Pics

Pics

2020/05/26

Từ [Mbaok Chuai Pandarang], [Cek Dil], [Cek Saralang] cho đến [Mũi Dinh]

Từ [Mbaok Chuai Pandarang], [Cek Dil], [Cek Saralang] cho đến [Mũi Dinh]

***

Trong bài kì trước: Từ [Dil] cho đến [Sơn Hải], mình đã cùng chỉ ra nguồn gốc địa danh [Dil] nơi sau này trở thành nền móng lập làng [Sơn Hải], và [Dil] /d̪il/ có nghĩa là Vịnh và đọc như Tìn[g], Đìn[g] trong tiếng Việt.
Liên quan đến địa danh [Dil] hay [Sơn Hải] này còn có một địa danh nổi tiếng khác, đó là địa danh [Mũi Dinh] mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu dưới đây.
[Mũi Dinh] là một địa danh thuộc thôn Sơn Hải, Phước Dinh, Ninh Thuận. Nơi mà khoảng 1886-1891 ngọn hải đăng [Mũi Dinh] được xem là cổ và đẹp nhất miền trung được người pháp dựng lên tại vùng đất này. Liên quan đến tính hiểm trở, hay địa thế trọng yếu trên tuyến đường biển vào nam đi ngang qua địa danh này và được nhiều tài liệu hay giai thoại còn ghi chép và nhắc lại như:
“ Mũi Nạy bảy bị còn ba/ Mũi Dinh chín bị, không tha bị nào” để chỉ cho độ hiểm trở địa thế, dòng hải lưu tại nơi đây đặc biệt vào mùa gió đông-bắc có thể làm tổn hại đến các loại tàu thuyền đi ngang qua.

Hay như trong cuốn “Xứ Đông Dương” của Paul Doumer (tại trg 365, nxb Thế giới): "Mũi Dinh là một trong những điểm đặc biệt trên con đường từ Bắc Kỳ tới Nam Kỳ… Vào mùa đông khi có gió mùa đông bắc, người ta có thể gặp ngay trước Mũi Dinh những dòng chảy mạnh đến mức tàu hơi nước trọng tải nhỏ và tốc độ thấp không thể vượt qua. Tình huống đó thường xảy ra với các pháo hạm của các Hạm đội Đông Dương, các tàu bánh guồng như Alouette hay Benagali, hay các tàu chân vịt như Comère, Vipère hay Aspic”.

Vậy [Mũi Dinh] là tên địa danh có nguồn gốc từ đâu?

    - [Mũi Dinh] vốn là một mũi/đảo núi đá nhô ra xa về phía biển, trong miền kí ức của người Cham (Champa), địa danh [Mũi Dinh] vốn được gọi theo tục danh là [Mbaok Chuai Pandarang], [Cek Dil], hay [Cek Saralang] và đều chỉ cho núi đá Mũi Dinh này.

Với:     - [Mbaok Chuai Pandarang] có nghĩa là Mũi [đất] Phan Rang. Sự xuất hiện tên gọi này chúng ta có thể hiểu rằng, trong địa hình toàn xứ Pandarang (Phan Rang) có một Mũi đất nhô ra phía mặt biển được gọi là [Mbaok Chuai Pandarang] và là tên đại diện chung cho toàn xứ Pandarang này.

           - [Cek Dil] có nghĩa là Núi Dil (với Dil có nghĩa là Vịnh). Là tên gọi tục danh của cư dân Cham trong vùng để chỉ cho một ngọn núi đá nhô ra biển, mà ở nơi đó có một vịnh nhỏ [Dil] là nơi cho tàu thuyền tránh gió.
            - [Cek Saralang] có nghĩa là Núi Xà Cừ. Cũng là một tên gọi tục danh để chỉ cho ngọn núi đá này, nơi có mặt nước biển trong xanh ánh lên màu xà cừ bởi ánh nắng mặt trời.

Như kể trên ta có loạt tên tục danh để chỉ cho cùng một địa danh [Mũi Dinh], nhưng đâu là tiếng từ có khả năng là nguồn gốc từ cho địa danh này. Ta cùng xét thêm vài dữ kiện sau,
Trong sách Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC), [Mũi Dinh] được sách ghi lại có tên gọi là Diên Chuỷ, với Chuỷ có nghĩa là mõm, múi (đất, đá) nhô ra, còn Diên là một từ kí âm tên gốc địa phương.
Còn trong Annam đại quốc hoạ đồ (1838) [Mũi Dinh] được ghi chép là [Mũi din] (hình đính kèm)
Còn theo học giả Étienne Aymonier trong Notes sur l’Annam I le Bình Thuận (Annam ký sự : tỉnh Bình Thuận) ông có ghi chép về địa danh này như sau: “Ce massif a du(*) être une ile(*) jadis, ainsi que celui du cap Padaran. Ce dernier massif appelé Chek Chebang “les monts fourchus” par les Tjames, est en effet bifurqué. Sa pointe sud- est est le Chek Dil des Tjames, le Mũi Dinh des Annamites, le cap Padaran des Européens”

Dựa vào câu trên của ông thì có thể thấy địa danh [Mũi Dinh] có ba cách gọi tại thời điểm đó là Chek Dil theo cách gọi người Cham (Tjames), Mũi Dinh theo cách gọi người An Nam, và Mũi Pandaran theo cách gọi của người Âu châu.

Vậy, [Mũi Dinh] rõ là cách gọi theo người Việt (Annam) còn đến ngày nay, hay như [Diên Chuỷ] chính là [Mũi Dinh] trong ĐNNTC có nhắc đến, với [Diên]/[Din]/[Dinh] là tên phiên âm theo tiếng địa phương [Dil] có nghĩa là Vịnh mà thành, và Vụng Dinh/Vũng Diên là một vùng Vịnh (bến cảng) làm nơi tàu thuyền neo đậu là gốc từ dùng để gọi cho mũi núi đá nhô ra biển theo cách gọi tục danh địa phương mà ra.
[Dil] /d̪il/ -> Diên/Din/Dinh trong tiếng Việt, có nghĩa là Vịnh.
Đến đây chúng ta có thể hiểu được rằng, địa danh [Mũi Dinh] tuy có ba cách gọi tuỳ theo ngữ cảnh không gian nhưng cũng chỉ để gọi cho một địa danh duy nhất mà nơi đó có [Dil] trong tiếng Cham có nghĩa là Vịnh “nước” mà thành.





Hải Đăng Mũi Dinh