Bài 1: 𝐊𝐇𝐀̉𝐎 𝐒𝐀́𝐓 𝐌𝐎̂́𝐈 𝐓𝐔̛𝐎̛𝐍𝐆 𝐐𝐔𝐀𝐍 𝐆𝐈𝐔̛̃𝐀 𝐂𝐀̣𝐍𝐇 𝐘𝐎𝐍𝐈 𝐕𝐎̛́𝐈 𝐂𝐀̣𝐍𝐇 𝐓𝐔̛𝐎̛̀𝐍𝐆 𝐓𝐑𝐎𝐍𝐆 𝐓𝐇𝐀́𝐏 𝐂𝐇𝐀𝐌𝐏𝐀
(Tác giả: Lê Trí Công – Jaya Thiên)
Trong các nghiên cứu về kiến trúc đền-tháp Champa, cho đến nay chúng ta chỉ biết đến các đề tài giới thiệu về phong cách kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc đền-tháp. Ngoài các bài viết mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu khái quát về mối tương quan giữa toán học và kiến trúc thông qua bài: “Vũ trụ quan đền tháp Champa; Tỉ lệ vàng và module cơ thể người trong kiến trúc Champa”. Thì, hiện nay chúng ta vẫn chưa biết đến, hay có một nghiên cứu/bài viết cụ thể nào đề cập đến mối tương quan giữa toán học và nghệ thuật kiến trúc Champa. Nay, chúng tôi với tham vọng và muốn dẫn dắt các bạn đến với một góc nhìn khác trong đề tài nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc Champa và cũng chỉ ra công thức hạt nhân trong đề tài nhỏ này.
Kiến trúc đền-tháp Champa được biết như một cách hiểu biết của người Champa về vũ trụ/biểu diễn sự hiểu biết về vũ trụ dưới dạng một đồ án kiến trúc, hay mối tương quan giữa con người Champa với vũ trụ đó, tương ứng giữa một Atman với Bharman, đó chính là biểu hiện của sự hiểu biết về một “Triết học Champa”.
Trước khi đi đến chi tiết của bài viết, chúng ta cùng điểm lại những tri thức dân gian đã và đang được áp dụng như một gợi mở về một ý niệm mà ở đó bí mật đang được cất giấu bên trong. Trong các văn bản được lưu truyền về câu chuyện sáng thế kỷ về người mẹ xứ sở Po Ina Nagar, trong đó các gợi ý về những con số, cấu trúc của các ngôi sao, hành tinh để tạo thành một Po Ina Nagar hay nói cách khác, chính Po Ina Nagar là biểu tượng đại diện cho vũ trụ này.
Hay như câu lưu truyền “Cham ngak Bimong di batuk ahaok” tạm dịch “Người Cham dựng đền ở/tại sao Thất tinh”. Và có lẽ sự thất truyền đã khiến chúng ta hiểu không đầy đủ trọn vẹn văn bản của nó để mà sự diễn giải của chúng ta chỉ trong phạm vi hạn hẹp về một ý niệm phương hướng lấy nhóm sao Thất tinh làm chủ để xác định hướng Bắc cùng với sự xuất hiện của Mặt trời để xác định được hai trục quan trọng để xác định rõ về phương hướng Bắc-Nam, Đông-Tây, hay cấu trúc gồm 7 ngôi sao chính và 2 ngôi sao phụ hợp thành một cấu trúc năng lượng chủ hay trung tâm năng lượng (chú ý con số 7-9). (Chúng tôi sẽ diễn giải nó ở một bài viết khác).
Người Cham quan niệm mỗi con người chúng ta tự là một toà tháp Kalan, nó tương ứng vớ sự hiểu biết của chúng ta về mối tương quan giữa con người và vũ trụ hay giữa một Atman với Brahman, thông qua “sợi chỉ thông thiêng”.
Những nguyên tắc bắt buộc về kích thước được quy định rõ ràng từ việc xây dựng nhà cửa, xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng như dựng Kut, dựng rạp, nhà lễ cho các đám của người Cham hay ngay cả trong những vật dụng sinh hoạt đều áp dụng tỉ lệ cơ thể người làm chuẩn.
Đó là cái căn bản để đi vào sự hiểu biết về kiến trúc đền tháp Champa. Mà ở đó, sự hiểu biết về con người, về cái bản thể mà tỉ lệ kích thước của nó được xem như một cấu trúc hoàn chỉnh để biểu diễn sự hiểu biết của chúng ta về cấu trúc vũ trụ thông qua một đồ hình tổng thể của kiến trúc đền tháp.
Kiến trúc đền-tháp Champa với đồ hình vuông hay chữ nhật đối xứng được phát triển từ một hình vuông cơ sở theo một tỉ lệ (công thức) nhất định khiến cho tổng thể hài hoà cân đối tương ứng với tỉ lệ con người, mà ở đó việc xác định được hạt nhân căn bản chính là điều quan trọng nhất. Hay có thể nói hệ đơn vị hạt nhân này được lựa chọn dựa trên kích thước của người được lựa chọn, hay theo kích thước của vị thần chủ mà dựa vào đó người chủ trì công viêc thiết kế sẽ tính toán để đưa ra một đồ hình tương ứng với vũ trụ quan.
Trong bài viết ngắn này chúng tôi cố ý muốn đưa ra mối tương quan tỉ lệ giữa đơn vị Yoni với cạnh trong của kalan chính. Dựa trên các bản vẽ của Henri Parmentier đã đo vẽ khảo tả thực địa ngay tại thời điểm của ông, chúng tôi đưa về tỉ lệ 1/100 và biểu diễn lại bằng phần mềm ACad.
Ở đây chúng tôi sử dụng phương pháp hình học dây để xác định được các đường tròn đồng tâm và các hình vuông nội-ngoại tiếp nó như một cách thực hành vẽ một mandala biểu tượng. Trong phương pháp này chúng tôi chọn cạnh của hình vuông Yoni như một đơn vị ban đầu, cũng như thể chính tâm của Yoni này là tâm điểm của đồ hình Mandala này vậy.
Theo phép vẽ này chúng ta có được cạnh hình vuông nội tiếp = 1/√2 kích thước cạnh hình vuông ngoại tiếp, bằng phép vẽ liên tục chúng ta tìm được cứ mỗi lớp đường tròn đồng tâm ta lại có mỗi lớp 1/√2 tương ứng. Hay có thể nói đây là tính bao hàm của triết lí, hệ số tỉ lệ toán học.
Kết quả chúng tôi thu được khi thực nghiệm bằng phép vẽ này đối với những ngôi tháp đã chọn cho ra kết quả được biểu diễn như sau:
• Mỹ Sơn A1, Pode Nagar Nha Trang, MS C1, MS E4, MS F1, MS A, Phố Hài : Cạnh Yoni = Cạnh hình vuông nội tiếp thứ 4 = 1/√2 x1/√2x1/√2x1/√2 =1/4 Cạnh lớn trong.
• MS C3, MS E5 , MS G1, Yang Mum , MS B4 , MS A10: Cạnh Yoni = Cạnh hình vuông nội tiếp thứ 3 = 1/√2x1/√2x1/√2 =1/2x 1/√2 Cạnh lớn trong.
• MS E1, MS C7: Cạnh Yoni = Cạnh hình vuông nội tiếp thứ 5 = 1/√2x1/√2x1/√2x1/√2x1/√2 =1/4x1/√2 Cạnh lớn trong.
Cũng với phương pháp này chúng tôi tìm ra tỉ lệ tương ứng để xác định được kích thước tường bao ngoài cùng của khuôn viên đền tháp. Ở đây chúng tôi thực nghiệm đối với đền tháp Po Klong Garai.
Hiện nay, tri thức về kĩ thuật xây dựng đền-tháp Champa đã thất truyền, tuy nhiên rải rác những mảnh ghép về sự hiểu biết tri thức này đang còn ẩn chứa qua những kinh kệ, nguyên tắc hành lễ đang được hậu duệ Champa duy trì và việc tuân thủ các nguyên tắc đó đảm bảo tính bảo tồn nguyên vẹn, đặc biệt việc tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc về đo lường đảm bảo cho đồ án kiến trúc-xây dựng đảm bảo tính hài hoà cân đối và nhờ đó nó được bảo tồn ổn định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét