Chúng ta "Trùng tu" Đền-tháp Yang Praong như thế nào?
hay "Nỗi Buồn Yang Praong"
***
*** Đền-tháp Yang Praong tọa lạc ở khu vực xã Ea Rôk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, được một trung úy lục quân người Lào tên là Oum phát hiện khoảng năm 1900.
Từ những khảo tả về phong cách nghệ thuật điêu khắc, lịch sử và bia kí được phát hiện tại đây, các nhà khoa học đồng thuận đi đến kết luận về niên đại dựng đền-tháp được xây dựng vào thế kỷ XIII.
Và qua việc nghiên cứu văn bia chúng ta xác định được chủ nhân đền-tháp thuộc về Champa, vị vua Harajit tức Jaya Simhavarman III, sử liệu Trung Quốc gọi là Pou Ti và người Việt gọi là Chế Mân là người đã cho dựng đền-tháp thờ thần Cri Jaya Shinhavarmalingecvara -thần Shiva mà người dân tại đây gọi là Bimong Yang Praong.
*** Trong cuốn "MONUMENTS CAMS DE L'ANNAM" của H.Parmentier được xuất bản năm 1909 khảo tả về các di tích Champa, tại trang 122 đính kèm ảnh chú bản vẽ khảo tả kiến trúc đền-tháp Yang Praong với bản vẽ mặt bằng và mặt đứng chi tiết, và cũng là bản vẽ tư liệu quan trọng và xác tín tính chân thực để có thể dùng trong công tác đối chiếu khảo tả, trùng tu di tích một cách chính xác nhất có thể.
Tuy nhiên, nhìn qua hai đợt trùng tu đối với đền tháp này ta thấy nhiều bất cập và sai phạm dẫn đến thay đổi hình dạng kiến trúc ban đầu, và bất chấp điều 5: “Phải bảo đảm tính nguyên gốc, tính chân xác, tính toàn vẹn; việc thay thế kỹ thuật, chất liệu cũ bằng kỹ thuật chất liệu mới phải được thí nghiệm trước để bảo đảm kết quả chính xác khi áp dụng...” trong Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hoá đã được Bộ Văn hoá – Thông tin ban hành tại Quyết định 05/2003/QĐ-BVHTT.
Ta thử điểm qua vài mục nhỏ để cùng xem xét: (xem hình đính kèm)
(1) Về thay đổi hình dạng kiến trúc ban đầu: Đối chiếu giữa kết quả trùng tu với bản vẽ chi tiết mà H.P đã vẽ ra, chúng ta có thể thấy vài điềm sai phạm làm thay đổi hình dạng kiến trúc như sau:
- 03 mặt diện tường ở 03 hướng bắc-tây-nam tại ô rãnh giữa, các nhà trùng tu đã tự ý đắp thêm gạch không theo theo một motif nào có trước đó và hoàn toàn sai khác với tính nguyên bản có trước đó do H.P đã vẽ.
- Tại hướng cửa mở chính hướng đông, công tác trùng tu đã không giữ được tính nguyên bản, thay vào đó là các chi tiết đắp gạch làm sai khác hình thức kiến trúc, đã không thể phục hồi được tháp mái/hành lang dẫn vào tháp chính như bản vẽ mà H.P đã khảo tả trước đó.
- Tại góc cong mái tháp, các nhà trùng tu đã tự ý gắn thêm motif “Lưỡi/lá lửa” vào mái tháp này, và không rõ các nhà trùng tu của ta đã dựa vào phong cách nào để tự áp đặt cho phong cách tháp Yang Praong?
- Đã không gắn lại được chóp tháp bằng đá lên đỉnh mái tháp.
(2) Về phương pháp, biện pháp được áp dụng trong công tác trùng tu.
- Tại công tác trùng tu đối với đền-tháp Yang Praong, theo ghi nhận thì dường như các nhà trùng tu đã không dựa trên phương/biện pháp, hay tiêu chuẩn kĩ thuật phù hợp nào cụ thể để áp dụng mà chỉ dùng biện pháp xây tô cơ bản thường thấy trong công tác xây nhà ở với nhóm thợ xây tô địa phương, ví dụ như các nhà trùng tu đã lên phương án với vật liệu gạch nung mua ngoài cửa hàng, dùng vữa xi măng tô trét để gắn lại các viên gạch tạo nên những lở loét lem nhem, dùng xi măng để láng nền tháp,…dùng bê tông cốt thép để làm hệ đỡ vòm cửa tháp.
(3) Về công tác quản lí bảo vệ và khai thác đối với đền-tháp: Công tác quản lí và khai thác đã tồn tại nhiều bất cập, xảy ra nhiều trường hợp xâm hại tác động trực tiếp và làm xuống cấp nghiêm trọng đối với đền-tháp Yang Praong, như để xảy ra tình trạng người dân tự lập bàn thờ cúng không đúng tính chất, để xảy ra tình trang đốt nhang vô tội vạ từ bên trong ra đến ngoài tháp không phù hợp phong tục và văn hoá, trong khi đó khói nhanh là một tác nhân gây ra tình trạng xuống cấp nghiêm trọng đối với đền-tháp.
(4) v.v…
*** Chỉ sau chục năm, từ kết quả công tác trùng tu thì nay đền-tháp Yang Praong đã xuống cấp nghiêm trọng bởi phương-biện pháp trùng tu không phù hợp, với nguyên vật liệu và kĩ thuật “khác lạ” đã được các nhà trùng tu áp dụng. Qua đó cho thấy công tác trùng tu của ta quá hời hợt và xem nhẹ giá trị Di sản, các nhà trùng tu của ta đã không đánh giá được giá trị thực của Di sản và rõ ràng thiếu chuyên môn, không đủ năng lực trùng tu nhưng vẫn cố chấp, hay tham lam để đảm nhận công tác này.
Qua đây chúng ta cần xem xét và đánh giá lại một cách nghiêm túc lại chuyên môn, năng lực của mình để tránh gây xây hại, hay thiếu năng lực mà phá huỷ nhanh chóng hơn giá trị Di sản.
Di sản văn hoá Champa là một mảng ghép lớn hoà chung tạo nên dòng chảy lớn văn hoá-lịch sử của Việt Nam, nên trước các công tác có tác động lớn đến di sản văn hoá Champa chúng ta cần nghiêm túc chân thực.
Bản vẽ tháp Yang Proang (trong khung đỏ) do H.Parmentier vẽ, được dẫn lại trong cuốn "Monument Cams De L'Annam" |
Hình phác thảo tháp Yang Proang |
Tháp Yang Praong sau khi trùng tu đã đánh mất tính nguyên bản |
Diện tường trùng tu sai và đã xuống cấp |
Mái tháp đã xuống cấp nhanh chóng |
Motif Lưỡi lửa đã nhổ bỏ đi sau công tác trùng tu |
Sau khi trùng tu, đền-tháp Yang Praong đã xuống cấp nhanh chóng |
Tự ý lập bàn thờ khác xa văn hoá Champa |
Diện tường và mái tháp sau khi trùng tu đã đánh mất tính nguyên bản kiến trúc đền tháp Yang Praong. |
Diện tường sau khi trùng tu sai với nguyên bản kiến trúc đền tháp Yang Praong. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét