Pics

Pics

2017/11/12

Căn Nhà Dài Cuối Cùng Của Người Mạ Tại Xã Lộc Nam / Tán Gẫu

Căn Nhà Dài Cuối Cùng Của Người Mạ Tại Xã Lộc Nam – Bảo Lộc, Lâm Đồng
Jaya Thiên
***
Bầu Trời Lộc Nam chiều cuối năm
Trước khi đi vào bài viết xin nhắc lại thời điểm mà tôi đã được nhìn ngắm căn nhà Dài cuối cùng ấy. Đó là vào thời điểm cuối năm 2013, tiết trời se lạnh kèm những cơn mưa phùn…Căn nhà Dài ấy tại xã Lộc Nam – Bảo Lộc, chủ nhân là một anh tuổi trung niên, sống một mình, có đôi mắt sâu thẩm như muốn hút cả nỗi buồn của đại ngàn tây nguyên.

Căn Nhà Dài " Đang Ngắn lại theo Thời gian "
***
Tộc người Mạ xưa kia vốn là cư dân bản địa của cả vùng Đồng Nai Thượng, sống xen kẽ giữa hai vương quốc Chân Lạp và Champa. Sử dụng hệ ngôn ngữ Môn-K`hmer. Nay tập trung nhiều ở các vùng từ Đơn Dương đến Bảo Lộc, một số ở khu vực Đồng Nai giáp với Lâm Đồng.
Đời sống sinh hoạt của tộc người Mạ gắn liền với đại ngàn, chất phát, tự nhiên và hoà nhịp với núi rừng. Họ trú ngụ, sinh hoạt quanh bếp lửa nhà Dài.
*** Ngôi Nhà Dài: Là loại nhà sàn cao từ 0.8m – 1.2m. làm bằng các vật liệu tự nhiên được khai thác quanh nơi cư ngụ. Mỗi căn nhà Dài là đại diện cho một đại gia đình nhiều thế hệ cùng sinh hoạt chung cùng bếp lửa chính. Ban đầu chỉ là một đơn vị nhỏ cho thế hệ đầu tiên, về sau căn nhà Dài càng được nới ra theo chiều dài tương ứng với các “ gia đình “ ( sau khi các thành viên thế hệ đã lập gia đình ), nhưng cho dù nhà dài có dài đến 70-80m đi chăng nữa thì vẫn quay quần chung cùng một bếp lửa tổ tiên.
1. Hệ kết cấu: Cấu tạo hệ khung ngôi nhà đơn giản hệ vì cột, mỗi vì gồm hai cột cái chôn thẳng xuống đất bằng các loại gỗ tốt, sâu khoảng 0.4m, tổng chiều dài ngôi nhà khoảng 4,5-7m.
+ Hệ sàn bằng gỗ, các các thanh ngang được ngàm vào lỗ mộng với cột chính, và xiết chặt lại bằng dây mây rừng đã qua xử lí. Tấm sàn được làm từ tre hay lồ ô được chẻ đôi và dập nát thành các tấm sàn và được buộc chặt theo từng mảng trên hệ thanh ngang của sàn bằng loại dây mây rừng.
+ Hệ hai mái, không có vì kèo, đôi khi có thêm hai mái phụ nơi đầu hồi. Hệ khung lợp mái đc làm từ các thanh Tre, Là A, Lồ Ô được buộc chặt và đặt trực tiếp lên thanh đòn dong chính nối qua hệ vì cột. Tấm lợp được đan bện từ các loại cỏ lau, tranh rồi buộc chặt lên hệ khung mái ấy bằng kĩ thuật buộc dây rừng đặc biệt của tổ tiên,…
+ Hệ bao che bằng những tấm phên tre, hay bằng tấm cỏ tranh được bện chặt lại thành từng tấm và lợp theo kĩ thuật vảy xương cá ( chắc chắn, giữ được sự ổn định và không tạo ra các khoảng thiếu hụt,…)
+ Nhà Dài [ dù dài cỡ nào ] thì chỉ có hai cửa đi lại đặt cạnh hai đầu hồi. Cửa chính hướng nhìn ra khoảng đường lộ, là lối dành cho khách và đàn ông, cửa còn lại dành cho các người nữ trong gia đình. Có hai thang lên nhà bằng gỗ.
+ Nhà dài không có cửa sổ.
Sàn Cao với hệ cột chính được chôn sâu xuống đất. Bên dưới được tận dụng làm nơi chứa củi,...

2. Vật Liệu:
Tất cả vật liệu được sử dụng để xây dựng ngôi nhà đều là các vật liệu xây dựng địa phương, có sẵn tại nơi cư trú, thân thiện với tự nhiên, phù hợp với đặc tính khí hậu và sinh hoạt tộc người Mạ. Các vật liệu này khi khai thác về đều phải trải qua các công đoạn xử lí kĩ thuật riêng nhằm tăng tuổi thọ vật liệu, tận dụng hết các đặc tính vật lí của vật liệu, mỗi căn nhà dài như vậy có thể tồn tại cả tram năm, với chu kì thay, bảo trì lớp áo bảo vệ như vách che, mái định kì tối thiểu 5 năm/ lần. Các bộ phận khác hầu như không phải tu dưỡng, thay mới gì,…
Các loại vật liệu hay sử dụng như: Tranh, tre, lồ ô, là a, vầu, bương, gỗ tram, ổi rừng, cẩm lai,...các loại dây rừng như song, dây mây,…
3. Không gian bên trong ngôi nhà Dài:
Không gian bên trong ngôi nhà Dài quan trọng nhất là bếp lửa vuông. Sẽ có nhiều bếp lửa phụ ( bếp phụ nữ ) tuỳ theo số lượng gia đình thành viên trong căn nhà Dài ấy, nhưng sẽ chỉ có 1 bếp lửa chính, loại bếp vuông, với mỗi cạnh vuông dài khoảng 0.4m (1 heeh ) được làm trực tiếp lên sàn tre, các cạnh được viền lại bởi các thanh gỗ chắc chắn, tạo thành một khung bếp, bên trong là những lớp tro bởi thế sàn nhà được cách nhiệt và chống cháy. Trên bếp là “Đor” dùng hong lương thực. Cạnh bếp lửa chính là “Nào” nơi thiêng liêng, nơi tổ tiên ông bà,…treo cạnh là các chiêng ché quý.
Trong ngôi nhà Dài ấy ta thấy nhiều nhất là các ché rượu cần, cũng là gia tài của ngôi nhà. Trong không gian ấy còn treo các vật dụng, dụng cụ sinh hoạt truyền thống của tộc người Mạ như các dụng cụ xe chỉ, dệt vải, các dụng cụ đi rừng, săn cá, các gùi đeo lưng,…
Các thành viên sau buổi làm việc thì không gian bếp lửa là nơi mà các thành viên quay tụ lại, từ căn bếp ấy các câu chuyện của đại ngàn, của cha ông từ buổi khai sơ được truyền khẩu qua trăm ngàn khẩu tích với lối kể chuyện trời phú không lẫn nơi đâu được.

Trẻ em Mạ

4. Tán Gẫu:
+ Được nhìn ngắm căn nhà Dài, ngồi trong không gian của nó, bên tách trà đắng, lắng nghe những câu chuyện của chủ nhân xung quanh căn nhà Dài ấy quả thật ấm dưới tiết trời có đôi chút lạnh, nhưng cũng không khỏi lạnh và chạnh long khi biết rằng đây là sẽ là căn nhà Dài cuối cùng tại nơi đây, và chỉ sau vài tháng ( bước qua năm mới 2014 ) anh sẽ được nhà nước “ quy hoạch “ cho mình một căn nhà xây nhỏ theo diện nhà tái định cư theo nghị định của chính phủ ban hành “ cao nguyên mới “ [ xưa kia ta ở giữa đại ngàn nên cũ quá rồi, cần phải mới, nên giờ đại ngàn chả còn bóng cây]. Sau nhiều năm anh từ chối căn nhà xây của chính phủ để trú trong căn nhà Dài mà còn nghe mùi khói bếp, trong khi cộng đồng của anh đã từ lâu sống trong mấy căn nhà xây ọp ẹp mà khói bếp lạnh tanh. Anh đã cố giữ cái không gian riêng ấy của mình, của tộc mình, nhưng có lẽ anh chẳng còn hơi sức nữa bởi nhiều lí do. Có thể nhận thấy điều ấy trong đôi mắt sâu thẳm của anh.
+ Một vài dự án “ ma quỷ “ được đưa ra kiểu như quy hoạch lại không gian văn hoá truyền thống của tộc người Mạ trong suốt thời gian qua thật khôi hài. Vì không gian văn hoá bản địa không thể để các ngài ngồi vẽ và quy hoạch được sau khi các ngài đã phá nát đại ngàn và làm dự án “ quy hoạch cao nguyên mới “ đồng nghĩa với cụm “ quy hoạch nông thôn mới “.
+ Một vài nhà Kiến trúc sư hay làm văn hoá cho rằng nhà người Mạ không có cửa sổ nên tối tăm và tù túng. – Tôi cho rằng mấy vị này thuộc loại ăn nói thô thiển thiếu văn hoá và không hề có chút kiến thức hay kinh nghiệm bản thân nào về đặc trưng văn hoá bản địa Tây Nguyên, chưa bao giờ ngủ và ăn dầm ngủ sàn tại vùng đất này vào những thời điểm quan trọng của năm trong một chu kì. Bởi kiểu hình không gian văn hoá, nhà cửa được sinh ra từ đặc trưng của khí hậu địa phương.
+ Có các dự án, hay nhận định của các nhà kiến trúc lẫn văn hoá cho rằng kiểu dáng ngôi nhà, không gian nhà Dài đơn điệu, không hợp thời, nên có một tham vọng lớn là cải tạo, sáng tạo chúng…Tôi cho rằng các vị không nên đụng tới bất cứ thứ gì đã vốn có, đã ăn sâu vào cái hồn của người Mạ hay bất cứ không gian truyền thống nào. Bởi ngôi nhà hay không gian văn hoá ấy không phải là ngôi nhà hay là một không gian đơn giản khác, mà nó đã là cái linh hồn của họ. Xin các ngài đừng chạm vào linh hồn ấy.
+ Và còn nhiều,…Nhưng xin tạm gác lại.
+ Nói tóm lại chúng ta không có quyền làm thay đổi hiện trạng của chúng, hãy để chúng tự do biến chuyển. [ DIỆT - SINH ] thuận theo tự nhiên mà thành.
P/S: Đây không phải là căn nhà Dài cổ xưa. Là căn nhà Dài được dựng lại với tất cả khả năng và những nguyên vật liệu có thể khai thác được mà không bị chính quyền bắt mà anh chủ nhà có thể dựng được.
Chủ nhân ngôi nhà
Căn nhà Dài với lối lên đơn giản


Bếp lửa chính với giàn treo dùng đặt và hong khô lương phẩm
Các vật dụng sinh hoạt hằng ngày và các ché rượu cần


Dụng cụ se tơ - kí ức thời gian



Dụng cụ đi rừng trên sàn tre
Vài cặp sừng Trâu


Bếp vuông


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét