Pics

Pics

2022/01/22

Cây Dương Xỉ (Dryopteris/Fern)

 Cây Dương Xỉ (Dryopteris/Fern)

Cây Dương Xỉ (đực) Dryopteris filix-mas/ Male fern.
Dương xỉ là loài cây mọc nhiều ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi ven suối, bìa rừng , hay những cánh đồng có độ ẩm thấp,...tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh chóng, có nhiều tác dụng, thanh lọc không khí, làm sạch nguồn nước, giải độc tốc asen trong đất,...trong đó cần kể đến khả năng dược tính chữa giun sán được nhắc đến trong nền văn minh cổ xưa.
Trong các nền văn hoá, hình ảnh của Dương xỉ đã được sử dụng làm hoa văn trang trí, điêu khắc,...Trong kiến trúc cổ Champa, điêu khắc trang trí mang hình dạng mô phỏng Dương xỉ trở nên thông dụng, ở trên bờ tường, bệ thờ, vòm,...
Hình ảnh xoắn (Spiral) từ đọt chồi non chính là ý tưởng liên hệ đến vòng xoắn sinh tạo, mô tả nguồn gốc của vũ trụ.
Sự sinh trưởng phát triển nhanh chóng của nó trên mặt đất này chính là ý niệm liên hệ đến nữ thần mẹ, nữ thần của dòng sông thiêng.
Hình ảnh xoắn của nó thường được sử dụng trong điêu khắc Makara (vật cưỡi của nữ thần mẹ, nữ thần dòng sông thiêng), Garuda,...
Hình ảnh xoắn được áp dụng đa dạng trong kiến trúc-điêu khắc Champa cổ, và có nhiều tên gọi tuỳ vào đối tượng đồ án trang trí. Và, vì cũng thường được gắn vào vị trí đuôi (đuôi nóc mái, đuôi makara, garuda,...), dạng tua xoắn nên thường được gọi: bruei hambar (tua xoắn), iku hambar (đuôi xoắn), iku pabung (đuôi mái), haraik hambar (tua dây leo, thường được điêu khắc trên tường tháp),...
Với những hình ảnh (xoắn, spiral) chứa đựng những ý niệm văn hoá, đặc tính tự nhiên và dược tính (chữa giun sán) mà hình ảnh của cây đã được sử dụng trong điêu khắc, văn hoá cổ xưa. Mang ý nghĩa của sự sinh trưởng-phát triển trù phú.





Cây Điệp (Caesalpinia pulcherrima) - Bangu Hapang

 Cây Điệp (Caesalpinia pulcherrima)

Bangu Hapang
Bangu Yang
Cây Điệp (đỏ-vàng), là loại cây thông dụng còn được gọi là cây Kim Phụng.
Người Cham gọi là Phun Hapang (phun Pang), trong văn hoá, hoa của chúng (bangu Pang/bangu Yang) được dùng để dâng cúng thần linh trong các nghi lễ cộng đồng, chúng đại diện cho sự trù phú của tình yêu-hạnh phúc, của sự sinh sôi phát triển của xã hội đậm tính mẫu sinh nở trù phú trên mặt đất này.
Cây có sắc hoa vàng hoặc đỏ thông dụng và đại diện cho tính phối ngẫu Đực-Cái (Đỏ-Vàng), hình ảnh thuộc tính liên đới với loài chim Công/chim Thiên đường đỏ, chim biểu thuộc Mặt Trời.
Cây có nhiều công dụng dược tính cao, chứa nhiều: Tanins, Gums, Resin, axit benzoic,..
P/s: Khi mặt đất này mất đi sự cân bằng, nhiều độc tố, hãy phủ đầy lên đó những sắc vàng-đỏ bằng cây Hapang.




Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV-bản đồ số XI


Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV-bản đồ số XI

Nam giới sơn (南 界山)

Trong tờ bản đồ số XI (địa phận tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) của Dumoutier “Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV”, có chép về dãy núi Nam giới sơn (南 界山) ở huyện Thiên Lộc (207, 天禄 縣), Nam giới Sơn này chính là mốc ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Dãy núi này được người Việt gọi là Bộc Bố, tức như dải lụa dài. Nơi thường làm mốc chia ranh giới giữa hai nước.

Dãy núi này kéo dài từ tây-bắc đến đông-nam đến sát biển, nằm phía nam cửa Hội Thống (223, 會統 門), tức cửa Hẹn, và phía bắc của cửa Luật (224, 律門), nhưng thực ra đây chính là cửa Sót/Suốt (224, 率門).

Khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh là đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích nhiều nhân tài, có thể đến như Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế), là khu vực xảy ra những trận chiến mang tính điểm mốc lịch sử.




Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV-bản đồ số XXI

Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV-bản đồ số XXI

Tại bản đồ số XXI (địa phận tỉnh Bình Định ngày nay), trong cuốn “Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV” của Dumoutier, cho chúng ta một vài thông tin hiện trạng về Đồ Bàn thành, sau khi vua Lê vào khu vực Vijaya này.

Trong ghi chép của Dumoutier, ông mô tả phế tích (575, Đồ Bàn thành - 闍槃城 ) nằm cạnh bờ sông Phú Đa, thành có dạng hình vuông, có 4 cửa, mỗi cạnh khoảng 3 li. Bên trong thành là những phế tích của đền, tháp. Chú thích bên trong thành có (573, Tháp Con Gái - 㙮𡥵𡛔), có lẽ đây là phế tích của tháp Cánh Tiên. Và (574, Thập nhị tòa - 十二 座) là tòa tháp 12 tầng còn nguyên vẹn, sau này chúng ta không còn biết về tòa tháp 12 tầng trong thành Đồ Bàn này.
Phía bắc, ngoại thành là một (572, Cây cờ - 核旗), là một dạng Kỳ Đài để báo hiệu.
Như vậy, với ghi chép này cho chúng ta biết sự xuất hiện của một thể loại kiến trúc "Bảo tháp 12 tầng" trong quy hoạch kiến trúc nội thành của Vijaya (Champa).




Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV - bản đồ số XIX

Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV - bản đồ số XIX

Trong cuốn “Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV” của Dumoutier. Tại bản đồ số XIX (địa phận tỉnh Quảng Ngãi ngày nay, cho chúng ta một vài thông tin thú vị sau đây.

Về các dãy núi phía tây tỉnh Quảng Ngãi vốn là các mỏ khoáng vật (kim loại) như mỏ quặng vàng, hay mỏ quặng sắt. Các quặng khoáng vật này bị rửa trôi theo các dòng sông xuống hạ lưu, đây là lí do mà các đồng bằng hạ lưu của Quảng Ngãi chứa nhiều khoáng vật (kim loại) này lẫn trong đất, sét. Các lò gạch xưa, vì thế, trong thành phần gạch xưa luôn có hàm lượng khoáng kim loại nhất định. Cũng vì lợi thế này đã hình thành nên các lò rèn sắt (539, 爐鉄舘 - Lò Sắt Quán) hay (527, 金山, Kim Sơn), các địa danh được chú tròng tập bản đồ trên.
Về mặt phía đông, vùng biển thuộc tỉnh Quảng Ngãi, có một bãi cát nổi, rộng lớn được biết với tên (550, 𡌣葛鐄 - Bãi Cát Vàng), tức quần đảo San Hô (Hoàng Sa), nơi có nhiều bãi san hô và rùa biển. Trong bãi cát vàng này có một địa danh (550, 油藹山 - Du Ái Sơn), ngọn núi đá này còn biết với tên Du Trường Sơn (油塲山), tại đây người "Nam Việt" ngày xưa đã hình thành một trung tâm sản xuất Dầu. Quần đảo này còn có tên gọi là đảo Đại Chiêm (quần đảo của Chiêm thành).



Từ [Chandan] cho đến Đền-Tháp Chiên-Đàn, hay làng Chiên-Đàn.

 Từ [Chandan] cho đến Đền-Tháp Chiên-Đàn, hay làng Chiên-Đàn.

Địa danh Chiên-Đàn được dùng để gọi tên cho một nhóm gồm 3 kalan chính, nhóm tháp thuộc phong cách thờ 3 vị thần tối cao (Brahma-Vishnu-Shiva) riêng biệt tương ứng với 3 kalan khác nhau, được bố trí theo trục bắc-nam. Nhóm Tháp Chiên-Đàn ở làng Chiên Đàn, được cho xây dựng từ khoảng cuối tkX đến tkXI.
Người Việt khi đến xứ này, gọi với tên Nôm 旜𡊨 (Chiên/Chan-Đàn) vừa để đặt tên cho làng Chiên-Đàn và Đền-Tháp cùng tên. Đền-tháp toạ lạc nơi trung tâm đồng bằng Tam-kỳ (Chiên-Đàn), ăn theo con nước sông Tam Kỳ từ nguồn Chiên-Đàn ở dãy núi phía tây, cửa ngõ lối vào từ hướng đông từ biển ở hai cửa mà, trong tập bản đồ của Dumoutier (Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV) với cái tên Đại Chiêm Môn 大占門 ở phía bắc và Hoà Hợp Môn 和合門, Tụng Đàn môn 誦𡊨門 ở phía nam, mặc dù nhóm đền-tháp Chiên-Đàn chia hai cửa ngõ từ biển vào gần như bằng nhau, nhưng, dựa vào thế địa hình không gian, thì cửa ngõ phía Nam (Hoà Hợp Môn 和合門) có vẻ là lối vào chủ đạo cho không gian đồng bằng với nhóm đền tháp Chiên-Đàn này.
Nguồn gốc tên gọi này xuất phát từ gốc tiếng Cham, để chỉ cho một loại cây Thần, được gọi là Chandan/Chandral, tiếng Việt gọi là Cây Đàn Hương. Đây là cây gỗ quý cho hương thơm, mọc nhiều và nổi tiếng ở cánh rừng ven biển Chiên-Đàn này, được người Champa xưa dùng làm tinh dầu đàn hương và ưa chuộng dùng tạc các bức tượng thờ thần, đồng thời cũng là nguồn hàng xuất khẩu được các nước ưa chuộng thời bấy giờ.
Cây [Chandan] thể hiện thuộc tính của Thần Vishnu, hay có thể nói rằng xứ sở này được xem là xứ sở của thần Vishnu, mà hoá thân thứ 7 của thần chính là thần khỉ Rama, liên hệ trực tiếp đến cánh rừng (Đàn Hương) đầy hương thơm trong gió biển, tô điểm cho vẻ đẹp của ngọn tháp Chandan hay ngọn núi Prasravana án ngữ mặt tây xứ sở. Các điêu khắc hiện diện ở chân tháp Chiên-Đàn này cũng mô tả những thuộc tính của Vishnu với những hình ảnh được mô phỏng trong điển tích Ramayana.
Chandan/Chandral có gốc tên tiếng Phạn là Chandana, ngày nay được biết với cái tên thông dụng là Sandalwood.
[Chandan] được phiên âm thành 旜𡊨 (Chiên/Chan-Đàn) và cũng là nguồn gốc tên gọi để chỉ cho nhóm đền-tháp Chiên-Đàn và ngôi làng cổ xưa Chiên-Đàn.
P/s: Hiện nay, có một số bài viết được phổ biến để nói về nguồn gốc tên gọi đền tháp Chiên-Đàn này có gốc từ tiếng Cham (có gốc từ tiếng Phạn) là Chandan để chỉ cho cây Lô-Hội? Có vẻ cây Lô-Hội hay còn gọi là Cây Nha-Đam? Hay cái tên Lô-Hội này còn tên gọi khác để chỉ cho cây Đàn-Hương trong tiếng Việt?