Đoàn người Chăm và Raglai trong ngày đón rước Y trang |
THỬ ĐỌC THÔNG ĐIỆP TỪ SỰ TÍCH CHĂM SAAI,RAGLAI ADEI
Jaya Thiên
***
Như đã biết giữa Chăm và Raglai là hai tộc người có mối quan hệ gần gũi, có sự tương đồng về tín ngưỡng dân gian lẫn ngôn ngữ. Hai tộc người này đã xuất hiện trên dải đất miền trung cùng với những nhóm khác cùng hệ ngôn ngữ MalayoPolynésien (như dân tộc Jarai, Rade, Churu, Raglai, Hroi, v.v.) hay thuộc hệ ngôn ngữ Austroasiatique (như dân tộc Bahnar, Sédang, Stieng, Maa, v.v.) khoảng 10.000 năm TCN kì “ Đồ đá mới”.
Ngày nay, người Raglai còn lưu truyền sự tích “ Chăm Saai, Raglai adei / Chăm chị Raglai là em“.
“Người Raglai kể rằng, ngày xưa Chăm và Raglai là hai chi em cùng một mẹ sinh ra. Chăm là chị, Raglai là em gái út.
Một ngày nọ, mẹ đi làm nhưng mãi không về, hai chị em bàn nhau cùng đi tìm. Người chị giao cho em út cất giữ di sản tổ tiên (y trang) để lại. Hai người chia tay nhau, mỗi người mỗi hướng và hẹn nhau khi nào thấy mẹ thì quay lại nơi họ sinh sống.
Người Ralgai lần theo những con suối đi về hướng tây, còn người Chăm thì theo tiếng chim hót ngược về hướng đông. Họ đi mãi, đi mãi nhưng không tìm được mẹ, cuối cùng bị thất lạc nhau. Người Ralgai chọn nơi núi rừng phía tây để sinh sống, còn chị gái thì sống luôn ở đồng bằng ven biển phía đông.
Người Raglai còn kể thêm, giọng nói của dân tộc mình khó nghe hơn giọng nói người Chăm chính vì họ nghe nhiều tiếng suối chảy và bắt chước, còn Chăm thì bắt chước tiếng hót của chim nên giọng nói hay hơn.” ( Trích từ Sohaniim )
Sự tích “ Chăm Saai, Raglai adei “ không rõ thời gian xuất điểm, nhưng vẫn luôn được lưu truyền đến nay để nhắc nhở chúng ta nhớ về mối liên hệ đặc biệt này. Mối liên hệ giữa hai tộc người này còn được chứng minh trong suốt chiều dài tồn tại trong lịch sử của Champa cổ.
Thử khai thác vài thông điệp từ sự tích này xem có cho ta những gợi mở nào!
Qua sự tích ta thấy mối quan hệ chị em thân thuộc, hay ít ra cũng cho ta biết được giữa hai nhóm này có cùng mối quan hệ thân tộc, cận sắc tộc với nhau. Là hai chị em có cùng một Mẹ, có thể người Mẹ này mang yếu tố thần tích ( Po Nagar/Mẹ xứ sở ), mang tính chất về một tổ chức xã hội nguyên thuỷ.
Sự kiện hai chị em chia tay nhau đi theo hai ngả ( em đi lên theo hướng Tây, chị xuôi về Đông ) có thể cho ta biết có sự chia tách giữa hai tộc, có lẽ sau khi bắt đầu có sự gia nhập của yếu tố ngoại lai, cụ thể là bắt đầu có sự xuất hiện của nền văn minh Ấn giáo du nhập vào địa phận này và sự lựa chọn tiếp nhận hay từ chối tiếp nhận nền văn minh này bắt đầu xuất hiện, khi người tộc Chăm ( người chị ) ở lại và tiếp nhận văn minh Ấn Độ, cùng với Balamon giáo, Phật giáo, Hồi giáo thì tộc Raglai ( người em ) từ chối nên đã chọn cách di chuyển lên vùng cao phía Tây để tách khỏi sự ảnh hưởng này lên tộc mình, điều này cũng minh chứng khi những lễ nghi tâm linh của người Raglai mang yếu tố bản địa, tôn thờ các nhiên thần hay các vật tổ, còn người Chăm hiện nay ở vùng Panduraga có yếu tố Balamon giáo, Hồi giáo pha trộn.
Dù giữa hai tộc Chăm và Raglai có sự tương đồng về ngôn ngữ nhưng vì bị chia tách, người Chăm vì tiếp nhận nền văn minh và chữ Phạn cổ từ văn minh Ấn Độ nên đã pha trộn biến các ngữ âm bản địa có trước bị phai dần, còn người em vì đã chọn cách tách biệt khỏi nền văn minh ngoại nhập nên ngữ âm vẫn còn nét bản địa, mô tả lại các ngữ âm của tự nhiên.
Cả hai tộc Chăm Và Raglai đều theo chế độ Mẫu hệ ( là mẫu số chung của chế độ xã hội nguyên thuỷ của các dân tộc trên thế giới ) thờ thần Mẹ xứ sở ( Po Nagar ), bởi thế khi chia tách, người em Raglai có quyền mang theo các di vật của Mẹ mà có lẽ cũng là sự tượng trưng cho việc giữ gìn và lưu truyền lệ tục, bản sắc của chế độ xã hội nguyên thuỷ này. Dù người chị Chăm đã tiếp nhận văn minh cùng tôn giáo mới nhưng yếu tố bản địa này vẫn còn giữ gìn đến ngày nay và có sự pha trộn cùng với tôn giáo Balamon giáo, Hồi giáo,…ở vùng Panduranga ngày nay. Ngày nay giữa Chăm và Raglai vẫn duy trì các lễ tục mang nét bản địa như tôn thờ những vị thần dân gian như Thổ thần (Po Bhum), Thần Núi (Yang Cek), Thủy thần (Yang Patao Aia).
Điều đặc biệt ta nhận thấy khi cả hai tộc đều tôn thờ Po Ina Nagar và Po Nai Tang là Mẹ xứ sở, điều này minh chứng cho sự thân tộc gần gũi giữa hai tộc Chăm và Raglai. Sau khi chia tách “thất lạc nhau giữa hai tộc ( chị và em ) đã cùng hẹn ước sẽ gặp lại nhau khi tìm được mẹ”, hẳn đó chính là lời hẹn ước cho buổi gặp mặt giữa hai tộc Raglai và Chăm mỗi dịp Kate như ta thấy hiện nay để cùng làm lễ Mẹ ( tạ ơn Mẹ xứ sở ), đây là buổi lễ mang tính chất bản địa thể hiện cho sự Sinh Tạo nhiều hơn như ta thấy, nhưng có sự pha trộn yếu tố Balamon giáo, về thời gian hẹn ước thì chúng ta không xác định rõ, và Kate cũng chỉ là mốc tạm thời, người em Raglai cùng với các di vật của Mẹ ( ngày nay ta thấy có các di vật của các vua Champa có lẽ chỉ xuất hiện sau trong quá trình biến đổi mà yếu tố lịch sử Champa sau này ) xuống gặp người chị ( Chăm ) để cùng làm lễ, việc có sự tham gia của người Raglai trong buổi lễ sẽ báo hiệu cho một mùa mới đầy sung túc, mang điều may mắn đến cho xứ sở,…rõ ràng yếu tố này mang tính chất bản địa, thể hiện rõ cho tính Sinh tạo của tự nhiên và đại diện ở đây là Po Nagar ( Mẹ xứ sở ).
Về cấu trúc xã hội mang tính chất Mẫu hệ, ta thấy ở người Raglai và người Chăm còn tồn tại loại hình nhà ở mang tính chất này, cụ thể là nhà sàn của người Raglai và Thang Yơ ( nhà tộc ) của người Chăm, hai loại nhà này có sự tương đồng lớn bởi là căn khởi nguyên của sự Sinh tạo, là căn nhà tộc của Mẹ, của tổ tiên, có cây cột cái ( cột Mẹ ) làm chủ thể. Tuy nhiên giữa hai loại nhà này vẫn có sự khác biệt về số lượng cột trong căn nhà tộc này. Mặt khác nhà người Chăm có sàn thấp, người Raglai có sàn cao, sự thay đổi này mang yếu tố về sự thích nghi với địa hình.( Phần này sẽ trình bày trong một bài viết khác ).
Tạm kết: Có thể khẳng định rằng giữa hai tộc Raglai và Chăm là hai tộc có mối quan hệ gần gũi, mật thiết với nhau, cùng tồn tại và tương đồng về ngôn ngữ, tín ngưỡng dân gian, lấy Po Nagar ( Mẹ xứ sở ) là mẹ xứ sở của dòng tộc ( Cùng chủng tộc ). Vì có sự du nhập của nền văn minh Ấn giáo mới so với bản địa có sẵn nên hai tộc đã có sự phân tách mà qua Sự tích “ Chăm Saai, Raglai adei “ đã cho ta gợi ý. Và nếu muốn tìm hiểu về Chăm cổ ( trước khi có sự du nhập văn minh Ấn Độ thì Raglai là một gợi ý đáng tin cậy.
Tất nhiên, bài viết này chỉ là sự gợi ý. Việc chứng minh còn trông cậy vào các nhà nghiên cứu chuyên môn.
P/S: Những câu truyền miệng được Chăm và Raglai minh chứng thêm cho mối quan hệ thân tộc này:
Cam Sa-ai, Raglai adei/ Chăm chị Raglai em.
Cam saung Raglai yuw adei ai sa tian/Chăm với Raglai như hai anh em ruột.
Cam xakarai, Raglai dalikal / Chăm sành triết lý, lịch sử – Raglai rành truyện cổ tích xưa.
Raglai anưk taluc patau/ Người Raglai là con út quốc vương ( Có thể là con của Mẹ xứ sở Po Nagar )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét