Pics

Pics

2017/04/12

CẤU TRÚC LÀNG , NHÀ CỬA TRUYỀN THỐNG NHẬT BẢN – CHĂMPA. NHỮNG NÉT TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT.

CẤU TRÚC LÀNG , NHÀ  CỬA TRUYỀN THỐNG NHẬT BẢN – CHĂMPA.
NHỮNG NÉT TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT.

Jaya Thiên

2015/12 – Yamagata, Japan.
           
            

        Cơ cấu Làng, cấu trúc của ngôi nhà nhìn chung đều dựa vào điều kiện môi trường  tự nhiên, nơi ở đó con người quần tụ lại sinh sống  và canh tác. Chính yếu tố này mà hình thành nên cái cốt lõi văn hoá, tập quán sinh hoạt của cộng đồng nơi đó. Trong đó có cơ cấu làng mạc và nơi trú ngụ thích nghi sao cho đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng ấy.

1.    VỀ TỔ CHỨC LÀNG .
Sự hình thành làng mạc như đã nói là dựa vào điều kiện môi trường ( Bao gồm địa hình và khí hậu,…) mà hình thành nên cái đặc trưng làng mạc ấy. Sự hình thành làng mạc này nhìn chung do nhu cầu quần cư lại để cùng canh tác, sản xuất và bảo vệ, hỗ trợ lẫn nhau để chống chọi với thiên nhiên mà hình thành nên cụm, quần cư lại giữa các gia đình mà dần trở thành đơn vị Làng.

Các đơn vị làng này được hình bởi các tộc họ, có mối quan hệ thân thuộc với nhau, với Chăm thì đơn vị này được tính theo ” Kut”, hay theo nhóm có cùng chung tôn giáo tín ngưỡng giống nhau, các đơn vị nhỏ nhất là quần thể các đơn vị nhà ở tụ cư theo nhóm tộc họ và tín ngưỡng chung ấy nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất hay sinh hoạt cộng đồng tín ngưỡng chung ấy.

Các đơn vị làng ngày càng rộng mở và nhiều hơn do sự phát triển dân số hay việc khai hoang vùng canh tác mới mà từ đó lại hình thành nên những đơn vị làng khác. Những người được tách ra trong làng cũ thường dẫn theo gia đình, bà con thân thuộc đến nơi mới để khai hoang vùng canh tác, từ đó hình thành nên các tộc họ mới.
Sự tương thích với điều kiện canh tác, vùng địa hình đã hình thành nên nhóm làng mang đặc tính tương thích ấy, như làng trung du, làng cao nguyên, làng ven biển,…Góp phần tạo nên sự đa dạng trong cơ cấu tổ chức làng.

Cơ cấu tổ chức Làng dựa trên cơ cấu đặc thù của vùng canh tác, mà canh tác nông nghiệp chính là cốt lõi để hình thành nên cơ cấu tổ chức ấy. Tổ chức không gian tuy có sự khác biệt tuỳ theo địa hình môi trường sinh sống nhưng chủ yếu vẫn dựa trên tổ chức nông nghiệp là nền tảng chính.

Trong cộng đồng tụ cư này tính cộng đồng được nâng cao và có yếu tố quan trọng thể hiện qua các “ Luật – Lệ “ làng, nhằm đảm bảo và duy trì tính khách quan trong sinh hoạt cộng đồng, nó còn thể hiện tính “ tự trị “, tự quản của làng. Mỗi tộc họ, gia đình còn có thêm các điều lệ riêng đối với tộc họ và gia đình riêng của họ. Nó đặt ra các quy chế để các thành viên phải có trách nhiệm với cộng đồng với gia đình, duy trì an ninh, xây dựng, sản xuât ,bảo vệ và gắn kết cộng đồng làng lại với nhau nhằm xây dựng  một cộng đồng bền vững. Các luật – lệ này không mang tính pháp chế ( quyền trị )mà hình thành dựa trên nền tảng đạo đức, phong tục tập quán tín ngưỡng mang tính nhân văn cao, nhằm hình thành một cộng đồng thân thiện, lấy nền tảng đạo đức và tín ngưỡng làm cốt. Bất cứ ai vi phạm sẽ bị luật-lệ này khép tội tuỳ theo mức độ và sự việc mà xử, bị cộng đồng dè biểu mà xấu hổ rời bỏ khỏi làng ấy.

Tính cộng đồng này còn được thể hiện thông qua các nghi thức tín ngưỡng. Tuy có sự khác nhau về mặt tín ngưỡng tôn giáo, nhưng giữa Chăm và Nhật bản vẫn có sự tương đồng thể hiện qua việc thờ cúng ông bà tổ tiên, các vị thần tự nhiên,…Và nhờ có tín ngưỡng như vậy mà các thành viên trong làng có dịp để nâng cao, gắn kết tính cộng đồng lại với nhau qua các dịp cúng lễ, hội hè, tập quán tín ngưỡng chung,…
Trong cộng đồng ấy, họ chọn những ai có uy tín về mặt đạo đức, am hiểu về canh tác sản xuất để đứng ra đại diện làng phân xử, và duy trì cái luật-lệ ấy. Về mặt tôn giáo họ chọn những ai có đạo đức và am hiểu về phong tục tín ngưỡng làm đại diện để duy trì tín ngưỡng. nuôi dưỡng tinh thần của cộng đồng và được truyền dạy cho các thế hệ tiếp để đuy trì tính ổn định ấy.

2.    VỀ NHÀ Ở.
Mô hình cộng cư Làng được hình thành dựa trên đơn vị nhỏ nhất chính là đơn vị nhà ở. Nhà ở đảm bảo sự an toàn, che chở cho con người tránh khỏi các thiên tai tự nhiên hay thú dữ,…Tuỳ vào vùng khí hậu hay địa hình mà con người biết cách xây dựng cho mình một nơi trú ngụ thích hợp nhất. 
Giữa Nhật bản và Chăm có nhiều điểm tương đồng từ khâu chuẩn bị làm nhà cho đến khâu vào nhà mới.

2.1.Khâu chuẩn bị:
Việc dựng nhà đối với mỗi người là việc hết sức quan trọng, và là việc cần làm nhất để đảm bảo một nơi trú ngụ an toàn, để an tâm sản xuất. Để chuẩn bị cho việc dựng nhà này cần phải chuẩn bị trong thời gian dài, cho dù quy mô như thế nào thì cũng đảm bảo sự an toàn cho người trú ngụ trong nó.

Trước kia, để dựng được một ngôi nhà cần phải lên kế hoạch kĩ càng, về việc tích góp nguyên vật liệu, về huy động nhân công dựng nhà ( hàng xóm, người nhà góp công là chính ),…Trong đó việc tích góp nguyên vật liệu là quan trọng và tốn nhiều thời gian nhất quyết định đến việc dựng nhà. Nguồn nguyên liệu chính và dồi dào được cung cấp từ tự nhiên nơi họ sinh sống, các nguồn nguyên liệu này bao gồm: Gỗ, tre, đất sét, cát, đá, sỏi, rơm rạ, cói,…Các nguồn nguyên liệu này đều khai thác trong tự nhiên, thân thiện với môi trường.

Nhà truyền thống với kết cấu hệ khung gỗ chịu lực, nguyên liệu gỗ được khai thác trong rừng tự nhiên. Và việc khai thác nguyên liệu gỗ này cũng đòi hỏi những nghi lễ quan trọng gắn liền với nó.

Trước khi vào rừng khai thác gỗ, người nhà phải chọn được ngày tốt để khởi hành. Chủ nhà cùng các nhóm thợ gỗ sẽ đến vị trí đã định sẵn. Tại đó Chủ nhà sẽ đại diện nhóm thợ gỗ làm lễ trình báo với thần rừng, thần núi chủ yếu thông báo cho thần rừng/ núi biết về việc nhóm thợ xin chặt cây rừng về để dựng nhà cửa và cầu mong sẽ được an lành trong suốt quá trình khai thác gỗ trong rừng. Thường chủ nhà sẽ đi theo, hoặc giao cho một người mình tin tưởng để đảm nhận vai trò giám sát này, bởi có những kiêng kị nghiêm ngặt và tránh gây ảnh hưởng xấu nhất có thể xảy ra, nhất là việc khai thác gỗ xà nóc ( đòn dong )…

2.2.Khâu chọn đất, xem hướng nhà.
Khâu chọn đất, xem hướng nhà không kém phần quan trọng trong quá trình xây dựng một nơi để an cư. Nó quyết định đến phương thức canh tác và sức khoẻ của những ai định cư trên mảnh đất ấy. Với người Champa dựa trên thuật sau đây mà chọn đất dựng nhà.

" Cek mưraong Kronk barak" ( Núi đằng Nam, Sông đằng Bắc ).
            “Glaong di Pai bíer di Pur, Glaong di Dak biér di Ut” (Cao đằngTây, thấp đằng Đông, cao phía Nam, thấp phía Bắc).

Nhật bản và Champa tuy có chút khác biệt về địa hình và khí hậu, nhưng nhìn chung vẫn có nhiều điểm quan trọng như nhau trong khâu này thể hiện qua quan niệm dựa trên thuật “ Phong thuỷ “ để lựa chọn khu đất và chọn hướng đặt/dựng ngôi nhà ấy. Theo quan niệm, hướng Đông và hướng Nam là hai hướng lý tưởng cho ngôi nhà nhưng hướng nhà tốt nhất là theo hướng Đông - Nam bởi như vậy sẽ thuận lợi trong làm ăn và cuộc sống gia đình. Nhưng việc quan niệm hướng này tại mỗi vùng miền lại có những khác biệt, có nơi cho rằng làm nhà chính diện hướng Đông hay Nam sẽ không tốt, sẽ bị ma quỷ quấy phá, hoặc có ít nơi quan niệm hướng Bắc là hướng tôt. Nhưng nhìn chung quan niệm hướng Đông-Nam vẫn là hướng tốt nhất. Là hướng mang đến nhiều điều tốt lành cho gia chủ.
Đó là trong trường hợp tốt nhất để lựa chọn hướng cho ngôi nhà, tuy nhiên người ta cũng dựa theo vị trí, địa hình mà chọn ra hướng phù hợp cho ngôi nhà chứ không nhất thiết phải theo đúng hướng như trên. Ví như nhà cạnh núi hay sông và có vài trường hợp sẽ không tuân theo được như quan niệm trên, nhưng người ta sẽ chọn thế nhà dựa lưng và núi hay có mặt tiền trước ngôi nhà được thoáng đãng thì như vậy là tốt.

2.3.      Khâu Xây dựng và hoàn thành.
Là những cư dân phát triển trên nền tảng nông nghiệp là chính nên tất cả các nghi lễ dân gian đều liên quan đến các vị thần tự nhiên,…Và thế, nên trong khâu dựng nhà này như người Champa thì người Nhật Bản cũng làm lễ động thổ tại khuôn viên khu đất xây dựng, ngày để tiến hành nghi lễ động thổ thường được diễn ra vào những ngày tốt, nhằm trình báo cho thần đất biết về công việc xây dựng và mong cầu sự an lành đến trong quá trình dựng nhà và về sau.
Bố cục không gian tổng thể bao gồm căn nhà chính và những công trình phụ cạnh đó. Tuy nhiên do có sự khác nhau về diện tích mặt bằng khu đất mà bố cục không gian mặt bằng xây dựng của người Champa có phần đa dạng hơn như việc bố trí các không gian phụ ( nhà để nông cụ, chuồng gia súc, …)

Hệ kết cấu là khung gỗ chịu lực, với các cây cột gỗ chịu lực chính được khai thác trong rừng, thừa hưởng kĩ thuật ghép mộng và dùng dây rừng buộc chặt,…Lớp tường bao che làm bằng đất sét trộn rơm với cốt tre bên trong nhằm tăng tính liên kết bền chặt cho hệ tường. Các cột được đặt lên trên các đá tảng đã được gia công có tác dụng không làm các chân cột bị ẩm mốc mà mục nát chân cột, và theo đó hệ nền sàn được nâng lên cao khỏi mặt đất một khoảng 50cm thành hệ khung sàn lót ván  nhằm cách ẩm, và tạo thành dòng đối lưu thoát khí ngay phía dưới hệ sàn này, và tại không gian nền đất sét đầm chặt thì với kĩ thuật pha trộn đất sét và đầm chặt lại thì hệ nền sàn đất sét này có độ cứng cao, không thấm nước, có độ dày sau khi đầm chặt khoảng 35cm. Kết cấu 4 mái, khung vì kèo chịu lực chính, tấm lợp bằng rạ, cói,…

Tuy nhiên ở hệ mái này ta thấy có sự khác biệt do tính chất thời tiết khí hậu của hai nơi, với khí hậu của Nhật Bản chịu ảnh hưởng của mưa dầm và tuyết rơi, nên họ đã phát triển hệ mái dốc, cao nhằm thoát nước mưa nhanh và không động tuyết. Nên ta có thể thấy hệ mái này có chiều cao bằng cả hệ thân nhà, nhìn tổng thể như một khối hình tam giác nhô lên khỏi mặt đất,và với hệ tam giác này đã tạo cho khung hình kết cấu của ngôi nhà thêm phần vững chắc và cân bằng hơn. Còn với người Champa thì do đặc tính khí hậu khô nóng là chính, nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của sức gió mạnh vào mùa gió nên hệ mái có phần thấp và thoải hơn nhằm tăng tính ổn định hình học chịu lực cho tổng thể ngôi nhà. Và nhằm tối ưu thích nghi với điều kiện thời tiết mà người Champa đã tạo nên hệ hai lớp mái, với lớp mái dưới bằng đất sét, mái trên bằng cỏ tranh, rạ,…để cách nhiệt, đối lưu không khí mang đến cho ngôi nhà luôn đạt đến trạng thái nhiệt tốt nhất.

Về bố cục không gian bên trong ngôi nhà có phần khác nhau do sự khác biệt lớn về diện tích mặt bằng sinh hoạt nên cấu trúc mặt bằng của ngôi nhà Nhật Bản có mặt bằng tổ hợp với các không gian chia làm 3 phần chính như: Không gian đất nền, không gian lót gỗ, và không gian thờ tổ tiên, bởi bố cục tổ hợp như vậy nên hệ vách ngăn, cửa kéo của Nhật Bản có tính linh động phù hợp với không gian ấy. Còn với người Champa có bố cục không gian phân tán bao quanh khu đất xây dựng, bao gồm các công trình phụ riêng biệt, tách rời với ngôi nhà chính. Điểm khác biệt khác mà ngôi nhà Champa khác với nhà Nhật Bản đó chính là hệ tường lam gỗ có tác dụng cản bớt nắng gắt chiếu trực tiếp vào ngôi nhà, tạo một không gian đệm, tăng thêm tính thẩm mỹ và hài hoà với xung quanh…Trong không gian mặt bằng bên trong ngôi nhà ta thấy do sự khác biệt về tôn giáo tín ngưỡng nên bên trong không gian bên trong của Nhật bản có không gian thờ tổ tiên, thờ phật,…Còn với Champa thì không gian thờ tổ tiên ấy là ở các “ Kut “ của tộc họ. Tuy không gian bếp có sự khác nhau, nhưng vai trò của bếp lửa rất quan trọng, và được đặt tại nơi quan trọng, với những nguyên tắc, cấm kị đi kèm, bếp không chỉ là không gian nấu nướng bữa ăn cho gia đình mà còn mang ý nghĩa tâm linh quan trọng thể hiện qua việc thờ thần bếp, thần lửa.

Trong quá trình dựng ngôi nhà, với những kĩ thuật xây dựng, cấu trúc không gian ngôi nhà,…thì đi kèm xuyên suốt trong quá trình xây dựng ấy là những nghi lễ, nghi thức, cấm kị liên quan. Từ nghi lễ động thổ, dựng đòn dong, lợp mái, làm bếp mới,…và cuối cùng là lễ vào nhà mới. Trong các khâu ấy, khâu nào cũng hết sức quan trọng và chứa đựng những ý nghĩa riêng. Tuy hình thức tổ chức các nghi lễ có khác nhau nhưng mục đích vẫn là để nhằm xua đuổi những điều xấu, cầu mong mang lại điều tốt lành đến cho ngôi nhà,…

2.4.      Công Trình phụ.
Cả người Champa và Nhật Bản với kĩ thuật, văn minh văn hoá nông nghiệp là nồng cốt nên trong quá trình phát triển ấy đã sản sinh ra các ngành nghề truyền thống và xây dựng nên các công trình phụ đi kèm nhằm phục vụ công việc sản xuất ấy. Điển hình như: Lò sản xuất gạch, ngói, Lò rèn, Nhà kho chứa lương thực, Chuồng chăn nuôi gia súc, giếng nước trong khuôn viên nhà hay giếng nước công cộng, nhà nuôi tằm,…Nó góp phần tạo nên sự đa dạng trong cấu trúc không gian sinh hoạt sản xuất của cộng đồng chứa nhiều giá trị văn hoá đặc trưng vùng miền.

2.5.      Công Trình Công Cộng.
Để có thể gắn kết mối quan hệ cộng đồng, thông qua các nghi lễ truyền thống, không gian văn hoá tâm linh đã được hình thành như: Đền thờ, Kut, nghĩa địa, Nhà sinh hoạt cộng đồng,…
  
2.6.        Một Số Nghi Lễ, Phong Tục Điển Hình Trong Quá Trình Dựng Nhà.
Việc dựng nhà là hết sức quan trọng, đòi hỏi thời gian và công sức để chuẩn bị và các khâu xây dựng hết sức nghiêm ngặt chặt chẽ cùng với những nghi lễ, phong tục quan trong gắn liền xuyên suốt quá trình ấy như : Lễ động thổ, tẩy uế nguyên vật liệu xây dựng ( gỗ ), lễ cất mái ( đòn dong ), lễ dựng bếp mới,… lễ vào nhà mới.

-       Lễ Động Thổ ( Cúng thần Đất ): Đây là ngi lễ đầu tiên và bắt buộc cần phải thực hiện sau khi đã chọn ra được khuôn viên đất phù hợp cho việc dựng nhà. Việc chọn đất, xem hướng nhà đi kèm được dựa trên thuật Phong Thuỷ của tổ tiên. Quá trình thực hiện tuy có sự khác biệt, nhưng mục đích chính là để tẩy uế, tống khứ cái xấu ra khỏi khu đất, và nhằm thông báo cho thần đất, tổ tiên về việc dựng nhà trên khuôn viên đất này, cầu mong sự an lành trong quá trình xây dựng sắp tới và cả cuộc sống về sau.

-       Lễ Đặt Bếp Mới:  Nghi lễ nhằm mục đích cầu mong mang lại sự xung túc dầy đủ về của cải vật chất lẫn cầu mog con đàn cháu đống. Tuy nhiên giữa hai bên có sự khác biệt rõ rệt về quan niệm và hình thức thực hiện cuh thể như sau:

+ Với người Nhật Bản thì công việc này chủ nhà phải chuẩn bị tro cũ được lấy từ bếp của 7 hoặc 9 ngôi nhà hàng xóm bỏ vào bếp nhà mình rồi mới bắt đầu nhóm lửa. Công việc này bắt buộc người nam chủ gia đình hoặc con trai cả thực hiện. Trong nghi lễ này chủ nhà sẽ chuẩn bị một số lễ vật cúng, trong đó không thể thiếu món cháo đỗ, loại cháo để nấu dùng cho nghi thức cúng thần khi vào nhà mới. Bọn trẻ con được mời đến để ăn cháo ( chỉ ăn bằng đũa ) và dùng đôi đũa ăn cháo này phết lên trên bộ sinh thực khí được treo trên cột gỗ chính cạnh bếp lửa ngôi nhà. Việc này cũng nhắm mục đích cầu mong cho gia đình con đàn cháu đống.

            + Với người Champa thì công việc này bắt buộc người phụ nữ trong gia đình thực hiện nghi lễ, với việc chuẩn bị 3 hòn đá thiên nhiên có hình bầu dục đã được làm lễ tẩy uế và đặt vào vị trí đã định sẵn trong bếp, sau têm 4 miếng trầu hình tam giác, một miếng đặt giữa lòng bếp, ba miếng còn lại được đặt lên trên ba hòn đá bếp ấy và đặt các lễ vật cúng bao gồm : bình trà, trầu cau, ba đĩa lễ vật, đĩa xôi, chén chè. Nghi lễ được điều khiển bởi thầy cúng tâm linh. Sau đó người phụ nữ của gia đình làm động tác nhóm lửa đầu tiên bằng cách cho ít rơm , 3 cây củi đặt vào bếp, và 3 hòn than được xin từ 3 gia đình hàng xóm có cặp vợ chồng xung túc, con cháu đông đầy về và nhóm lửa. Khi lửa cháy, người phụ nữ ấy đặt cái trã ( tượng trưng cho tính âm ) lên bếp, rồi lấy cái xoong, nồi ( Tượng trưng cho tính dương ) lên trên. Nghi thức ấy thể hiện tính phồn thực theo quan niệm của người Champa.

Như ta thấy, tuy có sự khác nhau về cách thức thực hiện, về người thực hiện ( nam – nữ ), về quan niệm con số ( 9 - 3). Nhưng lại có cùng chung về quan niệm về giá trị ngọn lửa mới, về quan niệm phồn thực được thể hiện qua nghi thức đặt bếp mới này.

-       Lễ Cất Mái ( Đòn Dong ): Nghi lễ quan trọng được xem như cơ bản dựng xong một ngôi nhà. Với những nghi thức đi kèm, phong phú về cách thực hiện và cả đồ cúng lễ, với kiêng kị quan trọng nhất ảnh hưởng liên quan đến cây đòn dong như kị đóng đinh lên cây đòn dong, kị làm ô uế, dơ bẩn lên nó, và nhằm tránh những điều xấu nhất ảnh hưởng đến nghi lễ này thì việc thực hiện nghi lễ luôn phải chọn ngày lành tháng tốt để thực hiện, ngoài ra còn kị những người bị bệnh, hay có người nhà bị mất,…đi đến nơi đang thực hiện nghi lễ này. Nghi lễ thực hiện nhằm tống khứ cái xấu, cái ô uế ảnh hưởng đến ngôi nhà, và cầu mong điều lành đến cho gia chủ. Các lễ vật cúng phong phú, tuy nhiên không thể thiếu như rượu, gạo, muối.

-       Lễ Vào Nhà Mới: Sau thời gian xây dựng khó khăn vất vả có sự đóng góp công sức của nhiều người, và cả các thần linh đã phù trợ cho công việc xây cất được hoàn thành. Nên trước khi vào nhà mới, chủ nhà cần  thực hiện nghi lễ vào nhà mới để tạ ơn và thông báo cho việc dựng nhà đó được hoàn tất. Nghi lễ được diễn ra trong ngày lành tháng tốt, với những kiêng kị nhất định. Dù có sự khác biệt về tôn giáo giữa hai bên, nhưng nghi lễ nhằm mục đích tạ ơn các vị thần linh đã ban tặng nguyên vật liệu, phù trợ cho công việc xây cất được hoàn thành suôn sẻ, cầu mong ấm no, hạnh phúc, cây trái phát triển sinh sôi, con đàn cháu đống. Đó chính là quan niệm phồn thực mà cả hai dân tộc đã nuôi dưỡng sâu bên trong tiềm thức văn hoá của mỗi dân tộc.

3.    KẾT LUẬN:

3.1       Sự Biến Đổi:
Quá trình phát triển xã hội với những biến đổi rõ rệt về  đô thị hoá vô tình phá vỡ đi cấu trúc Làng-Nhà ở truyền thống. Mà nay cái truyền thống ấy chỉ được khắc hoạ rời rạc qua vài ghi chép, hay chỉ còn lại những mô hình nằm lạnh lẽo nơi bảo tàng. Sự biến đổi là hiển nhiên, qua nó cũng sinh ra cấu trúc Làng-Nhà ở mới. Nhưng làm sao để giữ được cái không gian văn hoá truyền thống ấy mới là điều quan trọng và cấp thiết nhất hiện nay.

3.2       Ý Nghĩa:
Việc dựng nhà có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta, và qua quá trình ấy, với những nghi lễ liên quan cũng cho ta thấy cách con người coi và tôn trọng các vị thần thiên nhiên đã mang lại cho họ những nguyên liệu cho việc dựng nhà, họ biết ơn và tôn trọng thiên nhiên.

Trong quá trình dựng nhà ấy cũng cho ta thấy cách mà con người chúng ta đối đãi với nhau thế nào để xây dựng mối quan hệ xóm giềng ( mấu chốt để xây  dựng một cộng đồng vững bền).

Nhờ những nghi lễ, quá trình dựng nhà mà đã nhắc cho họ biết về tầm quan trọng quả thiên nhiên, sự gắn kết hoà hợp giữa con người và tự nhiên một cách hài hoà cân bằng sẽ mang lại những điều lành cho cuộc sống.

Cái SÂN – Trong Tiềm Thức Văn Hoá Cộng Đồng Người Chăm

Cái SÂN – Trong Tim Thc Văn Hoá Cng Đng Người Chăm.
***********
Jaya Thiên  ( 2016/02 . Yamagata, Japan)


Hn nhng ai đã tng sinh ra và trưởng thành lên từ các làng quê nông thôn Việt Nam chắc hẳn sẽ không xa lạ và quên đi những kỉ niệm buồn vui, từ những buổi tiệc mừng cho đến những đám tang ma,…hay những buổi lò cò, bắn thun của thuở thiếu thời trước sân nhà. Và thế là cái sân ấy như chứa chấp, chứng kiến những đổi thay đang diễn ra quanh nó. Bấy nhiêu đó thôi cũng cho thấy vai trò, giá trị của cái sân trong đời sống sinh hoạt của người dân.
Bài viết này chỉ xin vắn khơi dậy những điểm thú vị xung quanh cái sân ấy trong cộng đồng người Chăm.

*** Sân - Hiu đơn giản là một khoảng đất trống, bằng phẳng thường ở ngay trước nhà như: Sân nhà, sân đình, sân kho,…Hay trên nó có đặt một số thiết bị phục vụ nhất định tuỳ theo chức năng sử dụng, như : Sân bóng, Sân Chơi trẻ em có xích đu,…

1. Về mặt Không gian kiến trúc:
Trong bố cục không gian kiến trúc trong khuôn viên ngôi nhà truyền thống của người Chăm thì cái sân được hình thành nên từ sự phân chia không gian ước định giữa các đơn vị nhà riêng rẽ tạo thành hình chữ nhật nằm trong trung tâm khuôn viên nhà. Cái Sân trở thành một không gian cộng cộng cho mọi sinh hoạt diễn ra tại khuôn viên nhà, cái Sân cũng là nút giao thong chính, lượng tần suất lưu thông qua lại giữa các đơn vị nhà với nhau được tập trung nhiều nhất qua không gian này. Ngoài ra Sân còn là không gian đối lưu giữa các luồng không khí vào các mùa trong năm.
Ở đó, nơi mà Trời – Đất – Người giao hoà với nhau.
Và theo dòng biến chuyển của thời gian, nhu cầu công năng và quá trình đô thị hoá thì cái sân nhà nay đã có những hình dạng khác nhưng vẫn giữ đúng vai trò căn bản của nó như là cái Sân bóng, Công viên, Giếng trời ( nhà phố ),…

2. Về mặt Sinh hoạt Đời sống:
Cái Sân được hình thành bởi sự vô tình hay cố ý thì nó không còn quan trọng, mà cái chúng ta thấy rõ nhất là việc cái Sân được trưng dụng nhằm phục vụ cho một số nhu cầu sinh hoạt đời sống cộng đồng. Cư dân Chăm xưa vốn dĩ được sinh ra là để chinh phục biển cả, nhưng cũng không kém rực rỡ để khẳng định khả năng làm chủ nền nông nghiệp. Và như thế sau mỗi mùa thu hoạch sản phẩm về thì lúc đó cái sân trở thành nơi tập kết, phơi phóng các sản phâm nông-ngư nghiệp như phơi lúa, bắp, cá tôm, hay được các bà mẹ Chăm dùng làm nơi phơi các cây lá thuốc nam truyền thống,…
Từ thế hệ lứa 8X của chúng tôi trở về trước chắc hẳn không ai là không thích ngồi trên chiếu mỏng được trải ngoài sân xi măng hay ngay cả trên sân đất trong những đêm trăng sáng để say xưa nghe Ông bà kể lại tích xưa của Chăm, và cứ thế dòng máu Chăm chúng tôi được thêm tô đậm hơn. Hay chỉ đơn giản để lũ trẻ chúng tôi nằm ngắm sao trời rồi tự mình vẽ nên những hình thù mang tính trừu tượng như Gấu, ngựa,...rồi thiếp ngủ trên cái sân đó lúc nào không hay.
Từ những nhu cầu sinh hoạt đời sống cộng đồng lớn hơn mà sinh ra cái Sân có quy mô rộng hơn nhằm đáp ứng nhu cầu và thuận tiện trong sinh hoạt mà trong cộng đồng làng  Chăm có thêm cái Sân phơi ( Thời kì Hợp Tác Xã ) hay cái sân Bóng,...Thường khu đất để làm những cái Sân chung như thế này được người dân trong làng góp lại, hay nó được hình thành do bởi quy ước chung của cộng đồng người dân trong khu làng ấy. Tại nơi đây, các hoạt động mang tính cộng đồng làng xã được diễn ra, điển hình như các hội hè, thể thao – văn nghệ hay việc tang ma,...

3. Biến Chuyển Theo Không gian và Thời Gian:
Dòng biến chuyển này xảy ra đồng thời cùng lúc với nhau. Từ cái Sân nhỏ nằm trong khuôn viên nhà ,chỉ nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình, rồi qua đòi hỏi nhu cầu sinh hoạt lớn hơn, mang tính kết nối tập thể lại với nhau mà sinh ra cái sân làng, sân phơi, hay sân bóng,...
Không chỉ có thế, với nhịp sống thay đổi đến chóng mặt, với quá trình đô thị hoá mà chúng ta đang chứng kiến tại các trung tâm thành phố lớn thì quỹ đất để cho mỗi gia đình dành riêng cho cái sân quả là khó khăn, cái sân dần dần bị thu hẹp lại và biến chuyển thành khoảng Sân Trong ngay giữa ngôi nhà điều hoà, lưu thông các luồng không khí và đón ít ánh nắng trời cho cái ngôi nhà nhỏ hẹp ấy. Với đòi hỏi về công năng sử dụng phù hợp cho từng mọi đối tượng sử dụng thì cái sân ấy cũng đã thành Sân thi đấu thể thao, Sân chơi dành cho trẻ em, Công viên,...Cho dù không gian chức năng có sự khác nhau nhưng cái Sân ấy vẫn nguyên giá trị ban đầu làm nhiệm vụ kết nối mối quan hệ cộng đồng lại với nhau một thêm lớn mạnh.

4.  Sự khác lạ :
Nếu chỉ nêu ra vài điểm kể trên thì cái Sân trong không gian văn hoá cộng đồng người Chăm hoá chăng chẳng khác gì so với những cộng đồng khác?
Không, nó khác. Với một cộng đồng với triết lý xem cuộc sống thực sự chỉ xảy ra sau chuyến hành trình dài ở thực tại, với biết bao lễ tục xuyên suốt các giai đoạn đời người từ lúc mới sinh đến khi nhập Kut, với quy mô, tính phức tạp của các nghi lễ, và tất cả những nghi lễ đó đều diễn ra trong khuôn viên nhà, mà cái Sân chính là trung tâm của các nghi lễ ấy. Với những lễ tục có tính quy mô lớn thì cái sân phải đủ rộng để cho các hoạt động được diễn ra thuận lợi nhất thì lúc này Sân banh cũng sẽ được trưng dụng và trở thành trung tâm của cả cộng đồng, điển hình với các Đám tang, lễ tục lớn của làng, hay lễ rước Y trang của vua,v/v...đều diễn ra tại đây, mà không có bất kì một lời phản đối nào, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày mặc nhiên tự nhường chỗ cho những buổi lễ đã thấm sâu vào mỗi người con trong cộng đồng Chăm chúng tôi.
Lúc này cái sân đã vượt ra cái giới hạn của chính nó để trở thành không gian kết nối cộng đồng, để cho mọi hiềm khích cá nhân có cơ hội được xoá đi thông qua những dịp lễ nghi cộng đồng này. Và tính kết nối cộng đồng càng được nâng cao thêm mà qua đó các giá trị truyền thống cha ông được bảo tồn.
Sân nhà của người Chăm luôn rộng, mà mục đích chính của nó là để làm không gian phục vụ các nghi lễ trong gia đình, dòng tộc. Cho dù khuôn viên khu đất có bị thu hẹp lại bởi các công trình phụ, hay số thành viên trong gia đình có tăng lên, thì cái khoảng sân ấy luôn cố gắng được giữ nguyên kích thước không gian đủ rộng nhất có thể.
Đặc điểm khi bạn đi vào các làng Chăm, để phân biệt được đâu là một khuôn viên nhà người Chăm so với Kinh,...( Có một số làng Chăm có người Kinh sống xen lẫn ) cho dù hình thái kiến trúc bên ngoài có biến đổi gần như giống nhau thì chỉ cần bạn để ý nhìn vào cái khoảng sân trước nhà nào mà rộng thì ắt hẳn đó là nhà của người Chăm. Đó cũng là điểm nhận dạng mà tôi cho là khá thú vị khi chỉ quan sát bên ngoài cộng đồng ấy.

5.  Kết:
Bạn thử nghĩ xem, cộng đồng Chăm nếu thiếu đi cái khoảng sân tưởng chừng không mang giá trị gì thì cộng đồng ấy sẽ mất đi rất nhiều cái nhân vân, đậm chất Chăm mà trong đó cái Sân là một mắt xích trung gian.
Cái Sân tưởng như vô hình nhưng lại chất chứa trong nó bao nỗi niềm, bao giá trị nhân văn, chứng kiến bao cuộc xum vầy và ra đi của biết bao thế hệ người Chăm chúng tôi.
Cái sân trong không gian truyền thống Chăm cũng là nơi mà tại đó  Trời - Đất- Người giao hoà nhau.
Trên đây chỉ xin nêu vài ý riêng góp phần làm thêm phần thú vị như góp thêm một hướng nhìn khác để chúng ta thêm yêu cái chất Chăm ấy.

***

NHÀ TRUYỀN THỐNG NGƯỜI CHĂM - ( Jaya Thiên )

NHÀ TRUYỀN THỐNG NGƯỜI CHĂM
BƯỚC ĐẦU TIẾP CẬN
Jaya Thiên


A / DẪN NHẬP:

            Với tốc độ phát triển - thay đổi chóng mặt của Xã hội, sự lên ngôi của thời đại công nghệ số đã dung nhập không biết bao nhiêu mặt có lợi, nhưng nó cũng dẫn đến tình trạng suy thoái hay " thất truyền " bởi sự dung nhập ồ ạt và thiếu nền tảng - giá trị truyền thống nếu ta không có ý thức gìn giữ.
Tình trạng chung đó đã - đang ngày càng đánh mất đi cái cốt lõi nền tảng văn hóa - đánh giá thấp giá trị truyền thống để đi đến sự sáng tạo mới trong thời đại mới. Sáng tạo đúng nghĩa chỉ dựa trên nồng cốt -nền tảng được chất lọc từ tinh hoa văn hóa của cha ông.
Hằng ngày có biết bao giá trị văn hóa cổ xưa đang mất dần. Và " Thuật phong thủy Chăm " hay " Nhà Truyền thống Người Chăm " cũng không thoát khỏi tình trạng chung đó.
            Với mong muốn khơi mở đặt câu hỏi tiếp cận tìm hiểu nhằm " khôi phục " hay chí ít có thể ứng dụng những nguyên lí nền tảng - giải pháp kiến trúc cho sự sáng tạo phù hợp với sự thay đổi của Xã hội thông qua việc mổ xẻ, tiếp cận với giá trị tinh hoa truyền thống cụ thể ở đây là " Khuôn viên nhà Truyền thống Người Chăm ".

B/ ĐẶC ĐIỂM CƯ TRÚ:
            Với đặc điểm khí hậu khắc nghiệt, nên Ông bà Chăm xưa đã có cách thích ứng, hòa hợp với điều kiện khắc nghiệt.Trong đó phải kể đến và quan trọng nhất đó là " Khuôn viên ở " của người Chăm. Với một bố cục không gian theo " Phong Thủy Chăm "  kết hợp giải pháp kiến trúc tối ưu với đặc điểm khí hậu địa phương.
Với một tiền đề và cũng là kim chỉ nam để hình thành nên một nét riêng/cá biệt cho lối tổ chức không gian ở của cư dân Chăm xưa là : " Môi trường ở sinh ra kiến trúc thích ứng ".
            Mối liên hệ nào giữa hai yếu tố Vũ trụ quan và nhân sinh quan trong khuôn viên nhà truyền thống người Chăm?
    Về đấng tạo hóa: Người Chăm với chế độ mẫu hệ luôn coi mẹ xứ sở Pô Inư Nưgar là đấng tạo hóa ra vũ trụ và sự sống của muôn loài (khác với kinh Vê đa, một tôn giáo phụ quyền, Brahma là thần sáng tạo tối cao). Và, với quan niệm lưỡng hợp âm - dương (yin - yang), bên cạnh thần mẹ xứ sở (âm) có thần Yang Pô, Yang Amư (thần trời, thần cha - dương) cũng được coi là đấng tạo hóa, Pô Păn là thần cai quản các thần, trông coi công việc thiên giới. Những đấng tạo hóa này sinh ra ba tầng vũ trụ: thiên - địa - nhân. Quan niệm về ba tầng vũ trụ của người Chăm rất rõ ràng, thể hiện nhiều ở trong bùa chú, trong các nghi lễ dân gian, nghi lễ tôn giáo và cả trong những lễ vật dâng cúng: 3 trái trứng, 3 miếng trầu têm, 3 chén rượu, 3 vạch vôi, hình tam giác 3 cạnh, 3 bếp, nằm lạy 3 lần, tang lễ 3 ngày v.v…

- Quan niệm âm - dương lưỡng hợp: thể hiện rõ trong đời sống tín ngưỡng người Chăm, thể hiện từ màu sắc sáng tối cho đến hình dạng của từng vật thể nhỏ nhất.

    - Về phương hướng: Người Chăm rất chú trọng về phương hướng và cũng tuân thủ quan niệm âm - dương. Người Chăm quan niệm hướng đông là hướng mặt trời mọc, là hướng của sự sống (dương), Và hướng Nam là hướng sinh. Vì vậy, gần như tất cả các tháp Chăm cũng như khuôn viên nhà cổ truyền đều có cổng hướng về phía đông, hoặc mở cửa về hướng  nam. Ngược lại, hướng tây là hướng “chết” (âm).

Như ta đã thấy, thông thường nhà truyền thống người Chăm có từ 3,5,7 đơn vị nhà ứng với quy mô và điều kiện cho phép. Những con số có liên hệ đến yếu tố Vũ trụ quan trong quan niệm của người Chăm.
            Con số 3 tượng trưng cho 3 cõi thiên - địa - nhân trong vũ trụ.
            Người Chăm quan niệm con số 5 là tượng trưng cho 5 vị thần linh trong cơ thể con người: 1 đầu, 2 vai và 2 chân. Có nhiều ý kiến cho rằng con số 5 của người Chăm có thể chịu ảnh hưởng quan niệm “ngũ hành, ngũ phương” của Trung Quốc. Có lẽ, quan niệm về con số 5, được người Chăm Ninh Thuận coi là con số của người Chăm Bàlamôn ít nhiều chịu ảnh hưởng của tư tưởng Bàlamôn? Trong “Tha áo nghĩa thư” có viết về Brahma: “Người là Phạn thiên, Nhân đà la, sinh chủ và tất thảy các thần, người là Địa - Thủy - Phong - Hỏa - Không . Đó là Ngũ đại; người là mọi nguyên tố hỗn hợp…” Ta cũng cần nói đến yếu tố sinh ra thuật ngữ phong thủy ngày nay, mà những tư liệu, hay những bài viết về nó vẫn còn là sự tranh cãi, mập mờ mà chưa thể đi vào một hệ thống, lập luận chung nào.
Trên trời có 5 tầng, con số 5 thuộc dương (trời thuộc dương), dưới đất có 2 tầng (con số 2 thuộc âm, đất thuộc âm).

Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái.
           

            Tương quan giữa tứ đại trong vũ trụ và trong con người:
            Đất, nước, không khí, lửa (Địa - Thủy - Phong - Hỏa)  trong vũ trụ tạo ra một tổng hợp gọi là môi trường thiên nhiên với các vùng đất và khí hậu hàn đới, vùng đất và khí hậu ôn đới, vùng đất và khí hậu nhiệt đới, vùng đất và khí hậu xích đới v.v… Nhưng cái môi trường địa lí thiên nhiên (physical geography) cũng tác động lên môi trường địa lí nhân văn (human geography) vì con người phải thích nghi với thiên nhiên để sinh tồn hoặc phải tranh đấu với thiên nhiên để sống còn (xây dựng hệ thống đê điều, đào kinh mương để thoát lũ).
Văn hoá y phục cũng tùy khí hậu: người ở quanh sa mạc Sahara thì bận áo quần rộng, có màu trắng để dễ thoát hơi, để mặt trời phản chiếu ra ngoài thay vì phải hấp thụ như áo màu đen; người vùng có nhiều mưa lũ thì phải trồng lúa vì lúa thích nghi với đất ngập; như vậy văn hoá y phục, văn hoá ẩm thực v.v… tóm lại địa lí văn hoá (cultural geography) cũng khác nhau. Ta có thể kể ra muôn vàn ví dụ như trên để chứng tỏ các mối tương quan giữa Địa - Thủy - Phong - Hỏa .
            Tuy phân thành từng yếu tố Địa - Thủy - Phong - Hỏa nhưng thật ra không có các ranh giới giữa 4 phạm trù trên. Chúng tương quan, tương nhập mà tinh thần Phật học gọi là “Tất cả là Một và Một là Tất cả”. Vạn vật đều cùng chung một bản thể mà tư tưởng Phật giáo gọi bằng nhiều tên khác nhau như Bản lai diện mục, Chân Như, Thực tánh Thực Tướng. Trái đất này là Một, là toàn thể (holism, do chữ whole).
Trái đất này là một hệ thống trong đó đại dương, khí quyển, khí hậu và vỏ trái dất được điều chỉnh lần nhau dể có sự sống: vũ trụ này là một thực thể sống động tương tác với những dòng chảy năng lượng luân lưu. 
            Vậy cái Không trong Ngũ đại của người Chăm có thể hiểu rằng đó là Một, là toàn thể, là Brahma theo sự ảnh hưởng của Bàlamon !.

C/ Làng truyền thống, những yếu tố hình thành và sự biến đổi:
            Dựa vào thuật Phong Thủy để lựa chọn, hình thành một kết cấu - tổ chức một ngôi làng cổ bền vững.
            Thuật phong thủy thường được áp dụng để chọn đất khi xây thành quách, lập đô thị. Trong đó, lựa chọn khu vực thích hợp để lập Palei luôn là vấn đề vô cùng quan trọng, nó liên quan đến sự thịnh vượng hay suy vong của thành phố trong tương lai, thậm chí liên quan đến tiền đồ và vận mệnh của đất nước, làng xã.
            Người Chăm có câu  " Cek mưraong Kraong barak" ( Núi đằng Nam, Sông đằng Bắc ). Đó là Thuật phong thủy người Chăm để chỉ cho cách chọn địa thế khi lập làng/ ấp. Ta có thể dẫn giải về sự tương đồng Thuật này với những dân tộc khác cụ thể là người Kinh. Người kinh có câu: " Núi sông phục chầu " .
            Sông bắt nguồn từ núi, sông đi liền với Sông Nước. Núi đi liền với cặp Núi rừng. Sông chở nước, mang tính Thủy, tính âm, miền xuôi, thực hiên chức năng sinh thành sự sống, duy trì sự sống. Núi mang tính dương, chỉ nơi trên cao, miền ngược, đèo dốc,...Cặp Sông-Núi tuyệt nhiên là cặp Âm-Dương, Cha-Mẹ. Có chức năng sinh sản, duy trì sự sống. Nơi nào có cặp Sông-Núi. thì nơi đó được xem như vùng địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra và nuôi dưỡng những bậc hiền tài.
            Sông đằng bắc - Núi đằng nam cũng tương ứng với hai cực từ trường: cực Âm phía bắc - cực Dương phía nam; Mẹ phía bắc - cha phía nam.
            Chọn các thế đất, cách chọn hướng, suy cho cùng sau khi loại bỏ những điều thần bí và mê tín thì cũng chọn địa điểm hợp với điều kiện địa hình, địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, vi khí hậu cho môi trường sống được thoả đáng, môi sinh trong lành làm cho con người có sức khỏe, tinh thần tốt mà lao động, sản xuất, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
            Đó là thuật phong thủy mà người xưa đã luận ra để tương ứng với việc chọn thế đất để lập Palei sao cho con người hòa hợp với tự nhiên, với môi sinh. Nhằm mang lại một môi sinh thuận lợi nhất.
            Về quy hoạch thì hầu như các Palei (làng/thôn) của Ninh Thuận được bố trí, quy hoạch theo hình chiếc lược. Bởi Ninh Thuận có địa hình hẹp về bề ngang. Lấy một trục chính làm chuẩn và rải rác các làng xã được bố trí bám theo trục chính đó (ở đây là trục giao thông quốc lộ 1A) với một trục giao thông nối giữa cụm Palei với trục chính đó.
            Hầu hết các Palei Chăm ở Ninh Thuận đều tọa trên mặt bằng cao ráo, bằng phẳng, bao bọc xung quanh là những cánh đồng, sông, hào. Với cách bố trí này tạo một lợi thế có thể phòng vệ với thú dữ (ngày xưa ), tránh ngập lụt, đón gió tốt hơn ở những vùng đất thấp. Cụm Palei bố trí trên bình diện hình chữ nhật hay tròn.
                                                Sơ đồ bố trí hình chiếc lược

            Người Chăm sống theo từng Palei, và theo từng nét sinh hoạt tôn giáo với nhau. Do chiến tranh và thời kì dồn dân lập ấp nên các Palei bị chia tách, không còn nguyên vẹn, nên có hiện tượng có các Palei bị phân bố rải rác và ít người Chăm sinh sống.
Mỗi Palei được hình thành trên một bình diện hình chữ nhật hay hình tròn. Bao gồm nhiều dòng tộc sống quây quần trong một không gian Apuh (rẫy) .
Mỗi palei có những trục đường chính lớn khoảng từ 10-16m theo trục Đông - Tây và Nam - Bắc.
             Các khuôn viên nhà ở được nối với nhau theo trục Bắc-Nam tạo thành từng dãy khuôn viên, và mỗi khuôn viên cách nhau một khoảng bằng 2 chiếc xe bò có thể đi ngược chiều nhau một cách thoải mái (6-8m). Và mỗi dãy khuôn viên cách nhau bằng một đường ngang đủ cho 2 người lớn có thể lưu thông dễ dàng (1,5-2m).
            Nên nhớ rằng xưa Chăm có một quy ước về phân chia giao thông giữa 2 dãy khuôn viên nhà liền kề với nhau là mỗi nhà tự chừa ra một phần đất của nhà mình khoảng 1-1,5m để làm đường giao thông nối giữa 2 khuôn viên nhà với nhau. (Một quy ước khá nhân văn nay vẫn còn dẫu bây giờ có nhiều biến đổi). Và mỗi khuôn viên nhà liền kề với nhau nếu không cần chừa lối giao thông nối thì lại sinh ra một quy ước tiếp nữa đó là : Phía bên hông trái 2 khuôn viên nhà liền kề với nhau được gia chủ đó tự xây - làm rào. Và cứ thế liên tếp phía bên hông phải của một khuôn viên sẽ được nhà liền kề khác xây - làm rào, được nối với nhau bằng giao thông ngang được gọi là Paga.
            Để hình thành một khuôn viên nhà truyền thống từ khâu chọn đất cho tới khi vào nhà mới, người  Chăm phải trải qua và tuân theo những quy tắc và lễ nghi theo quy trình tương ứng như sau:
            - Chọn đất làm nhà
            - Chọn thời gian xây cất nhà
            - Chuẩn bị nguyên vật liệu
            - Chọn hướng xây dựng
            - Lễ cúng đất ( thần đất )
            - Các nghi lễ trong quá trình dựng nhà: Lễ tẩy uế gỗ, Lễ động thổ ( đóng cọc ), Lễ dựng nhà, Lễ khánh thành nhà mới.
            - Lễ dựng ông Táo, đặt bếp.
            - Lễ dựng cửa ngõ

            Ngoài việc dựa vào thuật phong thủy để lựa chọn đất tốt, người Chăm còn có cách để thử/ biết đất đó là loại đất tốt/xấu, hay có bị người khác trấn yểm nhằm mục đích phá/ hại thế đất, gia chủ đó hay không bằng cách: Ông thầy lễ sẽ dùng ba chén cơm trắng vào một vị trí huyệt/long mạch của khu đất đó rồi làm lễ, sau 24h sẽ lấy 3 chén cơm đó ra và kiểm tra xem nếu chén cơm bị đen xám đi, nghĩa là đất xấu. Và cần phải làm lẽ cúng đất, tẩy uế.
....
            Người Chăm xưa quan niệm rằng cây to, rậm là nới trú ngụ của thần linh hay ma quỷ nên trong khuôn viên nhà thường không được trồng cây to trước nhà. Và không những chỉ có người Chăm mà người Kinh cũng có quan niệm về điều này. Vấn đề này có thể tìm và giải nghĩa theo một vài cách khác: Ở những vùng duyên hải miền trung, nơi thường xuyên xảy ra những cơn bão dữ thì việc trồng cây to trước nhà dễ bì bão đánh đổ và đè lên chính ngôi nhà của mình, gây thiệt hại tài sản, tính mạng nên việc hạn chế trồng cây to trước nhà có lẽ là hợp lí; Việc trồng cây to- rậm trước nhà còn mang lại tác hại có thể xảy đến do bởi những khí xấu bị ngưng tụ dưới nhứng tán lá rậm, hoặc ban đêm cây sẽ tiết ra khí/mùi hương xấu mà sẽ bị những luồng gió thổi chúng vào trong nhà,khi người hít phải có thể xảy ra hiện tượng trúng gió độc, hay lâu ngày sẽ gây ra các bệnh về đường hô hấp ; ...

I/ Những biến đổi của một ngôi nhà:
1. Biến đổi về khuôn viên:
            Tốc độ phát triển nhanh chóng, xã hội có nhiều bước chuyển biến đổi, dân số ngày một tăng nhanh khi kèm với nó là tài nguyên đất ở, đất canh tác ngày một thu hẹp. Khuôn viên truyền thống từ đó cũng dần bị thu hẹp, bởi những lí do chủ quan hay khách quan đó.
Số đơn vị nhà giảm đi từ 5-7 đơn vị nay còn 1-3 đơn vị là phổ biến.
Diện tích khuôn viên nhỏ dần ( do phát triển dân số - thiếu đất ). Các thế hệ trẻ nay đã tách ra khỏi khuôn viên đại gia đình để hình thành, tạo dựng cho mình một tiểu gia đình mới khi có điều kiện kinh tế.
Nếu so với trước đây, cả làng hay khuôn viên làng/ nhà truyền thống của người Chăm rất ít cây cối, cây to thì bây giờ điều đó đã không còn. Với trình độ phát triển khoa học kĩ thuật, tầm hiểu biết rộng mở đã làm cho người Chăm biết cách kết hợp, trồng, ứng dụng những phát triển đó để trồng những loại cây phù hợp cho khuôn viên cảnh quan gia đình hay cả làng. Nên bây giờ các làng Chăm có rất nhiều cây và sân vườn đẹp.

2. Biến đổi về các đơn vị nhà:
            Như đã nêu trên, vì quá trình phát triển nhanh chóng, dân số tăng nhanh,... mà khuôn viên nhà truyền thống chăm cũng thay đổi theo cho phù hợp với điều kiện hiện tại. Và theo đó mỗi đơn vị nhà cũng thay đổi theo so với khuôn viên truyền thống đó. Số đơn vị cũng ít đi, trước nay một khuôn viên truyền thống thường có từ 2-3 thế hệ cùng sống trong một khuông viên trong những đơn vị nhà riêng biệt, thì nay con số đã giảm và sống cùng chung một đơn vị nhà.
Sự khan hiếm về nguyên vật liệu truyền thống, đặc biệt là vật liệu gỗ và vật liệu mái lợp bằng cỏ tranh nên kết cấu truyền thống cũng thay đổi, thay vào đó là sự xuất hiện của những vật liệu hiện đại.
Các ngôi nhà sàn thấp truyền thống nay không còn, thay vào đó là các ngôi nhà trệt với nền đắp đất lát gạch nền, hay xi măng láng. Đa số những ngôi nhà truyền thống Chăm trước đây đều thấp, cửa ra vào hẹp,...không đảm bảo chiếu sáng, thông thoáng xuyên suốt nên không đáp ứng được nhu cầu hiện tại (đa số là lớp thế hệ trẻ sau này) và nguyên vật liệu mới. Nên dần dần thay vào đó là những ngôi nhà được xây mới khang trang, cao ráo rộng rãi hơn, phù hợp với vật liệu hiện đại và nhu - yêu cầu thẩm mỹ hiện đại.

II/ Cơ cấu của một khuôn viên nhà truyền thống Chăm:
1. Bố cục không gian của một khuôn viên nhà truyền thống Chăm:
            Khuôn viên nhà truyền thống Chăm là tập hợp bao gồm nhiều đơn vị nhà. Bao quanh là rào bằng cây thấp, tre, tagalau,...Tạo một không gian mở, kết nối với không gian bên ngoài bởi hàng rào, chỉ mang tính chất tượng trưng (cho ranh giới khu đất).
Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình thì sẽ có từ 1 đến 7 đơn vị khác nhau và được xây dựng theo từng giai đoạn phù hợp. Mỗi năm chỉ được dựng nhà một lần.
Trong đó ta thường thấy có từ 3,5,7 đơn vị nhà điển hình như : Sang Ye, sang Mayau, sang Ton, sang Gar/ sang Lâm, thang Ging, và 2 căn nhà phụ dùng để nông cụ, cối xay lúa,...

2. Bố cục - tên gọi và chức năng từng đơn vị nhà:

            Sang Ye (Nhà tục) : Là loại nhà mà hầu hết các lễ tục, cưới hỏi, cúng ông bà, cúng thần,..đều được thực hiện trong nhà này. Gia chủ ngôi nhà sinh hoạt trong gian này.
Khi con gái lấy chồng thì bố mẹ sẽ nhường lại căn này để đôi vợ chồng mới cưới ở, cứ thế lần lượt các con gái kế tiếp, đến con gái út sẽ ở trong căn này. Sang Ye được xem là căn khởi nguyên trong tổng thể khuôn viên nhà truyền thống Chăm, cùng với sang Ging.
            Có mặt bằng hình chữ nhật, sàn bằng tre đập dập buộc thành mảng bằng dây rừng (dây mây). Có 3 gian, 4 mái. Dựng ở hướng đông - bắc trong khuôn viên.  Cửa chính mở hướng Tây, cửa phụ mở hướng nam. Tượng trưng cho cái miệng, mở đối diện với cửa. Mặt tiền Sang Ging hướng tây, đòn dong đặt theo chiều đông - tây (gốc phía đông, ngọn phía tây)
            Sang Gar/sang lâm (nhà khách): Thường những nhà có người làm chức sắc, quyền quý có tiền (Acar hồi giáo hay Bani) làm nhà này. Là đơn vị nhà có kích thước lớn nhất, cầu kì và tốn công sức của cải nhất để làm.
            Sang Gar: Có mặt bằng hình chữ nhật, có 2 gian, 4 mái. Dựng theo hướng Bắc - nam, liền kề và vuông góc với sang Ye. Mặt tiền hướng tây, đòn dong đặt theo chiều bắc - nam (ngọn phía bắc, gốc phía nam). Có 3 cửa ra vào, trong đó có 1 cửa hướng tây, 1 cửa hướng đông và 1 cửa hướng nam (đặt lệch về góc phía đông). Đặc biệt cửa hướng đông và  tây của sang Gar với cửa sang Ye nằm trên cùng một đường thẳng. Có thêm 2 cửa sổ.
            Sang Lâm: Có mặt bằng hình chữ nhật, đặt trung tâm khuôn viên. Dựng theo chiều Đông - Tây. Mặt tiền hướng nam, tiếp giáp liền kề với sang Ye. Đòn dong đặt theo chiều đông - tây (gốc phía đông, ngọn phía tây). Có 2 cửa chính mở về hướng nam và có thêm 1 cửa sổ. Đặc biệt thang Lâm là loại nhà sàn thấp, 2 lớp mái. Hàng hiên có những chấn song dựng đứng hình vuông, được đặt ngiêng. Mang giá trị thẩm mĩ cao và hiệu quả về chắn nắng, lấy sáng và thông gió.
            Sang Mayau (nhà bên, nhà song) hay có thể gọi là nhà phụ. Thường sau khi con gái lấy chồng thì cha mẹ sẽ cất lên cho đôi vợ chồng, và kể từ đó đôi vợ chồng và các con cái của đôi vợ chồng này chuyển sang ở và có thể tự lập bếp ăn riêng. Sang Mayau  là nhà sàn thấp, có kết cấu bằng gỗ, mái lợp tranh hay ngói, tường trình (đất) hay gỗ. Nền nhà được tôn cao bằng nền nhà Sang Ye, cửa ra vào được làm song song và mở cùng hướng với Sang Ye.
            Mặt bằng hình chữ nhật. Có 2 gian, 2 chái, 4 mái, hiên nhà phía trước. Phía ngoài hiên người ta cũng đặt song gỗ vuông dựng đứng đặt nghiêng cạnh như Sang Lâm. Có 2 cửa chính và 2 cửa sổ. Có 1 cửa chính mở về hướng tây, nhưng không được mở đối diện với cửa sang Ton, cửa phụ mở về hướng nam. Đòn dong đặt theo hướng đông - tây, song song với đòn dong sang Ye, có gốc hướng tây, ngọn hướng đông.
            Sang Ging (Nhà bếp) Tùy tình hình kinh tế và điều kiện mà người ta sẽ dựng riêng một căn nhà bếp để phục vụ nấu nướng. Sang Ging thường được dựng bên hông Sang Ton và nằm về phía Tây - Bắc của bố cục khuôn viên nhà truyền thống Chăm, mở cửa hướng đông hay Nam.
            Có mặt bằng hình chữ nhật, 4 mái, 2 gian, 3 bộ vì kèo. Đặt ở vị trí tây - bắc của khuôn viên. Hiên trước có sàn làm bằng tre đập dập, bện từng mảng bằng dây rừng. Sàn bên trong phủ thêm đất sét trên bề mặt khoảng 0,35 - 0,4m. Mặt tiền quay về hướng đông. Có một cửa chính mở về hướng đông và đối diện với cửa Sang Gar, Sang Ye tạo thành một đường thẳng. Đòn dong đặt theo chiều bắc - nam, gốc phía nam, ngọn phía bắc.
            Sang Ton (nhà kho, chứa lúa) Ngày xưa, người Chăm hay Raglai thường để nông sản (bắp, lúa, hoa màu,...) trong một cái chòi tranh nơi nương rẫy hay ngoài đồng. Về sau tình hình có phần thay đổi nên người ta dựng một căn Sang Ton để chứa lúa gạo, mắm muối ngay trong khuôn viên nhà ở.
            Mặt bằng hình chữ nhật. Có 3 gian, 4 mái. Nằm ở phía tây khuôn viên. Là nhà có nền cao nhất trong tất cả các đơn vị nhà còn lại. Có 1 cửa chính mở hướng đông, 3 cửa sổ. Cửa chính không được mở đối diện với thang Mayau, tạo thành thế xung khắc, đấu khẩu với nhau. Đòn dong đặt theo hướng bắc - nam, gốc phía bắc và ngọn phía nam.
            Hai căn nhà phụ. Tùy theo nhu cầu mà gia chủ sẽ dựng thêm căn nhà phụ này nhằm mục đích chứa nông cụ và để xây xát lúa gạo, nông phẩm. Hai căn này được dựng về phía Nam khuôn viên, ngay cạnh cổng ra vào để tiên đặt nông cụ,...Hai căn nhìn đối diên nhau.
            Song hiện nay mô hình bố cục của một khuôn viên nhà truyền thống Chăm đã không còn như xưa, thường chỉ còn lại khoảng 1 đến 3 đơn vị nhà và có sự thay đổi về mục đích chức năng. Điển hình như : sang Mayau, sang Ton, sang Ging. Với sang Ton không làm chức năng là nhà chứa nông sản như nhà truyền thống xưa nữa mà thay vào đó thành không gian nhà khách, nhà cho người trong gia đình chưa lập gia đình ở,...
            Các đơn vị nhà bố trí chặt chẽ, lấy Sân làm trung tâm. Nơi giao nhau giữa các máng xối của 3 đơn vị nhà (sang Ye, sang Gar, sang Mayau) tạo thành một điểm thoát nước mưa xuống mặt sân, tại đó được xác định là điểm hỏa của khuôn viên đất.

II/ Ngôi nhà truyền thống - Các yếu tố kĩ thuật - Giải pháp kiến trúc:
1. Các yếu tố kĩ thuật:
1.1. Kết cấu khung nhà:

            Kết cấu khung gỗ chịu lực Vì Cột, gồm các hệ thống chân cột được kê lên tảng đá xanh hay chôn dưới nền đất, đòn dong trên cùng được gác trên đầu 3 cột chính (vì 3 cột), 2 đòn tay, 2 xà ngang được gác trên hệ thống 6 cột phụ, các đà kêt nối các chân cột lại với nhau bằng  cách buộc dây mây, lắp mộng,... tạo thành tổng thể một hệ thống khung kết cấu gỗ vững chắc, chịu lực chính cho toàn bộ ngôi nhà.
            Sau này có một bước chuyển tiếp, thay đổi trong hệ thống khung gỗ chịu lực bằng cách sử dụng hệ kết cấu vì kèo. Song sang Lâm là trường hợp ngoại lệ, vẫn giữ nguyên hệ kết cấu vì cột như trước đây.
           
                                   
1.2. Kết cấu sàn:
            Kết cấu sàn nhà truyền thống của người Chăm là loại sàn lửng, thường cao hơn mặt đất một khoảng 0,5m. Tùy theo điều kiện kinh tế gia đình và từng thể loại đơn vị nhà cụ thể mà họ lựa chọn cho mình cách làm sàn cho phù hợp, có thể lát bằng sàn tre, sàn gỗ, hay sàn đắp đất sét.
Để làm sàn, trước tiên ta đặt các thanh gỗ ngang lên trên các hệ trên đà chân tường . Nếu sàn làm bằng gỗ thì những miếng gỗ này sẽ đặt lên trên hệ thanh gỗ ngang này, còn nếu làm sàn bằng tre thì sẽ đặt thêm thanh gỗ dọc để nẹp/ chặn lại sàn tre cho khỏi bị bung. Tre khi chặt về được uốn cho thẳng, sau đó cưa ra cho đúng/ phù hợp với kích thước sàn nhà rồi bổ đôi ra đập dập kết lại bằng dây rừng tạo thành từng mảng đặt trên thanh gỗ ngang chân tường.


                                                Sàn lửng - tre đập dập


1.3. Kết cấu Nóc - Mái:
            Hệ mái khung kết cấu vì kèo hay vì cột có quá giang, Các thanh đà ngang liên kết các bộ vì kèo hay vì cột đó tạo thành hệ khung kết cấu. Trên hệ vì cột ta bố trí các thanh rui, mè tạo thành mặt phẳng lợp mái.
Mái nhà truyền thống Chăm thường làm bằng những tấm lợp bằng cỏ Tranh, rạ,..bện chặt bằng dây rừng  thành từng mảng, sau đó lợp lên mái theo quy tắc từ dưới lên trên, lớp trên đặt trên lớp dưới cách nhau khoảng 15-20cm tùy theo độ dày mà chủ nhà mong muốn, lợp từ trước ra sau lên đến đỉnh nóc rồi vòng ra sau. Trên đỉnh thì gối lại, giằng bằng thanh tre hay cây rừng để tránh bị gió thổi tóc đỉnh mái.








            Hai lớp mái

1.4. Kết cấu tường ngăn:
            Hầu hết tường của nhà truyền thống người Chăm là loại tường đất sét trộn rơm, trát lên trên hệ khung xương bằng tre.
Trước khi trát đất, người ta làm hệ khung xương trước. Trên xà chân tường người ta đục các lỗ nhỏ cách đều nhau một khoảng 15cm-20cm, rồi dựng thẳng đứng các cọc bằng cây mằng tăng, có tác dụng giữ cố định không làm xê dịch hệ khung xương của tường. Các thanh ngang bằng tre chẻ đôi (cột trĩ) đặt vuông góc 2 phía với các cọc dựng đứng và buộc chặt lại từ trên xuống, cách nhau khoảng 10-15cm tạo thành các ô khung có kích thước 10-15cm x 15-20cm. Tạo thành hệ khung kết cấu lõi tường chắc chắn.
Để trộn chất liệu đất sét + rơm, Người ta đào một hố có kích thước khoảng  3x2x0.5m (d x r x c). Sau đó cho đất sét, rơm, đổ nước vào hố và dùng chân đạp/ trộn nhuyễn hỗn hợp đất sét đó lên. Công đoạn này đòi hỏi sức khỏe và tốn nhiều công sức nên thường có 2-3 người cùng đạp/ trộn đất sét với nhau.
Khi trát đất sét lên khung trĩ kết cấu của tường thì người ta đắp từ dưới lên trên, đắp đều về cả hai phía và cùng lúc. Luôn luôn đắp ở phía góc tường trước để định vị và cố định kết cấu tường vách đất.


                                                Cấu tạo tường


2. Quy cách và kích thước trong xây dựng:
            2.1. Quy trình - các bước xây dựng:
Để xây dựng ngôi nhà truyền thống. Người Chăm tuân thủ theo các trình tự như sau:
- Chọn được khu đất xây dựng là điều quan trọng nhất, phải vận dụng thuật phong thủy để chọn được vị trí khu đất phù hợp. Kế đến là chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu xây dựng. Nhất là vật liệu gỗ.
Khuôn viên được rào lại bằng tre, lồ ô, cây tagalau (bằng lăng), xương rồng,...

Gỗ được khai thác trong rừng, thường sử dụng nhân công địa phương để đi tìm và khai thác đầy đủ số gỗ cần thiết. Quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian và tốn nhiều công sức, với những quy định, kiêng kị khắt khe trong quá trình khai thác gỗ, nhất là loại gỗ dùng làm Sang Ye . Phải có một thợ cả (thợ Mộc) am hiểu về vật liệu gỗ, kích thước, những nguyên tắc, kiêng kị trong vấn đề khai thác gỗ.
Song song đó người ta chuẩn bị vật liệu lợp ngói. Cỏ tranh, lau lạch, rạ,...được cắt đem về phơi khô sau đó được bện chặt lại thành từng mảng bằng dây rừng.
Chọn ngày và hướng xây dựng trên khu đất được chọn trước đó. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu cần thiết rồi tiến hành xây dựng. Người ta dùng sợi dây căng chéo bốn góc khu đất để xác định điểm giao nhau giữa hai đường chéo, đó là điểm đại hỏa. Tiến hành đóng cọc định vị cố định các điểm góc và ranh giới khu đất xây dựng. Ngôi nhà không được nằm trên điểm đại hỏa đã xác định từ trước, mà nằm lệch về một phía khu đất. Bắt đầu bằng việc xây đơn vị nhà đầu tiên là thang Dơ và những đơn vị kế tiếp theo thứ tự và điều kiện phù hợp.
Xác định kích thước ngôi nhà rồi dựng các cọc của bộ khung nhà bằng khung vì kèo hay vì cột có quá giang lên trên tảng đá hay chân cột được chôn dưới đất (đối với sang Yevà sang ging ).
Lắp đặt hệ thống sàn thấp bằng tre hoặc gỗ hay sàn đắp đất (tùy theo loại nhà),làm hệ khung kết cấu tường rồi trát hỗn hợp đất sét lên. Hệ thống kết cấu mái là công đoạn cuối cùng trong khi dựng một ngôi nhà, nếu là hệ hai lớp mái thì làm mái dưới trước rồi lợp mái trên bằng vật liệu lợp mái như tranh, lau lạch,...
Sân đất được san bằng phẳng, rải cát cho sạch.
Cổng ngõ trong truyền thống Chăm hết sức quan trọng, không bởi ở tính chất giao thông cho khuôn viên gia đình và còn ở tính chất tâm linh văn hóa truyền thống của Chăm.

            2.2. Các loại kích thước sử dụng trong xây dựng:
Tỉ lệ kích thước mỗi bộ phận cơ thể con người được sử dụng hầu hết trong mọi kích thước vật dụng, sinh hoạt liên quan đến con người, đặc biệt là trong lĩnh vực kiến trúc. Cũng như những dân tộc khác trên thế giới, người Chăm từ lâu đã sinh ra cho mình một quy ước, nguyên tắc phân chia kích thước quy định riêng cho mình. Từ những đơn vị tương ứng với mỗi bộ phận cơ thể người như: đốt ngón tay, gang tay, bàn tay, cánh tay, khuỷu tay, sải tay, sải bước chân, chiều cao cơ thể,...Người chăm đã ứng dụng đơn vị kích thước đó vào kích thước xây dựng một ngôi nhà.
Người Chăm xưa nay vẫn dùng gang tay làm kích thước đo hầu như cho mọi vật, và dùng gang tay để làm chuẩn đơn vị đo. Hiện nay mặc dù đã có thước (đơn vị đó là mét) để thay thế, nhưng người chăm vẫn còn thói quen dùng gang tay để làm đơn vị đo của họ.
Gang tay cũng được coi là một tỉ lệ chuẩn trên cơ thể người. Ví dụ đo từ đỉnh đầu tới gót chân bằng tám gang tay hay dang hai tay thẳng ngang vai và đo từ cánh tay này sang cánh tay bên kia cũng đủ tám gang tay. Có thể thấy rằng Chăm từ xưa đã biết và sử dụng gang tay làm kích thước chuẩn và đúng tỉ lệ để làm đơn vị đo riêng của mình.
Tùy vào thể loại (làm nhà, dựng rạp, đền đài, bếp,...) và chức năng mà có những đơn vị kích thước quy định khác nhau. Và luôn tạo ra số lẻ để đo kích thước bộ phận của một ngôi nhà, với quan niệm số lẻ là số dương.
Sau đây là tên gọi và kích thước chuẩn mà người Chăm hay sử dụng:
            - Hal (Khuỷu tay) : Được tính từ cùi chỏ đến đầu các ngón tay dài khoảng 0,5m.
            - Kagam (Gang tay ): Một kagam dài khoảng 0,20m.
            - Plah : Kích thước tính theo chiều ngang của bàn tay, dài khoảng 0,08m.
            - Ing gien : Kích thước tính từ ngón tay cái đến đầu ngón trỏ, dài khoảng 0,15m.
            -Thul : Là đơn vị nhỏ nhất, chiều ngang ngón tay cái.
            - Tuk kacei : Đốt ngón tay cái. ( 1 tuk kacei = 2 thul ).
            - Cambo : Được tính từ đầu ngón tay trỏ đến gốc ngón cái, dài khoảng 0,10m.
            - Bara : Tính từ khớp xương vai đến đầu ngón tay giữa, dài khoảng 0,80m.
            - Ahal : Tính từ cùi trỏ tay này đến cùi trỏ tay kia, dài khoảng 1m.
            - Tapa : Là chiều dài của sải tay, dài khoảng 1,5m.
            - Yam : Là chiều dài của một bước chân, dài khoảng 1m.

3. Các giải pháp kiến trúc:
            Chọn hướng xây dựng ngôi nhà là một việc làm quan trọng, việc làm trước tiên của người dân Việt Nam khi xây dựng ngôi nhà ở. Như chúng ta đã biết khí hậu nước ta mùa hè ẩm ướt có gió mát thổi từ biển vào (gió nam, đông nam), mùa đông khô có gió lạnh từ lục địa (gió bắc, đông bắc). Để đón được gió mát của mùa hè và tránh được gió rét của mùa đông, nhà ở nhân dân ta thường chọn quay về hướng Nam hay Đông - Nam. Mặt khác nhà quay về hướng này sẽ tránh được cái nắng tây xiên khoai bất lợi và chịu được gió bão lớn. Các công trình phụ hầu như được ẩn mình trong các vòm cây xanh của khu vườn, như cố tình nhờ sự che chở, đùm bọc của cây lá để chống chọi với gió bão, đồng thời tranh thủ tận hưởng luồng gió mát và bầu không khí trong lành từ những lùm cây này. Chọn hướng nhà tốt không những có ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn thể hiện được tính khoa học trong kinh nghiệm chống nóng bức, làm mát ngôi nhà, cải thiện điều kiện vi khí hậu, tạo được môi trường cư trú thích nghi, góp phần tiết kiệm sử dụng năng lượng.
            Bố cục của khuôn viên nhà truyền thống người Chăm gồm những đơn vị nhà, mang những chức năng riêng biệt. Được bố trí phân tán, xoay quanh một cái sân là trung tâm. Trong đó ta thấy gồm các đơn vị nhà sau đây:
                        -Sang Ye là loại nhà ngang thường là nhà một trệt nằm trên trục Đông-Tây, mở cửa hướng Nam đón gió mát. Sang Gar còn có tác dụng che chắn bớt làn gió Bấc lạnh thổi từ hướng Bắc, Đông Bắc.
                        - Sang Mayau là một loại nhà ngang được bố trí dọc theo trục Đông - Tây, mở cửa song song cùng hướng với Sang Ye, nền cao bằng Sang Ye, cho phép nắng ấm buổi sáng chiếu vào toàn bộ khuôn viên, thường thấp hơn Sang Ton, để không cản bớt nắng tốt buổi sáng chiếu vào. Đón gió mát từ hướng Nam.
                        - Sang Ton là loại nhà ngang được bố trí dọc theo hướng Bắc Nam, mở cửa hướng Đông, thường cao hơn Sang Mayau. Có hiệu quả tốt trong việc che chắn bớt nắng chiều hướng tây cho cả khuôn viên, mở cửa đón nắng sáng tốt hướng Đông.
                        - Một loạt những công trình phụ, hòa nhập và nằm xen kẻ, kế bên hông những loại nhà Ngang, lớn. Chúng hài hòa vào tổng thể bố cục khuôn viên có tác dụng tạo thành những dòng đối lưu không khí, cản bớt, nhận được sự che chở của những nhà ngang kia.
            Bố cục khuôn viên nhà truyền thống người Chăm mang những nét đặc sắc riêng, đậm nét làng quê Việt Nam. Là một quần thể bao gồm những đơn vị nhà được sắp xếp, bố cục phân tán vây quanh và lấy sân làm trung tâm, tạo nên một không gian đệm. Cách bố cục này kết hợp sân vườn, giếng nước, công trình phụ,...trong khuôn viên nhà truyền thống người Chăm đều hài hòa với cảnh quan thiên nhiên đã tạo nên được một bố cục tương đối hoàn chỉnh, cân bằng và ổn định.
            Đặc biệt là cái Sân, có nhiều tác dụng rõ rệt. Với người Chăm có cái sân rộng lớn hết sức quan trọng, bởi nó là nơi diễn ra mọi hoạt động lao động sinh hoạt. Nơi tổ chức đám cưới, hội họp, ma chay, phơi phóng,...Và cũng là nơi lưu thông, tạo ra những luồng gió đối lưu.
Cái sân phơi đa chức năng nằm ở trung tâm khuôn viên, vì đó không những là nơi diễn ra các sinh hoạt chủ yếu của một gia đình mà còn làm nhiệm vụ điều hòa, cải tạo điều kiện vi khí hậu địa phương, góp phần tích cực phục hồi sức khỏe cho người dân sau một ngày lao động vất vả.
            Tương phản với bề mặt sân được nung nóng và khoảng đất trống, vườn cây góp phần tạo dòng khí mát đối lưu hai chiều trong những ngày hè nóng nực.
            Từ những kinh nghiệm này, Ông cha ta đã áp dụng vào trong những giải pháp cho những ngôi nhà ống nơi phố cổ và được các nhà quy hoạch ngày nay đã đưa nó vào khuôn viên công viên, chung cư, nhà phố,...tạo thành dòng đối lưu cân bằng âm, dương góp phần nâng cao tiện nghi sống cho người dân đô thị hôm nay cũng như giúp họ sử dụng năng lượng hiêu quả.
Một bố cục cân đối, tổng thể hoàn chỉnh, bao gồm nhiều đơn vị nhà có chức năng và nhiệm vụ riêng biệt, liên hệ mật thiết với nhau. Phản ánh một tổ chức lối sống cộng đồng văn minh, mà hiếm thấy ở những dân tộc khác.
3. Nhà truyền thống Chăm và những tiêu chí Kiến trúc xanh:
                        3.1. Về Vật liệu:
            Gỗ, tre, tranh, ngói gạch, đá, đất sét trộn rơm. Là những vật liệu truyền thống có sẵn tại địa phương, dễ tìm và thân thiện với môi trường.
Nó giảm thiểu được vấn nạn "Nóng toàn cầu", "Hiệu ứng nhà kính".
Có chỉ số phát thải CO2 hấp nhất trong tất cả vật liệu xây dựng thông thường như hiên nay: gạch, xi măng, sắt thép,...
                        3.2. Về Kết Cấu:
Nhà truyền thống người Chăm có hệ kết cấu khung gỗ chịu lực. Các cột gỗ đều được đặt trên những phiến đá, nhằm chống mối mọt gây ảnh hưởng tới chân cột gỗ.
Kết cấu bao che tường bao bằng gỗ ghép mộng, đất sét nhào rơm, khung nứa.
Kết cấu 2 lớp mái, hệ vì kèo khung gỗ chịu lực, liên kết mộng, không đóng đinh.
                        3.3. Yếu tố Vật lí kiến trúc:
            Khuôn viên nhà truyền thống người chăm có bố cục cân bằng với tự nhiên. Tạo một khoảng sân trong rộng ngay chính giữa khuôn viên.
Sân trong giải quyết điều hòa dòng lưu thông khí quyển cân bằng cho toàn bộ khuôn viên nhà.
             Nước ta có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là ở khu vực Miền Trung. Trong đó Ninh thuận là nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực và cả nước. Hằng ngày phải chịu một lượng bức xạ mặt trời lớn nhất và độ ẩm cao. Chính vì thế mà người Chăm đã hình thành nên một kinh nghiệm riêng trong việc sử dụng vật liệu, cấu trúc tường mái một cách hiệu quả nhất. Bằng cách sử dụng loại tường mỏng, vách đan bằng tre, nứa, gỗ, hay đất sét trộn rơm trát lên khung tre. Với cấu tạo loại tường này thì vào buổi trưa thường bị bức xạ mặt trời xâm nhập dễ dàng, nhưng lúc chiều nó lại tạo điều kiện cho khí nóng thoát ra khỏi nhà một cách nhanh chóng, làm cho ngôi nhà chóng mát hơn.
            Để giải quyết và bổ trợ cho loại tường mỏng bằng đất sét trát vữa trên khung tre, người Chăm đã biết cách tạo không gian đệm bằng hàng hiên và một hệ thống lam che linh động có thể tháo rời để tán xạ bớt bức xạ trực tiếp của mặt trời tác động lên hệ thống tường bao. Và cũng là một nét tạo hình mặt tiền đặc trưng riêng, mà ngày nay ta có thể thấy được áp dụng cho những ngôi nhà hiện đại cho giải pháp chắn nắng hướng tây.
            Sàn cách mặt đất từ 30-50cm. Tạo một khoảng hở với mặt đất nhằm cách ẩm với mặt đất, lợi dụng luồn gió đối lưu tự nhiên để thổi, thoát khí nóng, ẩm phản xạ từ mặt đất dưới sàn nhà lên.
            Hệ 2 lớp mái. Với lớp mái trên được lợp bằng tranh hay ngói. Lớp mái dưới làm bằng đất sét trộn rơm bện trên khung tre tạo thành một lớp mái dày khoảng 15-30cm.  Là loại vật liệu địa phương, thân thiện với môi trường. Loại vật liệu này có ưu điểm là thoát khí nhanh vào buổi chiều (do thời gian hấp thụ ánh nắng mặt trời trong ngày). Với hai lớp mái cách nhau tạo thành một lớp đệm không khí làm giảm lượng nhiệt bức xạ của mặt trời tác động vào trong nhà qua lớp mái. Đồng thời tận dụng dòng đối lưu hông khí để thải, thổi bay lương nhiệt nóng bên trong khoảng không giữa hai lớp mái.
           
III/ Những yếu tố liên quan đến một ngôi nhà truyền thống Chăm:
1. Các phong tục tập quán liên quan đến qua trình xây dựng một ngôi nhà
            - Chọn đất làm nhà
            - Chuẩn bị nguyên vật liệu
            - Chọn hướng xây cất
            - Chọn thời gian xây cất
            - Các nghi lễ liên quan trong thời gian xây dựng
            - Lễ dựng ông táo
            - Lễ dựng ngõ ( cổng chính )
            - Lễ đào giếng

2. Ý nghĩa từng tháng trong năm theo lịch Chăm và thời gian xây cất nhà.
            Theo lịch Chăm, từ mùng 1 đến 15 thuộc các ngày thượng tuần trăng, từ 16 đến 30 thuộc các ngày hạ tuần trăng. Người Chăm chọn các ngày 2, 6, 10, 12 của hạ tuần trăng, và trong các ngày trong tuần, chọn ngày thứ hai, thứ tư, thứ bảy và chủ nhật là các ngày có thể dựng nhà. Tuy nhiên người Chăm hay chọn ngày thứ tư là nhiều, ngày giữa tuần, ngày Thổ, làm nhà ở thì mát mẻ, sinh nhiều con cái.
            Tháng 1: Là tháng khởi nguồn đầu năm, dành riêng cho việc lễ cúng trừ ôn ở nhà làng, sau đó là lễ cúng cầu an cho các gia đình, dòng họ.
            Tháng 2: Làm lễ cúng trời đất ở ngã ba sông, lễ cúng khai mương máng. Cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
            Tháng 3: Liên quan đến nông nghiệp, gieo trồng, thu hoạch, ấm no hạnh phúc. Thích hợp cho việc dựng nhà, cưới xin, đầu tư sản xuất.
            Tháng 4: Là tháng Hao tài, tốn của, tháng liên quan đến tang ma. Không thích hợp cho làm nhà, cưới xin, xuất hành đi xa.
            Tháng 5: Tháng Hao tài, tôn của. Không làm nhà, đám cưới.
            Tháng 6: Tiểu hỉ, làm đám hỏi, đám cưới. Nếu làm nhà thì làm sau ngày 15 trở đi.
            Tháng 7: Đại hao, làm lễ cầu an các vị thần tại các đền, tháp. Không làm nhà, đám cưới.
            Tháng 8: Đại hỉ, làm nhà, cưới hỏi.
            Tháng 9: Tháng xấu. Không làm nhà, cưới hỏi.
            Tháng 10: Đại lộc, thu hoạch hoa màu. Làm lễ cúng bái cầu an ở nhà làng, nhà, dòng họ. Làm nhà, cưới hỏi từ ngày 15 trở ra.
            Tháng 11: Đại hỉ, làm tất cả công việc đều tốt. Từ ngày 15 trở ra làm lễ đám cưới, dựng nhà.
            Tháng 12: Tháng Đại hỏa. Không làm các lễ cúng, tối kị đám cưới, làm và dựng nhà.
Như vậy theo lịch Chăm ( Sakawi ) ta thấy những tháng thích hợp cho việc dựng làm nhà vào các tháng 3, 6, 8, 10, 11. Các tháng còn lại thì kiêng kị, không phù hợp.
           
D/ Kết luận:
1. Nhận xét:
Nhà Chăm - còn đó những trăn trở:
Ở nhiều nơi như Ninh Thuận, Bình Thuận và nhiều tỉnh thành khác có người Chăm sinh sống thì thấy rằng hiện nay những khuôn viên/ ngôi nhà Chăm truyền thống đã hầu như không còn. Nếu còn thì chỉ còn 1 - 2 đơn vị nhà truyền thống, nhưng đã không còn vẻ nguyên vẹn của kiến trúc truyền thống xưa. Mà thay vào đó là những căn nhà Trệt biến thể của căn nhà truyền thống xưa kia, mang dáng vẻ của những ngôi nhà hiện đại từ nguyên vật liệu xây cất đến cấu trúc của nó.
Khuông viên truyền thống Chăm xưa với cấu trúc năm hay bảy ngôi nhà vây quanh nhau, trung tâm là một sân trong với các tên gọi: Sang ging (nhà bếp); Sang Ye (nhà tục – nơi tổ chức nghi lễ ); Sang lâm/Sang gar (nhà làm khi con gái lớn lấy chồng); sang mayau (nhà làm khi con gái thứ 2 lấy chồng); sang ton (nhà bố mẹ, người già hoặc người có chức sắc ở), và 2 nhà phụ để dụng cụ sản xuất...


Ngôi nhà Chăm truyền thống tại Bảo tàng Dân tộc học

Dù sống trong những ngôi nhà khác xa so với ngày xưa nhưng người Chăm hiện nay vẫn giữ được một số nét văn hóa truyền thống của mình. Chẳng hạn trong ngày cưới, cô dâu chú rể vẫn trải chiếu 2 lớp nằm trên sàn nhà, còn sau đó lại nằm giường như người Kinh. Hay một số kiêng kị trong văn hóa vẫn được lưu giữ ở địa phương như sinh ra ở ngôi nhà nào thì chết tại ngôi nhà đó hoặc khi vào nhà người Chăm kiêng không huýt gió, không chắp tay phía sau, không đứng ngó nghiêng bên ngoài mà phải đi thẳng vào nhà...

Khuôn viên/ ngôi nhà Chăm truyền thống chính là những di vật của thời đại cần được bảo tồn, gìn giữ. Bởi những giá trị văn hóa, lịch sử khác biệt và tính ứng dụng, thích ứng với khí hậu địa phương. Một bước tiến mới để nghiên cứu và ứng dụng những giải pháp tối ưu của giá trị kiến trúc truyền thống địa phương cho thiết kế giải pháp ứng dụng cho vật liệu hiện đại cho kiến trúc hiện tại và tương lai.

2. Kiến nghị, đề xuất:
 Khôi phục bảo tồn và ứng dụng giải pháp kiến trúc cho kiến trúc hiện đại.
Khi tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, kiến trúc nông thôn, truyền thống biến đổi nhanh chóng trở thành nơi tập trung đông dân cư, khó có thể xác định dâu là thị tứ, thị trấn hay nông thôn. Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng quá trình đô thị hóa, kiến trúc hiện đại với sự tiện lợi của nó đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn với những trang thiết bị hiện đại.
Tuy nhiên để không phá vỡ, đánh mất giá trị truyền thống, nét văn hóa dân tộc mà cha ông đã để lại thì đòi hỏi mỗi cá nhân, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học chuyên môn cùng bắt tay vào việc nghiên cứu và ứng dụng cái tinh hoa của cha ông để phục vụ cho thế hệ mai sau là điều hết sức cần thiết. Tạo một thế cân bằng giữa con người và tự nhiên. Việc tôn trọng tự nhiên cũng chính là không phá vỡ thế cân bằng tiểu vũ trụ trong chính bản thân mình.

Tài liệu tham khảo:

1. Dữ liệu kiến trúc sư - Neufert

2. Làng truyền thống Việt Nam.

3. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam - Số 11/6 : Làng truyền thống Bắc Bộ.

4. Nghi lễ Vòng đời của người Chăm Ahier ở ninh Thuận - Nxb. Văn hoá Dân tộc - Ts. Phan Quốc Anh.

5. Kiến trúc Nhiệt đới ẩm - Nxb. Xây dựng - PGs. Ts. Hoàng huy Thắng.

6. Hơi thở Nhiệt đới - Nxb. Văn hoá văn nghệ - KTS. Nguyễn Văn Tất.

7. Văn Hoá kiến trúc - Nxb. Tri Thức - Hoàng Đạo Kính.

8. Văn hoá Chăm - Nxb. Khoa học xã hội - Phan xuân Biên và các tác giả.

9. Kiến trúc sinh khí hậu - Nxb. Xây dựng - PGs.Ts. Phạm Đức Nguyên.

10. Nhà ở cổ truyền : Tập I, Tập II - Nguyễn khắc Tụng.

11. Văn hoá làng truyền thống Người Chăm tỉnh Ninh Thuận - Nxb. Dân trí Hà Nội - Sử Văn Ngọc.

12. Tháp cổ Chăm Pa - Nxb. Văn hoá thông tin, Hà nội - Ngô Văn Doanh.

13. Dân tộc Chăm lược sử, Hiệp hội Chăm Hồi giáo Sài gòn - Dorohiem, Dohamide.

14. Nguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc - biểu tượng và ngôn ngữ - Hội Dân tộc học việt nam - Tạ Đức.

15. Lễ hội của người Chăm - Nxb. Văn hoá Dân tộc, Hà nội - Sakaya.

16. Kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam - Nxb. Mỹ thuật, Hà nội - Chu quang Trú.

17. Văn hoá Chăm, những yếu tố bản địa và bản địa hoá - Tạp chí Dân tộc học - Phan Xuân Biên.