Pics

Pics

2020/06/26

Từ [Craoh Khaiy] cho đến [Khê Gà]/[Kê Gà]

Từ [Craoh Khaiy] cho đến [Khê Gà]/[Kê Gà]
***




Liên quan đến địa danh [Khê Gà] hay còn gọi là [Kê Gà] thì cho đến bây giờ đã có nhiều giả thuyết đã được nêu ra để giải thích cho tên gọi địa danh này, tuy nhiên vẫn chưa có giả thuyết nào có đủ tính thuyết phục khi hầu hết các lối giải thích đều dựa vào các văn bản, bản đồ xưa chép lại với từ Hán-Việt có nhắc đến chữ [KÊ], [KHE] hoặc [KÊ-GÀ]. Các giả thuyết trên đều bỏ qua một nguyên tắc quan trọng trong nghiên cứu địa danh là hiểu biết về lịch sử của vùng đất nơi có địa danh cần xét đến, trong đó có những yếu tố mang tính kế thừa tên địa danh, hay lịch sử biến cố của vùng đất trước đó, cụ thể là các yếu tố lịch sử địa danh có gốc Champa, khi nơi đây vốn là đất xưa của Champa.
Trong bài này người viết muốn đưa ra một giả thuyết, hay bổ sung tư liệu còn thiếu để góp phần tìm hiểu về địa danh [Khê Gà] này.
Địa danh [Khe Gà] được chép lại trong nhiều văn bản hay bản đồ xưa, ta thử liệt kê vài tài liệu có dẫn như:
- Trong cuốn “Thông quốc diên cách hải chử” có mô tả về vùng đồi núi nhô ra sát biển là “Kê Úc Đại Sơn” (Núi lớn vũng gà); hay như trong “Đại Nam toàn đồ” có chú “Kê Chuỷ” tức Mũi Gà; trong truyện “Đông tây dương khảo” chép về Champa có chú một địa danh mang tên “Xích Khảm Sơn” tức (hòn) núi nhỏ như cái chén có thứ đất đỏ.
- Một đoạn trong cuốn Đại Nam thực lục (ĐNTL) của nhà Nguyễn đều có chép về địa danh Khe gà này : “Mùa đông tháng 10 năm 1794, " Lấy Phó Hậu chi dinh Trung thủy là Lưu Tiến Hòa quản đạo Ma Li, kiêm lĩnh ba thủ Kê Khê [Khe Gà], La Di, Phù Mĩ, Cai cơ chi Chấn Võ là Vũ Văn Lân quản đạo Phan Rang kiêm lĩnh hai thủ Ma Vằn, Du Lai. Sắc cho Lưu Tiến Hòa lập đội Tuyển phong, Vũ Văn Lân lập đội Chiến phong, mộ những dân lậu và quân tàn sung vào." (ĐNTL, tập 1)
- Mùa đông tháng 10 năm 1797, " Lấy khâm sai thuộc nội thống binh cai cơ quản đạo Ma Li là Võ Văn Lân quản đạo Phan Rang, kiêm hai thủ Ma Vằn và Du Lai. Khâm sai thống binh cai cơ cựu chánh Hậu chi Hữu quân là Nguyễn Văn Cẩm quản đạo Ma Li kiêm ba thủ Khe Gà, La Di và Phù Mi " (ĐNTL, tập 1)
- Mùa hạ tháng 4 năm 1854, " Giặc biển giết người, cướp bóc thuyền buôn ở cửa biển Long Hưng về Biên Hoà ; lại cướp thuyền đại dịch và thuyền buôn ở phận biển khe Kê Chuỷ về Bình Thuận " (ĐNTL, tập 7)
- Hay trong các bản đồ của Pháp có chú địa danh này với tên gọi Kéga, Kega ví dụ như trong tập bản đồ La Cochinchine française en 1878; Annam Dai Quoc Hoa Do, de Mgr Taberd, 1838.

Như vậy về địa danh này mà trong các dữ kiện nêu ra bên trên kia ta thấy [Khe Gà] hay [Kê Gà] ngày nay đều có chép từ cái tên liên quan là Kê/Kê gà/Kega hay Khe gà mà thành.
Xét về mặt nguôn ngữ thì chúng ta đều thấy nguồn gốc địa danh của từ [Kê gà]/[Khe Gà] đều xuất phất từ lối kí âm từ chữ KÊ hay KHE cho địa danh này mà ra. Nhưng nếu theo lối giải nghĩa Hán-Việt thì KÊ-GÀ rõ ràng phải là GÀ-GÀ, hoặc nó là từ đẳng lập sinh ra khi ta kí âm qua lối Hán-Việt này. Nhưng liệu ta dùng KÊ “kí âm” và kiêm luôn vai trò giải nghĩa thành “Gà” như là cách giải thích địa danh đã công bố trước đây cũng chưa có phần thoả mãn và khiến những lập luận của chúng ta bị đóng khung là phải đi tìm kiếm các sự vật hiện tượng (tưởng tượng) ví dụ như “hòn đảo có nhiều gà rừng, hay khe suối cạnh đó có gà rừng màu đỏ” để làm cho phù hợp với tên địa danh mà ta lỡ đóng khung chết khi biến KÊ kí âm thành kí nghĩa là GÀ? Chưa kể rằng, thuở trước ở ta vùng đất nào cũng đầy gà rừng sinh sống, và là động vật khá phổ biến ở ta.
Vậy nếu ta thử đặt một giả thuyết mở hơn khi xem KÊ/KHÊ là lối kí âm (không kí nghĩa) để đi tìm một hướng giải thích khác bổ sung được chăng!
Như trên liệt kê thì trong “Đông tây dương khảo” chép về Champa có chú một địa danh mang tên “Xích Khảm Sơn” tức (hòn) núi nhỏ như cái chén có thứ đất đỏ để chỉ cho địa danh thì rõ ràng từ Xích này cho chúng ta một manh mối xưa hơn về đặc tính của vùng đất này có thứ đất màu ĐỎ. Vả chăng, chữ KÊ KHÊ trong ĐNTL là một từ Hán-Việt với KHÊ để chỉ Khe Suối và KÊ là kí âm.
Ngoài ra về địa danh [Kê Gà] này ta còn là tên gọi địa danh có ở tỉnh Khánh Hoà và Phú Yên, vậy không lẽ sự trùng hợp này đều ám chỉ cách gọi tên KÊ = GÀ vì ở 3 địa điểm trên đều có Gà rừng mà ta nhìn thấy mà điểm chỉ đặt tên sao? Và đó chính là cái bất hợp lí, chưa đủ tính thuyết phục này khiến ta nghiêng về giả thuyết KÊ là lối kí âm theo Hán tự hơn là giải nghĩa.
Vậy [Kê] này là kí âm cho từ nào?
Xét lại lịch sử chứa địa danh này ta cần đi tìm cứ liệu từ phía Champa khi mà nơi đây vốn là mảnh đất cư trú lâu đời của người Cham (Champa). Tại đây ta biết có một dòng suối lớn đổ vào cửa Đại Khê gọi là suối Kê Khê (ĐNTL) hay còn gọi là suối Tre, suối Tiên, tên tiếng Cham gọi là [Craoh Khaiy] có nghĩa là suối Đỏ, bởi dòng suối có nước màu đỏ do chảy qua sa mạc cát đỏ nơi đây mà thành, dòng này đổ vào cửa Đại Khê nơi cửa biển, bãi biển ngay cạnh mũi Kê Gà này là một bãi cát màu đỏ và ngay cả Mũi Kê gà (Kê Chuỷ) là một mũi màu đỏ như ta thấy.

Một đặc điểm chúng ta cần xét đến là tính đồng dạng hay đặc điểm đồng dạng về địa danh tại 3 địa phương tại nơi có địa danh [Kê Gà] này đều cùng có chất đất/đá màu Đỏ. Hay ta còn tìm thấy một đồng dạng, hay lối đặt tên này từ một địa danh thuộc tỉnh Ninh Thuận là [Cek Khaiy] tức Núi Đỏ.
[Khaiy] /kʱɛ:/ với Khaiy đọc như Khe, có nghĩa là suối Đỏ hay là thứ nước âm thuỷ (chúng ta chú ý với tên gọi Suối Tiên, tức suối Kê Gà). Và được kí âm qua Hán tự với Kê/Khê.

Từ những dữ kiện được nêu ra , chúng ta có thể thấy rằng từ gốc tiếng Cham [Khaiy] này đã biến thành [Kê] hay [Khê] phù hợp với các nguyên tắc về lịch sử địa danh, ngôn ngữ, tính đồng dạng, và cũng phản bác được lí thuyết cho lối giải KÊ=GÀ khi mà lối giải này mang nhiều tính bất hợp lí, hay ta khẳng định được rằng [Khaiy] là phù hợp hơn cả cho việc tìm lại nguồn gốc địa danh Kê Gà và trở thành tên gọi cho các tên địa danh liên quan như Mũi Kê Gà, Suối Kê Gà, Bãi Kê Gà, Cửa Kê Gà,…







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét