Pics

Pics

2020/03/27

Từ [Kamraiṅ] hay [Kamlin] cho đến [Cam Ranh] hay [Cam Linh]

Từ [Kamraiṅ] hay [Kamlin] cho đến [Cam Ranh] hay [Cam Linh]

***

[Cam Ranh] là địa danh nay thuộc tỉnh Khánh Hoà, nơi có Cảng Cam Ranh nổi tiếng với địa hình lí tưởng để trở thành một vịnh cảng quan trọng của thế giới có nhiều ưu thế về chiến lược quân sự.
Năm 1653 - khi chúa Nguyễn Phúc Tần lập đơn vị hành chính dinh Thái Khang (nay là tỉnh Khánh Hòa) thì [Cam Ranh] là một phần đất của huyện Vĩnh Xương, thuộc phủ Diên Khánh. Trong sách Đại Nam nhất thống chí có chép về địa giới của huyện Vĩnh Xương như sau: "phía đông giáp biển, phía tây giáp động Mán, phía nam giáp đạo Ninh Thuận, phía bắc giáp huyện Phước Điền".
Trong Toản tập "Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư", tập bản đồ đường xá Việt Nam do Đỗ Bá tự Công Đạo soạn vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII, đã chú tên "Cam Ranh môn" (cửa biển Cam Ranh). Trong một bản đồ khác cũng có niên đại cuối thế kỷ XVII mang tên "Giáp Ngọ niên bình Nam đồ" của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt cũng thấy chép địa danh "Cam Linh môn" (cửa biển Cam Linh) và còn ghi chú thêm: "Cam Linh môn thâm đại" (cửa biển Cam Linh rất sâu).
Như vậy vào TK17, địa danh Cam Ranh/Cam Linh đã được ghi chép rõ ràng và đều chỉ cho địa danh [Cam Ranh] nay thuộc tỉnh Khánh Hoà.

Vậy địa danh [Cam Ranh] hay [Cam Linh] này xuất phát từ ngữ nguyên nào trong tiếng Champa!
Ta biết [Cam Ranh] hay [Cam Linh] là lối kí âm Nôm và Hán-Việt từ địa danh/tiếng bản địa của lớp dân Champa có trước đó tại khu vực này là Kauthara-Panduranga.
Về địa danh này (Cam Ranh) trong tiếng Cham hiện đại Akhar Thrah có từ [Kamlin] /ka-mlɪn/ đọc như Ca-[m]Lin trong tiếng Việt và đó là [Cam Linh] mà người Việt biết sau này.
Liên quan đến địa danh này ta còn tìm thấy một bản văn khắc (bia đá) được tìm thấy trong khuôn viên Tháp Hoà Lai (Ba Tháp, Bắc Phong, Thuận Bắc, Ninh Thuân, Vietnam) tức [Bimong Yang Pakran] mang kí số C.216A (C.216, mặt A), Bia khắc bằng bằng chữ Sanskrit có niên đại TK8, vào năm Śaka 700 (khoảng năm 778 CE). Nội dung tấm bia ghi chép về công việc hiến dâng của cải cho/để phục vụ vị thần chủ của vương quốc Panduranga là Śiva Śrī Vr̥ddheśvara người bảo hộ vương quốc. Trong các của cải hiếng dân bao gồm các của cải quí, nô lệ (người phục vụ, chăm nom đền đài) và các cánh đồng trù phú, và tại dòng 20 mặt A (dòng cuối trong ảnh đính kèm) của tấm bia có liệt kê "cánh đồng/đồng bằng" [kamraiṅkoṣṭhāgāram] đã được dâng cho vị thần chủ của xứ Panduranga được thờ trong [Bimong Yang Pakran] Tháp Hoà Lai này.
Ở đây ta thấy [kamraiṅ] trong chữ [kamraiṅkoṣṭhāgāram] chính là chỉ địa danh [Cam Ranh].
[Kamraiṅ] là ngôn ngữ Cham cổ viết theo Sanskrit mà ngày nay đã thay bằng lối chữ Akhar Thrah hiện đại hơn và được ghi bằng [Kamlin] để chỉ [CamLinh]. Vậy tại sao lại có hai lối đọc cho địa danh [Cam Ranh]! Đó là do lối kí âm theo từng phương ngữ Champa, cùng một chữ viết nhưng có nhiều lối phát âm theo phương ngữ. Đơn cử như tên làng [Palei Caklaing] (Làng dệt Mỹ Nghiệp ngày nay) thì cũng có hai lối đọc thông dụng trong Cham và được kí âm trong tiếng việt là Làng Nha Trinh hay Nha Tranh (có đâp Nha Trinh/Nha Tranh trên dòng Sông Cái Phan Rang cạnh tháp Chàm). Và đó cũng là nguyên do cho lối kí âm từ [Kamraiṅ] mà thành [Cam Ranh]/[Cam Linh].


*** Vậy từ bản văn khắc số C.216A này đã chỉ cho chúng ta biết:
    1.Nguồn gốc tên gọi cho địa danh [Cam Ranh]/[Cam Linh] xuất phát ngữ nguyên/địa danh [kamraiṅ] trong tiếng Cham.
     2. Địa phận/đồng bằng Cam Ranh trong tk8 thuộc về vương quốc Panduranga (Phan Rang) chứ không phải Kauthara (Khánh Hoà).


Cảng Cam Ranh (1985)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét