Pics

Pics

2017/11/12

Đơn vị “ Thang Yơ “ Cuối Cùng Tại Làng Chăm Mỹ Nghiệp

Đơn vị “ Thang Yơ “ Cuối Cùng Tại Làng Chăm Mỹ Nghiệp
***
Đó là Thang Yơ cuối cùng gần giống với bản gốc nhất tại làng Chăm Mỹ Nghiệp – Ninh Thuận. Hiện trạng Thang Yơ này có chút thay đổi ( không lớn ) do nhu cầu cuộc sống hiện tại nhưng vẫn giữ được phần “ hồn “ của nó. Tính đến thời điểm bây giờ Thang Yơ này đã trụ được ít nhất 70 mùa nắng, và nếu theo chu kì vốn có của nó thì đáng lẽ nó cũng đã được thay bộ áo mới, nhưng quan sát theo thực trạng thì nó vẫn có thể trụ thêm 10 mùa mưa nữa. Thế thôi, đã thoã nắng mưa rồi đó chi.
Trước khi đi vào chi tiết nổi bật của Thang Yơ này xin nhắc lại vắn tắt về Đơn Vị Thang Yơ trong khuôn viên nhà ở Truyền Thống của Người Chăm cho mọi người tiện theo dõi.
Thang Yơ là đơn vị nhà hết sức quan trọng, và luôn được dựng đầu tiên trong khuôn viên nhà ở Truyền thống của Người Chăm. Mọi lễ tục của gia đình luôn được thực hiện ngay trong đơn vị Thang Yơ này, nên có thể tạm gọi là Nhà Tục. Thang Yơ được xem như là bản thể của con người với 3 Phần tương ứng với 3 Không gian như: 1 Akok: Tượng trưng cho cái đầu của con người; 2 Tata tượng trưng cho lồng ngực; 3 Tian / Tung tượng trưng cho cái bụng người.
Với sự quan trọng của nó, nên để dựng Thang Yơ đòi hỏi trải qua khoảng thời gian kiêng cữ nhất định, ngay cả việc lấy cây rừng để dựng lên bộ khung kết cấu ( Kết cấu Vì Cột ) không có vì Kèo. Với hệ 3 cột chính + 6 cột phụ tạo thành hệ kết cấu chính, Thanh đòn Dông được đặt trên 3 cột chính ( Cột chính giữa ). Và điểm quan trọng nhất là 9 Cột này phải được lấy từ một bụi, và nếu một bụi đó không đủ về số lượng thì có thể xin thêm cây từ bụi khác, nhưng phải làm lễ để nhập chung lại một bụi.
Mặt bằng theo hướng Đông – Tây. Gian ngoài cùng (1) có 3 cánh cửa, cánh phía Tây mở đối diện với Thang Gink ( Nhà bếp ) như cái miệng thông suốt qua cánh cửa mở về phía Đông vào (3) như đưa vào Tung ( Bụng ).
+ [ gian (1) là nơi diễn ra các lễ tục của gia đình, là nơi gia đình tiếp khách, gian này mở một cánh cửa sổ về phía Bắc,...]
+ [gian (3) là không gian kho chứa lúa của gia đình, gian này không có cửa sổ, với cửa kho ( không cánh ) chỉ là tấm ván dựng cao ngang đùi,...]
+ [ gian (2) như trái tim của ngôi nhà, nơi diễn ra lễ cưới xin, gian này tượng trưng như cái lồng ngực, nơi trái tim ngụ tại và theo quan niệm đó thì gian này không mở cửa sổ, để tối,...]
Sàn của Thang Yơ là loại sàn cao cách đất, với hệ khung sàn bằng gỗ, sàn được lót bằng tre dập nát tạo thành mảng sàn tre dẻo/dai/êm...Và với loại sàn này đã giúp tạo thành dòng đối lưu không khí dưới sàn, làm cho sàn nhà không bị ẩm. Bởi thế kho thóc (3) luôn được khô thoáng, lúa thóc vì thế mà không bị mối mọt, ẩm mốc hay mọc mầm,...
Mái trước đây được lợp bằng tranh, nếu lấy đúng loại ( tuổi ) của tranh và qua kĩ thuật xử lí thì loại vật liệu lợp mái này đạt tuổi thọ 100 năm. Hệ 4 mái, với kết cấu mái gồm các thanh rui mè được đặt trực tiếp lên trên hệ cột + đòn dông, buộc chặt bằng dây rừng.
Hệ tường đất sét trộn rơm, với hệ khung xương được đan lại từ các thanh tre/nứa chẻ đôi buộc lại với nhau tạo thành hệ khung vững chắc,...
*** Tất cả các vật liệu ( Vật liệu tự nhiên ) được sử dụng đều qua quá trình/ kĩ thuật xử lí đặc trưng riêng của người Chăm để đạt được tuổi thọ, sự bền vững tối ưu nhất của vật liệu tự nhiên này,... Kĩ thuật lắp ghép ( Ghép lỗ mộng + buộc dây rừng ) truyền thống, và không được sử dụng bất kì loại liên kết kim loại nào khác ( như đóng đinh, bu lông,...) vì như vậy là đã hiểu sai cơ bản về tính chất vật liệu,...
*** Thang Yơ mà mình đi khảo sát lại cho thấy vẫn giữ được phần lớn gần với nguyên bản hơn, với các không gian chức năng có phần thay đổi tại số (3) được tận dụng lại làm phòng ngủ, có trổ thêm 1 cánh cửa mở về hướng Đông. Sàn nhà được sửa lại thành nền Ximăng , Mái được lợp lại bằng mái ngói. Còn lại đều vẫn là nguyên bản, với tuổi thọ ít nhất 70 năm...
Thang Yơ với Cửa mở đối diện Bếp + Hiên trước
Bậc cửa ( Cửa Thấp ) + Có thể nhìn thấy được Khung gỗ ( hệ khung sàn ) dù nền sàn đã được đổ XiMăng
Cửa mở về Phía Bếp nhìn từ gian (2)

Cửa mở vào Gian (3), sau này trổ thêm cửa sổ để tận dụng làm Phòng Ngủ
Khung cửa vào gian (3) Tung, với dấu vết ngạch chặn cao qua đùi,...
Gian (1) với cửa sổ trổ hướng Bắc + Ciet treo trên trần
Chốt ngạch cửa
Có thể nhìn rõ hơn về kĩ thuật liên kết mộng ngàm và buộc bằng dây rừng,qua dấu vết thời gian vẫn còn nguyên vẹn, với tường đất sét qua 70 mùa nắng cũng đã thoả một vòng đời,...
Tường đất tiếp giáp dạ dưới mái ngoài
Hệ 4 mái, với mái lợp được thay bằng ngói ximăng + Nhìn rõ cánh cửa được trổ thêm tại vị trí gian (3)
Vài hình ảnh chạm khắc hoa văn trang trí...
Cột Giữa ( Chính )
Hệ Khung nhà ( nhìn thấy Cây Cột Giữa, cột chính ), liên kết với đòn Dông bằng cách buộc lại bằng dây rừng. Nhìn thấy hệ Rui + mè gác trực tiếp lên hệ khung này,...
Cột góc ( Phụ )
***
Ừh! Ngôi nhà coi như đã hoàn thành một vòng đời của nó rồi đó thôi,
còn ta ở lại còn có nhớ chi không!

1 nhận xét:

  1. Hình ảnh minh họa bị hỏng link mất rồi, tiếc quá!

    Trả lờiXóa