Pics

Pics

2024/03/30

Kiến trúc nhà ở truyền thống người Cham / Palei-Hình thái cư trú của người Cham miền duyên hải.

 Palei-Hình thái cư trú của người Cham miền duyên hải.

Đơn vị Palei (Làng) là mô hình cư trú truyền thống của người Cham. Mô hình tổ chức xã hội truyền thống này chịu tác động bởi yếu tố về địa lí, môi trường ở, các tập quán sinh hoạt văn hóa, luật tục, kinh tế, kết nối cộng đồng,..mà thành. Từ đó nó tạo nên một đặc điểm nhận dạng cho một mô hình cư trú Palei đăc trưng.
Cộng đồng Cham có mối liên kết cộng đồng cao, có thể nhìn vào mối quan hệ tộc họ (gep/gep gan), mối liên kết thân thuộc này không những ở tộc họ mẹ (mẫu hệ, bên nội) mà còn lan ra cả tộc họ bên cha (bên ngoại). Chính vì thế mô hình Palei cộng cư này tập trung/co cụm theo cụm tộc họ với nhau để hình thành, phát triển thành một đơn vị palei.
Để tạo nên nét đặc trưng về hình thái ở này, cộng đồng đã hình thành nên những nguyên tắc “quy hoạch” riêng.
Việc chọn nơi để lập thành Palei cần tuân theo quy tắc/luật “phong thủy”: “Cek maraong, kraong barak; glaong di pai, biér di pur; aia nduec gah ésan.” (núi đằng nam, sông đằng bắc; cao phía tây, thấp phía đông; nước chảy về hướng đông-bắc.). Palei phải là nơi cao ráo, không ngập nước, và hội đủ điều kiện trên là một nơi phù hợp để lập nên thành khu ở. Xung quanh palei là những cánh đồng bao quanh,…
Sau khi chọn được một khu đất phù hợp để lập palei, thì đến việc quy hoạch tuyến trục chính của palei là hết sức quan trọng, việc lập tuyến trục này dưa trên quy tắc (phân chia 2 trục chính đông-nam, tây-bắc). Với quan điểm quy hoạch, trục đông-tây là trục/lối đi của thần linh, trục nam- bắc là trục/lối đi của trần gian, với hướng nam là hướng sinh/hướng mở; hướng bắc là hướng tử/hướng đóng. Như vậy, chúng ta đã xác định được hai trục chính phân chia không gian palei, với cổng chính của làng đặt ở hướng sinh/hướng mở ở phía nam, cổng phụ của làng đặt ở phía bắc.
Tập quán sinh hoạt của người Cham sống tụ cư với nhau theo tộc họ theo từng cụm khu ở với nhau, mỗi palei là những cụm khu ở, mỗi khuôn viên ở (đơn vị nhà) riêng rẻ được giới hạn bằng paga (rào) được bố trí nối nhau liên tiếp theo trục bắc-nam gọi là talei paga, và thường là chị em cùng dòng tộc sống cạnh liền kề nhau trên dãy talei paga đó. Mỗi khuôn viên ở bao gồm từ 1 đến 7 đơn vị nhà, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, quy mô của một gia đình mẫu hệ bên trong. Cổng chính của mỗi khuôn viên luôn được mở ở góc phần tư của hướng nam,tay-nam, kết nối với giao thông bên ngoài với tuyến đường talei paga.
Mỗi dãy talei paga này cách nhau lối hai xe trâu tránh nhau, và xuyên suốt từ đầu đến cuối làng. Cách khoảng 5 khuôn viên ở lại mở lối đi ngang (đông-tây) để nối thông với tuyến trục talei paga.
Cứ như thế việc bố trí này được tuân theo chặt ché và mở rộng bám vào hai trục chính đông-tây, bấc-nam của palei.
Các không gian công cộng, sinh hoạt tôn giáo của palei cũng được lựa chọn vị trí phù hợp. Ví dụ như Sang palei (nhà làng) luôn được đặt đầu Palei để tiện quan sát, sinh hoạt; Sang Po-yang đền thờ thần đặt ở cuối làng, nghĩa trang làng, Kut của mỗi tộc họ được bố trí bên rìa làng, cách làng không xa.
Ngày nay, mô hình palei có những thay đổi/biến đổi, bởi quy mô mở rộng và các nguyên tắc quy hoạch xưa dần “yếu” thế hơn so với con người bây giờ. Nhưng có thể nói rằng hình thái cư trú Palei xưa là một đại diện để nói lên phép quy hoạch của người xưa, phù hợp với tập quán, điều kiện môi sinh tự nhiên, và văn hóa của người xưa.
P/s: Trong ảnh đính kèm là tấm ảnh chụp làng Cakaing xưa (tức làng dệt thổ cẩm Mỹ nghiệp). Nhìn vào bức hình có thể thấy lối tổ chức không gian một cách trật tự, và tuân theo luật "phong thủy", với sông bao bọc ở phía bắc, hưởng chảy từ tây, tay-bắc, cổng chỉnh của làng mở hướng nam, không gian bố trí dãy khuôn viên bám theo trục bắc-nam tạo nên một mô hình trật tự.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét