Từ [Vikran] cho đến Bimong Yang [Bakran] hay Đền-tháp Hoà Lai
Đền-tháp Hoà Lai được xây dựng trên mặt bằng đất gò sạn cửa bắc xứ Pāṇḍurāṅga (Ninh-Bình Thuận), tiếp giáp với xứ Kauthara (Khánh Hoà).
Nhóm đền-tháp Hoà Lai được dựng trên khuôn viên đất hình chữ nhật, gồm 3 kalan chính thờ 3 vị thần tối cao Brahma-Shiva-Vishnu và hệ thống các công trình phụ trợ khác, mặt trước có một hồ nước nhân tạo, kết nối với Craoh Yang (Suối Tiên) tự nhiên đổ về/liên thông đến Bal Sri-Banây (Đầm Nại), có nguồn từ đỉnh cek Bharav (Maruw/Bà-Râu).
Hệ thống đền-tháp Hoà Lai đã định hình nên một phong cách mà các nhà nghiên cứu đặt cùng tên là phong cách Hoà lai, ở phong cách này chúng ta thấy có những motif trang trí trên hệ tường tháp mang dáng dấp một số motif Khmer.
Hiện nay, nhóm tháp Hoà Lai hiện chỉ còn 2 tháp (tháp bắc, tháp nam), tháp giữa đã sụp đổ hoàn toàn chỉ còn lại nền móng.
Về tên gọi của nhóm đền-tháp, cho đến này người Cham tại Ninh Thuận vẫn còn gọi với cái tên “bimong” Yang Pakran (đền-tháp thần Pakran). Cái tên Yang Pakran còn được ghi chép trong tác phẩm văn chương Cham “Ariya Nai Mai Mang Makah” tại dòng (134)
tuei ribaong trun cek Huh,
khik glai cek Huh, rimaong Yang Pakran,,
Tạm dịch:
Xuôi dòng (mương) xuống núi Huh,
giữ rừng núi Huh, cọp "tại" Yang Pakran (tháp Hoà Lai),,
[Yang Pakran] với Yang có nghĩa là Thần, Pakran cho ta nguồn thông tin nào?
Nhìn lại cách đặt tên cho quần thể đền-tháp của người Cham, chúng ta thấy rằng, tên gọi của nhóm đền-tháp thường được dung để chỉ cho tên gọi chính cho vị thần, vua-thần thuộc triều đại cuối cùng của hệ thống đền-tháp đó được dựng lên để tôn thờ. Ví dụ, bimong Po Klong Garai (đền-tháp thờ vua-thần Po Klong Garai), bimong Po Rame (đèn-tháp thờ vua-thần Po Rame), bimong Po Nagar (đền – tháp thờ thần mẹ Xứ Sở Po Nagar),…Như vậy có thể thấy Bimong Yang Pakran là một hệ thống đền-tháp thờ thần/hay vua-thần Yang Pakran nào đó.
Trong bia ký Hoà Lai (C.216) có niên đại cuối TKVIII xác định rõ về việc xây dựng cụm đền-tháp này theo từng giai đoạn, vị vua Sri Satyavarman đã dâng cúng và lập những điện thờ mới trong khuôn viên, ông đã lập “kalan” Svayamutpannesvara để thờ thần Adidevesvara (kalan giữa) để thờ Shiva, bên cạnh đó ông cũng dâng cúng lễ vật một vỏ bọc linga (mukha linga/kosa) bằng bạc với khuôn mặt bằng vàng đặt trong “kalan” Sri Vr̥ddheśvara (tháp nam) có sẵn trước đó thờ thần chủ Vishnu.
Trong không gian xứ Pāṇḍurāṅga (xứ sở của thần Pāṇḍurāṅga) có kinh đô chính Vīrapura (kinh đô Hùng tráng) đều nằm trong hệ quy chiếu thần chủ Vishnu (thánh địa của thần Vishnu) nổi bật từ tk8-tk12, thần Vishnu thường xuất hiện với tên hiệu của thần Vitthala. Ta cũng thường thấy cách đặt tên hiệu của Vua Vikrantavarman xuất hiện ở trong các bia kí mà sự liên hệ này đến việc chọn vị thần chủ bảo hộ Vishnu theo đó là việc dựng đền-thờ vị thần chủ này, Vikrantavarman còn được viết bằng Prakasadharma. Như vậy, dựa trên thông tin bia ký Hoà Lai (C.216) được vua Sri Satyavarman lập nên, cho chúng ta biết, trước đó tại đây đa có sẵn hệ thống đền thờ thần Sri Vr̥ddheśvara (Vishnu).
Từ những mối liên hệ trên cho chúng ta thấy rằng, ở thánh địa Vishnu (xứ sở Pāṇḍurāṅga) sự xuất hiện hay việc chọn lựa vị thần chủ Vishnu làm chủ đạo cho vương quốc đã diễn ra mạnh mẽ trong khoảng trước tk8, đi theo đó là cách đặt tên hệ thống đền-tháp thờ cũng đã dựa trên vị thần chủ Vishnu với tên đại diện khuôn mặt của thần như Vikran/Prakan/Vr̥ddh/ Vitthala thể hiện thuộc tính của Vishnu.
Với đền-tháp Hoà Lai được người Cham gọi với cái tên Bimong Yang Pakran này nó thể hiện sự liên hệ chặt chẽ đến vị thần chủ Vishnu, với quy luật đặt tên từ Prakan đến Pakran hay từ Vikran đến Bikran/Bakran theo tiếng Cham hiện đại.
Sự chuyển tiếp từ không gian thờ Vishnu (trước cuối tk8) qua giai đoạn chuyển tiếp tk8-tk12 và sau tk12 với sự lựa chọn vị thần chủ Shiva ở xứ sở Pāṇḍurāṅga (hệ thống đền tháp Po Klong Garai) đã khiến cho việc sinh hoạt tôn giáo-tâm linh tại đền tháp Bimong Yang Pakran đã không còn được diễn ra như trước đó.
Qua đây, chúng ta có thể minh định/thay đổi cách gọi tên Tháp Hoà Lai/Ba Tháp như hiện nay mà thay vào đó là cách gọi tên Bimong Yang Pakran như cách người Cham vẫn đang gọi là hợp lẽ và chứa đựng giá trị đúng của hệ thống đền-tháp này.
Đồng thời, loại bỏ đi mớ giả thuyết mà các “nhà” nghiên cứu trước đó đã “mớm lời” cho cái truyền thuyết rằng “tháp được người Khmer dựng nên”.
Hay, lí do “tại sao đền-tháp Bimong Yang Pakran không còn được người Cham hiện nay thờ tự” là vì sự chuyển dịch không gian thờ tự từ tk12 về sau đã thay đổi. Chứ không vì lí do bị “mớm lời” cho cái truyền thuyết rằng “tháp được người Khmer dựng nên” mà thành ra người Cham ngày nay không thờ tự cho nó suôn ý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét