Nhà có Sân
Cái Sân là khoảng không gian bằng phẳng trước mặt của những căn nhà. Cái Sân được hình thành nên từ sự phân chia bố cục không gian ước định với các không gian kiến trúc khác. Người Cham gọi là "mblang sang"-sân nhà.
Là khoảng không gian công cộng phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt diễn ra tại khuôn viên nhà, là nút giao thông chính, là không gian đối lưu khí trước những căn nhà.
Một khoảng lùi vừa đủ mang lại sự gắn kết hài hoà giữa các không gian kiến trúc.
Sân, có thể được lát bằng gạch, hay chỉ là cái sân đất đầm chặt. Và nhờ đó, cái lợi thế của nó là làm giảm đi/hấp thụ bức xạ mặt trời chiếu vào khoảng sân ấy, cho ngôi nhà bớt nóng hơn, lợi thế này hơn hẳn cái sân bê-tông như ngày nay.
Ở các vùng quê miền trung, gắn liền với canh tác nông nghiệp, cái sân càng phát huy sự hữu ích của nó, là nơi để phơi sàng lúa thóc và các sản phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch,…
Cái Sân trở thành không gian gắn kết thành viên gia đình với nhau, với không gian và thời gian mà con người hoà mình vào trong nó, ở đó, nó đóng góp để tạo nên các lớp kỉ niệm/kí ức mà một không gian kiến trúc mang lại. Vừa là điểm kết nối bên trong lẫn bên ngoài.
Cái Sân không chỉ đóng góp về mặt giải pháp kiến trúc, hay đơn giản chỉ là một công năng kiến trúc cần có, mà nó vượt thoát để tạo nên một giá trị biểu tượng của văn hoá gia đình, cộng đồng.
Ngày nay, với sự thay đổi chóng mặt, cái Sân dần thay đổi cả về mặt không gian chức năng và kích thước, một vài trường hợp kiến trúc nhà ở đã mất đi hẳn cái Sân ấy. Nhưng, "Nhà có Sân" là điều cần thiết, và nên được ưu tiên với quy mô và hình thái phù hợp hơn để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt lẫn xây dựng không gian văn hoá của một gia đình.
P/s: Cái Sân trong không gian kiến trúc của người Cham có những điểm tô khác, là không gian chứng kiến những sinh hoạt đời thường lẫn các nghi lễ cuộc người trên khoảng sân ấy, là không gian kết nối giữa gia đình và cộng đồng, xoá nhoà hiềm khích cá nhân để gắn kết với tộc họ, với cộng đồng. Vì thế cái Sân luôn cần phải rộng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét