặt tên địa danh gán cho tên làng hay bến-cảng, các biến âm của nó còn có như: Thị Nại, Nại, Nạy, Nậy,…
Về nguồn gốc tên địa danh này, hầu như đa phần đều cho xuất phát từ tên gốc tiếng Cham Sri-Binây/Binoy mà ra.
Vì địa danh cảng Thị Nại (Qui Nhơn, Bình Định) mang tính phổ quát hơn nên xin chọn địa điểm này để đưa ra vài thông tin dẫn chứng.
Một vài phiên âm thông dụng trong các tư liệu của Trung Hoa chép về Champa, đặc biệt là vương quốc Vijaya:
* PHẬT-THỆ-QUỐC (佛逝國) --> Fu She Ko tức vương quốc Vijaya
* THI-BỊ (施備) --> Shi-bei tức Sri Binoy
* THI-BÌ-NẠI-Cảng-Khẩu (尸毘奈港口) --> Shi-bi-nai-kang-khau tức cảng Śri Binoy
* THI-LỊ-BỊ-NẠI [施離毘奈]  hi-li-bi-nai tức cảng Śri Binoy
* DƯƠNG-PHỦ-CUNG-BÌ-THI-LI (楊甫恭毘施離) --> Yang-fu-gong-bi-shi-li tức Yang Pu Ku Vijaya
* DƯƠNG-PHỔ-CÂU-BÌ-TRÀ-DẬT-THI-LI (楊普俱毘茶逸施離) --> Yang pu ju bi-cha-yi shi-li tức Yang Pu Ku Vijaya Śri.
* THI-BỊ-DỊCH-LỢI-NHÂN-ĐỨC-MAN (施離釋利因德漫)  Shi-li Yin-de-man tức Śri Indravarman.
* THI-HẮC-BÀI-MA-ĐIỆP (尸嘿排摩惵)  Shi hei-pai-mo-die tức vua Śri Parameshwarawarma rajadhiraja.
* TẤT-LỢI-NHÂN-ĐÀ-BÀN (悉利因陀盤)  Xi-li Yin-tuo-pan tức vua Śri Indravarman
* DƯƠNG-BỐC-CÂU-THẤT-LI (楊卜俱室離)  Yang-pu-ku shi-li tức Yang Pu Ku Śri.
* HÌNH-BỐC-THI-LI-TRỊ-TINH-HÀ-PHẤT (刑卜施離值星霞弗) Xing-pu-shi-li-zhi-sin-ha-fu tức vua Yang Pu Śri Jaya Sinhavarman.
Như vậy, qua những liệt kê liên quan đến chữ [Śri, Śri Binoy/Binây, Śri Vijaya], có thể cho chúng ta thấy để kí âm các chữ:
* Śri với THI [施] Shi ;
THI [尸] Shi
THI-LỊ [施離] Shi-li
TẤT-LỢI 悉利 Xi-li
* Binoy với BÌ-NẠI [毘奈] Bi-nai
THI-BỊ (施備) Shi-bei
* Śri Binoy THI-LỊ-BỊ-NẠI [施離毘奈] Shi-li-bi-nai
* Vijaya với PHẬT-THỆ-QUỐC (佛逝國) Fu She Ko
Có thể thấy chính Śri Binoy THI-LỊ-BỊ-NẠI [施離毘奈] Shi-li-bi-nai được rút âm trong văn nói để chỉ còn Thi-Nại, được dùng đặt tên cho địa danh hay Nại/Nạy ở miền Trung.
Trong tiếng Cham, Binoy hay Binây có nghĩa là sự Huỷ bỏ, bãi bỏ, chiến thắng hay sự đạt đến một Đức Hạnh thiêng liêng,...Nó có nguồn gốc từ chữ Vinaya trong tiếng Phạn. Vinaya còn được viết là Vinây, trong các bia kí Champa [Vi] cũng thường được viết thành [Bi]nây.
Vì tính phổ rộng của Śri Vinaya/Śri Vijaya nên Binoy hay Binây còn hàm nghĩa để chỉ Thương Cảng (Binây).
Vậy chữ Śri [施離] THI-LỊ mang hàm nghĩa gì.
Ta biết Śri có gốc từ Phạn ngữ, được cấu trúc từ hai âm tiết [Sha] và [Hri]. [Sha] và [Hri] là hai âm tiết thiêng liêng, với [Sha] âm thanh đầu tiên đại diện cho Shiva, là điềm lành, sự thuần khiết, may mắn, chứa sự bình yên thịnh vượng, là thần Cha. [Hri] âm thanh thứ hai đại diện cho phối ngẫu của Shiva, là hạt giống linh thiêng, là hạt giống của tạo vật, là thần Mẹ.
Vì thế Śri được xem như là "năng lượng" Sáng tạo linh thiêng, là Hạt mầm Sinh tạo.
Chính vì sự linh thiêng của nó mà, Śri thường được dùng làm tiền tố đính kèm để chỉ danh xưng của các vị vua hay địa danh như một kính ngữ tôn xưng sự có mặt/liên hệ đến "năng lượng" Sáng Tạo linh thiêng này. Śri còn được dùng như một hình thức xưng hô mang tính kính trọng (kính ngữ), hay danh hiệu tôn kính.
Śri, ngày nay cũng được xem như một danh xưng (nguồn gốc) cho họ Chế Việt Nam.
Śri Vijaya (vương quốc Vijaya) thường được dịch “Vương quốc Chiến Thắng”, nếu chúng ta hiểu Vijaya theo nghĩa Chiến thắng (danh/động từ) theo một cách thông thường sẽ không lột tả được ý nghĩa thực sự của nó.
Śri Vijaya có thể được hiểu theo một hàm nghĩa “linh thiêng” hơn, bởi sự ”Chiến thắng” ở đây chính là kết thúc (huỷ diệt/chiếng thắng) một chu kỳ cũ để bước vào chu kỳ mới, chính là đạt đến sự Sáng tạo linh thiêng, hay Hạt giống đã vào giai đoạn nở mầm (Hạt mầm).



Từ Kundar cho đến Sông Côn, cù lao Xanh.

 Từ Kundar cho đến Sông Côn, cù lao Xanh.

Sông Côn là con sông lớn nhất tỉnh Bình Định, kết nối trục văn hoá Đông-Tây, giữa miền đồng bằng miền biển và tây Nguyên. Sông Côn có nguồn phát từ núi Ngok Ro, hợp lưu bởi nhiều con suối đổ xuống đồng bằng Qui Nhơn, các phụ lưu đổ ra đầm Thị Nại.
Trong “Non nước Bình Định” của Quách Tấn, ông giải thích nguồn gốc địa danh Sông Côn: Chữ Côn mượn ở Nam Hoa Kinh của Trang Tử để nói lên hoài bão, là kỳ vọng “Uống nước nhớ nguồn”.
Nam Hoa Kinh chép rằng:
["Biển Bắc có loài cá tên là Côn. Bề lớn của Côn không biết mấy nghìn dặm. Côn hóa thành loài chim tên gọi là Bằng. Lưng của Bằng rộng không biết bao nhiêu dặm. Vùng vẫy bay, cánh như đám mây rũ ngang trời. Loài chim ấy khi biển động thì sắp dời sang biển Nam … Biển Nam là Ao Trời… Khi Bằng dời sang Biển Nam thì nước sóng sánh ba nghìn dặm. Liệng theo gió lốc mà lên chín vạn dặm. Đi cứ sáu tháng mới nghỉ…"]
[Mượn tên Côn mà đặt cho sông, cổ nhân dụng ý cầu mong cho con cháu sanh trưởng trên dãi đất đã sản sinh các vị hào kiệt Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Mai Xuân Thưởng v.v… mà dòng sông Côn nhuần thấm, có ngày trỗi dậy "quạt cánh bằng bay chín vạn tầng cao". Nếu không được như thế, ít ra cũng đừng làm những giống cá con con hễ thấy mồi ngon là đớp.”]
Nhưng, liệu nguồn gốc địa danh Sông Côn có thực sự là sự vay mượn chữ Côn trong Nam Hoa Kinh để nói lên hoài bão, kỳ vọng của người xưa về “Uống nước nhớ nguồn” để đặt tên cho dòng sông Côn này không? Chúng ta cùng thử tìm hiểu thêm về các góc nhìn khác trong không gian văn hoá gắn liền với dòng sông này thử xem.
Qui Nhơn, sau là tỉnh Bình Định trước đây vốn là xứ Vijaya (Chà Bàn, Đồ Bàn, Xà Bàn) của Champa xưa, năm 1471 sau khi vua Lê Thánh Tông chiếm lấy Thành Đồ Bàn, sáp nhập vùng đất Vijaya này vào Đại Việt (vào đạo Quảng Nam) lấy đèo Cù Mông mà chia ranh với Champa. Vua Lê mới cho lập phủ Hoài Nhơn (Hoài Nhân), chia phủ này thành ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn. Từ đây cái tên Tuy Viễn (綏遠) được chính thức sử dụng, và cũng là tên gọi cho con sông Tuy Viễn. Như vậy, nguồn gốc con Sông Côn mang tên Sông Tuy Viễn được chú trong tập “Hồng Đức Bản Đồ” có từ mốc năm 1471 được xem là chính thức. Về ý nghĩa thì tên sông Tuy Viễn (綏遠) có nghĩa là con sông tiếp nơi biên viễn.
Theo "Đại Nam Nhất Thống Chí" (năm 1882, Tự Đức), về phần Bình Định có nêu lí do, vì con sông chảy qua ba huyện: Tuy Viễn, Tuy Phước, Phù Cát nên mới có tên con sông Tam Huyện. Tuy nhiên, đến triều Khải Định (1910-1925), tên sông Tam Huyện lại đổi thành Côn Giang.
Trong bản đồ “Die indonesischen Reiche Birma, Siam, Kambodja und Annam” (1867,Dr. Adolf Bastian's Reise) chú “Sông Côn” với cái tên “Song Kan”.
Trong tập “An-nam Đại-quốc Họa-đồ” xuất bản năm 1838 do Giám-mục Jean-Baptiste Taberd vẽ, lại chú là Sông Cạn. Alexandre de Rhodes trong chuyến hành trình An Nam của mình, ông chú tên đảo “Cù lao Xanh” với cái tên Pulu Cambi (Le Royaume d'Annam du P. de Rhodes, 1651).
Sông Côn trong các ghi chép của người nước ngoài khi đến xứ An Nam cũng thường được chú với tên Sông Kon/Kone/Kan/Kun/Cạn/Côn.
Vậy các danh xưng này có mối liên hệ nào với nhau!
Về phía đầu nguồn sông Côn, các nhóm tộc người bản địa sống hai bên dòng sông này đều dùng Chữ Kon hoặc Dak để làm tiền tố ghép với một hậu tố dùng để mô tả đặc điểm cho cho một vùng đất/địa danh. Dak hay Kon đều mang nghĩa chỉ cho Nước, Kon chính là Krong (Kraung/sông), lúc này đóng vai trò định danh cho một xứ sở ví dụ như Kon-Tum, Dak-Rong,...Đây là lối đặt tên địa danh theo con Nước của nhóm tộc người bản địa, trong đó có người Cham (Champa).
Dưới hạ nguồn, như ta biết vùng đất mà sông Côn chảy qua vốn xưa kia thuộc về Champa, vậy con sông này trước khi mang tên sông Tuy Viễn, hay sông Côn thì liệu trong giai đoạn trước mốc thời gian 1471, thuộc xứ Vijaya (Champa) nó, dĩ nhiên đã mang một danh xưng nào đó gắn liền với xứ sở này!
Sông Côn có các phụ lưu đổ vào cảng Thị Nại, được phiên âm trong tiếng Cham (Sri Binây) có nghĩa là bến cảng. Cảng Thị Nại có tiêu điểm nhận diện là nhóm đảo Cù Lao Xanh (Thanh Châu), trấn sơn cho cảng Thị Nại. Nhóm đảo này được chú trong các bản đồ châu Âu là Pulo Cambi/Gambir (Đảo/Cù lao Cambir).
Tập hải đồ số 14, Advertencias para a navegacao da India-Roteiros) mô tả về cù lao Xanh như sau: “Cù lao Cambi thì thấp và dài, bên sườn ngoài khơi mang vệt đỏ. Cây cối bao phủ trên cù lao này cũng thấp. Về mỏm Bắc của cù lao có con sông nhỏ, đó chính là sông Pulo Cambi. Và để lấy được nước ngọt thì có thể lấy được ở sườn phía Tây của nó, nhưng nước ở đây không tốt lắm”.
Cambir/Cambi chính là Lambir/Lambri/Lammuri và các biến thể khác, tên gọi này mang tính đồng dạng trong ngôn ngữ ảnh hưởng Hindu của các nước Đông Nam Á-Nam Đảo, nó trở thành tên gọi địa danh được ghi chép trong các nguồn sử liệu Trung Hoa với cái tên Lanli (藍里) trong tập Lingwai Daida ,1178; Lanwuli (藍無里) trong Zhu Fan Zhi; hay Nanwuli (喃 巫哩) trong Daoyi Zhilüe. Còn nhà du hành Marco Polo chú lại với cái tên Lambri để chỉ cho tiểu vương quốc Lambri thuộc đế chế Sri-Vijaya.
Tên gọi “cù lao Xanh” chính là cù lao Thanh Châu (藍州)”, mà nguồn gốc của nó xuất phát từ chữ Lan/Lu/Lo/Loan (藍) có nghĩa là màu xanh (Thanh), dùng để phiên âm cho Cambir như trên. Cái tên Cambir này cũng được chú cho Cambir Bay (Vịnh Cambir) hay con sông Cambir.
Xét tên sông Côn (崑 江) về tính đồng dạng về tên địa danh ta có thể nêu vài ví dụ địa danh có chứa chữ Côn này: Sài Côn (Sài Gòn), sông Côn (Quảng Nam), sông Cun (Thái Bình),…
Nhà hàng hải nổi tiếng Trung Hoa là Trịnh Hoà, trong các chuyến du hành của mình cùng với hạm đội tàu xuất phát từ Trung Hoa qua biển Đông để đi các xứ Makah, Java, Campuchia, Siem, Lambri,…Ông có ghi chú rõ ràng cái tên K’un-lun-shan (崑崙山) tức Pulau Condore để chỉ nhóm đảo Côn Đảo (Côn sơn), mà này đã thuộc Vũng Tàu, Việt Nam. Cái tên Côn Lôn Sơn (K’un-lun-shan) cũng để chú cho dãy núi Côn Lôn dài nhất Châu Á. Pulau Condore là phiên âm cho Pulau Kundur (Cù lao Kundur). Kundur có nguồn gốc tiếng Phạn (कुन्दुर), để chỉ cho một loại cây cho chất nhựa thơm (nhũ thơm), và có nhiều giá trị về sức khoẻ. Trong văn hoá chịu ảnh hưởng Hindu, thì loài cây này còn được thần hoá thành vị thần Kundur.
Ở Champa và các bán đảo Mã Lai, nhựa cây Kundur là mặt hàng xuất khẩu quí giá, được các nước ưa chuộng cho các chuyến thương buôn, trong đó Champa là một trong những nguồn cung cấp nhựa Kundur cho Trung Hoa, được ghi chép nhiều trong tư liệu sử.
Cambir và Kundur là tên gọi cho một loại cây cho nhựa vàng thơm (cây Nhũ hương), chữ Cambir là biến thể của chữ Campi-rani (Campir) trong nhánh ngôn ngữ Tamil mà thành.
Như vậy, qua những mối tương quan về mặt ngôn ngữ, tính đồng dạng văn hoá, địa hình, đã có thể cho chúng ta một cái nhìn rõ ràng hơn về nguồn gốc tên địa danh Sông Côn và Cù lao Xanh có mối tương quan hệ mật thiết với nhau. Và, ít nhất từ trước 1471, khi vùng đất nơi đây vẫn thuộc về xứ Vijaya (Champa), sông Côn đã từng có tên Kraung Kundar/Kraung Kampir (Sông “thần” Kundar) bao bọc Bal-Vijaya (Thành Chà Bàn) đổ vào cảng Sri-Binây (Thị Nại).
Sau này, kể từ 1471 phần đất xứ Vijaya đã được sáp nhập vào Đại Việt thì liệu cái tên địa danh Kraung Kundar/Kraung Kampir trước đó có còn được bảo lưu, hay cái tên sông Côn là tên địa danh mới được vay mượn trong “Nam Hoa Kinh” để nói lên hoài bão, là kỳ vọng “Uống nước nhớ nguồn”.
Qua bài viết ngắn này, có thể cung cấp cho chúng ta thêm một góc nhìn mới hơn về nguồn gốc một địa danh Sông Côn mà có thể là một địa danh được cư dân mới bảo lưu/tiếp biến từ nhóm cư dân Champa trước đó.








Từ Vịnh cảng Kamraiṅ (Cam-Ranh) của Champa nhìn về Biển Đông.

 Từ Vịnh cảng Kamraiṅ (Cam-Ranh) của Champa nhìn về Biển Đông.

Đồng bằng [Cam Ranh], địa danh được phiên âm theo gốc từ tiếng Cham là [Kamraiṅ], tên địa danh này được mô tả trong bia kí số hiệu C.216A (bia Hoà Lai, Ninh Thuận) với cái tên [kamraiṅkoṣṭhāgāram] (đồng bằng kamraiṅ), trước thế kỷ VIII, đồng bằng này thuộc vương quốc Pangdurangga (Phan-Rang), nay thuộc tỉnh Khánh Hoà, nơi có Cảng Cam-Ranh nổi tiếng với địa hình lí tưởng để trở thành một vịnh cảng quan trọng của thế giới có nhiều ưu thế về chiến lược quân sự lẫn thương mại hàng hải quốc tế.
Chúng ta thử nhìn nhận vai trò Vịnh Cảng Cam-Ranh đối với vùng Biển Đông dưới góc độ Champa qua các ghi chép nhỏ dưới đây.
Địa danh Cam-Ranh được ghi chép nhiều trong các bộ chính sử Đại Việt, có thể kể vài ghi chép sau: Trong Toản tập "Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư", tập bản đồ đường xá Việt Nam do Đỗ Bá tự Công Đạo soạn vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII, đã chú tên "Cam Ranh môn" (cửa biển Cam Ranh). Trong một bản đồ khác cũng có niên đại cuối thế kỷ XVII mang tên "Giáp Ngọ niên bình Nam đồ" của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt cũng thấy chép địa danh "Cam Linh môn" (cửa biển Cam Linh) và còn ghi chú thêm: "Cam Linh môn thâm đại" (cửa biển Cam Linh nước sâu).
Như vậy vào TK17, địa danh Cam Ranh/Cam Linh đã được ghi chép rõ ràng và đều chỉ cho địa danh [Cam Ranh] nay thuộc tỉnh Khánh Hoà.
Cam-Ranh được chú trong các bản đồ hành trình của các hạm thuyền Bồ Đào Nha với cái tên Bay Comori hoặc Bay Comorim (tập hải đồ số 22, Advertencias para a navegacao da India-Roteiros). Từ phía biển, các nhà hàng hải xưa đã dựa vào các tiêu điểm tự nhiên, Mahaparvata (Núi Chúa) là ngọn núi lớn ấn tượng để xác định hướng định vị vào vịnh cảng Cam-Ranh này.
Dãy Núi Chúa nhô ra về phía biển được xác định bởi False Verella (Mũi đá vách/mũi đá dựng) như một tiêu điểm dẫn đường vào Cảng Cam-Ranh. Tiêu điểm nhận diện cho vịnh cảng Cam-Ranh (Kamraiṅ) với ngọn núi Mahaparvata (Núi Chúa) có mũi "Cap de False Verella" (mũi Đá Vách) cũng tương tự như phương pháp nhận diện tiêu điểm đối với vịnh cảng Đại Lãnh (Ran-ran) với dãy núi Linggaparvata (Đại Lãnh) với mũi "Cap de Verella" (mũi Đại Lãnh), và cũng vì tính đồng dạng về mặt hình dạng này mà cái tên False Verella (Khánh Hoà nay) được đặt để phân biệt với vị trí Verella ở Phú Yên.
Từ tiêu điểm mũi False Verella (mũi Đá Vách) này, men theo dãy núi đi thẳng về phía Tây là vào thẳng bến đỗ cảng Cam-Ranh. Ngoài tiêu điểm kể trên để tìm lối vào cảng, về phía Đông-Bắc của vịnh cảng còn có một nhóm cù lao đóng vai trò như một bức tường tiêu điểm nhận diện cho khu vực Kauthara (Nha-trang), có thể kể đến các cù lao thường được chọn lựa làm tiêu điểm nhận diện chính như: Pulo Thré (nhóm cù lao hòn Tre), Pulo Dune (hòn Dung/hòn Yến), Pulo Shala (hòn Chà là), nhóm cù lao này, lấy tiêu điểm đất liền tháp Po Ina Nagar (Tháp Bà Nha-Trang) ngự trên đồi Hara (đồi cây Sung) như một tiêu điểm nhân tạo để vào vịnh Nha-Trang. Cũng từ nhóm những cù lao này theo hướng Tây-Nam sẽ vào thẳng vịnh Cam-Ranh.
Vịnh cảng Cam-Ranh giai đoạn thế kỷ XV-XVI, được các nhà hằng hải Bồ Đào Nha đầu tiên đặt chân đến Champa mô tả kỹ lưỡng trong ghi chép về chuyến hành trình trên Biển Đông (biển Champa), nơi đây là một trạm dừng chân lí tưởng, là nơi trú ẩn an toàn và cung cấp dồi dào nước ngọt, đặc biệt trong tập bản đồ số 13 có niên đại khoảng năm 1596 (Advertencias para a navegacao da India-Roteiros, Mangui, Pierre Yves, 1972), mô tả thêm sự nhộn nhịp đông đúc nhiều tàu thuyền lui tới bến đậu để trao đổi buôn bán, trong đó tại đây, gỗ Mun là mặt hàng được ưa chuộng, và cả tàu chiến Champa. Rõ ràng, cảng Kamraiṅ (Cam-Ranh) dưới thời Champa có vai trò quan trọng trong nền kinh tế (mạng lưới thương mại quốc tế) và quân sự của vương quốc lẫn đóng góp ổn định trật tự vùng biển Champa (Biển Đông).




Hoa Huệ/Hồng Môn trắng,...

 Hoa Huệ/Hồng Môn trắng,...





Linggaparvata – Đại Lĩnh sơn

Linggaparvata – Đại Lĩnh sơn

Đại Lĩnh sơn là dãy núi thuộc địa phận xã Hoà Xuân nam, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên, đỉnh cao nhất 706m, hai đỉnh nhận diện đáng chú ý là đỉnh chóp Chài và đỉnh Đá Bia (Thạch Bi, núi Ông).

Liên quan đến dãy Đại Lĩnh sơn hay Thạch Bi sơn này, chúng ta đều biết đến cuộc Nam tiến của vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành vào năm 1470, sử kiện này được ghi chép lại trong các bộ chính sử Đại Việt như, Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Sử quán triều Nguyễn), Đại Nam nhất thống chí, Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn),…

Xin dẫn lại một đoạn trích trong Đại Việt sử ký toàn thư về sử kiện này:

“Tháng 8 (Canh Dần 1470) quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà thân hành đem hơn 10 vạn quân thủy bộ cùng voi ngựa đánh úp Châu Hóa. Tướng trấn giữ biên thùy Châu Hóa là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dần vào thành rồi cho chạy thư báo cấp... Ngày Canh Thìn mồng 6 tháng này lệnh sai Chinh lỗ tướng quân Lâm quận công Đinh Liệt, phó tướng Kỳ quận công Lê Niệm đem 10 vạn thủy quân đi trước... Ngày mùng 6 (tháng 11) vua xuống chiếu thân hành đi đánh Chiêm Thành... Vua bèn gọi 26 vạn tinh binh, xuống chiếu thân chinh... Ngày 18 thủy quân vào đến đất Chiêm Thành... Ngày mồng 7 (tháng 2) vua tự mình dẫn hơn 1.000 chiếc thuyền, hơn 70 vạn tinh binh ra hai cửa biển Tân Áp và Cựu Tọa dựng cờ thiên tử, đánh trống hò reo mà tiến... Ngày 27, vua tự mình đem đại quân đánh phá thành Thi Nại, chém hơn 100 thủ cấp... Ngày 28, vua tiến vây đến sát thành Chà Bàn... Ngày mồng 1 tháng 3 hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về... Tháng 6, lấy đất Chiêm Thành đặt làm Thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa. Đặt chức án sát sứ ở 12 thừa tuyên và đặt 3 ty ở Quảng Nam (trích, Đại Việt sử ký toàn thư, 2005, tập II, tr.467-479).

Trong trận đánh này, vua Trà Toàn cùng gia quyến hoàng gia bị bắt sống tại thành Vijaya (Chà Bàn, Đồ Bàn), chấm dứt vương triều tại Vijaya này, cho lấy ranh tại đèo Cù Mông để phân ranh giới Đại Việt-Champa (1741). Trong Đại Việt sử ký toàn thư lại chép “sau khi chiếm được Vijaya, sau khi Trà Toàn bị bắt thì tướng Bố Trì Trì chạy đến Phiên Lung. Vua lại phong vương cho cả ba xứ Hoa Anh, Nam Bàn cho dễ ràng buộc”. Như vậy, tại thời điểm 1741 này, Champa hiện còn 3 xứ Phiên Lung (Panduranga); Nam Bàn, vùng đất phía nam của Chà Bàn (Vijaya), lấy đèo Cù Mông làm ranh; và xứ Hoa Anh.

Liên quan đến ngọn Thạch Bi sơn, mà tên địa danh này có lẽ xuất phát từ câu chuyện truyền thuyết dân gian liên quan đến sử kiện khi vua Lê Thánh Tông sau khi chiếm Vijaya đã cho quân đi thám thính đến Đèo Cả và cho người khắc bia đá trên đỉnh đèo Cả, nên ngọn núi mới có tên dân gian là Thạch Bi sơn. Tuy nhiên, qua nhiều nghiên cứu mới đây, các nhà nghiên cứu xác nhận sự kiện vua Lê cho khắc bia đá trên đỉnh đèo Cả để phân ranh giới Đại Việt-ChamPa chỉ là truyền thuyết dân gian, ranh giới giữa Đại Việt-Champa vào thế kỷ XV được xác định tại đèo Cù Mông và được ghi chép trong chính sử Đại Việt, phía Nam đèo Cù Mông (Phú Yên/Aia Ru) khi ấy vẫn thuộc phần đất của Champa.

Trong tác phẩm văn chương Ariya “Nai Mai Mang Makah”, ra đời khoảng đầu thế kỷ XVII ghi lại hành trình của công chúa đến từ Makah tại xứ Panduranga (Champa), ngay đoạn mở đầu của bản văn chương này đã xác định điểm đầu (bến đỗ) hành trình từ Makah đến Champa, công chúa Makah đã đậu thuyền vào Phú Yên.

              Nai mai mang Makah,

              blaoh takai nai deh, Harek Kah Harek Dhei,

              Nai nao tel Pajai,

              mang Lamngâ Pajai, nai jaoh akaok seng,

Tạm dịch:

Từ Makah,

nàng dừng chân ở Harek Kah Harek Dhei

Đi đến Pajai

nàng quay đầu trở lại,…

Harek Kah Harek Dhei”(1)  là thuật ngữ thông dụng trong ngôn ngữ Cham để chỉ cho nơi địa đầu vương quốc, chính là Phú Yên.

Dãy Đại Lãnh được xem là ngọn núi linh thiêng ở Phú Yên, được ghi chép nhiều trong các sử kiện liên quan đến vùng đất, nơi trước đây là xứ Aia Ru (Phú Yên). Người Champa luôn xem tự nhiên có tính thiêng nhất định, đặc biệt những ngọn núi cao, to lớn hay các ngọn núi chính đại diện cho một vùng đất, trong đó Núi Đại Lãnh cũng nằm trong quan niệm mang thần tính ấy. Có thể kể đến một vài ngọn núi mang tính thiêng này ở Miền Trung-Tây Nguyên như: Núi Chúa (Mahaparvata) Mỹ Sơn, Núi Chúa (Mahaparvata) Ninh Thuận, núi Đại Lãnh (Linggaparvata), núi Ngok Ling (Ngọc Linh) Kontum,…

Trong ghi chép của nhà hàng hải Trung Hoa đầu thế kỷ XV Trịnh Hoà, trên con đường biển từ Trung Hoa đến Malaca (Makah), khi đi qua xứ Champa ông mô tả về Champa và chú tên cho ngọn núi ấy là Ling Shan (Linh Chan) tức Linh Sơn. Cũng từ tập bản đồ này mà nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha, Francisco Rodrigues khi đó đã dựa vào tập bản đồ do Trịnh Hoà vẽ được lưu ở Malaca mà chú lại trong tấm bản đồ hướng dẫn con đường từ Malaca đến Trung Hoa (1511-1512) đã lấy mốc tiêu điểm từ Terra Vermelha dọc theo bờ biển cho mãi đến Pomta da Berela khoảng 14 jãos (2), và từ Berela đến pulo Catom có 12 jãos dọc theo con đường cũng tên như thế…” (Manguin,1972, tr. 58-59). Pomta da Berela chính là Ling Shan (Linh Sơn).

Cái tên Verella cũng xuất hiện sớm trong tập bản đồ của nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes (năm 1651 và năm 1653), các ghi chép của người châu Âu đến Champa đều dựa trên quan điểm về tính thiêng, một biểu tượng Lingga linh thiêng trong văn hoá Champa. Verella, có hàm nghĩa chỉ về một nơi thờ tự linh thiêng, là một dạng thần tượng linh thiêng, như cái Chùa, nơi thờ tự linh thiêng.

Mũi Đại Lãnh cũng được người dân địa phương ngày nay gọi là Mũi Chùa hay Mũi Nạy, tên gọi này cũng được J.Brien chép lại trong bản ghi chú trong chuyến hành trình khảo sát từ Qui Nhơn đến Bình Thuận được toàn quyền De Lanessan uỷ nhiệm có tên “De Qui Nhon en Cochinchine Exploratons dans le Binh Thuan (Sud-Annam), 1893” như sau “A ce cap Varella ou cap de la Pagode, le Mũi Nại des Annamites finit la cote de la province du Khánh Hòa qui”. (Từ mũi Varella hay mũi Chùa, mũi Nại này của người An-Nam là chấm dứt địa phân Khánh Hòa).

Tuy nhiên, qua khảo cứu thực tế chúng ta cần phân biệt rõ tên gọi giữa Mũi Đại Lãnh và Mũi Nại là hai mũi hoàn toàn khác nhau, với mũi Nại nằm về phía Bắc vịnh so với Mũi Đại Lãnh. Với Mũi Nại chính là điểm mốc định vị cho bến cảng bờ vịnh phía Bắc, nơi mà các nhà buôn Bồ Đào Nha mô tả có một làng (Palei) Cham, ở đó có bến đậu an toàn và cung cấp nước ngọt. Nại chính là phiên âm từ Banây trong tiếng Cham có nghĩa là bến cảng, và cũng đồng dạng cho các phiên âm địa danh Thi-Nại (Sri Banây) ở Qui Nhơn, hay đầm Nại ở Ninh Thuận.

Về sau, trong các bản đồ hàng hải của người Bồ Đào Nha luôn chú với cái tên  Verella để chỉ cho núi Đại Lãnh hay Mũi Đại Lãnh, các tập ghi chú đều xác nhận đó là ngọn núi mà trên đỉnh của nó nhô ra một tảng đá có hình thù linh thiêng, ngọn núi được xem như điểm định vị trên con đường biển để cập vào vịnh Ran Ran (Đà Rằng).

Linggaparvata là cách người Champa đã gọi cho ngọn núi Lingga linh thiêng của mình, trên đỉnh núi nhô ra tảng đá có hình thù như một Lingga tự nhiên.

Nó là Lăng già bát bạt đa của Champa. Ta cũng tìm thấy sự liên hệ này đối với ngọn Vat Phou/Wat Phu của Lào, ở vùng Champasak nơi cũng có một thánh địa đền tháp phong cách Ấn giáo ngay dưới chân núi Linggaparvata (Ling Shan, theo cách phiên âm theo Hán tự) mà cái tên Champasak cũng ít nhiều có liên quan đến Champa với điểm trung gian văn hoá Champa ở đất Tây Nguyên, đại diện ở đây có thể kể đến các nhóm tháp Champa như Yang Prong, Yang Mum, Drang Lai.

陵伽 (Lingga/Lanka/Lăng già) là phiên âm chữ Hán mà chúng ta thường thấy dùng để phiên âm cho chữ Lingga (Sinh thực khí nam). Việc đặt tên ngọn núi và quan điểm tính thiêng của nó ở Champa cho thấy sự liên hệ đồng dạng trong hầu hết các nước chịu ảnh hưởng Hindu giáo nơi có ngọn núi thiêng Lăng già.

Về sau cái tên Đại Lãnh/Đại Lĩnh cũng được đặt cho mũi Đại Lãnh (Cape de Verella), nơi đây hiện có ngọn hải đăng Đại Lãnh do Paul Doumer cho xây dựng từ 1897-1902.

(1)  Harek Kah Harek Dhei”, nơi lọn tóc chẻ đôi trên trán dùng để chỉ nơi địa đầu vương quốc, qua từng giai đoạn bị thu hẹp phần đất về phía nam của Champa mà vị trí địa danh Harek Kah Harek Dhei này cũng thay đổi.

(2)  jãos là đơn vị đo chiều dài của người Mã Lai, tương đương với đơn vị canh giờ canh của người Trung Hoa, 1 jãos = 1.852 mét.

Linga là biểu tượng sinh thực khí nam trong tín ngưỡng Champa ảnh hưởng Hindu giáo từ Ấn độ.