Từ [Yang Bakran]/[Yang Pakran] hay [kabung pakran] cho đến [Vụng Căng]/[Vụng Găng] hay [Vịnh Vĩnh Hy]
***
[I]. Vịnh Vĩnh Hy là một địa danh nổi tiếng của Ninh Thuận ngày nay, với vịnh nước trong xanh lặng gió có thắng cảnh đẹp, là nơi lưu trú của nhiều loại tàu thuyền trong khu vực. Trước khi có cái tên Vĩnh Hy như ngày nay, thì trước đó, nó (Vĩnh Hy) còn trải qua hai tên gọi khác nhau là Vụng Căng (trong sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí) hay Vụng Găng còn được chép lại trong tập bản đồ An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ (1838). Nhưng lịch sử và nguồn gốc tên gọi của nó vẫn còn chưa tỏ. Trong bài viết này chúng ta thử đi định hình lại không gian lịch sử và tên gọi cho vùng địa danh này.
Vịnh Vĩnh Hy hay Vụng Căng/Vụng Găng, nằm trong không gian ảnh hưởng và là cửa ngõ đông bắc của thủ đô Bal Sri Banây (Nại, Phan Rang) hay Bal Virapura (Panduranga) trong và trước TK9. Cũng tại Bal Sri Banây (Nại, Phan Rang) còn tồn tại Tháp Hoà Lai (Ninh thuận) mà người Cham hiện nay vẫn hay gọi là “Bimong Yang Pakran”.
*** Vài sự kiện lịch sử liên quan đến “Bimong Yang Pakran” tức Tháp Hoà Lai (Ba Tháp, Ninh Thuận):
- Năm 787 sau khi Satyavarman từ trần, quân Java từ ngoài khơi lại tràn vào Virapura cướp phá, sát hại rất nhiều binh sĩ và dân chúng, phá tháp Hòa Lai thờ thần Bhadradhipatisvara tại Virapura. Quân Java chia ra làm hai nhóm, một nhóm bắt nhiều phụ nữ cùng báu vật chở về nước, một nhóm khác chiếm giữ Panduranga.
- Năm 799, phải hơn mười năm sau Indravarman I mới đuổi được quân Java ra khỏi biển khơi để kiến thiết lại xứ sở. Tại Virapura, nhà vua xây lại tháp Hòa Lai bằng ba tháp mới, thờ các thần Indrabhadresvara, Sankara và Narayana. Cũng mất m ột thời gian dài Indravarman I mới dẹp yên được một số giặc giã nổi lên từ khắp nơi, như tại Candra (phía bắc), Indra (đông-bắc), Agni (phía đông), Yama (đông-nam), quan trọng nhất là loạn Yakshas (phía nam). Yakshas là những bộ lạc Thượng cư ngụ trên lãnh thổ đế quốc Angkor chứ không phải là quân Khmer (nay thuộc Thái Lan).
- Từ những năm 944 và 945, với sự lớn mạnh của mình, quân Khmer từ Angkor đã xâm chiếm khu vực Kauthara của người Cham.
- Năm 1080, quân đội Khmer lại tấn công Vijaya và các trung tâm khác ở miền Bắc Champa.
- Năm 1145, quân đội Khmer dưới sự chỉ huy của vua Suryavarman II, người đã xây dựng Angkor Wat, đã chiếm Vijaya và phá hủy các đền tháp ở Mỹ Sơn. Vua Khmer sau đó đã tấn công và chiếm toàn bộ miền Bắc Champa, hoàng tử của tiểu vương quốc Vijaya là Rudravarman IV cùng với đứa con trai là Srivanandana chạy sang lánh nạn tại Panduranga. Tại đây, dân chúng Pandurang còn tôn vinh hoàng tử Srivanandana lên làm vua Champa ở miền nam lấy vương hiệu là Jaya Harivarman I, cấp cho phần đất tại Bal Sri Banây (Nại, Phan Rang) để gầy dựng lại lực lượng, vào năm 1149, Với sự hỗ trợ của quân đội Panduranga, vua Jaya Harivarman I xuất quân ra bắc tấn công Vijaya (lúc này đang bị quân Khmer chiếm giữ) và giết được tổng tư lệnh quân viễn chinh Cao Miên là hoàng tử Harideva, tức là em rể của vua nước này để dành lại Vijaya. Đánh dấu kết thúc cuộc chiến kéo dài 75 năm giữa Champa và Khmer.
- Năm 1167, Jaya Indravarman IV lên ngôi tại Bal Sri Banây (Nại, Phan Rang), sau đó ông dời đô đến Bal Haguw (tại Vijaya).
*** Truyền thuyết gắn liền với “Bimong Yang Pakran” tức Tháp Hoà Lai (Ba Tháp, Ninh Thuận):
Tháp Hoà Lai gắn liền với câu chuyện truyền miệng trong dân gian qua cuộc thi dựng Tháp “ khi người Khmer xâm chiếm lãnh thổ Chiêm thành, PoKlong Garai ra điều kiện xây thi xây tháp, PoKlong Garai dựng tháp tại Bal Lai, còn người Khmer thì dựng tháp tại Bal Huh. Nếu ngài xong trước thì người Khmer phải rút quân về, còn nếu ngài thua thì phải nhượng đất cho họ. Ỷ vào số đông và tài xây tháp của mình, người Khmer nhận lời thách. PoKlong Garai truyền cho dân chúng lấy tre làm khung, lấy giấy phết làm gạch. Chờ người Khmer sắp hoàn thành tháp của họ, nhân đêm tối ngài cho dựng mấy cây tháp bằng tre, giấy lên. Sáng sớm tinh sương, người Khmer ngủ dậy, thấy tháp của người Chăm đã mọc lên sừng sững, họ đành chịu thua và rút quân về nước. Sau khi đã lo cho dân được ấm no, vua PoKlong Garai hóa thân về trời và trở thành vị thần che chở cho dân chúng.”
Qua các dữ kiện trên chúng ta có thể nhận thấy “Bimong Yang Pakran” có không gian bối cảnh hình thành, gắn liền với thủ đô Bal Sri Banây (Nại, Phan Rang) trong tk9-tk12, được xây dựng trên nền cũ của tháp Hoà Lai thờ Bhadradhipatisvara trước đó để thờ các thần Indrabhadresvara, Sankara và Narayana.
Cũng tại đây (Bal Sri Banây) chứng kiến bao biến cố loạn lạc của Champa dưới áp lực của đế chế Khmer. Bal Sri Banây (Panduranga) trở thành một Bal Sri Banây (Vijaya) thu nhỏ, hay có quan hệ mật thiết với nhau. Điểm này chúng ta đã chứng minh về mặt địa danh giữa Nại (Ninh Thuận) và Thị Nại (Qui Nhơn) trong bài trước.
Tại thủ đô Bal Sri Banây (Nại, Phan Rang) , tháp Hoà Lai đã bao lần đổi chủ là cũng bao lần thay đổi vị thần trong hệ thống thờ tự, hay trở thành “Bimong baluw” – tháp hoang khi hệ thống vương quyền kế tiếp không tiếp nhận, hay chuyển dịch thủ đô,…mà trong bài “Vì sao Tháp Hoà Lai không được Panduranga thờ tự” bởi “Tính chính thống” của nó đối với dân chúng sở tại.
Từ tk12 trở về sau, các thủ đô của Panduranga đã chuyển dịch theo lịch sử, Bal Sri Banây (Nại, Phan Rang) nơi có quần thể đền tháp Hoà Lai trở thành thứ yếu, mất đi vai trò trung tâm quyền lực của nó, để đến bây giờ người dân Panduranga gọi là “Bimong Yang Pakran” tức “Đền tháp (thờ) thần không chính thống, hay thuộc/nằm trong/tại vương đô không chính thức (thuộc Vijaya tạm thời trong đất Panduranga), hay đã nằm dưới sự kiểm soát của Khmer không chính thống tại vùng đất Panduranga (Champa) này.
Về mặt kiến trúc, hệ thống đền tháp Hoà Lai (Ninh Thuận, tk 8-9) có bố cục với 3 Tháp chính (Kalan) để thờ 3 vị thần riêng biệt, điểm này có tính đồng dạng với hệ thống đền tháp Chiên Đàn (xã Tam An, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam, tk10-11), tháp Dương Long (Tây Sơn, Bình Định, tk12-13) hay Tháp Đôi (Qui Nhơn, Bình Định, tk12).
[II]. Nằm trong thủ đô Bal Sri Banây (Nại, Phan Rang) tại cửa ngõ tiếp cận phía đông bắc là [Vụng Căng]/[Vụng Găng] tức [Vịnh Vĩnh Hy] ngày nay. [Vụng Căng] chịu sự quản lí của Bal Sri Banây, là một vụng biển để làm nơi cập bến, hay neo đậu tàu thuyền khi vào đất Panduranga tại Bal Sri Banây nơi cửa này để buôn bán, trao đổi vật phẩm giao thương. Và thế nó (Vụng Căng) cũng được người Cham gọi là [Kabung Pakran], tức vũng/vịnh (thuộc) vùng đất (thần yang) không chính thống/chính thức của Panduranga sau tk12.
[Kabung Pakran] /ka-buŋ pa-krʌn/ . Trong văn nói đơn âm hoá chỉ còn [Kabung kran] để [Kabung] --> Vụng/Vịnh (bến cảng); [kran] / krʌn / đọc như K[r]an trong tiếng Việt khi kí âm [Kr] (âm đánh lưỡi) mà thành C/G trong Căng/Găng.
[Kabung Pakran] --> [Kabung kran] --> [bung kran] --> [Vụng Căng]/[Vụng Găng] --> [Vịnh Vĩnh Hy].
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét