Pics

Pics

2017/12/23

THỬ ĐỌC/GIẢI MÃ TRUYỀN THUYẾT PO INA NAGAR (Mẹ Xứ Sở)

THỬ ĐỌC/GIẢI MÃ TRUYỀN THUYẾT PO INA NAGAR (Mẹ Xứ Sở)
(Jaya Thiên)
----
Việc đọc/giải mã Thông điệp quả là việc khó nhằn, và mang tính cảm quan/hiểu biết cá nhân của người đọc, nên mọi thông tin chỉ mang tính chất gợi mở, tham khảo, không mang tính chất khoa học. Nhưng một khía cạnh nào đó có thể cho người đọc vài ý tưởng gợi mở thú vị.
Các thần tích, chuyện dân gian Chăm lưu truyền hiện nay về Po Ina Nagar (Mẹ Xứ Sở) có khá nhiều và nhiều dị bản khác nhau, dưới đây xin liệt kê ba bản thông dụng nhất về Po Ina Nagar.
Về truyền thuyết mang tính vũ trụ luận tôn giáo thì cho rằng:
“… Bà là vị thần từ cõi trời xuống trần gian, Bà có 97 người chồng, 36 người con tượng trưng cho 37 màu máu, 37 màu máu biến thành 37 giống cây trồng, vật nuôi và các tục lệ cúng thần khác. Thân thể bà đồng nhất và tượng trưng cho các phần khác nhau của vũ trụ: Thân của bà chính là bầu trời, đầu của bà chính là mũ đội của các vị vua, của các sư cả Balamôn, cánh tay của bà tượng trưng cho Sao Cày, đôi chân bà là sao Bắc Đẩu, răng của bà rìu đá của thần Sấm Sét, …”
Một dị bản khác thì cho rằng: “Nữ thần Po Ina Nagar với tên gọi đầy đủ là Po Yang Ino Nagara được sinh ra từ mây trời và từ bọt biển, nữ thần đã hiện thân dưới hình dáng một khúc gỗ kỳ nam nổi trên mặt biển. Bà có 97 người chồng, trong đó Po Yang Amô là người yêu có nhiều mãnh lực nhứt, và bà đã sinh 38 người con gái, đều cũng đã trở thành nữ thần như mẹ. Bà đã tạo sinh ra đất đai, cây kỳ nam và lúa gạo, không khí chung quanh bà đượm mùi thơm của lúa và chính bà đã đem sinh khí cho cây sung thần”
Truyền thuyết khác mang tính dân gian:
"Ngày xưa có hai vợ chồng già lấy nhau lâu năm nhưng không có con. Hai người làm rẫy và cho trồng dưa hấu tại chân núi Lang Liri (núi Đại An). Khi đó, ông Trời đã phái một cô gái còn trẻ xuống rẫy hái trộm dưa. Hằng đêm cô đều xuống phá dưa làm cho hai ông bà rất tức giận; và do vậy, hai người đã lập mưu rình bắt người đã hái trộm dưa. Quả nhiên cô gái bị hai ông bà bắt được nhưng vì còn trẻ nên được hai ông bà nhận làm con nuôi. Ở chung được vài năm, trong một lần tắm sông, cô đã hóa thân vào khúc trầm hương và trôi ra biển lớn. Khúc gỗ trôi lên biển Bắc và rơi vào tay hoàng tử của Trung Hoa. Hoàng tử cho vớt khúc gỗ đem về cung. Sau đó ít lâu thì khúc gỗ hóa thân thành một cô gái xinh đẹp và hai người nên duyên vợ chồng. Chung sống với nhau và có được hai người con (đặt tên là Hai và Tray), về sau hai người xảy ra sự bất đồng kết hợp với việc nhớ cha mẹ già, cô đã nhập vào thân trầm để trở về quê hương. Sau khi nhận tin cha mẹ đã mất, cô đã ở lại để chỉ người dân kiến thiết đất nước, cho dạy chữ, hướng dẫn người dân cày cấy, trồng bông, dệt vải, xây tháp, … Sau khi mất thì cô hiển linh. Để ghi nhớ công lao của cô nên người dân đã suy tôn cô thành Mẹ Nữ thần Xứ sở – tức Yang Po Ina Nagar và cho xây dựng đền tháp để thờ phụng"
A. CÙNG GIẢI MÃ THỬ XEM:
Dựa vào thần tích, chuyện dân gian và cả trong các sinh hoạt tôn giáo - tín ngưỡng Chăm hiện nay ta có thể tạm chia hình thức biểu hiện của Po Ina Nagar thành sơ đồ sau:

*** Ta thấy ngoài yếu tố thần tích, truyền thuyết thì ở câu chuyện dân gian tuy không phải câu chuyện có thật,không có chứng cứ khoa học rõ ràng, nhưng cũng cho thấy có sự xuất hiện của dấu vết trình tự hình thành lịch sử dân tộc của Champa.
Ở đây mình cũng tạm lấy mốc từ trước CN đến năm 192 (tk2 SCN), có nghĩa là mốc có trước khi Lâm Ấp (Champa) được ghi nhận trong sử sách. Trước năm 192 SCN là quãng thời gian chuẩn bị, đấu tranh,...để định hình lên một thể chế rõ ràng là Champa sau này.
1: Po Ina Nagar đi Trung Hoa.
* Trong cổ sử Trung Hoa như Hậu Hán thư và Thủy Kinh chú,... có nói đến quá trình đấu tranh dành quyền tự chủ của Khu Liên có sự liên kết, hỗ trợ của nhóm người "man" ở phía nam huyện Tuợng Lâm giúp sức. Vậy có nghĩa là trong quá trình này Khu Liên đã kết hợp với /được các nhóm người cùng chủng tộc đi lên trợ giúp trong giai đoạn đấu tranh dành quyền tự chủ từ tay người Hán.
* Trong truyền thuyết dân gian về Po Inu Nagar có nhắc rằng Bà rời bỏ quê hương xuôi theo đường biển để đi lên phía bắc đến Trung Hoa.
* Thử liên hệ với Sự tích "Chăm Saai, Raglai adei" có nhắn rằng: vì đi tìm mẹ mà hai chị em thất lạc nhau. Người Mẹ này chính là Po Ina Nagar, vào một ngày Bà bỏ đi mất nên hai chị em Chăm, Raglai mới chia nhau đi tìm rồi từ đó lạc mất nhau.
* Theo truyền thuyết về sự hình thành Champa và cả trong tiến trình lịch sử ta thấy Champa được cai quản luân phiên bởi hai thị tộc lớn là tộc Cau (Pinang/patau Tathik/Kramuka Vams’a/Thần Mẹ) cai quản vùng đất phía nam Champa. Còn tộc Dừa (Li u/Patau Cơk/Narikela Vams’a/Thần Cha) cai quản vùng đất phía bắc Champa.
*** Vậy có thể nào, Po Ina Nagar (mẹ của Chăm, Raglai,...) đại diện cho quyền lực (vua, tướng, thần) phía Nam, đại diện cho chủng phía Nam Champa đã lên Nhật Nam (Trung Hoa) liên kết với đại diện cho chủng (vua, tướng, thần) phía bắc Champa (Khu Liên/Lâm Ấp) trong quá trình dành quyền tự chủ từ tay người Hán. Và có thể Bà đã đi lên phía bắc vào mùa gió Tây Nam khoảng tháng 5-10 trong năm, đây là thời điểm thuận lợi theo luồng gió để dong buồm đi ra phía bắc. Trong truyền thuyết, dân gian bảo Bà đến Trung Hoa, nhưng ta nên hiểu Trung Hoa ở đây chỉ là quận Nhật Nam (giai đoạn này Nhật Nam vẫn trong tầm kiểm soát của người Hán).
2: Po Ina Nagar bỏ về quê cũ (Núi Đại An - Khánh Hoà)
Trong truyền thuyết không nói rõ vì sao Bà quay lại quê cũ, chỉ nhắc đến chi tiết Bà vì thương nhớ quê nhà, cha mẹ nê mới xuôi theo đường biển mà về quê xưa.
Có lẽ, trong/sau khi liên kết và dành được sự tự chủ cho Lâm Ấp vì không thống nhất được quan điểm trong thể chế chính trị lẫn tín ngưỡng nên đã xảy ra bất đồng không cùng quan điểm, hoặc đã hoàn thành mục đích liên kết nên Bà mới trở về quê cũ để xây dựng nam Champa.
Chúng ta cũng nên nhớ rằng, giữa Nam - Bắc Champa luôn xảy ra bất đồng cả chính trị lẫn tôn giáo. Khi bắc Champa luôn xưng, lấy tên, thờ các vị Thần Cha (Shiva), ở nam Champa thì ngược lại, luôn xuất hiện bóng dáng của Thần Mẹ Xứ Sở (Po Ina Nagar), các danh xưng của Vua phía Nam luôn có chữ Po đứng đầu...
3: Po Ina Nagar dạy cho dân cáy cày, dệt vải, làm gốm,...
Trong truyền thuyết còn kể rằng Bà có 97 nguời chồng, 36 người con. Số lượng này chỉ mang tính tượng trưng cho huyền tích, nhưng cũng không phải là không có thực. Vậy khi Bà rời bỏ quê chồng (bắc Champa) để về quê cũ thì dĩ nhiên phải có một số con cái nào đó đi theo và có số nào đó ở lại để cùng Cha xây dựng cơ nghiệp. Điều này không khỏi khiến mình liên tưởng đến " bọc trăm trứng của Âu Cơ ".
Sau khi về quê cũ, Bà bắt đầu dạy dân chúng cáy cày, trồng bông dệt vải, làm gốm, xây tháp...Từ ý này ta có thể thấy được sự tiếp nhận kĩ thuật của người Ấn Độ trong thời gian Bà đang ở bắc Champa. Bà đã học được kĩ thuật xây tháp bằng Gạch, trồng bông để dệt vải, và có thể là kĩ thuật trồng lúa nước mới,...Bắc Champa là khu vực vương triều Champa theo Ấn Độ rõ nét hơn nam Champa còn đậm chất bản địa.
Những điều trên cũng làm rõ hơn lí do vì sao Bà rời quê chồng để về quê hương, và đã tiếp nhận được những kĩ thuật nổi bật nào .
Tuy truyền thuyết không chỉ cho ta biết thời điểm lúc Bà quay về, nhưng ta thử định thời gian rơi vào mùa gió Bắc, thời điểm phù hợp để đi thuyền xuôi theo luồng gió về phương nam.
4: Ngoài ra, trong các câu chuyện được lưu truyền thì ta biết, Po Ina Nagar xây dựng và trị vì vương quốc Nam Champa thịnh vượng trù phú khoảng 200 năm trước khi về trời.
Nếu ta lấy 100 năm là tuổi của một người sống thọ thì 200 năm ghép cho một Po Ina Nagar thực nào đó là không hợp lí.
Vì công trạng của mình nên Bà đã được dân chúng tôn lên làm Po/Yang (Vua, Ngài/Thần), là người bảo hộ cho chủng tộc phía nam Champa. Và, trong giai đoạn trước và 1-2 thế kỷ sau CN thì việc một nữ vương ( Po/ vua ) hay đại diện quyền lực của thị tộc là chuyện bình thường, ta có thê liên hệ đến Bà Trưng, Bà Triệu của người Mường chẳng hạn. Vậy trong khoảng 200 năm này đã có hơn một Po Ina Nagar cai trị nam Champa, và 200 năm đó chính là vương triều do Nữ vương đứng đầu (vua nữ), ta tạm gọi là vương triều Po Nagar.
Trong một câu chuyện sáng thế kỷ khác được nhắc trong tư liệu Chăm có đoạn như sau:
"NữThần Po Ina Nagar có 8 cái bùa phép (dalapan takaisarak). Mỗi cái bùa Po Ina Nagar lập ra trời đất, mặt trời, mặt trăng (yang harey, yang bilan), thân thể con người; tạo thành Chăm Ahier, Chăm Awal. Po Nagar còn tạo ra lịch pháp, dạy người Chăm biết sử dụng ngày tháng năm. Nữ thần Po Ina Nagar còn tạo ra xứ “Bal Huk” (Củ Hủ- Mỹ Tường - Ninh Thuận) cho thần Cha (Po yang ama) cai quản, xứ “BalLai” (Ba Tháp/Hoà Lai - Ninh Thuận) cho Po Debatathuer cai quản và xứ “Padarang” cho Po Aulaoh (thánh Alla) cai quản."
...
"Tư liệu còn cho biết về sự đấu tài giữa Nữ thần mẹ Po Ina Nagar và thần Cha (Po yang ama) trong việc tạo dựng vũ trụ. Po Ina Nagar thắng thế, vì vậy Po Ina Nagar lại sinh ra thần Cha (Po yang ama, thần Siva (on sibaiyon), và sinh ra 9 vị thần khác cùng các vị vua Chăm để cai quản đất nước (Po Ina Nagar trun salipan yang gréh padang nagar palei)."
* Bal Huk (Cổ Hủ) chính là thủ đô tạm thời được dựng nên sau khi Vijaya (bắc Champa) thất thủ vào khoảng năm 1000 SCN, chạy xuống phía nam và có sự tranh chấp với Panduranga do Po Nagar đang trị vì nên mới có câu chuyện về sự tranh tài trên và Po yang ama thua.
Có thể nào, vương triều mẹ Po Nagar trị vì đến giai đoạn này, nên mới cho phép vương triều cha ở phía bắc đến lánh nạn và đặt thủ đô tạm tại Bal Huk (Cổ Hủ) chăng. Đối chiếu thêm trong "Biên Niên Sử Chăm (Panduranga) " thì ta thấy giai đoạn vua đầu tiên được nhắc đến là Po Po Aulaoh cùng khoảng trước sau giai đoạn biến cố thành Vijaya ở tk-11 như trên, được Po Ina Nagar giao quyền cai trị vùng Pandarang (đồng bằng Phan Rang - Ninh Phước bây giờ).
Và liệu chúng ta có thể xem đó chính là giai đoạn chuyển giao từ Mẫu hệ - nữ quyền sang Mẫu hệ - nam quyền không!? (Lúc này các vị vua Panduranga là Nam giới, đều có danh xưng là Po đứng đầu).
Và cũng là kết thúc vương triều Po Nagar không!?
*Trong quá trình hình thành trải dài của Champa ta thấy hai đối trọng ngang hàng, đôi lúc còn xảy ra tranh chấp nhưng đó là hai phần, cực không thể thiếu nhau giữa Bắc và Nam Champa (hay Patao Likei-Patao Kamei) của một cá thể Champa.
Và trong quá trình di chuyển ra/vào giữa hai miền nam/bắc Champa, Po Ina Nagar cùng các con đã cư trú/tạm và có truyền dạy các kĩ thuật này cho các cư dân trong vùng, và đó là lí do vì sao ta thấy rải rác các đền thờ Po Ina Nagar với tên gọi Việt hoá ở các vùng bắc Champa, và cũng hợp với truyền thống, tục thờ Mẫu bản địa nên đã hoà vào nhau với 1 danh xưng là Po Ina Nagar. Ở Nam Champa thì đền thờ Po Ina Nagar nhiều vô kể bởi nơi đây vẫn còn giữ nét bản địa đậm hơn bắc Champa.
- Nếu ở bắc Champa có thánh địa Cha (Mỹ Sơn) thì nam Champa có thánh địa Mẹ (thánh địa Po Ina Nagar - Nha Trang).
- Nếu ở bắc Champa có thành Cha thì nam Champa thành Mẹ ở đâu!?
- Nếu ở bắc Champa có Lâm Ấp (Lin yi = Li U?!/tộc dừa /Patau Cơk) thì nam Champa có [...] (Panang/tộc Cau/Patau Tathik) phải không!?
- Nếu ở bắc Champa là Đực thì nam Champa hẳn là Cái rồi!?
- Và, Sakkarai Dak Rai Patao (Biên niên sử Champa Panduranga) Chỉ viết cho xứ Padarang chứ chưa hẳn cho cả hết vùng Panduranga (Vì vị vua khởi đầu của biên niên sử này là Po Awlauh, và thiếu hụt cả giai đoạn trước thời của Po Awlauh).!!!
B. Tạm kết:
Tuy rằng là những truyền thuyết mang tính thần kỳ hoang đường, nhưng ẩn chứa trong nó là những câu chuyện lịch sử được ẩn dụ bên trong để nhằm nhắc nhở cho chúng ta về một giai đoạn sơ khai của dân tộc. Và như ta thấy đã có một/những Po Ina Nagar thật sự đóng góp trong quá trình xây dựng Champa, đã cùng liên kết với bắc Champa dành quyền tự chủ, và đã có một vương triều "Po Nagar" tồn tại trong quá khứ, bổ khuyết vào phần sử giai đoạn đầu của Panduranga, và đã từng có giai đoạn Vua/Po là Nữ giới trước khi chuyển sang Nam giới cai trị (nhưng vẫn lệ thuộc, chỉ đại diện cho tộc Mẹ/Mẫu), đó là Patao Kamei mà nay ta còn nhắc trong các bài tụng ca.
Và Po Ina Nagar lịch sử này đã được hoà chung vào cùng với một Po Ina Nagar (Mẹ Xứ Sở) bản địa thuở sơ khai mà ngày nay chúng ta được nghe nhắc bởi những truyền thuyết, dân gian Chăm ngày nay. Và yếu tố này vẫn còn đậm chất đến ngày nay.
P/s: Tất nhiên bài viết này chỉ mang tính chất phỏng đoán dựa trên hiểu biết của người viết, nhưng cũng là tiền đề để xây dựng lên một phần lịch sử hình thành nên một Champa trong giai đoạn sơ khai định hình nên một đất nước Champa rõ ràng. Và cũng để gợi mở sự thích thú cho những ai thích đọc thông điệp.

2017/11/22

Vì SAO THÁP HOÀ LAI KHÔNG ĐƯỢC DÂN PANDRURANGA THỜ TỰ - Jaya Thiên

Vì SAO THÁP HOÀ LAI KHÔNG ĐƯỢC DÂN PANDRURANGA THỜ TỰ
                                     Jaya Thiên
Theo truyền miệng dân gian:
Tháp Hoà Lai gắn liền với câu chuyện truyền miệng trong dân gian qua cuộc thi dựng Tháp “ khi người Khmer xâm chiếm lãnh thổ Chiêm thành, PoKlong Garai ra điều kiện xây thi xây tháp. Nếu ngài xong trước thì người Khmer phải rút quân về, còn nếu ngài thua thì phải nhượng đất cho họ. Ỷ vào số đông và tài xây tháp của mình, người Khmer nhận lời thách. PoKlong Garai truyền cho dân chúng lấy tre làm khung, lấy giấy phết làm gạch. Chờ người Khmer sắp hoàn thành tháp của họ, nhân đêm tối ngài cho dựng mấy cây tháp bằng tre, giấy lên. Sáng sớm tinh sương, người Khmer ngủ dậy, thấy tháp của người Chăm đã mọc lên sừng sững, họ đành chịu thua và rút quân về nước. Sau khi đã lo cho dân được ấm no, vua PoKlong Garai hóa thân về trời và trở thành vị thần che chở cho dân chúng.”
Theo Sử:
Khi Satyavarman từ trần, năm 787, quân Java từ ngoài khơi lại tràn vào Virapura cướp phá, sát hại rất nhiều binh sĩ và dân chúng, phá tháp Hòa Lai thờ thần Bhadradhipatisvara tại Virapura. Quân Java chia ra làm hai nhóm, một nhóm bắt nhiều phụ nữ cùng báu vật chở về nước, một nhóm khác chiếm giữ Panduranga. Phải hơn mười năm sau Indravarman I mới đuổi được quân Java ra khơi để khiến thiết lại xứ ở (năm 799). Tại Virapura, nhà vua xây lại tháp Hòa Lai bằng ba tháp mới, gọi là Kalan Ba Tháp, thờ các thần Indrabhadresvara, Sankara và Narayana. Cũng mất m ột thời gian dài Indravarman I mới dẹp yên được một số giặc giã nổi lên từ khắp nơi, như tại Candra (phía bắc), Indra (đông-bắc), Agni (phía đông), Yama (đông-nam), quan trọng nhất là loạn Yakshas (phía nam). Yakshas là những bộ lạc Thượng cư ngụ trên lãnh thổ đế quốc Angkor chứ không phải là quân Khmer.
Năm 1162, Jaya Harivarman I băng hà truyền ngôi cho con là hoàng tử Sakan Vijaya, hiệu Jaya Harivarman II. Năm 1167 Sakan Vijaya bị hoàng thân Vatuv Gramapuravijaya soán ngôi, hiệu Jaya Indravarman IV.
Năm 1288 Indravarman V mất, hoàng tử Harijit lên ngôi, hiệu Jaya Sinhavarman III (Chế Mân), đặt kinh đô tại Vijaya. Mặc dù không triều cống nhà Trần, bang giao giữa Đại Việt và Chiêm Thành rất là thắm thiết. Chỉ một thời gian ngắn sau Chiêm Thành hùng mạnh trở lại, các vương quốc lân bang, trong có Đại Việt cử người sang thông hiếu đều đặn. Nhiều đền đài được xây cất cả tại đồng bằng lẫn trên cao nguyên. Chế Mân cho xây một tháp trên đồi Chok Hala, gọi là đồi Trầu, để dân chúng đến tế lễ, sau này là tháp Po Klong Garai (Tháp Chàm Phan Rang).
*** Từ các dữ kiện nêu trên thì có thể khẳng định rằng Tháp Hoà Lai được nhắc đến trong câu chuyện truyền miệng dân gian nằm trong giai đoạn Vua Jaya Indravarman IV ( tức PoKlong Garai ) tại vì (1151-1205), c ó nghĩa là xuất hiện sau khi cụm Kalan Ba Tháp ( Hoà Lai ) được xây dựng mới lại vào khoảng 799 SCN trên nền Tháp cũ (thờ Bhadradhipatisvara).
Như vậy, để đi đến việc lí giải vì sao cụm Kalan Hoà Lai ngày nay dù nằm trong thành Vijapura (thành phố Hùng Tráng, nay là thôn Palai Bachong, xã Hòa Trinh, huyện An Phước - cách Sài Gòn 310 cây số về phía Bắc trên quốc lộ 1, tỉnh Ninh Thuận) thuộc Panduranga lại không được người dân xứ Panduranga ngày nay không còn dâng lễ, chăm sóc như các cụm Kalan khác cùng trong xứ Panduranga như quần thể Poklong Garai, cụm Kalan PoRame như bây giờ!, ta cần quay lại về lý thuyết Mandala ( Thể chế chính trị liên bang giữa các tiểu quốc ), mà ở đây, các tiểu quốc có lãnh thổ quản lý,quyền thiết đặt, lựa chọn thể chế chính trị, tôn giáo, sinh hoạt văn hoá – tâm linh trong vùng đất mình cai quản mà các tiểu quốc khác không được can thiệp vào như đã cam kết thiết lập liên bang và sự lựa chọn vị thần chính bảo hộ cho vương triều mình.
Như vậy ta có thể thấy được Kalan Hoà Lai khởi điểm được xây dựng từ thời Prithi Indravarman thời kì đầu của Panduranga, kế tiếp là thời Indravanman I dựng mới Kalan Ba Tháp này sau khi bị quân Java tàn phá. Tuy Kalan Ba Tháp này được dựng mới dưới thời Indravaman I để thờ ba vị thần Indrabhadresvara, Sankara và Narayana trong hệ thống các vị thần Ấn giáo nhưng đó chỉ là việc duy trì hệ thống tín ngưỡng thờ thần thuộc Ấn giáo trước đó, bởi trong giai đoạn này vương triều Panduraga chọn nữ thần Bhagavati - vị thần bảo hộ của Panduranga, ta biết Tháp này về sau được biết dưới tên Po Nagar, hay Tháp Bà. Như vậy, ngay trong giai đoạn này thì vị thế của Kalan Ba Tháp thờ ba vị thần Ấn giáo trên có thể không được người dân quan tâm nhiều như vị thần bảo hộ của mình là nữ thần Bhagavati là vợ của Shiva.
*** Tiếp đến giai đoạn Jaya Indravarman IV. Năm 1162, Jaya Harivarman I băng hà truyền ngôi cho con là hoàng tử Sakan Vijaya, hiệu Jaya Harivarman II. Năm 1167 Sakan Vijaya bị hoàng thân Vatuv Gramapuravijaya soán ngôi, hiệu Jaya Indravarman IV.
Jaya Indravarman IV lên trị vì bằng cách soán ngôi từ Sakan Vijya, vì sự tiếm ngôi của mình nên Jaya Indravarman IV bị nhiều vương tôn khác không đồng tình trong đó có PoDam ở Panrik. Để tăng thêm tính chính danh của mình vì thế Jaya Indravarman IV mới xây dựng nên Truyền thuyết về sự lên ngôi của mình là do được Thần linh lựa chọn, từ đây ta có thể lí giải được sự tích về sự ra đời của Jaya Indravarman IV. Cùng với câu chuyện cuộc thi xây tháp được dân gian được lưu truyền, kết thúc giai đoạn của Sakan Vijaya, chối bỏ 3 vị thần trong Kalan Ba Tháp và chuyển sang thờ Shiva - Bhagavati sau này.
( Xem sự tích tại: https://vi.wikipedia.org/wiki/Po_Kl... ).
Khi lên ngôi Jaya Indravarman IV, vẫn duy trì và chọn Bhagavati là vị thần bảo hộ xứ sở đồng thời với việc thờ Shiva. Như vậy trong giai đoạn của Jaya Indravarman IV chứng minh thêm việc thờ các vị thần trong Kalan Ba Tháp ít được quan tâm nhiều bởi không phải là các vị thần bảo hộ của xứ sở. Trong giai đoạn tại vì của mình Jaya Indravarman IV đã lập được nhiều chiến công, là vị vua tìa giỏi được đông đảo người dân ủng hộ và sau khi mất được dân chúng thờ phượng dưới dạng kết hợp linh tượng Shiva.
Các giai đoạn kế tiếp mà sự hiện diện của quần thể Kalan Poklong Garai được Vua Shihavaman tức Chế Mân xây dựng vào khoảng tk 13-14 để thờ vua thần Poklong Garai dưới dạng linh tượng thần Shiva, và tháp PoRame được xây dựng vào khoảng tk 17 để thờ vua thần PoRame dưới dạng linh tượng Shiva.
Kết luận:
Rõ ràng trải qua các giai đoạn, tuỳ thuộc vào việc vương triều của mỗi tiểu vương quốc Champa được xây dựng phát triển thì các cụm Kalan được các vương triều xây dựng lên để thờ các vị thần mà mình chọn làm vị thần bảo hộ của vương quốc, thì cũng tương ứng với việc thờ cúng của tầng lớp nhân dân lúc đấy. Và tương ứng với tôn giáo chính mà vương triều chọn lựa.
Kalan Hoà Lai được dựng lên để thờ các vị thần Ấn giáo lúc đấy đã hoàn thành nhiệm vụ của mình cùng với vương triều xây dựng và tôn thờ trong cùng hệ thống tôn giáo, và đã nằm ra khỏi sự lựa chọn thờ phượng của vương triều bấy giờ khi mà thần Shiva luôn được chọn thờ như một vị thần Cha tối cao cùng với Thần mẹ xứ sở, dưới dạng linh tượng Linga - Yoni có mặt khắp các xứ sở. Điều này cũng nói lên phong cách kiến trúc Kalan Hoà Lai thuộc 1 trong những phong cách ít thấy nhất trên toàn cõi Champa, mà ta chỉ thấy chút ít mờ nhạt hiện diện với các phong cách nằm trong các Kalan thuộc tiểu vương Vijaya.
Tháp Hoà Lai bên cạnh con đường Cái quan

Tháp PoKlong Garai ( ảnh chụp năm 1971)

Tháp PoRame

2017/11/18

THỬ ĐỌC THÔNG ĐIỆP TỪ SỰ TÍCH CHĂM SAAI,RAGLAI ADEI - Jaya Thiên

Đoàn người Chăm và Raglai trong ngày đón rước Y trang



THỬ ĐỌC THÔNG ĐIỆP TỪ SỰ TÍCH CHĂM SAAI,RAGLAI ADEI
Jaya Thiên
***
Như đã biết giữa Chăm và Raglai là hai tộc người có mối quan hệ gần gũi, có sự tương đồng về tín ngưỡng dân gian lẫn ngôn ngữ. Hai tộc người này đã xuất hiện trên dải đất miền trung cùng với những nhóm khác cùng hệ ngôn ngữ MalayoPolynésien (như dân tộc Jarai, Rade, Churu, Raglai, Hroi, v.v.) hay thuộc hệ ngôn ngữ Austroasiatique (như dân tộc Bahnar, Sédang, Stieng, Maa, v.v.) khoảng 10.000 năm TCN kì “ Đồ đá mới”.
Ngày nay, người Raglai còn lưu truyền sự tích “ Chăm Saai, Raglai adei / Chăm chị Raglai là em“.
“Người Raglai kể rằng, ngày xưa Chăm và Raglai là hai chi em cùng một mẹ sinh ra. Chăm là chị, Raglai là em gái út.
Một ngày nọ, mẹ đi làm nhưng mãi không về, hai chị em bàn nhau cùng đi tìm. Người chị giao cho em út cất giữ di sản tổ tiên (y trang) để lại. Hai người chia tay nhau, mỗi người mỗi hướng và hẹn nhau khi nào thấy mẹ thì quay lại nơi họ sinh sống.
Người Ralgai lần theo những con suối đi về hướng tây, còn người Chăm thì theo tiếng chim hót ngược về hướng đông. Họ đi mãi, đi mãi nhưng không tìm được mẹ, cuối cùng bị thất lạc nhau. Người Ralgai chọn nơi núi rừng phía tây để sinh sống, còn chị gái thì sống luôn ở đồng bằng ven biển phía đông.
Người Raglai còn kể thêm, giọng nói của dân tộc mình khó nghe hơn giọng nói người Chăm chính vì họ nghe nhiều tiếng suối chảy và bắt chước, còn Chăm thì bắt chước tiếng hót của chim nên giọng nói hay hơn.” ( Trích từ Sohaniim )
Sự tích “ Chăm Saai, Raglai adei “ không rõ thời gian xuất điểm, nhưng vẫn luôn được lưu truyền đến nay để nhắc nhở chúng ta nhớ về mối liên hệ đặc biệt này. Mối liên hệ giữa hai tộc người này còn được chứng minh trong suốt chiều dài tồn tại trong lịch sử của Champa cổ.
Thử khai thác vài thông điệp từ sự tích này xem có cho ta những gợi mở nào!
Qua sự tích ta thấy mối quan hệ chị em thân thuộc, hay ít ra cũng cho ta biết được giữa hai nhóm này có cùng mối quan hệ thân tộc, cận sắc tộc với nhau. Là hai chị em có cùng một Mẹ, có thể người Mẹ này mang yếu tố thần tích ( Po Nagar/Mẹ xứ sở ), mang tính chất về một tổ chức xã hội nguyên thuỷ.
Sự kiện hai chị em chia tay nhau đi theo hai ngả ( em đi lên theo hướng Tây, chị xuôi về Đông ) có thể cho ta biết có sự chia tách giữa hai tộc, có lẽ sau khi bắt đầu có sự gia nhập của yếu tố ngoại lai, cụ thể là bắt đầu có sự xuất hiện của nền văn minh Ấn giáo du nhập vào địa phận này và sự lựa chọn tiếp nhận hay từ chối tiếp nhận nền văn minh này bắt đầu xuất hiện, khi người tộc Chăm ( người chị ) ở lại và tiếp nhận văn minh Ấn Độ, cùng với Balamon giáo, Phật giáo, Hồi giáo thì tộc Raglai ( người em ) từ chối nên đã chọn cách di chuyển lên vùng cao phía Tây để tách khỏi sự ảnh hưởng này lên tộc mình, điều này cũng minh chứng khi những lễ nghi tâm linh của người Raglai mang yếu tố bản địa, tôn thờ các nhiên thần hay các vật tổ, còn người Chăm hiện nay ở vùng Panduraga có yếu tố Balamon giáo, Hồi giáo pha trộn.
Dù giữa hai tộc Chăm và Raglai có sự tương đồng về ngôn ngữ nhưng vì bị chia tách, người Chăm vì tiếp nhận nền văn minh và chữ Phạn cổ từ văn minh Ấn Độ nên đã pha trộn biến các ngữ âm bản địa có trước bị phai dần, còn người em vì đã chọn cách tách biệt khỏi nền văn minh ngoại nhập nên ngữ âm vẫn còn nét bản địa, mô tả lại các ngữ âm của tự nhiên.
Cả hai tộc Chăm Và Raglai đều theo chế độ Mẫu hệ ( là mẫu số chung của chế độ xã hội nguyên thuỷ của các dân tộc trên thế giới ) thờ thần Mẹ xứ sở ( Po Nagar ), bởi thế khi chia tách, người em Raglai có quyền mang theo các di vật của Mẹ mà có lẽ cũng là sự tượng trưng cho việc giữ gìn và lưu truyền lệ tục, bản sắc của chế độ xã hội nguyên thuỷ này. Dù người chị Chăm đã tiếp nhận văn minh cùng tôn giáo mới nhưng yếu tố bản địa này vẫn còn giữ gìn đến ngày nay và có sự pha trộn cùng với tôn giáo Balamon giáo, Hồi giáo,…ở vùng Panduranga ngày nay. Ngày nay giữa Chăm và Raglai vẫn duy trì các lễ tục mang nét bản địa như tôn thờ những vị thần dân gian như Thổ thần (Po Bhum), Thần Núi (Yang Cek), Thủy thần (Yang Patao Aia).
Điều đặc biệt ta nhận thấy khi cả hai tộc đều tôn thờ Po Ina Nagar và Po Nai Tang là Mẹ xứ sở, điều này minh chứng cho sự thân tộc gần gũi giữa hai tộc Chăm và Raglai. Sau khi chia tách “thất lạc nhau giữa hai tộc ( chị và em ) đã cùng hẹn ước sẽ gặp lại nhau khi tìm được mẹ”, hẳn đó chính là lời hẹn ước cho buổi gặp mặt giữa hai tộc Raglai và Chăm mỗi dịp Kate như ta thấy hiện nay để cùng làm lễ Mẹ ( tạ ơn Mẹ xứ sở ), đây là buổi lễ mang tính chất bản địa thể hiện cho sự Sinh Tạo nhiều hơn như ta thấy, nhưng có sự pha trộn yếu tố Balamon giáo, về thời gian hẹn ước thì chúng ta không xác định rõ, và Kate cũng chỉ là mốc tạm thời, người em Raglai cùng với các di vật của Mẹ ( ngày nay ta thấy có các di vật của các vua Champa có lẽ chỉ xuất hiện sau trong quá trình biến đổi mà yếu tố lịch sử Champa sau này ) xuống gặp người chị ( Chăm ) để cùng làm lễ, việc có sự tham gia của người Raglai trong buổi lễ sẽ báo hiệu cho một mùa mới đầy sung túc, mang điều may mắn đến cho xứ sở,…rõ ràng yếu tố này mang tính chất bản địa, thể hiện rõ cho tính Sinh tạo của tự nhiên và đại diện ở đây là Po Nagar ( Mẹ xứ sở ).
Về cấu trúc xã hội mang tính chất Mẫu hệ, ta thấy ở người Raglai và người Chăm còn tồn tại loại hình nhà ở mang tính chất này, cụ thể là nhà sàn của người Raglai và Thang Yơ ( nhà tộc ) của người Chăm, hai loại nhà này có sự tương đồng lớn bởi là căn khởi nguyên của sự Sinh tạo, là căn nhà tộc của Mẹ, của tổ tiên, có cây cột cái ( cột Mẹ ) làm chủ thể. Tuy nhiên giữa hai loại nhà này vẫn có sự khác biệt về số lượng cột trong căn nhà tộc này. Mặt khác nhà người Chăm có sàn thấp, người Raglai có sàn cao, sự thay đổi này mang yếu tố về sự thích nghi với địa hình.( Phần này sẽ trình bày trong một bài viết khác ).
Tạm kết: Có thể khẳng định rằng giữa hai tộc Raglai và Chăm là hai tộc có mối quan hệ gần gũi, mật thiết với nhau, cùng tồn tại và tương đồng về ngôn ngữ, tín ngưỡng dân gian, lấy Po Nagar ( Mẹ xứ sở ) là mẹ xứ sở của dòng tộc ( Cùng chủng tộc ). Vì có sự du nhập của nền văn minh Ấn giáo mới so với bản địa có sẵn nên hai tộc đã có sự phân tách mà qua Sự tích “ Chăm Saai, Raglai adei “ đã cho ta gợi ý. Và nếu muốn tìm hiểu về Chăm cổ ( trước khi có sự du nhập văn minh Ấn Độ thì Raglai là một gợi ý đáng tin cậy.
Tất nhiên, bài viết này chỉ là sự gợi ý. Việc chứng minh còn trông cậy vào các nhà nghiên cứu chuyên môn.
P/S: Những câu truyền miệng được Chăm và Raglai minh chứng thêm cho mối quan hệ thân tộc này:
Cam Sa-ai, Raglai adei/ Chăm chị Raglai em.
Cam saung Raglai yuw adei ai sa tian/Chăm với Raglai như hai anh em ruột.
Cam xakarai, Raglai dalikal / Chăm sành triết lý, lịch sử – Raglai rành truyện cổ tích xưa.
Raglai anưk taluc patau/ Người Raglai là con út quốc vương ( Có thể là con của Mẹ xứ sở Po Nagar )

2017/11/12

Căn Nhà Dài Cuối Cùng Của Người Mạ Tại Xã Lộc Nam / Tán Gẫu

Căn Nhà Dài Cuối Cùng Của Người Mạ Tại Xã Lộc Nam – Bảo Lộc, Lâm Đồng
Jaya Thiên
***
Bầu Trời Lộc Nam chiều cuối năm
Trước khi đi vào bài viết xin nhắc lại thời điểm mà tôi đã được nhìn ngắm căn nhà Dài cuối cùng ấy. Đó là vào thời điểm cuối năm 2013, tiết trời se lạnh kèm những cơn mưa phùn…Căn nhà Dài ấy tại xã Lộc Nam – Bảo Lộc, chủ nhân là một anh tuổi trung niên, sống một mình, có đôi mắt sâu thẩm như muốn hút cả nỗi buồn của đại ngàn tây nguyên.

Căn Nhà Dài " Đang Ngắn lại theo Thời gian "
***
Tộc người Mạ xưa kia vốn là cư dân bản địa của cả vùng Đồng Nai Thượng, sống xen kẽ giữa hai vương quốc Chân Lạp và Champa. Sử dụng hệ ngôn ngữ Môn-K`hmer. Nay tập trung nhiều ở các vùng từ Đơn Dương đến Bảo Lộc, một số ở khu vực Đồng Nai giáp với Lâm Đồng.
Đời sống sinh hoạt của tộc người Mạ gắn liền với đại ngàn, chất phát, tự nhiên và hoà nhịp với núi rừng. Họ trú ngụ, sinh hoạt quanh bếp lửa nhà Dài.
*** Ngôi Nhà Dài: Là loại nhà sàn cao từ 0.8m – 1.2m. làm bằng các vật liệu tự nhiên được khai thác quanh nơi cư ngụ. Mỗi căn nhà Dài là đại diện cho một đại gia đình nhiều thế hệ cùng sinh hoạt chung cùng bếp lửa chính. Ban đầu chỉ là một đơn vị nhỏ cho thế hệ đầu tiên, về sau căn nhà Dài càng được nới ra theo chiều dài tương ứng với các “ gia đình “ ( sau khi các thành viên thế hệ đã lập gia đình ), nhưng cho dù nhà dài có dài đến 70-80m đi chăng nữa thì vẫn quay quần chung cùng một bếp lửa tổ tiên.
1. Hệ kết cấu: Cấu tạo hệ khung ngôi nhà đơn giản hệ vì cột, mỗi vì gồm hai cột cái chôn thẳng xuống đất bằng các loại gỗ tốt, sâu khoảng 0.4m, tổng chiều dài ngôi nhà khoảng 4,5-7m.
+ Hệ sàn bằng gỗ, các các thanh ngang được ngàm vào lỗ mộng với cột chính, và xiết chặt lại bằng dây mây rừng đã qua xử lí. Tấm sàn được làm từ tre hay lồ ô được chẻ đôi và dập nát thành các tấm sàn và được buộc chặt theo từng mảng trên hệ thanh ngang của sàn bằng loại dây mây rừng.
+ Hệ hai mái, không có vì kèo, đôi khi có thêm hai mái phụ nơi đầu hồi. Hệ khung lợp mái đc làm từ các thanh Tre, Là A, Lồ Ô được buộc chặt và đặt trực tiếp lên thanh đòn dong chính nối qua hệ vì cột. Tấm lợp được đan bện từ các loại cỏ lau, tranh rồi buộc chặt lên hệ khung mái ấy bằng kĩ thuật buộc dây rừng đặc biệt của tổ tiên,…
+ Hệ bao che bằng những tấm phên tre, hay bằng tấm cỏ tranh được bện chặt lại thành từng tấm và lợp theo kĩ thuật vảy xương cá ( chắc chắn, giữ được sự ổn định và không tạo ra các khoảng thiếu hụt,…)
+ Nhà Dài [ dù dài cỡ nào ] thì chỉ có hai cửa đi lại đặt cạnh hai đầu hồi. Cửa chính hướng nhìn ra khoảng đường lộ, là lối dành cho khách và đàn ông, cửa còn lại dành cho các người nữ trong gia đình. Có hai thang lên nhà bằng gỗ.
+ Nhà dài không có cửa sổ.
Sàn Cao với hệ cột chính được chôn sâu xuống đất. Bên dưới được tận dụng làm nơi chứa củi,...

2. Vật Liệu:
Tất cả vật liệu được sử dụng để xây dựng ngôi nhà đều là các vật liệu xây dựng địa phương, có sẵn tại nơi cư trú, thân thiện với tự nhiên, phù hợp với đặc tính khí hậu và sinh hoạt tộc người Mạ. Các vật liệu này khi khai thác về đều phải trải qua các công đoạn xử lí kĩ thuật riêng nhằm tăng tuổi thọ vật liệu, tận dụng hết các đặc tính vật lí của vật liệu, mỗi căn nhà dài như vậy có thể tồn tại cả tram năm, với chu kì thay, bảo trì lớp áo bảo vệ như vách che, mái định kì tối thiểu 5 năm/ lần. Các bộ phận khác hầu như không phải tu dưỡng, thay mới gì,…
Các loại vật liệu hay sử dụng như: Tranh, tre, lồ ô, là a, vầu, bương, gỗ tram, ổi rừng, cẩm lai,...các loại dây rừng như song, dây mây,…
3. Không gian bên trong ngôi nhà Dài:
Không gian bên trong ngôi nhà Dài quan trọng nhất là bếp lửa vuông. Sẽ có nhiều bếp lửa phụ ( bếp phụ nữ ) tuỳ theo số lượng gia đình thành viên trong căn nhà Dài ấy, nhưng sẽ chỉ có 1 bếp lửa chính, loại bếp vuông, với mỗi cạnh vuông dài khoảng 0.4m (1 heeh ) được làm trực tiếp lên sàn tre, các cạnh được viền lại bởi các thanh gỗ chắc chắn, tạo thành một khung bếp, bên trong là những lớp tro bởi thế sàn nhà được cách nhiệt và chống cháy. Trên bếp là “Đor” dùng hong lương thực. Cạnh bếp lửa chính là “Nào” nơi thiêng liêng, nơi tổ tiên ông bà,…treo cạnh là các chiêng ché quý.
Trong ngôi nhà Dài ấy ta thấy nhiều nhất là các ché rượu cần, cũng là gia tài của ngôi nhà. Trong không gian ấy còn treo các vật dụng, dụng cụ sinh hoạt truyền thống của tộc người Mạ như các dụng cụ xe chỉ, dệt vải, các dụng cụ đi rừng, săn cá, các gùi đeo lưng,…
Các thành viên sau buổi làm việc thì không gian bếp lửa là nơi mà các thành viên quay tụ lại, từ căn bếp ấy các câu chuyện của đại ngàn, của cha ông từ buổi khai sơ được truyền khẩu qua trăm ngàn khẩu tích với lối kể chuyện trời phú không lẫn nơi đâu được.

Trẻ em Mạ

4. Tán Gẫu:
+ Được nhìn ngắm căn nhà Dài, ngồi trong không gian của nó, bên tách trà đắng, lắng nghe những câu chuyện của chủ nhân xung quanh căn nhà Dài ấy quả thật ấm dưới tiết trời có đôi chút lạnh, nhưng cũng không khỏi lạnh và chạnh long khi biết rằng đây là sẽ là căn nhà Dài cuối cùng tại nơi đây, và chỉ sau vài tháng ( bước qua năm mới 2014 ) anh sẽ được nhà nước “ quy hoạch “ cho mình một căn nhà xây nhỏ theo diện nhà tái định cư theo nghị định của chính phủ ban hành “ cao nguyên mới “ [ xưa kia ta ở giữa đại ngàn nên cũ quá rồi, cần phải mới, nên giờ đại ngàn chả còn bóng cây]. Sau nhiều năm anh từ chối căn nhà xây của chính phủ để trú trong căn nhà Dài mà còn nghe mùi khói bếp, trong khi cộng đồng của anh đã từ lâu sống trong mấy căn nhà xây ọp ẹp mà khói bếp lạnh tanh. Anh đã cố giữ cái không gian riêng ấy của mình, của tộc mình, nhưng có lẽ anh chẳng còn hơi sức nữa bởi nhiều lí do. Có thể nhận thấy điều ấy trong đôi mắt sâu thẳm của anh.
+ Một vài dự án “ ma quỷ “ được đưa ra kiểu như quy hoạch lại không gian văn hoá truyền thống của tộc người Mạ trong suốt thời gian qua thật khôi hài. Vì không gian văn hoá bản địa không thể để các ngài ngồi vẽ và quy hoạch được sau khi các ngài đã phá nát đại ngàn và làm dự án “ quy hoạch cao nguyên mới “ đồng nghĩa với cụm “ quy hoạch nông thôn mới “.
+ Một vài nhà Kiến trúc sư hay làm văn hoá cho rằng nhà người Mạ không có cửa sổ nên tối tăm và tù túng. – Tôi cho rằng mấy vị này thuộc loại ăn nói thô thiển thiếu văn hoá và không hề có chút kiến thức hay kinh nghiệm bản thân nào về đặc trưng văn hoá bản địa Tây Nguyên, chưa bao giờ ngủ và ăn dầm ngủ sàn tại vùng đất này vào những thời điểm quan trọng của năm trong một chu kì. Bởi kiểu hình không gian văn hoá, nhà cửa được sinh ra từ đặc trưng của khí hậu địa phương.
+ Có các dự án, hay nhận định của các nhà kiến trúc lẫn văn hoá cho rằng kiểu dáng ngôi nhà, không gian nhà Dài đơn điệu, không hợp thời, nên có một tham vọng lớn là cải tạo, sáng tạo chúng…Tôi cho rằng các vị không nên đụng tới bất cứ thứ gì đã vốn có, đã ăn sâu vào cái hồn của người Mạ hay bất cứ không gian truyền thống nào. Bởi ngôi nhà hay không gian văn hoá ấy không phải là ngôi nhà hay là một không gian đơn giản khác, mà nó đã là cái linh hồn của họ. Xin các ngài đừng chạm vào linh hồn ấy.
+ Và còn nhiều,…Nhưng xin tạm gác lại.
+ Nói tóm lại chúng ta không có quyền làm thay đổi hiện trạng của chúng, hãy để chúng tự do biến chuyển. [ DIỆT - SINH ] thuận theo tự nhiên mà thành.
P/S: Đây không phải là căn nhà Dài cổ xưa. Là căn nhà Dài được dựng lại với tất cả khả năng và những nguyên vật liệu có thể khai thác được mà không bị chính quyền bắt mà anh chủ nhà có thể dựng được.
Chủ nhân ngôi nhà
Căn nhà Dài với lối lên đơn giản


Bếp lửa chính với giàn treo dùng đặt và hong khô lương phẩm
Các vật dụng sinh hoạt hằng ngày và các ché rượu cần


Dụng cụ se tơ - kí ức thời gian



Dụng cụ đi rừng trên sàn tre
Vài cặp sừng Trâu


Bếp vuông


Tình Trạng Xuống Cấp Nghiêm Trọng Của Dự Án Phục Dựng Khuôn Viên Nhà Truyền Thống Người Chăm Trong Khuôn Viên Tháp Poklong Garai

Tình Trạng Xuống Cấp Nghiêm Trọng Của Dự Án Phục Dựng Khuôn Viên Nhà Truyền Thống Người Chăm Trong Khuôn Viên Tháp Poklong Garai

Jaya Thiên

***


Dự án Phục Dựng Khuôn Viên Nhà Truyền Thống Người Chăm trong khuôn viên Đền Tháp Poklong Garai tuy chưa trụ qua được một mùa nắng xứ này thì đã rụng què ngay dưới chân Tháp. Xin miễn bàn về kinh phí – mục đích dùng để thực hiện một dự án cỡ bự kiểu duy – trùng – phục di tích kiến trúc cổ, mà chỉ xin góp vài lời chủ ý của kẻ tắm nắng, nhón từng bước chân mèo với tậm trạng cảnh giác cao độ để cố gắng ghi lại vài hình ảnh bên trong các đơn vị nhà này, nhân dịp về thăm xứ nắng. Và cũng là tình trạng chung của các dự án phục dựng khác tại Việt Nam.
Tại Việt Nam hiện nay chưa có một chương trình, trường lớp nào đủ tầm để nặn ra một khoa Bảo Tồn – Phục Dựng Di Tích Kiến Trúc Cổ. Nhũng người hiện đang kiêm nhiệm vụ này hầu hết là những tay ngang, vớt vát một vài chiêu che mắt thiên hạ qua những lần đổi trâu bán bò để học được vài thủ thuật này. Các thủ thuật này được xây dựng trên nền tảng: Phá Nát Bét Di Tích.
Khuôn Viên Nhà ở Truyền Thống Của Người Chăm thuộc dạng công trình Kiến Trúc Gỗ. Vậy có những nguyên tắc vàng nào cần ghi nhớ nào trong Kiến Trúc Gỗ:
+ Xác định được Tầm quan Trọng của Kiến Trúc Gỗ
+ Tính Đa Dạng của Kiến Trúc Gỗ
+ Chủng loại – Chất lượng Gỗ
+ Tính dễ Tổn Thương
+ Tình Trạng ngày càng hiếm hoi các dạng Kiến Trúc Gỗ này
+ Sự Đa Dạng của các biện pháp và các xử lý Truyền thống lẫn Hiện đại.
+ …
***
NHỮNG ĐIỂM SAI VÀ TÌNH TRẠNG XUỐNG CẤP TẠI KHUÔN VIÊN NÀY:
*** Về Bố Cục Không Gian:
- Bố cục không gian chật hẹp không đủ để dựng đầy đủ các đơn vị nhà truyền thống mặc dù phần đất đủ thùa.
- Chăm quan trọng nơi cổng vào, nhưng trong dự án này ta có thể thấy cách bố trí cổng đập mặt ngay vào mạn sườn ( thọc mạn sườn ) của “ nhà “ không rõ “ nhà “ gì ngay tại vị trí đáng lẽ là vị trí của đơn vị Sang Tôn.
- Bố cục Sang Mưyâu sai hướng. Lẽ ra hướng chính sẽ quay mặt nhìn mặt Sang Tôn.
- Bố cục Sang Gar, Sang Yơ, Sang Mưyâu rời rạc không liên kết liền mạch tạo ra một không gian một không gian khép kín, kết nối nhau bởi các lối hành lang và lối cửa thông nhau.
*** Về Vật Liệu, Biện Pháp Thi Công:
- Vật liệu chủ yếu để tạo dựng một không gian kiến trúc này bao gồm các vật liệu cơ bản sau: Gỗ, Đá, Hỗn Hợp Đất Sét, Tre, Rơm rạ, Dây rừng ( Dây Mây,…). Nhưng sau khi khảo sát thì ta thấy Dự án sử dụng các loại gỗ tạp, kém chất lượng để làm Kết cấu Cột.
- Đá dùng để đỡ các chân cột này thuộc loại đá tạp, không đồng nhất, không nguyên khối,…Tổng khối lượng Đá để phục vụ Dự án này chưa tới trăm viên, và có thể dùng loại đá Xanh có thừa tại địa phương với giá 7k/viên + Đảm bảo đẹp. Nhưng tìm xanh con mắt tại dự án này vẫn không thấy viên nào.
- Đất sét trộn rơm được thay bằng hỗn hợp: đất sét ít hàm lượng Lanh ( không đủ tiêu chuẩn ) trộn ít rơm + Cát + Xi Măng ( Kĩ thuật pha trộn này tôi mới thấy lần đầu ).
- Vỏ bao che bên ngoài bằng đất sét trộn rơm được thay bằng đất sét ít hàm lượng Lanh ( không đủ tiêu chuẩn ) trộn ít rơm + Cát + Xi Măng ( Kĩ thuật pha trộn này tôi mới thấy lần đầu ). Hệ khung xương được đan bằng tre chẻ, được buộc bằng dây rừng tạo thành các ô vuông có kích thước khoảng 20x20cm được thay bằng hệ thanh xương rời rạc, kích thước các ô vuông lớn hơn 30cm buộc lại bằng sợi thép.
- Hệ khung sàn cách đất tại dự án được tận dụng lại các thanh xà gồ tạp, kém chất lượng, sàn lót ván bằng gỗ Cốt Pha được dùng làm Cốt Pha trong các công trình xây dựng hiện nay, chỉ dùng được 1 lần rồi bỏ. Hệ vách ngăn các không gian các phòng cũng được dùng loại ván Cốt Pha này.
- Hệ mái sơ xài, không đúng quy cách, các thanh xà gồ, li tô được tận dụng triệt để từ các thanh xà gồ tạp, ván Cốt Pha,…
- Không gian Bếp sai, và cái sai trầm trọng nhất là vị trí – quy cách bếp lửa.
- Lại kèm vài cây que sắt làm cây Thu Lôi,…
- V.v…
Quy Cách – Phương Pháp Phục Dựng tại Dự án này không tuân thủ được những tiêu chí vàng, không tôn trọng giá trị phục vụ, không có sự đồng bộ trong việc lựa chọn vật liệu, đặc biệt là loại kết cấu Gỗ với kĩ thuật ghép mộng, phương pháp thi công sơ xài, với các liên kết bằng cách đóng đinh, siết bulông,…Không xử lý theo kĩ thuật truyền thống,…
*** Để chỉ ra hết các điểm sai ( sai nghiêm trọng ) của dự án này về mặt Công Trình hiện hữu thôi đã không đủ thời gian, chứ chưa kể đến mặt Giá Trị Văn Hoá, Triết Lý của một khuôn viên Chăm. Nên xin trích vài hình ảnh để cho mọi người nghía qua cho nhanh gọn. Mọi thắc mắc hay ý kiến trao đổi thêm sẽ xin trả lời vào một ngày mát trời.
Cổng vào!!!


Vài thanh sắt nhô lên làm cột thu lôi chống sét!!! Có tác dụng!!!

Sàn lót bằng cốt pha rẻ tiền dùng 1 lần trong xây dựng dễ mục nát

Bếp!!! Sai với quy cách bếp Chăm, sàn bếp là sàn đất và tiếp đất.


Hỗn Hợp đất sét không đúng tiêu chuẩn quy cách,...

Các Thanh Lam che được liên kết bằng Đinh thay vì Đục Lỗ Ngàm( Phản Kĩ Thuật lắp ghép gỗ )

Vị Trí Sang Mưyâu sai hướng

Dòng Cảnh báo về tình trạng Dự Án

Có thể nhìn rõ hệ khung xương lớp vỏ bao che