Pics

Pics

2018/01/21

CON RÙA THÀNH SIMHAPURA ( Trà Kiệu ) - Jaya Thiên

CON RÙA THÀNH SIMHAPURA ( Trà Kiệu )
Jaya Thiên
P/s: Những sự kiện gần đây, nhất là khi biết tin Cha AnTôn Nguyễn Trường Thăng đã về nước Trời, một người nặng lòng với Champa, khiến mình nhớ đến Trà Kiệu, nhớ đến con Rùa thành Simhapura.
***
Theo lời Cha AnTôn Nguyễn Trường Thăng , vào thập niên 1980 khi Cha làm tại giáo xứ Trà Kiệu thì có sưu tập lại được một con Rùa đất nung từ đám trẻ con trong vùng, bên trong con Rùa có chứa những viên đất nung nhỏ, tuy con Rùa đã bị bể nhưng theo đám trẻ con ấy cho biết bên trong tổng cộng gồm có 52 viên đất nung.
Đến nay, bí ẩn về con Rùa Simhapura này vẫn chưa lời giải đáp. Và nay mình xin viết đôi lời “giải” và giới thiệu đến con Rùa Simhapura này.
Di tích kinh thành Simhapura nằm ở làng Trà Kiệu, tổng Mậu Hòa, phủ Duy Xuyên, nay là xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng 30km về phía nam, nằm bên cạnh tỉnh lộ 610.
Con Rùa đất và những viên đất bên trong

Bụng dưới Rùa đất và những kí hiệu
- Bal Simhapura tức kinh thành Sư Tử, Trà Kiệu là nơi đặt kinh đô của vương quốc Lâm Ấp từ khoảng năm 605 đến năm 757, với tên gọi là Simhapura, là một kinh thành nằm trong tiểu quốc Amaravati của Champa xưa, một trong 5 tiểu quốc của vương quốc Champa và người đặt đô đầu tiên ở đây là vua thứ 9 Vikrantavacman II, thuộc dòng Gangaraja trị vì từ thế kỉ 3 đến giữa thế kỉ 8. Kinh thành nằm dọc bên dòng sông Thu Bồn, phía đông nhìn thấy đảo Cù Lao Chàm, phía tây nhằm hướng thánh địa Mỹ Sơn tạo thành một trục thẳng hàng. Nay Bal Simhapura chỉ còn lại những phế tích, những nền móng đang dần bào mòn bởi thời gian. Nhưng, theo nhận định của J.Y.Claeys (Trường Viễn Đông Bác cổ của Pháp ở Hà Nội) người chỉ đạo cuộc khai quật kéo dài 10 tháng vào năm 1927-1928 thì trong thành có một nền móng của một ngôi tháp lớn, dựa trên bề mặt móng gần vuông khoảng 10m x 10m thì có thể đoán được toà tháp cao đến 40m, và được xem là toà Tháp cao nhất khu vực Đông Nam Á.
- Trong cuốn Thủy Kinh Chú của Lý Đạo Nguyên người Bắc Ngụy viết vào thế kỷ thứ 7 có mô tả về thành Simhapura như sau: “Thành ấy ở phía tây khúc sông là kinh đô Lâm ấp, lập ở Điển Xung, cách bờ biển 40 dặm. Về phía tây nam giáp núi, phía đông bắc trông ra sông. Nhiều lớp hào bao quanh chân thành, và bên ngoài các hào về phía đông nam sông chảy men bờ thành. Bề đông tây của thành thì dài, bề nam bắc thì hẹp. Phía bắc, sông uốn khúc chảy từ đông tây vào thành. Chu vi 8 lý 120 bộ. Thành xây gạch cao 2 trượng, trên thành có tư-ờng gạch cao 1 trượng, trổ lổ vuông, trên dựng ván, trên ván có gác cất lên, trên gác có mái, trên mái có lầu, lầu cao thì sáu, bảy trượng; lầu thấp thì bốn, năm trượng… Cách kiến trúc mạnh nhưng vụng… Trong thành lại có thành nhỏ chu vi 230 bộ. Nhà họp và điện ngồi đều không trổ cửa về phương nam…”. (Trích Quảng Nam – Đà Nẵng NXB Văn học năm 1983).
- Văn hoá Champa chịu ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ, hệ thống Trimuti ( Shiva – Vishnu – Brahma ) là tập hợp ba vị thần vĩ đại được Champa tiếp nhận và xem như là những vị thần bảo hộ cho vương quốc, trong đó hệ phái Shaiva tức thờ Shiva được đề cao hơn cả, tiếp đến là phái Vaishnava thờ Vishnu, mờ nhạt nhất là thần Brahma.
Các hiện vật, các cuộc khai quật nghiên cứu về Kinh thành Simhapura cho ta biết tại đây có dấu ấn của việc tôn thờ cả Shiva và Vishnu đồng thời. Nhưng, chỉ riêng tên gọi Simhapura ( Sư Tử ) thôi đã cho ta gợi ý rằng vương quốc đã chọn Vishnu là thần bảo hộ cho vương quốc và vương quốc chọn theo hệ phái Vaishnava thờ thần Vishnu. (Nhân sư Narasimha là hóa thân của Vishnu nhằm tiêu diệt vua quỷ Hiranyakasipu ngạo mạn (anh của quỷ Hiranyaksa) chuyên gieo rắc tai họa cho trần thế). Các bia kí thu thập được trong giai đoạn này và các hiện vật khảo cổ cũng đã bổ sung, xác nhận về việc thờ thần Vishnu tại Simhapura đã thật sự lớn mạnh, có phần chiếm ưu thế hơn Shiva.
Và,
Theo sự ghi chép của một tu sĩ Dòng Phan Sinh ( Franciscain ), tên là Odoric Pordenone, trên đường từ Ấn Độ đi Trung Quốc, Nhật Bản, có ghé qua Dondiin khoảng giữa những năm 1318-1321 và nói là đã thấy ở đó “nhiều điều kỳ lạ như cá tới thần phục nhà vua, 14.000 con voi gia dụng và một con rùa lớn hơn gác chuông nhà thờ thánh Martin ở Padoue” và có người cho rằng Dondiin là Bình Định, và ông vua có quyền lớn kia là Vua Chiêm Thành Thế Anan ( 1318 -1343). ( Trương Bá Cần. Lịch sử Phát triển công giáo ở Việt Nam. Tập I. Hà Nội 2008. trang 22.) ==> Tất nhiên số lượng Voi, kích thước Rùa chỉ là sự phóng đại nhưng cũng cho ta biết tầm quan trọng của nó hiện diện trong kinh thành Simhapura.
Bản đồ khai quật Trà Kiệu của Claeyes, đăng trong tạp chí Viễn đông Bác cổ, số 27, năm 1928

Nhắc lại các dữ kiện trên là để xác minh rõ hơn về việc chọn Vishnu là vị thần bảo hộ cho vương quốc mà Thành Simhapura ( Trà Kiệu ) là trung tâmcủa tiểu quốc Amaravati ( Champa ).
Quay lại với con Rùa Simhapura, con Rùa tiếng Chăm gọi là Kara, tức Kurma là một hoá thân của Vishnu, giúp các chư thần vớt các bộ kinh vĩ đại, chở hòn núi Mandara khuấy động biển sữa, hay cõng trên lưng mình bốn con voi đang nâng đỡ thế giới.
Rùa xuất hiện nhiều trong văn hoá lẫn tâm linh của người Champa. Là biểu tượng mang tính âm, sắc xanh của Rùa mang ý nghĩa của sự sinh sôi, mang một sự điềm tĩnh, hiền dịu, sự từ bi. Và, Kurma hoá thân của Vishnu để cứu vớt chúng sinh, bảo vệ muôn loài dưới sự huỷ diệt của các loài quỷ ác,…
Đi vào chi tiết về con Rùa đất Simhapura này ta thấy, mai Rùa (bầu tròn) là hiện thân của vòm trời, bụng Rùa phẳng tượng trưng cho Mặt đất ( địa cầu, đại dương ), bụng Rùa là một khoảng không rỗng đó chính là khoảng không gian nằm giữa Mặt đất và vòm trời. Ba phần ( cõi ) này tạo thành một cấu trúc về một không gian và thời gian của Vũ trụ cơ bản. Nhưng bao hàm trong đó, tổng thể của nó chính là một cái Bào Sinh tạo ( Mẹ ) biểu tượng cho sự sáng tạo sinh nở.
Nhưng chính biểu tượng vòng xoáy đồng tâm trên bụng Rùa mới chính là biểu tượng để nhận diện rõ ràng nhất mà Rùa mang theo. Đó là cái vòng xoắn ốc răng cưa, đó chính là vòng xe ( một trong những vật biểu tượng của Vishnu cầm bên tay phải của mình ) là biểu tượng cho quyền năng của sự Sinh Tạo của mình, vòng xoắn này xoay đồng tâm tạo thành 8 vòng xoắn , 8 vòng xoắn này tạo thành 7 khoảng không gian bên trong, đó chính là một chu kỳ 7 ngày của một tuần ( là chu kỳ 1 Tuần ), mỗi ngày trong một tuần là một hoá thân mới của Vishnu ( chu kỳ ngày, đơn vị chu kỳ nhỏ hơn bao gồm ngày và đêm ), tâm Rùa tức tâm của vòng xoắn Sinh tạo này là một biểu tượng của một cánh Sen nở là biểu tượng năng lượng Mặt trời truyền năng lượng cho sự Sinh Tạo kia. Từ tâm Rùa ( lỗ rốn của Vishnu ) sinh ra Brahma trên một cây Sen đời sống để trở thành loài người đầu tiên ( Brahma dản sanh ). 52 viên đất chứa trong bụng Rùa chính là 52 tuần, đại diện cho một chu kỳ thời gian 52 tuần trong năm, Ngày - Tuần – Năm này chính là một chu kỳ cơ bản nhất trong một chu kỳ thời gian bao hàm hơn mà Vishnu tạo ra trong quá trinh Sinh Tạo. Ta cũng có thể tìm thấy chu kỳ thời gian này trên biểu đồ lịch pháp mà người Chăm hiện nay đang sử dụng đó là hệ thống lịch Sakawi.Như vậy, Rùa Simhapara chứa trong mình ý nghĩa của sự Sinh Tạo, bảo hộ duy trì ổn định trật tự thế giới. Là hiện thân của Vishnu mà Kinh đô Simhapura chọn làm vị thần bảo hộ cho vương quốc.
Vòng xoắn Sinh Tạo có trong các bản minh văn Chăm
Vòng xoắn Sinh Tạo có trong bùa chú Chăm

Vòng xoắn lịch Sakawi có nơi bụng Rùa

Một đầu ngói Chăm biểu tượng Cánh Sen nở có trên bụng Rùa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét